Nhà văn Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội. Ảnh: Internet.
Đó là cuộc bầu cử năm 2011. Năm đó tôi được Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật giới thiệu ra ứng cử Quốc Hội. Diễn biến cuộc bầu thế nào xin mời chư vị đọc hai bài tôi viết từ năm năm trước kể lại chuyện này thì rõ.
Bài 1. THÌ THỬ XEM SAO
Ngày bầu cử đã qua. Giờ là lúc nói chuyện bầu cử được rồi.
Tôi là người được ứng cử, khác với người tự ứng cử.
Đầu tháng 3/2011, tôi đang ở Hà Tĩnh quê nhà cùng báo Tuổi Trẻ của Thành đoàn TP HCM làm một sự kiện nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Đoàn TNCS HCM. Một cuộc gọi từ văn phòng Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội báo tin tôi, với tư cách chủ tịch Hội Nhà văn HN, được Ban chấp hành của Hội giới thiệu ra ứng cử vào Hội đồng nhân dân thành phố nhiệm kỳ 2011 – 2016. Bất ngờ, đó là cảm giác đầu tiên của tôi khi được báo tin. Từ khi biết cầm lá phiều đi bầu cử các cấp chính quyền tôi không hề nghĩ mình sẽ dự vào một cấp nào, và khi ra đời hoạt động văn học nghệ thuật tôi biết mình không bao giờ là diện được sắp xếp cho một cấp nào. Tự nhiên nay có một giới thiệu như vậy, tôi bất ngờ. Tôi hỏi lại người báo tin là cùng tôi còn có ai được giới thiệu nữa thì biết là Hội liên hiệp VHNT thành phố được bổ ba suất giới thiệu và cùng tôi còn có thêm một chị chủ tịch Hội Mỹ thuật HN và một anh chủ tịch Hội Nhiếp ảnh HN. Sau sự bất ngờ và một thoáng phân vân, tôi trả lời đồng ý, nghĩa là chấp nhận sự giới thiệu của Hội liên hiệp ra ứng cử vào HĐND thành phố HN. Thì thử xem sao! Tôi quyết định với ý nghĩ như vậy.
Khi từ quê ra lại thủ đô, tôi đã nhận một túi hồ sơ gồm các giấy tờ phải làm cho việc đăng ký ứng cử viên. Nhận về và để đó, chưa khai gì. Thì một hôm văn phòng Hội liên hiệp lại báo tin là tôi được “nâng cấp” giới thiệu, không phải ra ứng cử HĐND thành phố mà ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII. Số là Hội đồng bầu cử thành phố lại phân cho đoàn thể của giới văn học nghệ thuật thủ đô hai suất giới thiệu người của mình ra ứng cử đại biểu Quốc hội. Ban chấp hành Hội liên hiệp, mà cụ thể là nhà thơ Bằng Việt chủ tịch, đã quyết định đôn tôi lên, giới thiệu vào cương vị này. Còn một suất nữa theo quy định là nữ thì BCH chọn nhà biên kịch điện ảnh Bành Mai Phương. Nhưng chị Phương xin không nhận. Đành phải tìm một người nữ khác trong giới nghệ sĩ. Thời gian kết thúc việc nhận hồ sơ các ứng viên được giới thiệu hay tự ứng cử vào Quốc hội khóa XIII sẽ kết thúc vào hồi 17h ngày 18/3/2011 theo quy định. Sau khi tôi làm xong các giấy tờ, Hội liên hiệp đưa sang cơ quan chủ quản của tôi là Viện Văn học lấy ý kiến. Đó là trưa 17/3/2011, các cán bộ trong Viện sau khi dự buổi thuyết trình của các giáo sư từ Harvard-Yenshing (Mỹ) sang thì