Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN BÁ THANH: NHỮNG ĐIỀU TÔI BIẾT (kì 2)

Dương Đức Quảng
Thứ tư ngày 15 tháng 2 năm 2017 6:43 PM



Cái "lãi" lớn nhất của cuộc đời


Có lần tôi nói với một nhà văn, cuộc đời của Nguyễn Bá Thanh là một nguyên mẫu, nếu có tài một nhà văn có thể viết được một cuốn tiểu thuyết rất hay, bởi vì anh trải qua quá nhiều thử thách và cả giông tố trong cuộc đời. Anh không chỉ có những người yêu mến, quý trọng mà cũng có cả những người không muốn nhìn mặt anh, ghét anh, thậm chí tìm mọi cách để hại anh, làm anh phải "lên bờ xuống ruộng". Mỗi lần có sự kiện chính trị lớn liên quan đến anh, nhất là "nghe nói" anh sẽ được điều động hoặc bố trí vào vị trí lãnh đạo ở cấp cao hơn là thế nào cũng có những "sự cố" không hay đến với anh. Năm 2000, ngay trong buổi chiều ngày 29/3, ngày kỷ niệm 25 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng và cũng là ngày khánh thành cầu Sông Hàn mà kinh phí xây dựng có phần không nhỏ là từ nguồn đóng góp của nhân dân thành phố, Phạm Văn Thông, Giám đốc một công ty xây dựng ở Đà Nẵng tham gia thi công cây cầu này bị bắt. Sau đó là những thông tin được "rò rỉ" ra ngoài cho báo chí đăng, có báo ám chỉ, có báo nêu đích danh Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Bá Thanh đã nhận hối lộ từ Thông trên 2 tỷ đồng để được trúng thầu thi công cây cầu này. Sau này tôi còn đọc trên mạng internet một danh sách hàng chục người được cho là đã nhận hối lộ từ Thông, trong đó có Nguyễn Bá Thanh và một vài cán bộ cấp cao khác. Tôi băn khoăn và có lúc không khỏi lo lắng cho Nguyễn Bá Thanh. Song với những cảm nhận và hiểu biết của tôi về anh, lại có thêm những nguồn tin mà tôi được biết ở Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan có trách nhiệm khác, nhất là qua một số đồng chí lãnh đạo và bạn bè ở Đà Nẵng, tôi tin Nguyễn Bá Thanh không phải là một người như vậy. Một vị lão thành cách mạng ở Đà Nẵng đã nói với tôi: "Bá Thanh hết lòng lo cho dân thì làm sao lại ăn tiền ở một công trình do người dân đóng góp để xây dựng được!". Sau này khi mọi chuyện đã được làm rõ, chính Phạm Văn Thông phủ nhận lời khai đã hối lộ cho Nguyễn Bá Thanh, tôi biết rõ thêm ai là người đã chỉ đạo tạo dựng hồ sơ, tìm mọi cách để làm cho anh lâm vào vòng lao lý, chí ít cũng là mất chức Chủ tịch UBND thành phố mới toại nguyện! Tôi được biết, chính vị "tai to mặt lớn này" ở thành phố ghen ăn tức ở với Nguyễn Bá Thanh đã trực tiếp vào tận trại tạm giam gặp Phạm Văn Thông ép Thông khai ra những chuyện "tày trời" của Nguyễn Bá Thanh như đã nói ở trên mà sau này chính Thông đã phủ nhận. Vì thế Nguyễn Bá Thanh mới được "tai qua, nạn khỏi". 

