Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN BÁ THANH: NHỮNG ĐIỀU TÔI BIẾT (kì 1)

Dương Đức Quảng
Thứ hai ngày 13 tháng 2 năm 2017 9:45 PM


Hôm nay, 13-2-2017, đúng hai năm ngày anh Nguyễn Bá Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, Trưởng ban Nội chính Trung ương qua đời. Điều trùng hợp ngẫu nhiên là ngày anh mất cũng đúng là ngày kỷ niệm 35 năm anh được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam (13-2-1980/13-2-2015).
Không chỉ khi còn sống mà hai năm qua, sau khi Nguyễn Bá Thanh mất vẫn có nhiều bài báo, bài thơ, cuốn phim, bức ảnh... của nhiều người nói và viết về anh. Đa số những bài viết đều ca ngợi cuộc đời hết lòng vì dân, vì nước của anh, song cũng có không ít bài viết, nhất là những bài viết chủ yếu là trên mạng internet từ nước ngoài tìm mọi cách nói xấu anh và xuyên tạc về cái chết của anh mà những người ít có thông tin đầy đủ về anh rất dễ ngộ nhận.
Tưởng nhớ anh, không chỉ là một vị lãnh đạo cao cấp mà còn là một người bạn mà tôi rất quý mến, nhân ngày tròn hai năm anh mất, tôi xin gửi trang TN.c một bài viết của tôi cách đây đã hai năm, khi mới được tin anh lâm trọng bệnh, đang điều trị tại Mỹ, chuẩn bị được cơ quan và gia đình đưa trở lại Việt Nam để tiếp tục điều trị. Bài viết này đã được đăng trên báo Năng lượng Mới ( PetroTimes) ngày 10/01/2015. Bài này giữ nguyên những chỗ chưa biên tập trước khi in trên báo. Vì bài dài nên tôi xin được đăng làm hai kỳ, mong bạn đọc thông cảm.

NGUYỄN BÁ THANH: NHỮNG ĐIỀU TÔI BIẾT

Mấy ngày hôm nay trên báo giấy và nhất là trên các trang báo mạng đã có nhiều bài viết về Nguyễn Bá Thanh, một người mà tôi rất quý mến. Đọc những dòng chữ đầy tình cảm yêu thương, qúy trọng của các nhà báo và của rất nhiều bạn đọc đối với anh khi biết anh lâm trọng bệnh, được đưa sang Mỹ điều trị và ngày 6/1 sẽ được đưa trở về Đà Nẵng tiếp tục chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo, tôi không thể không viết những dòng này về anh dù biết rằng anh đã nhiều lần từ chối các nhà báo khi ngỏ lời viết về mình. Đối với tôi, anh không chỉ là một Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, một người lãnh đạo gần dân, được dân yêu mến, qúy trọng, mà còn là một người đồng chí, một người bạn chân tình, luôn nặng lòng với đồng chí, đồng đội và bạn bè mà không phải ai cũng có được.
Từ Phó Bí thư Huyện ủy đến...Phó Giám đốc Nông trường!