được yêu cầu ở lại họp đột xuất. Khi nghe rõ lý do cuộc họp mọi người ồ lên ngạc nhiên và nhất trí một trăm phần trăm đồng ý việc giới thiệu tôi ra ứng cử đại biểu Quốc hội kỳ này. Tin này lan nhanh từ Hà Nội vào tới Sài Gòn và được bàn luận sôi nổi. Anh em trong văn giới và nhiều người quen biết đều ngạc nhiên, phấn khởi, bảo là Hà Nội chơi hay thật, dám giới thiệu PXN ứng cử vào cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước. Tôi thì không để tâm đến mọi chuyện quy trình (vì có định tham gia gì đâu), chỉ biết bảo sao làm vậy, coi như đã xong cái khâu thủ tục của mình và cơ quan chủ quản, còn tiếp nữa thế nào thì để bên Hội liên hiệp lo. (Cái thời hạn nộp hồ sơ tôi nói ở trên là mãi khi sự việc xảy ra tôi mới được biết). Hơn năm giờ chiều 18/3/2011, khi đang ngồi vui cùng bạn bè trong bữa liên hoan của đoàn giáo viên khoa Văn học và Ngôn ngữ (Đại học KHXH & NV TPHCM) ra Hà Nội dự hội thảo quốc tế do Viện Văn học tổ chức thì tôi có một cuộc điện thoại gọi đến. Từ đầu dây bên kia, cô nhân viên văn phòng Hội liên hiệp báo tôi hay là hồ sơ chiều nay đưa nộp lên hội đồng bầu cử thành phố đã bị chậm khoảng mươi, mươi lăm phút, khi đã khóa sổ và niêm phong, do vậy hồ sơ của tôi không được nhận nữa. Có nghĩa tôi không được dự vào việc ứng cử đại biểu quốc hội khóa XIII. Cô nhân viên văn phòng giọng đầy ân hận và nuối tiếc, bảo chúng em vừa đi về buồn hết cả người, có cả anh Bằng Việt cũng đang ngồi đây buồn lắm, vì tất cả đều đồng lòng cho anh, hy vọng anh thành đại biểu quốc hội, vậy mà chỉ chậm ít phút đã hỏng cả cơ sự. Sau đó nhà thơ Bằng Việt nói qua điện thoại với tôi, chia sẻ nỗi niềm day dứt của mình. Tôi cám ơn anh vì biết chính anh đã đề xuất tôi trong BCH và cùng BCH hoàn toàn nhất trí giới thiệu tôi ra ứng cử cả hai cấp, nay việc đã thế thì cũng là xong một việc, tôi bảo nhà thơ chủ tịch chẳng nên nghĩ ngợi gì lắm nữa chuyện này. Dứt cú điện thoại, mọi người trong bữa tiệc chừng như nghe giọng nói đã đoán biết có trục trặc nên hỏi, và tôi nói lại tất cả sự tình. Tôi nghĩ đơn giản đây là một sự cố kỹ thuật, tôi “hụt” ứng cử quốc hội chỉ là do sự chậm trễ thường tình của người đi nộp hồ sơ. Dân văn nghệ thường là vậy, chuyện người khác cho là quan trọng thì họ coi nhỏ, còn chuyện nhỏ trong mắt người khác với họ lại là to. Nhưng mọi người chiều đó cho tôi là ngây thơ, họ nghĩ tôi đã bị đánh trượt ngay từ nhà gửi xe. Sự việc lại được bàn tán, bình luận. Và tin PXN thành “nghị hụt” cũng bay nhanh như tin PXN được giới thiệu ứng cử làm “ông nghị”. Giáo sư văn học Huỳnh Như Phương nói vào tai tôi, mình đang nghĩ việc Nguyên được giới thiệu ra ứng cử quốc hội là chuyện động trời, Nguyên mà trúng cử nữa thì càng động trời, nhưng đó là tín hiệu mừng, vậy mà chưa chi đã đổ bể, thì buồn không phải cho Nguyên.