Chưa hết, bảy năm sau, đến kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XII, năm 2007, khi Nguyễn Bá Thanh đã là Bí thư Thành ủy, được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Đà Nẵng hiệp thương giới thiệu ra ứng cử thì gần tới ngày bầu cử có hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cùng một vài người khác từ Đà Nẵng ra Hà Nội gặp một số cơ quan pháp luật và báo chí, mang theo đơn thư và rải cả "tờ rơi" tố cáo anh tham nhũng, tiêu cực, phạm pháp, trong đó có vụ anh nhận hối lộ trên 2 tỷ đồng của Thông trong việc xây dựng cầu sông Hàn trước đây. Sự việc nghiêm trọng đến mức các cơ quan lãnh đạo của Đảng, Quốc hội và Ủy ban Bầu cử Trung ương phải khẩn trương vào cuộc, một lần nữa xem xét, kết luận về những điều đơn thư tố cáo Nguyễn Bá Thanh trước khi chốt danh sách cuối cùng để công bố trước ngày bầu cử. Tôi thực sự lo cho anh, vì anh như "cá nằm trên thớt", không biết số phận sẽ được định đoạt thế nào! Nhưng anh nói với tôi, anh vẫn bình tĩnh, tự tin vào mọi việc mình đã làm, tin tưởng và tôn trọng mọi kết luận và quyết định của các cấp có thẩm quyền. Anh bảo cuộc đời anh, từ lúc là một cậu học sinh miền Nam được học trên đất Bắc, tốt nghiệp đại học về quê làm kỹ sư nông nghiệp rồi lên làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp, Phó Chủ tich UBND rồi Phó Bí thư Huyện ủy, Giám đốc Nông trường, Giám đốc Sở Nông Lâm nghiệp của tỉnh thế là đã "hết cỡ" rồi, chẳng bao giờ nghĩ rằng có lúc lại được bầu làm Chủ tịch UBND thành phố thuộc tỉnh rồi Chủ tịch UBND thành phố trực thuộc Trung ương! Vì thế làm Chủ tịch thành phố ngày nào là cuộc đời của anh có "lãi" ngày ấy, bởi vì với cương vị Chủ tịch thành phố anh lo được nhiều việc cho dân. Anh đã được làm Chủ tịch nhiều năm, bây giờ lại đang là Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND được mang tâm trí và sức lực của mình cùng với nhân dân Đà Nẵng chung lòng chung sức làm thay da đổi thịt thành phố là anh vui lắm rồi. Vì thế dù có không được ứng cử làm đại biểu Quốc hội và không còn tiếp tục được làm Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố đi nữa thì cuộc đời của anh cũng đã "có lãi", có chi mà buồn!
Thế rồi cuộc sống đã diễn ra đúng với quy luật của nó. Cuộc họp cuối cùng của Ủy ban Bầu cử Trung ương, sau khi nghe các cơ quan có trách nhiệm của Trung ương báo cáo việc kiểm tra, xem xét mọi đơn thư tố cáo đối với anh khi anh được giới thiệu ra ứng cử đại biểu Quốc hội, đã kết luận tám điều tố cáo anh không đúng sự thật, quyết định tiếp tục giữ tên anh trong danh sách bầu cử tại Đà Nẵng. Sau đó anh đã trúng cử đại biểu Quốc hội với tỷ lệ phiếu bầu rất cao.

"Tôi né được, nên đầu anh đã đập vào tường!"...

