Một thông tin rất phấn khởi, đó là từ khi lắp các máy tính bảng để người dân “chấm điểm” cán bộ thì “dạ, thưa, xin mời, xin vui lòng…”, những từ vốn hiếm hoi chốn công đường được cán bộ dùng nhiều hơn khi trao đổi với dân.
Theo khảo sát của báo Pháp luật TP HCM, “tại UBND phường Nguyễn Thái Bình (quận 1) với vai trò một người dân đi chứng thực giấy tờ, chúng tôi được một nữ cán bộ rất trẻ tiếp đón nhã nhặn, nhẹ nhàng. Sau khi xuất trình bản chính và đóng lệ phí 4.000 đồng thì tôi được mời ngồi: “Em ngồi đợi chị một chút nhé” - cô cán bộ nói. Trong thời gian chờ đợi, chúng tôi nhận thấy nữ cán bộ này rất lịch sự trong cách xưng hô với người dân khác đến làm thủ tục tại phường. Cứ đến lượt trả hồ sơ cho dân, chị lại gọi tên: “Dạ, mời hồ sơ của (chú/cô/chị)... ạ”.
Tại UBND phường Bến Thành, cũng với vai trò của công dân đi làm chứng thực, một cán bộ phụ trách tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ nhà đất, không chỉ rất cực trong việc phải giải thích và hướng dẫn cho bà con rất chi tiết các thủ tục liên quan nhưng không quên dạ thưa, nở nụ cười với mọi người. Khi đang giải quyết cho người dân này, sợ người khác chờ lâu, anh lại: “Dạ chú ơi, chú ngồi chờ con thêm chút nha”…
Đọc những dòng trên không khỏi thốt lên hai từ: Tuyệt vời!
Nhưng rồi tự đặt câu hỏi, sao lại “tuyệt vời” nhỉ? Bởi ngay từ khi lọt lòng, đứa bé nào cũng được cha mẹ, ông bà, anh chị dạy nói những từ đầu tiên là “dạ”, “vâng”. Thế thì bây giờ, nghe cán bộ nói “dạ”, “vâng” có gì lạ?
À, thì ra thế này. Là bởi lâu nay, người dân vốn không (hoặc quá ít) được nghe hai từ đẹp đẽ và quen thuộc đó ở chốn công đường.
Vì sao vậy? Vì một số cán bộ, công chức khi có chức, có quyền, họ bị… đãng trí.
Vì sao có sự đãng trí này? Xin thưa, đó là bởi họ mắc “bệnh quan”. Căn bệnh mà một số (nhưng không ít) người khi có chức có quyền, tưởng mình là “đấng bậc”, là “phụ mẫu”, trời sinh ra họ để họ “cai trị” dân. Họ là “đèn giời soi xét”, họ luôn có tư tưởng ban ơn kiểu “thương dân”. Cái tư tưởng của thời phong kiến.
Thật ra thì ở chế độ ta, họ cũng là dân, những công dân được nhân dân trao cho nhiệm vụ phục vụ nhân dân. Song, nhân dân cũng không bắt họ làm “từ thiện”, dân trả lương cho họ. Nói như Hồ Chủ tịch, thì họ là “công bộc của dân”.
Là công bộc của dân thì đương nhiên, phải phục vụ dân. Còn nói theo cơ chế thị trường, người dân là khách hàng, mà khách hàng là thượng đế.
Thế nhưng khốn thay, không ít cán bộ, công chức lại tưởng mình là “thượng đế”, còn dân thì bỗng bị họ biến thành “công bộc”.
Nơi nào mà “thượng đế” bị biến thành “công bộc” và ngược lại, “công bộc” lại coi mình là “thượng đế” thì nơi đó, kỉ cương phép nước không còn, xã hội rối loạn.
Trở lại với những tín hiệu mừng từ TP Hồ Chí Minh, không biết các bạn thấy thế nào, cảm nhận của cá nhân người viết bài này là hình như nó vẫn còn khá… đơn độc.
Vì thế, có lẽ để tránh “bệnh quên”, nên mở lại “lớp học dạ vâng” cho một số cán bộ, công chức, phải không các bạn?
Bùi Hoàng Tám