Hôm sau nhà thơ Bằng Việt rủ tôi đi nhậu để phân trần. Anh nói tôi có tin mừng là vợ vừa đẻ đứa con trai thứ hai nặng 3,8kg chưa kịp vui thì cái việc xảy ra với ông khiến tôi buồn quá, càng nghĩ càng tiếc. Diễn tiến sự việc anh cho tôi biết là thế này. Sau khi nhà biên kịch Bành Mai Phương rút lui đề cử, Hội liên hiệp cố gắng tìm một người nữ khác để khỏi bỏ phí một suất giới thiệu. Cuối cùng người được đưa ra là họa sĩ Nguyễn Thu Thủy, tác giả bức tranh ghép gốm sứ ven sông Hồng. Chị Thủy thuộc quản lý của báo Hà Nội Mới mà ông tổng biên tập đi công tác Sài Gòn chiều 18/3/2011 mới bay ra Hà Nội. Đợi được sếp báo ra, họp cán bộ công nhân viên trong báo, ý kiến lại không thuận ngay như bên cơ quan tôi. Lo không kịp thời gian, nhà thơ Bằng Việt đã điện cho văn phòng cứ đưa hồ sơ của tôi đi nộp trước, còn của cô Thủy xong sẽ mang đi ngay. Nhưng văn phòng cứ chờ và khi đã có đủ hai bộ hồ sơ mang đi thì trời mưa, đường đông, hạn giờ đã cận kề. Và lúc đầu hồ sơ được đưa lên Ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố HN, nhưng chỗ nộp lại phải là Sở nội vụ thành phố. Kết cục là cả hai hồ sơ của họa sĩ Nguyễn Thu Thủy và của tôi đều không kịp giờ để vào danh sách ứng cử đại biểu quốc hội khóa VIII. Nhà thơ Bằng Việt tỏ ý nhận lỗi về mình chuyện này và động viên tôi, thôi thì không làm ông nghị cả nước, ông cứ ra làm ông nghị thủ đô cũng được, chờ khóa quốc hội sau biết đâu ông vào thì có thêm kinh nghiệm nghị trường.
Thì thử xem sao! Tôi lại nhận giới thiệu của Hội liên hiệp VHNTHN ra ứng cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2011 – 2016. Giáo sư Huỳnh Như Phương nghe tin thay đổi này, lập tức nhắn vào điện thoại tôi câu ca “Chúc mừng chủ tịch Xuân Nguyên / Kỳ này ứng cử nghị viên Hà thành”. Hồ sơ chỉ việc thay từ ứng cử đại biểu quốc hội thành ứng cử đại biểu HĐND thành phố và lần này được nộp đúng hạn, trước ngày khóa sổ 23/3/2011. Sau ba vòng hiệp thương tôi có tên trong danh sách bầu. Vậy là lần đầu tiên trong đời tôi mon men làm người đại biểu của dân. Thì thử xem sao!
Tôi được phân về đơn vị bầu cử số 4 quận Hai Bà Trưng cùng 5 ứng viên khác. Danh sách 6 người là: Đặng Văn Chính, quận ủy viên quận ủy HBT, bí thư đảng ủy, giám đốc bệnh viện Thanh Nhàn; Nguyễn Lan Hương, thành ủy viên, bí thư quận ủy HBT; Hồ Quang Lợi, ủy viên ban thường vụ thành ủy, trưởng ban tuyên giáo thành ủy HN; Nguyễn Hoài Nam, phó trưởng ban chuyên trách ban pháp chế HĐND thành phố, ủy viên ban chấp hành đảng bộ cơ quan văn phòng đoàn đại biểu quốc hội và HĐND thành phố, bí thư chi bộ; Phạm Xuân Nguyên, trưởng phòng nghiên cứu văn học so sánh (Viện Văn học), chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội; Nguyễn Hoàng Yến, phó giám đốc trung tâm dân số-kế hoạch hóa gia đình quận HBT. Tổng số người ứng cử là 6, số đại biểu được bầu là 4. Khi danh sách được công bố trên báo Hà Nội Mới, một người bạn đã réo gọi tôi: mày quân xanh rồi Nguyên ơi, mày trượt rồi Nguyên ơi, họ rất khôn tìm được cách ghép tên theo bảng chữ cái để tên mày đứng thứ năm từ trên xuống, lại đứng dưới mấy vị chưa bầu nhưng đã biết là chắc chắn trúng, mà dân ta đi bầu thì quen rồi cái lệ bầu cho xong, cứ theo danh sách mà gạch khỏi nghĩ gì mất công, có nghĩ cũng rứa thôi. Tôi cười, sắp xếp tên họ ngẫu nhiên hay tất nhiên là chuyện ngoài mình, vả lại dân ta bây giờ cũng khác trước lắm rồi, mình chỉ cố gắng nhân dịp này nói được với dân và tin ở dân, trúng hay trật mình vẫn phục vụ dân nước bằng cái nghiệp văn chương báo chí của mình. Quả là khi xuống quận, gặp gỡ các lãnh đạo quận, trong sáu ứng viên thì tôi như người “đá lạc đội hình” vì họ chung một ngạch chính trị, tôi là dân văn chương.
