Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TIN THÊM VỀ CHIẾC QUÁCH CỔ CHO LÀ CỦA TRẠNG TRÌNH NGUYỄN BỈNH KHIÊM

PGS.TS. Nguyễn Lân Cường
Thứ bẩy ngày 18 tháng 2 năm 2017 7:34 AM




 

Chiều 15 tháng 2 năm 2017, Đoàn nghiên cứu hỗn hợp giữa Viện Nghiên cứu và Ứng dụng Tiềm năng Con người do Thiếu tướng PGS.TS. Ngô Tiến Quý- Viện trưởng, Trưởng đoàn, Hội Khảo cổ học Việt Nam do PGS.TS. Nguyễn Lân Cường – Tổng Thư ký Hội, Phó đoàn và nhóm Nghiên cứu ở Vĩnh Bảo đã về Bảo tàng Hải Phòng để lắp ghép lại chiếc quách gỗ cổ.

Như tin đã đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng, ngày mùng 8 tháng 3 âm năm 2014, người ta đã tìm thấy một quách gỗ trong vườn nhà cô Bùi Thị Hiền ở thôn Hạ Đồng, xã Cộng Hiền, huyện Vĩnh Bảo Hải Phòng. Từ năm 2012 đến 2014 nhà ngoại cảm Bùi Thị Hiền đã tìm được khoảng 600 hài cốt liệt sĩ. Bộ xương trong quách đã được cô Hiền đưa vào tiểu và mai táng tại nghĩa trang của xã. Ngay từ lúc đó, hai nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm và Phan Thị Bích Hằng đã khẳng định đây là quách chứa hài cốt của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ngày 7 tháng 1 năm 2017, các cán bộ của hai cơ quan trên phối hợp với Bảo tàng Hải Phòng cùng Đài Truyền hình VTV2 đã nghiên cứu chiếc quách cổ. Theo lời một vài nhà ngoại cảm, trong quách cổ có cất giấu một chiếc thẻ tre, nhưng trước khi tìm thẻ phải ngâm cả quách vào nước mưa trong ba ngày. Tôi và họa sĩ Đào Ngọc Hân theo sự hướng dẫn bằng điện thoại di động của nhà ngoại cảm Trần Lệ Giang (lúc đó đang điều trị tại Bệnh viện Phụ sản ở Hà Nội). Nhà ngoại cảm cho biết phải vớt quách ra, cạo lớp sơn ta ở đầu tấm ván địa mới tìm thấy chiếc thẻ. Sau gần 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới tìm được chiếc thẻ tre dài 26,5cm, nằm chìm trong một rãnh sâu 1,3cm, trên thẻ có khắc chữ. Ngay lúc đó nhà thư pháp Lê Thiên Lý (Hải Phòng) đã đọc được chữ Đạt (tên húy của cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm), qua tấm ảnh chụp của tôi được phóng to. Sau đó chiếc thẻ đươc đưa về Hà Nội, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định là có chữ, nhưng rất khó đọc vì nhiều chữ mất nét, lại quá mờ.

Vì các mảnh của tấm quách bị rời ra, nên sau khi chúng tôi kiểm tra rất kỹ, thấy không có dấu vết gì khác, mới tiến hành cho ghép lại tấm quách, do họa sĩ Đào Ngọc Hân trực tiếp thực hiện. Tranh thủ lúc chờ đợi, tôi mời nhà nghiên cứu Hán học, TS Cung Khắc Lược – nguyên là cán bộ Viện Hán Nôm, trực thuộc Viện Hàn lâm KHXHVN, tới xem các ảnh chiếc thẻ tre của tôi chụp hôm 7 tháng giêng năm 2017. Sau gần nửa giờ cụ Cung Khắc Lược đã lần lượt đọc được các chữ: MẠC TRIỀU TRẠNG NGUYÊN MỘ TẠI AO DƯƠNG. Đến chữ AO cụ thấy không phải là chữ Hán như 7 chữ kia mà có lẽ là chữ Nôm. Thấy cụ Lược phân vân, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Lâm gọi di động hỏi cô Hiền thì được cô cho biết “Cụ” bảo ao đây là chữ nôm: chữ ao này mặc dù có ba chấm của bộ thủy ở bên trái, nhưng không phải là “ao nước” mà là “ao ước”. Chữ “dương” ở đây có nghĩa là dương thế, trần gian. TS Cung Khắc Lược gật đầu lia lịa tán thưởng lời giải thích của “Cụ Trạng” qua lời cô Hiền

- Hay, hay quá, thật tuyệt vời. Mặc dầu ông hiểu cô Hiền không biết một chữ nho nào. Cụ Lược giải thích rành mạch:

- Mộ đây không có nghĩa là cái mộ, mà cụ Trạng dùng theo nghĩa đen là cất giấu hay giấu kín. Như vậy “mộ tại ao dương” có nghĩa là giấu kín tấm lòng ao ước ở dương thế. (Theo truyền thuyết, trước khi mất Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm có để lại di huấn viết vào bàn tay người con cả “ Ba Ra trông sang, Ba Đồng ngoảnh lại, táng tại ao dương”.)

Việc tìm thấy chiếc thẻ tre được giấu kín trong tấm địa của quách cổ là một bằng chứng không thể chối cãi được sự phối hợp giữa các nhà ngoại cảm và khảo cổ học để tìm ra sự thật lịch sử hàng trăm năm trước.

Tiếc rằng, chúng tôi vừa được biết tin, Phòng văn hóa Huyện Vĩnh Bảo đã có những quyết định sai trái với nhà ngoại cảm Bùi Thị Hiền… Rõ ràng, ở đây phải phân biệt những kẻ cố tình dùng mê tín dị đoan để trục lợi và những nhà ngoại cảm chân chính đang ngày đêm giúp ích cho Dân, cho Nước

N.L.C.

 

TS. Cung Khắc Lược và PGS.TS. Nguyễn Lân Cường đang nghiên cứu các chữ qua ảnh chiếc thẻ tre