Tôi quen biết Nguyễn Bá Thanh và có nhiều kỷ niệm không thể quên đối với anh từ cách đây đã hơn 30 năm. Năm 1984, tôi được Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam cử đi học tập trung trong hai năm (1984-1986) tại Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc (nay là Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) thì anh Nguyễn Bá Thanh cũng được Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng cử đi học lớp này. Anh và tôi ở sát phòng nhau và sinh hoạt chung một Chi bộ trong suốt hai năm cùng học. Khi ấy anh mới ngoài 30 tuổi, là Tỉnh ủy viên dự khuyết, Phó Bí thư Huyện ủy Hòa Vang. Biết vợ chồng tôi từng là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng trong những năm chống Mỹ tại Quảng Đà (Quảng Nam, Đà Nẵng) anh Thanh rất quý tôi và coi tôi như một người anh hơn tuổi, một người bạn cùng quê, tuy tôi không sinh ra trên đất Quảng. Nhiều ngày nghỉ hoặc chủ nhật anh lại về nhà tôi, khi ấy còn ở khu tập thể Thông tấn xã Việt Nam tại khu Mai Hương, quận Hai Bà Trưng thăm vợ và các cháu nhỏ con tôi. Là một người yêu thơ và có một số bài thơ khá hay, nhưng chưa bao giờ in báo, nên cũng dễ hiểu khi anh biết tôi có làm thơ và có bài thơ Gửi dòng sông thân yêu tôi viết năm 1972 về dòng sông Thu Bồn quê hương anh, được nhiều người yêu thích, sau này được đưa vào tuyển tập Một trăm năm thơ Đất Quảng và Thơ Miền Trung thế kỷ XX và còn được nữ nhạc sĩ Trần Huyền Nhung ở độ tuổi 8x (sinh năm 1983) phổ nhạc thành một bài hát cùng tên. Một hôm anh Thanh "khích" tôi: "Gần mười năm nay chẳng thấy ông anh viết thêm một bài thơ nào nữa, hay là không còn yêu đất Quảng ?!". Không biết có phải vì lời "khích" này của anh hay bởi tình yêu của tôi với Đất Quảng vẫn vẹn tròn mà sau đó, tôi đã viết bài thơ Đôi điều với con, dành cho con trai Đà Trang của tôi khi cháu tròn 10 tuổi, mở đầu là bốn câu:"Cha mẹ hẹn nhau sẽ đưa con về thăm lại Quảng Đà/Nơi con sinh giữa ngày vui toàn thắng/Cờ Tổ quốc bay rợp trời Đà Nẵng/Tên đất này cha mẹ đặt tên con"...Sau này, năm 2005, vợ chồng tôi có dịp trở lại Đà Nẵng, gặp lại Nguyễn Bá Thanh, thăm lại vùng căn cứ cũ nhân dịp kỷ niệm 30 năm giải phóng miền Nam, nhớ lại những năm tháng mắc võng ngủ rừng, "Nằm cong mãi sau ngày giải phóng/Hễ nằm giường là lại đau lưng", tôi viết tiếp phần 2 của bài thơ Đôi điều với con, mà gần 20 năm trước do anh Thanh "khích tướng" mà tôi có được: "Cha mẹ về đây như về lại nhà mình/Cùng đồng đội về thăm nơi ở cũ/Qua sông Trà Nô nhớ mùa nước lũ/Tóc buộc dây rừng, bè chuối vượt sông"...
Kết thúc hai năm học cùng Nguyễn Bá Thanh tôi thi đỗ và được cử đi làm nghiên cứu sinh về báo chí tại trường Chính trị cao cấp Tiệp Khắc còn Nguyễn Bá Thanh trở về Đà Nẵng, chúng tôi không còn liên lạc gì với nhau. Năm 1990 tôi về nước, trong một lần vào Đà Nẵng công tác, tôi cùng nhà văn Hồ Duy Lệ, một người bạn thân thiết từ những năm tháng cùng làm báo trên chiến trường Quảng Đà, đến thăm Nguyễn Bá Thanh tại nhà riêng của anh ở Hòa Cường, mà bây giờ nghe Lệ nói gia đình anh vẫn còn ở đó. Trong bữa cơm thân mật với chúng tôi, Nguyễn Bá Thanh kể nhiều chuyện về công việc và cuộc sống của anh kể từ ngày chúng tôi xa nhau, có chuyện tôi đã biết qua Hồ Duy Lệ và bạn bè, có chuyện bấy giờ mới biết qua chính lời kể của anh.
Sau khi học xong hai năm ở trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc trở về địa phương, ai cũng tưởng anh còn trẻ, đã là Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Huyện ủy lại đã qua đào tạo chính trị cao cấp nhất định sẽ được "thăng quan". Song trái lại, anh đã gặp không ít gian truân, đố kỵ, không những không được "thăng quan" mà còn bị "giáng chức", không còn là Tỉnh ủy viên, không còn được đảm nhận chức vụ cũ là Phó Bí thư Huyện ủy Hòa Vang nữa mà đưa lên huyện miền núi Quế Sơn, làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc Nông trường chè Quyết Thắng, một nông trường đang ở vào thời kỳ rất khó khăn, bết bát, nhiều công nhân phải bỏ việc để đi đào đãi vàng kiếm sống. Nhận nhiệm vụ mới, anh xắn quần leo đồi, lội suối, vào tận các bãi khai thác vàng kéo anh em công nhân trở lại nông trường làm việc, tổ chức lại công việc trồng chè, mở thêm dịch vụ, tạo thêm sản phẩm hàng hóa, cùng anh chị em công nhân vực nông trường này thoát khỏi nguy cơ bị xóa sổ. Với thành tích đó, nhiệm kỳ sau của Đại hội Đảng bộ tỉnh, anh lại được bầu vào Tỉnh ủy và được điều về làm Phó Giám đốc, rồi Giám đốc Sở Nông Lâm nghiệp tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Chiếc bàn cờ tướng và vụ tự thiêu hụt