Nhưng thì cứ thử xem sao, mất gì của bọ!
Đoàn ứng viên và mặt trận tổ quốc quận HBT thống nhất sẽ có hai cuộc tiếp xúc cử tri. Chiều ngày 7/5/2011 gặp đại diện mặt trận tổ quốc và các đoàn thể của quận. Bài phát biểu tranh cử của tôi thưa “các bà các ông, các chị các anh” với tiêu đề “Vì một Hà Nội thủ đô sang trọng hơn, văn hóa hơn”. Trong đó tôi đưa ra lời hứa: “Khi trúng cử, việc đầu tiên tôi làm trên cương vị đại biểu hội đồng nhân dân thành phố là lắng nghe lãnh đạo và nhân dân quận chúng ta trao đổi và đề xuất “những việc cần làm ngay” cho đời sống văn hóa của quận Hai Bà Trưng.” Sáng ngày 12/5/2011 gặp đại diện các tầng lớp nhân dân trong quận. Tôi là người duy nhất có bài phát biểu thứ hai (năm người còn lại đọc lại bài cũ) mang tiêu đề “Tôi muốn làm miệng và tai” với câu mở đầu “thưa bà con”. Lần này tôi đưa ra lời hứa thứ hai trước cử tri: “Rồi đây nếu tôi trúng cử vào HĐND thành phố, thì với tư cách là một đại biểu được bà con cử tri quận Hai Bà Trưng bầu lên, tôi sẽ coi việc xây dựng công viên TTTĐ là một chủ điểm trong chương trình nghị sự của mình.” Trong cả hai bài phát biểu tôi đều có nói là ngay cả không trúng cử thì tôi vẫn sẽ cố gắng trong phạm vi và khả năng của mình cùng người dân giải quyết những vấn đề bức xúc của cuộc sống. Tôi cung cấp số điện thoại và email của mình để mọi người biết liên hệ. Trên báo Hà Nội Mới, trong khuôn khổ cho phép các ứng viên nêu tóm tắt “chương trình hành động” của mình, tôi đã trích đoạn cuối bài phát biểu thứ hai: “Đại biểu hội đồng nhân dân ở cấp nào cũng là người được dân bầu làm đại diện của mình ở cơ quan quyền lực cao nhất của cấp đấy. Vì vậy, theo quan điểm của tôi, đại biểu được dân bầu vào hội đồng nhân dân các cấp, cho đến cấp cao nhất là Quốc Hội, để làm đúng chức năng của mình thì đều phải tự mình trở thành miệng và tai. Miệng của nhân dân và tai của chính quyền. Khi đại biểu đến với dân là mang đôi tai của chính quyền để nghe dân nói hết, nói thật mọi điều bức xúc của cuộc sống mà dân muốn phản ánh, đề đạt tới chính quyền. Khi đại biểu họp hội đồng là dùng cái miệng của dân để nói thật, nói hết mọi điều mình đã nghe dân nói cho các cấp chính quyền nghe. Gần đây, hoạt động của Quốc Hội và hội đồng nhân dân các cấp đã dân chủ hơn, đã có những đại biểu thực sự làm được là tai của chính quyền và miệng của nhân dân. Tôi khi được bầu vào hội đồng nhân dân thành phố sẽ quyết tâm làm một đại biểu thẳng thắn, trung thực như vậy. Bà con nếu bầu cho tôi thì sẽ được một cái tai biết nghe điều phải, điều thật, và một cái miệng biết nói điều đúng, điều thực. Tôi sẽ lắng nghe các nhà văn nhà thơ Hà Nội và người dân ở thành phố, ở quận Hai Bà Trưng nói và tôi sẽ thay mặt họ nói lại những ý kiến đó trên diễn đàn HĐND thành phố nhiệm kỳ 2011-2016 khi tôi là một đại biểu được dân bầu. Nếu tôi không được bầu thì tai vẫn nghe với tư cách khác và miệng vẫn nói ở các diễn đàn khác, nhưng bà con sẽ thiếu đi một tai nghe và một miệng nói của tôi với tư cách đại biểu của bà con ở cơ quan quyền lực cao nhất của thành phố. Đơn giản vậy thôi, cử tri hãy cân nhắc.”