Từ ngày anh lên làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ít có dịp ra họp hội nghị với Chính phủ nên tôi cũng ít gặp anh, nhất là từ sau khi tôi nghỉ hưu lại càng ít gặp hơn, Nhưng theo dõi qua báo chí và bạn bè tôi vẫn biết nhiều chuyện về anh. Có lẽ việc ồn ã nhất là vào năm 2009, khi Tòa án Nhân dân thành phố Đà Nẵng đưa ra xét xử phúc thẩm ông Thiếu tướng Trần Văn Thanh, nguyên Chánh Thanh tra Bộ Công an, nguyên Giám đốc Công an Đà Nẵng thời kỳ Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch thành phố. Tôi không viết lại những gì đã xảy ra liên quan đến vụ việc này mà nhiều người đã biết qua báo chí mà chỉ viết về những gì mà tôi được biết qua chính Nguyễn Bá Thanh và bạn bè.
Sau vụ việc cầu Sông Hàn, Nguyễn Bá Thanh được bầu vào Quốc hội Khóa XI (2002-2007), tiếp tục làm Chủ tịch UBND thành phố thì ông Trần Văn Thanh không còn làm Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng mà được điều ra Trung ương làm Chánh Thanh tra Bộ Công an. Nhà báo Đức Hiển, Thư ký Tòa soạn báo Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh trong một bài viết trên báo có kể lại cuộc gặp chia tay giữa "ông Thanh Chủ tịch và ông Thanh Giám đốc" khá thú vị. Còn tôi, trong một lần gặp Nguyễn Bá Thanh, anh đã kể về cuộc gặp, chia tay này. Hôm ấy, thay mặt lãnh đạo thành phố anh mời cơm để tiễn ông Trần Văn Thanh ra Hà Nội công tác. Trong bữa cơm đó, ông Trần Văn Thanh "tâm sự" với anh Nguyễn Bá Thanh: "Thực tình tôi không muốn rời thành phố quê hương, nhưng vì anh "đánh" tôi nên tôi phải ra đi!...". Anh Nguyễn Bá Thanh nhìn ông Trần Văn Thanh cười, rồi nói: "Anh nói chi mà lạ vậy? Chính anh "đánh" tôi chứ không phải tôi "đánh" anh! Anh húc đầu vào tôi nhưng tôi né được nên đầu anh đập vào tường!...".
Sau này, khi xử phúc thẩm vụ án ông Trần Văn Thanh, tôi đọc trên một số tờ báo và trang mạng biết ông Trần Văn Thanh hôm trước còn đủ sức khỏe đi ô tô từ Hà Nội vào Đà Nẵng mà hôm sau đã ở trong tình trạng hôn mê, nằm bất động trên cáng, phải thở ô xy và truyền dịch, dây rợ lằng nhằng đầy người, được xe cứu thương trở đến phiên tòa, trông rất phản cảm. Dư luận cho rằng anh Nguyễn Bá Thanh là người chỉ đạo việc làm "bất nhẫn", "vô nhân đạo" này. Anh bị không ít người lên án và bị cộng đồng mạng ném đá tơi bời, bản thân tôi thấy hình ảnh đó cũng không thể chấp nhận được. Vì thế, trong một lần anh Nguyễn Bá Thanh ra họp Quốc hội ở Hà Nội, tôi gọi điện rồi đến thăm anh ở Nhà khách số 10 Chu Văn An để hỏi về chuyện này, có ý trách anh tại sao lại để xảy ra chuyện không hay đó. Anh Thanh cười cho tôi biết chính anh cũng chỉ biết chuyện đó khi sự việc xảy ra. Anh nói đó hoàn toàn là một kịch bản được một số người chống anh tạo dựng nhằm mục đích kích động dư luận. Ông Trần Văn Thanh đã được một cô bác sĩ tiêm thuốc gây mê, cho thở ô xy và truyền dịch rồi cùng một vài người mượn một chiếc xe cấp cứu của Bệnh viện Đà Nẵng để đưa ông trong tình trạng cấp cứu đến bên ngoài nơi xét xử để chụp ảnh rồi đưa tin trên báo, chứ không có chuyện lãnh đạo thành phố chỉ đạo phải đưa ông Trần Văn Thanh trong tình trạng sức khỏe như thế lại phải ra tòa. Sau này, khi cô bác sĩ tiêm thuốc cho ông Trần Văn Thanh biết hết mọi chuyện, chính cô đã tìm đến gặp anh Nguyễn Bá Thanh để xin lỗi anh về việc này! Tôi thở phào nhẹ nhõm khi biết rõ sự việc.
Rồi lại có chuyện, trước kỳ Đại hội Đảng lần thứ X rộ lên việc Nguyễn Bá Thanh "trả lời phỏng vấn" của một Việt kiều ở Mỹ, được nhiều trang mạng chống cộng ở hải ngoại thi nhau đưa lên nhằm làm mất uy tín của anh. Tôi đã cố dành gần hai tiếng đồng hồ để nghe hết cuốn băng "phỏng vấn" này được lan truyền trên internet, biết không thể tin được những đoạn trả lời phỏng vấn "hớ hênh" và "ngây ngô quá đỗi" nhưng vẫn mong có dịp gặp anh để hỏi rõ ngọn ngành. Tôi lo cho anh vì "sự cố" bất lợi này lại xảy ra với anh trong khi có nhiều đồn đoán tại Đại hội Đảng lần ấy anh sẽ có thể đảm nhận một vị trí cao hơn. Sau đó ít lâu, gặp anh ở Hà Nội tôi hỏi về chuyện này, anh cho biết các cơ quan có trách nhiệm của Đảng và Nhà nước đã vào cuộc, điều tra và kết luận đó là một cuốn băng được các thế lực chống cộng ở Mỹ dùng kỹ thuật công nghệ cao để tạo dựng cuộc phỏng vấn thật giả lẫn lộn mà nội dung rất xấu nhằm làm mất uy tín của anh và đánh vào nội bộ Đảng. Thế là lại thêm một lần mữa Nguyễn Bá Thanh vượt qua sóng gió. Và tại Đại hội Đảng lần ấy Nguyễn Bá Thanh được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng cho đến nay.

