Với một nơi trang nghiêm như Văn Miếu, lại đúng vào ngày Thơ Việt Nam, mà xảy ra việc đạo thơ công khai, trắng trợn, được viết chữ to trên panô, treo công khai trước mắt hàng nghìn văn nhân, mạc khách, kể cả hàng trăm du khách nước ngoài với nhiều quốc tịch khác nhau tới xem, mà thấy buồn.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám là Trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, được vua Lý Thánh Tông cho xây dựng vào năm 1070, với mục đích chinh là đào tạo nhân tài cho đất nước. Ngày nay Văn Miếu được coi là biểu tượng văn hoá Việt.
Từ năm 2003 đến nay, cứ đúng ngày Rằm tháng giêng, Hội Nhà văn lại tổ chức "ngày hội tôn vinh thành tựu thơ ca Việt Nam".
Với một nơi trang nghiêm như Văn Miếu, lại đúng vào ngày Thơ Việt Nam, mà xẩy ra việc đạo thơ công khai, trắng trợn, được viết chữ to trên panô, treo công khai trước mắt hàng nghìn văn nhân, mạc khách, kể cả hàng trăm du khách nước ngoài với nhiều quốc tịch khác nhau tới xem, thì quả đáng buồn.
Người tôi nghĩ đạo thơ tên ông là T, sinh hoạt tại "Câu lạc bộ thơ Công nhân". Tấm panô có 4 câu thơ tôi cho là "đạo" trong bài thơ 7 câu đứng tên ông T treo tại gian thơ "Câu lạc bộ thơ Trào phúng" ở Văn Miếu như sau:
"Sau lễ khánh thành
Tất tật đều đã cũ
Chỉ còn em là mới lạ bất ngờ
Em như là tứ lạ của bài thơ"
Theo tôi, 4 câu trên được "chế biến" từ 4 câu sau trong bài "Gửi" đứng tên nhà thơ Đàm Khánh Phương tại trang 20 trong tập thơ "Dưới vòm hương tinh khiết" do Hội nhà văn phát hành năm 2011:
"Sau nghi lễ khánh thành, tất tật
đều ra cũ
Chỉ còn em là lạ đến không ngờ
Chạm cho tới một lần thôi níu giữ
Em như là... chữ mới của bài thơ".
Sở dĩ tôi nhận ra những câu thơ trên của 2 tác giả là bản sao (có sửa đổi chút xíu) của nhau là vì cách đây khoảng 6 năm ông ĐKP đã trực tiếp đọc cho tôi nghe; Ngày 14/2/2009 báo Sức khoẻ Đời sống in bài "Em như là chữ mới của bài thơ" giới thiệu thơ tình ĐKP do nữ nhà báo Tố Lan viết tôi cũng đã đọc (Tố Lan là bạn hơn 30 năm qua của tôi). Trong bài báo Tố Lan cũng trích dẫn 4 câu thơ trên của ĐKP; Năm 2011 khi tập thơ "Dưới vòm hương tinh khiết" in ra còn thơm mùi mực ĐKP cũng trực tiếp ký tặng tôi.
Băn khoăn của tôi là: Liệu có phải ông T đạo thơ ông Phương hay ngược lại ông Phương đạo thơ ông T? Nếu ông T chứng minh được ông Phương đạo thơ thì tôi xin lỗi ông T vì đã nghĩ sai về ông. Và như vậy thì quả thật đáng sợ. (Xin lưu ý: Ông Đàm Khánh Phương hiện là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam).
Tôi xin đăng kèm bức ảnh chụp tấm panô chép bài thơ đứng tên ông T và bức ảnh chụp bài thơ đứng tên ông Phương in trong tập "Dưới vòm hương tinh khiết" để cộng đồng rộng đường dư luận.
Phạm Trung Dũng
cóp từ chieulang.com