Ở cả hai cuộc tiếp xúc, các cử tri bày tỏ nhiều thắc mắc, kiến nghị về nhiều lĩnh vực cuộc sống, nhất là kinh tế, giao thông, xây dựng và giáo dục. Tại cuộc thứ hai tôi có ba điều đáng nhớ. Một là có một cử tri đã nhân bài thơ Trịnh Hoài Giang tôi dẫn ra trong bài phát biểu để đọc thêm mấy câu cũng có nội dung cảm thán trước quá trình đô thị hóa đang làm mất đi nhiều cảnh quan truyền thống. Hai là, một cử tri rất hoan nghênh việc tôi nêu ra bức xúc về công viên Tuổi Trẻ Thủ Đô chậm trễ hoàn thành, nhưng ông bảo tôi sai khi tính ngày bắt đầu công viên này vào năm 1998. Nó được làm từ lâu lắm rồi, ông nói, cái thời chiến tranh anh nào đi bộ đội mà đảo ngũ “Hà chuồn Nam lủi Thái Bình bay” thì đã bị đưa ra đó để lao động cải tạo. Ba là, một cử tri bảo tôi “vô lễ”, chỉ thưa gửi “bà con” thì đàn ông chúng tôi để đâu. Tôi đáp lại ý kiến này ngắn gọn: vào đầu bài viết tôi đã có xin phép được xưng hô với các cử tri là “bà con”, đến giờ chỉ có một mình bác là phản đối thế nghĩa là tôi không được bác cho phép gọi thế, vậy tôi xin lỗi bác, còn như tiếng Việt nói “bà con” thì không chỉ có đàn bà mà không có đàn ông, nhân đây xin đọc tặng toàn thể bà con trong hội trường này hai câu thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ “Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá / Tiếng Việt ơi, tiếng Việt ân tình”. Cả hội trường vỗ tay tán thưởng. Khi tan cuộc, một người chuyển cho tôi mảnh giấy đề:
Tặng ông: Phạm Xuân Nguyên
Ai cũng hiểu, ít người không hiểu
Nghĩ làm chi, cho bận tâm lòng
Bởi thơ, văn, lĩnh vực riêng tầm
Ai cũng hiểu, ít người không hiểu
(Phạm Thị Chúc, số 5 Quang Trung)
Tôi đã gặp chị Chúc cám ơn sự chia sẻ của chị và tặng chị bài viết “Tôi muốn thành miệng và tai”.
Có thể nói, hai bài phát biểu tranh cử của tôi đã vượt ra ngoài khuôn khổ cái gọi là “chương trình hành động” của mỗi ứng viên. Tôi có ý thức tranh thủ diễn đàn tiếp xúc cử tri mà lần đầu tiên (chắc cũng là lần sau cùng) tôi được dự để bày tỏ quan điểm của mình về việc nước việc dân, về trách nhiệm của các đại biểu dân bầu và của các cơ quan quyền lực đối với dân, về tình trạng xã hội đất nước hiện nay. Cũng hiếm có người nào đưa văn thơ vào việc tranh cử như vậy. Sự phá khung “thể loại tranh cử” như có người gọi vui này đã gây được sự quan tâm của mọi người sau hai cuộc tiếp xúc cử tri, nhất là khi hai bài phát biểu của tôi được đăng tải trên những trang mạng có nhiều truy cập như của Trương Duy Nhất, Văn Công Hùng, Trần Nhương, Nguyễn Trọng Tạo, Đinh Quang Tỉnh.... Tôi đã nhận được những cuộc điện thoại, những bức thư điện tử bày tỏ sự đồng tình hoặc trao đổi với các quan điểm, tư tưởng nêu ra trong hai bài viết, nhất là bài thứ hai.