Nỗi niềm trăn trở khi ra Hà Nội

Trước khi Nguyễn bá Thanh được điều động ra Trung ương đảm nhận chức vụ Trưởng ban Nội chính Trung ương thì từ nhiều năm trước, qua anh và một vài nguồn tin khác, tôi biết có một số đồng chí lãnh đạo ở cấp cao nhất của Đảng và Chính phủ từ các khóa trước đã có ý định điều chuyển Nguyễn Bá Thanh ra Trung ương làm việc. Anh từng kể với tôi, cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã từng gặp anh, muốn "kéo" anh ra làm Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Còn Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, qua thông tin mà tôi biết được, đã từng được dự kiến đưa về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay anh Nguyễn Phú Trọng khi anh Trọng được bầu làm Chủ tịch Quốc hội (sau này Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm được cử kiêm nhiệm chức Bộ trưởng Ngoại giao). Tôi biết, Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm từng có ý định nếu được phân công về Hà Nội làm Bí thư Thành ủy, ông sẽ đề nghị điều anh Nguyễn Bá Thanh ra làm Chủ tịch UBND thành phố, vì theo ông, Nguyễn Bá Thanh là người dám nói, dám làm và biết làm. Có như thế mới hy vọng bộ mặt đô thị Hà Nội thay đổi! Tôi biết còn có những dự tính công việc này khác ở Trung ương đối với Nguyễn Bá Thanh, kể cả việc có đồng chí lãnh đạo cao cấp muốn anh ra làm Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nhưng mỗi lần có những dự tính như thế là một lần "sóng gió" lại nổi lên để rồi dự tính đó không thành hiện thực. Chỉ đến khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quyết định cử anh làm Trưởng Ban Nội chính Trung ương vào cuối năm 2012 thì việc ra Trung ương của anh mới trở thành hiện thực .
Sau khi anh ra Hà Nội, tôi gọi điện thăm và chúc mừng anh, nhưng chưa tiện đến thăm. Cho đến sau một Hội nghị Trung ương mà anh không được bầu vào Bộ Chính trị, tôi gọi điện cho anh, muốn lên thăm và nhân dịp này tặng anh cuốn sách Tiếng tụng kinh trong căn nhà vị tướng của tôi mới được in lại và tập thơ Đôi điều với con của tôi mới xuất bản.
Anh vui vẻ mời tôi lên ăn cơm cùng anh. Tôi rủ Như Phong, Tổng Biên tập báo Năng Lượng mới (Petro Times), một nhà báo, nhà văn, tác giả của nhiều kịch bản phim khá nổi tiếng như "Chạy án", "Tam giác vàng"...được anh quý mến, đi cùng. Trong buổi tối ba anh em cùng ăn cơm ngay trong phòng khách nơi anh ở tại Nhà khách số 10 Chu Văn An, Hà Nội, tôi và Như Phong hỏi anh khá nhiều chuyện. Anh vui vẻ và thẳng thắn trả lời tất cả các câu hỏi của chúng tôi, còn đọc cả thơ anh mới sáng tác cho hai chúng tôi nghe. Tôi không giấu lòng mình, nói với anh: "Tôi biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (một người bạn học cùng lớp Văn Khóa 8 trường Đại học Tổng hợp Hà Nội với tôi (1963-1967), điều anh ra làm Trưởng ban Nội chính Trung ương và làm Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng là đặt niềm tin vào anh, một con người hành động, nói đi đôi với làm, muốn anh giúp Tổng Bí thư "làm thật", để cuộc đấu tranh chống tham nhũng có kết quả. Biết việc không được bầu vào Bộ Chính trị chắc chắn làm cho công việc của anh không thật thuận lợi nhưng mong anh không vì khó khăn mà nản lòng, chùn bước trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng hết sức cam go này". Anh không giấu chúng tôi việc