Lần ấy tôi lại có chuyến công tác ghé qua Đà Nẵng, gọi điện thăm Nguyễn Bá Thanh. Anh vui vẻ mời tôi đến chỗ anh làm việc, tiếp tôi ngay trong phòng Giám đốc Sở của anh. Tôi đã đọc nhiều bài viết về niềm đam mê công việc và thể thao của anh, nhất là đối với bóng đá và quần vợt, nhưng chưa thấy ai nói đến niềm đam mê một môn thể thao trí tuệ khác của anh là cờ tướng. Buổi trưa hôm tôi đến thăm ấy, anh rủ tôi chơi cờ tướng quên cả nghỉ trưa. Sau này, khi tôi là Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí Văn phòng Chính phủ, được tháp tùng đoàn của Thủ tướng Phan Văn Khải vào làm việc với thành phố Đà Nẵng - khi ấy đã là thành phố trực thuộc Trung ương mà anh làm Chủ tịch UBND, sau khi làm việc và mời cơm Thủ tướng đến hơn 9 giờ tối, anh ở lại Nhà khách, rủ tôi đánh cờ với anh. Anh Thanh đánh cờ tướng khá hay, tôi cũng không đến nỗi dở, nhưng chơi với anh tôi được thì ít mà thua thì nhiều. Hôm ấy, trong đoàn tháp tùng Thủ tướng còn có anh Nguyễn Văn Thanh (khi đó cùng ở Văn phòng Chính phủ với tôi, sau này là Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn), chơi cờ tướng cũng rất hay. Nguyễn Bá Thanh "thách" hai anh em tôi nếu ai đánh thắng được anh thì anh sẽ biếu bộ bàn cờ tướng của anh để giữ làm kỷ niệm. Chúng tôi chơi từ 21h30 đến gần 3 giờ sáng hôm sau Nguyễn Bá Thanh mới chịu thua cờ Nguyễn Văn Thanh. Giữ đúng lời hứa, Nguyễn Bá Thanh nhất định trao bằng được bộ bàn cờ tướng khá đẹp cho hai anh em chúng tôi mang về. Bàn cờ ấy chúng tôi để ở Văn phòng Chính phủ, nghỉ trưa nào cũng chơi cho đến khi tôi về hưu. Tôi hiểu thêm, Nguyễn Bá Thanh là một con người như thế, nói đi đôi với làm, không thể khác được!
Những năm còn công tác ở Hà Nội, tuy xa Đà Nẵng nhưng tôi vẫn thường xuyên theo dõi những biến chuyển "như trong mơ" trên mảnh đất tôi yêu quý và gắn bó, mà mỗi biến chuyển "như trong mơ" ấy đều gắn liền với tên tuổi Nguyễn Bá Thanh suốt 15 năm trên cương vị Chủ tịch UBND đầu tiên từ ngày thành phố này trực thuộc Trung ương, rồi làm Bí thư Thành ủy cho đến năm 2012 được điều động ra Hà Nội làm Trưởng ban Nội chính Trung ương. Tôi được nghe, được biết nhiều chuyện và cả nhiều giai thoại về Nguyễn Bá Thanh, vui có, buồn có, trong những năm anh đứng mũi chịu sào tại đây. Nào chuyện anh giải trình công việc trên cương vị Chủ tịch UBND thành phố hoặc chỉ đạo, kiểm tra công việc trên cương vị Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, trong các kỳ họp HĐND, lần nào cũng có truyền hình tại chỗ để báo cáo với dân, có lần kéo dài mấy tiếng đồng hồ liền, để rồi có người so sánh, ví von thời gian nói chuyện của anh kéo dài chỉ thua Chủ tịch Phi-đen Cat-xtơ-rô của Cu Ba, diễn thuyết từ sáng đến chiều mà thôi! Nào chuyện với cương vị Chủ tịch thành phố, anh trực tiếp gặp gỡ, thăm hỏi và trò chuyện thân tình với những đối tượng xã hội đặc biệt, có nhiều hoàn cảnh khó khăn, vướng mắc trong cuộc sống, như những người ở tù về còn mang nặng mặc cảm xã hội, không có công ăn việc làm; những người làm nghề lái xe ôm