Nhà báo Trương Duy Nhất (truongduynhat.vn) dành mấy kỳ mạng của anh vận động bầu cử cho tôi. Từ bài phát biểu của tôi, Nhất đã nảy ý tưởng tư vấn tranh cử:
“Tôi chưa một lần ứng cử, nhưng để tư vấn, giúp các ứng viên quan chức, đại gia có được những bản “cương lĩnh tranh cử” gây chú ý, tạo niềm tin và sự “xúc động” trước cử tri không phải là việc làm quá khó. Với nhiều ứng viên lắm tiền nhưng lùn trí thì vai trò tư vấn trong giai đoạn vận động tranh cử mang tính quyết định đến lá phiếu. Và hơn nữa đâu chỉ cần ở giai đoạn tranh cử. Trúng cử rồi thì suốt một nhiệm kỳ ngồi ghế nghị trường ra sao, chọn vấn đề gì để tham vấn, để tạo và nuôi giữ hình ảnh, gây ấn tượng, kiếm điểm trong lòng cử tri, và đóng góp thật sự được cho Quốc hội, cho Hội đồng, cho nước cho dân?”
“Tôi tự hào mà nói là, tôi và Nguyên là bạn, chả thằng nào vì thằng nào mà oách, tuy tôi phục Nguyên hơn. Nhưng phục Nguyên một, tôi phục Hà Nội (tức là Đảng và chính quyền HN) mười lần. Là đã hơn một lần tôi kể chuyện đại hội hội Nhà Văn Hà Nội. Có người chê trách này nọ, nhưng tôi thấy cả hai bên ứng xử đều oách. Bên hội nhà văn thì sáng mai đại hội chiều mới đưa báo cáo. Bên thành phố thì, coi như không có gì, các chú vẫn đại hội, và vẫn thành công. Làm hội lâu năm mình biết, mà chả cứ hội, liên quan đến báo cáo bầu bán là phải báo cáo trước cả tháng, để duyệt, để nâng lên đặt xuống... Thế mà cánh Nguyên, Hồ Anh Thái làm như... bữa giỗ nhà mình (thực ra giỗ thì vẫn phải... bàn và xin phép vợ, có khi cãi nhau, đánh nhau ầm ĩ), đằng này sát giờ mới báo, và vẫn xong. Đến đận bầu cử này thì oách nữa. Nghe nhiều thông tin ngược về Nguyên nhưng Hà Nội vẫn giới thiệu Nguyên ra ứng cử đại biểu Quốc Hội. Oách quá, hoan hô Hà Nội, hoan hô quốc hội. Nhưng do cơ quan Nguyên chỉ mải... chơi nên đưa hồ sơ muộn, Hà Nội vẫn thiện chí bằng cách chuyển Nguyên về ứng cử Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội. Tôi là "ma" Gia Lai đã hơn ba mươi năm, chả bao giờ nghĩ mình sẽ là đại biểu hội đồng của tỉnh này, thế mà Hà Nội chọn Nguyên, tôi thấy đây là một ứng xử rất đẹp. Bù lại, Nguyên đã có một bài phát biểu rất hay để vận động bầu cử. Nếu ở HN tôi chắc chắn sẽ bầu cho Nguyên, còn ở xa, tôi dùng blog này vận động vậy...”
Nhà thơ Trần Nhương đưa lên trang mạng của mình (
trannhuong.com) hai bài phát biểu của tôi kèm theo một lời kêu gọi “Hãy bầu cho Phạm Xuân Nguyên”.