anh và nhất là gia đình không muốn anh rời thành phố Đà Nẵng ra Hà Nội và cũng không giấu chúng tôi những khó khăn mà anh gặp phải trong công việc và cả trong sinh hoạt hàng ngày khi phải xa gia đình ra đây sống một mình, bắt tay ngay vào việc xử lý một số vụ việc nổi cộm không dễ dàng một chút nào. Anh nói thật lòng, còn làm việc ở Hà Nội ngày nào anh còn dồn hết tâm trí và công sức, giúp Tổng Bí thư và Trung ương Đảng thực hiện có kết quả công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay.
Có một điều anh rất trăn trở là khi nhận được quyết định ra Hà Nội thì công trình xây dựng Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng mà anh dành biết bao tâm huyết vẫn chưa được khánh thành. Anh cho biết, tuy đã ra Hà Nội nhưng anh vẫn giữ chức Chủ tịch Hội bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo, bất hạnh thành phố, Trưởng Ban vận động tài trợ xây dựng Bệnh viện này, một bệnh viện từ thiện, miễn phí điều trị cho bệnh nhân nghèo, với quy mô ban đầu là 200 giường và 21 khoa phòng, sau này sẽ có 500 giường và 27 khoa phòng theo dự án được duyệt. Không biết bao nhiêu lần anh đã trực tiếp đi vận động các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm trong nước và ngoài nước góp tiền của và công sức để xây dựng bệnh viện từ thiện này.
Ngày 19/1/2013, từ Hà Nội anh về Đà Nẵng dự Lễ khánh thành Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, Trong lời phát biểu tại buổi Lễ khánh thành anh như trải lòng mình với các bác sĩ, bệnh nhân và gia đình bệnh nhân mắc căn bệnh hiểm nghèo này: " Hơn 3 năm trước, nơi đây là nơi bùn đọng, sình lầy. Nhưng giờ đây đã trở thành công trình kiến trúc nổi bật. Xây dựng Bệnh viện Ung thư là cả quá trình gian khó, nhưng đầy ý nghĩa. Từ đây, nhiều bậc cha mẹ sẽ không phải nuốt nước mắt tiễn đưa người thân, chia sẻ khó khăn vất vả với các người mẹ, người vợ chăm chồng, chăm con bị đau ốm, bệnh tật. Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng là một bệnh viện từ thiện, nên các bác sỹ càng cần phải nâng cao y đức, xây dựng một môi trường bệnh viện ấm áp tình người, giúp người bệnh lạc quan hơn trong hành trình tìm sự sống của mình”.
Sau này, qua một bài báo tôi được biết, bà Nguyễn Thị Vân Lan, nguyên Ủy viên Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng ban Dân vận thành phố Đà Nẵng, hiện là Phó Chủ tịch Hội bảo trợ Phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh thành phố mà anh Nguyễn Bá Thanh làm Chủ tịch, đã đánh giá: Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng được như ngày hôm nay công đầu thuộc về anh Nguyễn Bá Thanh. Bà Lan kể rằng, khi đi thăm cơ sở Bệnh viện Ung thư ở TP Hồ Chí Minh, anh Thanh thấy người nhà bệnh nhân phải nằm la liệt ngoài hành lang. Tình trạng ấy không riêng gì ở bệnh viện này, mà ở bệnh viện nào cũng có, ai vào bệnh viện cũng đều thấy cả. Anh Thanh trăn trở, thấu hiểu và thông cảm với bệnh nhân và cả người nhà của họ. Chính vì vậy, khi xây dựng bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, anh đã đưa ra chủ trương xây thêm khu ký túc xá để có chỗ ở cho người nhà bệnh nhân. Không chỉ vậy, anh còn chỉ đạo trích ngân sách, vận động những nhà hảo tâm giúp đỡ thêm, nhờ đó bây giờ người nhà bệnh nhân còn có cả bữa ăn trong những ngày ở bệnh viện chăm sóc thân nhân của mình.