hoặc đẩy xe ba gác thuê, đầy lo toan vất vả; các trẻ em đường phố thiếu nơi nương tựa và dạy dỗ, hay cả với những người đàn ông đánh vợ gây nhiều bức xúc trong gia đình và xã hội; những người phụ nữ nghèo, đơn thân nuôi con nhỏ... Mỗi lần gặp gỡ và trò chuyện ấy là một lần anh hiểu thêm, gần gũi thêm với cuộc sống của người dân và lần nào cũng vậy anh đều có cách gợi mở rồi cùng chính quyền, đoàn thể tìm cách tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện chủ trương, chính sách xã hội, tạo công ăn, việc làm hoặc hỗ trợ tài chính giúp những người dân nghèo vượt khó.
Bây giờ đi trên các con đường mới mở hoặc mở rộng thêm trong nội thành và từ nội thành đến các vùng ven, nhất là con đường rộng lớn, đẹp đẽ từ nội thành ra sân bay Đà Nẵng, hoặc đi trên những chiếc cầu hiện đại và đẹp đẽ bắc qua sông Hàn, chắc cũng không nhiều người biết chuyện anh từng nhiều lần "vào cuộc", trực tiếp tham gia vận động thuyết phục người dân di rời, phá dỡ nhà cửa dành đất để mở đường, làm cầu như thế nào, và cũng đã từng "chịu trận" như thế nào để có được kết quả như ngày hôm nay. Có trường hợp gia đình một vị lão thành cách mạng trong diện giải tỏa để mở đường, mặc dù đã được đền bù tài sản nhưng kiên quyết "một tấc không đi, một ly không rời". Không chỉ với cương vị Chủ tịch thành phố mà còn với tư cách là con của một liệt sĩ trong kháng chiến chống Mỹ, bậc con cháu của vị lão thành này, Nguyễn Bá Thanh trực tiếp đến tận nhà thuyết phục, nhưng vẫn không được. Vị này còn tuyên bố nếu cứ tiến hành giải tỏa thì sẽ tự thiêu tại chỗ. Đến ngày giải tỏa, ai cũng ngại, không dám sáp vào việc, anh đã xuống tận nơi, vừa trực tiếp thuyết phục vị lão thành này thêm một lần nữa, vừa cương quyết chỉ đạo tiến hành giải tỏa, kể cả việc điều xe cứu hỏa và xe cứu thương đến tận hiện trường để đề phòng hậu quả xấu nhất có thể xảy ra. Có lẽ chính từ những việc làm quyết liệt như thế mà thành phố Đà Nẵng có được diện mạo như ngày hôm nay và hình ảnh của anh đã đi vào lòng dân. Một lần vào Đà Nẵng dịp gần Tết, tôi đi xe ôm đến thăm một người bạn, hỏi anh lái xe ôm về Nguyễn Bá Thanh, anh khoe vừa được Chủ tịch thành phố Nguyễn Bá Thanh tặng quà Tết cho anh và những anh em cùng cảnh ngộ. Thử hỏi có mấy vị lãnh đạo ở các tỉnh, thành phố làm được những việc như Nguyễn Bá Thanh đã làm và được người dân yêu mến đến thế!
Ngay đến ông Nguyễn Cao Kỳ, nguyên Phó Tổng thống, nguyên Thủ tướng của chính quyền Việt Nam Cộng hòa trước đây lần được anh Nguyễn Bá Thanh tiếp khi ông vào thặm Đà Nẵng đã nói với anh ông thật ngỡ ngàng sau bao nhiêu năm xa quê bây giờ trở lại thấy Đà Nẵng, một thành phố với hàng loạt căn cứ quân sự khổng lồ thời chiến mà ông từng qua lại nhiều lần nay đổi thay ngoài sức tưởng tượng của ông. Đà Nẵng đã trở thành một thành phố hiện đại, phố xá đẹp đẽ, khang trang hơn trước rất nhiều...
(Còn tiếp)

Ảnh (trái sang): Nhà báo Dương Đức Quảng và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh (Ảnh chụp tại phòng làm việc của anh Nguyễn Bá Thanh).