Bẵng đi một thời gian không gặp vì hai vợ chồng tôi vào thành phố Hồ Chí Minh với vợ chồng con trai thứ hai và các cháu của tôi trong đó, một hôm tôi gọi điện thăm thì anh Nguyễn Bá Thanh không bắt máy. Lần sau gọi thì vẫn không liên lạc được. Sau đó tôi sửng sốt nhận được tin anh bị ung thư máu, căn bệnh ung thư quái ác mà anh từng lo toan, trăn trở khi thấy các bệnh nhân bị căn bệnh này chưa có nơi tương xứng để được chữa trị tử tế và vì thế Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng đã ra đời. Hơn bốn tháng nay anh phải sang Mỹ điều trị, hôm nay được tin anh được đưa về nước, về với Đà Nẵng, quê hương thân yêu của anh để tiếp tục chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo này mà tôi biết khó bề qua nổi. Bởi vì anh vợ tôi và một cô em họ thân thiết, sống cùng gia đình tôi cũng bị ung thư máu và đã qua đời!.

Tôi viết những dòng này trong tâm trạng vô cùng xúc động và áy náy, dường như thấy mình có lỗi vì đã không biết sớm về tình trạng sức khỏe của anh để đến thăm anh khi anh còn ở Hà Nội. Tôi không bao giờ quên được sự chia sẻ và quan tâm của anh đối với tôi trong suốt thời gian qua, nhất là từ sau lần tôi bị mổ cắt túi mật năm 1996 và từ ngày tôi bị bệnh tiểu đường đến nay. Tôi cũng không thể quên những tình cảm chân thành của anh không những dành cho tôi mà còn dành cả cho gia đình tôi. Những lần gặp tôi ở Hà Nội, nhất là từ sau khi tôi đã về hưu, anh đều không quên hỏi thăm sức khỏe và bệnh tật của tôi, hỏi thăm sức khỏe của vợ tôi và công việc của các cháu và lần nào cũng vậy anh đều có thuốc bổ hoặc lạng cao quý tặng tôi để bồi bổ sức khỏe. Lần con trai Đà Trang của tôi lấy vợ, anh từ Đà Nẵng bay ra Hà Nội để chia vui cùng vợ chồng tôi, hai nhà báo từng ở chiến trường quê hương anh trong những năm chống Mỹ, và chúc mừng hạnh phúc hai cháu. Và không chỉ riêng đối với tôi mà còn đối với nhiều anh chị em nhà báo, nhà văn từng một thời gắn bó với Quảng Nam, Đà Nẵng mà tôi được biết, anh cũng thường dành tình cảm và sự quan tâm, chăm sóc như thế, nhất là mỗi khi có người gặp khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống. Thế mà lần này, khi anh lâm trọng bệnh ở Hà Nội mà tôi không kịp đến thăm anh, khiến lòng tôi áy náy khôn nguôi.
Xin cho tôi cầu chúc một điều may mắn kỳ diệu sẽ đến với anh để tôi còn có dịp gặp anh, được nắm tay anh mà nói rằng: Đối với tôi, anh là một người đồng chí, một người bạn tôi vô cùng yêu mến và quý trọng!

Hà Nội, đêm 5/1/2015
D.Đ.Q

VÀI DÒNG VIẾT THÊM

Sau bài viết trên đây của tôi hơn một tháng, anh Nguyễn Bá Thanh từ Mỹ trở về Đà Nẵng, tiếp tục chống lại căn bệnh hiểm nghèo, nhưng chỉ được ít ngày thì qua đời. Những ngày anh còn sống, nhiều lần tôi gọi điện vào cho cháu Nguyễn Bá Cảnh, con trai anh, nói tôi muốn vào thăm anh nhưng cháu bảo ba cháu còn yếu lắm, phải nằm phòng cách ly, các bác sỹ chưa cho người vào thăm. Ngày anh mất, tôi đã bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng dự Lễ tang anh, tiễn biệt anh về nơi yên nghỉ cuối cùng tại quê nhà. Trong Lễ tang, tôi tận mắt chứng kiến những tình cảm quý trọng và thương tiếc của người dân Đà Nẵng, người dân Quảng Nam và cả người dân ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước dành cho anh. Có người nói sau Lễ tang Bác Hồ, Lễ tang Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì chỉ có Lễ tang anh Nguyễn Bá Thanh mới thấy được lòng dân đối với những vị lãnh đạo được nhân dân yêu quý và kính trọng sâu sắc đến nhường nào!
Điều rất thú vị là bài viết của tôi sau khi được báo PetroTimes đăng đã được nhiều trang mạng và facebooks đăng lại, trong đó có Website của dòng họ Phạm miền Trung - Tây nguyên do ông Phạm Minh Thông, người tôi viết đến trong bài, làm Chủ nhiệm Website này, đăng lại!
Năm 2016, vợ chồng tôi có dịp vào Đà Nẵng, cùng nhau đến thắp hương trên phần mộ của anh Nguyễn Bá Thanh tại xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, quê anh. Tôi đã đọc mấy cuốn sổ ghi lại tình cảm của người dân Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều tỉnh thành khác trong cả nước đã đến đây viếng anh, thật cảm động.
Với tôi, Nguyễn Bá Thanh mãi mãi là một người đồng chí, người bạn chân tình và là một vị lãnh đạo được người dân yêu mến, kính trọng.

Hà Nội, ngày 13-2-2017
DĐQ

Chú thích ảnh:


Ảnh : Lòng dân Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Bá Thanh trong Lẽ tang ông.