Nhà thơ Nguyễn Đức Tùng ở Canada để ý kiến dưới bài viết của tôi đăng trên mạng của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (
nguyentrongtao.org):
“Tôi vừa đi bỏ phiếu trong cuộc tổng bầu cử của toàn liên bang Canada. Đảng Bảo thủ của thủ tướng Harper đang cầm quyền phải tổ chức cuộc bầu cử sớm hơn dự định, vì ngân sách năm 2011- 2012 đã bị Quốc hội Canada bác bỏ toàn bộ, làm rung chuyển bộ máy liên bang. Canada hiện có ba đảng lớn là đảng Bảo thủ đương quyền, trung hữu, đảng Tân Dân chủ, khuynh tả, và đảng Tự do, trung dung. Một lá phiếu nhỏ bé không có nghĩa gì lắm, nhưng tôi vẫn suy nghĩ nhiều ngày và cuối cùng đã ủng hộ đảng Green Party (đảng Xanh), có lập trường bảo vệ môi trường, tài nguyên, ủng hộ hoà bình và các chính sách nhân đạo. Tin mới nhất cho biết đảng Bảo thủ lại được tín nhiệm một lần nữa với chiến thắng rực rỡ. Đảng Xanh chỉ gởi được một người vào Quốc hội. Hai công dân Canada gốc Việt nam trẻ tuổi cũng đắc cử lần này. Hình như đây là lần đầu tiên người Việt di dân có mặt trong Quốc hội Canada.
Tôi xin gởi một lá phiếu bầu cho nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, một người bạn mà tôi quý mến.”
Một cử tri ở địa chỉ ksan_nguyen@yahoo.com.vn viết:
“Xin chào anh Phạm Xuân Nguyên. Xin lỗi anh vì sự đường đột này, tôi đọc bài cương lĩnh tranh cử của anh, tình cờ thấy có add. mail trong đó... Thưa anh, anh muốn làm ông nghị, ông hội đồng... và làm theo kiểu: tai cho chính quyền, mắt cho nhân dân, một ý tưởng được ví von, hình tương thật độc đáo...! có lẽ từ lâu lắm đến nay, chưa có ai đưa ra cách diễn đạt "văn học so sánh" này. Nhưng (lại nhưng...!), thưa anh Nguyên, cuộc đời này, anh sẽ được làm tai, làm mắt... cũng là đủ tai, đủ mắt, nhưng mà là... khiếm thính, khiếm thị.... khổ thế, anh Nguyên ạ...! Cho dù vẫn tai thính, mắt tinh...phải làm diễn viên khiếm....(thính + thị +...+...?)! Còn bloger họ Trương, tên Nhất, đệm Duy, muốn làm nhà tư vấn tranh cử...cho những người "nặng túi" mà "nhẹ Óc". "khuyết tật tim", quá hay... Nhưng (lại nhưng...) muốn hành nghề tư vấn, TDN kiếm đâu ra chứng chỉ hành nghề? học ở đâu để có thể được sát hạch (à quên, thi) để lấy chứng chỉ này...?! khó rồi nghe...nhờ anh (tôi đoán chắc là anh có quan hệ gần gũi với TDN ) chuyển zùm nỗi lo lắng (chứ chưa phải là nỗi sợ hãi) đến bloger họ Trương... Chúc anh sức khỏe, vạn sự như ý, kể cả cái sự thành ông hội đồng, thành tai, thành mắt...!” Đọc nỗi lo này, tôi nhớ nhà thơ Việt Phương, thư ký lâu năm của thủ tướng Phạm Văn Đồng, giờ tuổi đã ngoài tám mươi vẫn đau đáu việc nước, có lần ông buồn bã đọc mấy câu nôm na nói lên cái cảnh cấp trên nghe cấp dưới báo cáo tình hình: “Anh nói rất hay / Còn nhiều điều gay / Chưa thể làm ngay / Còn chờ dịp may/ Có thể sau này”.
Tiến sĩ văn học, dịch giả Phan Hồng Giang viết:
“PXNguyen quý mến, Mình vừa đọc cương lĩnh tranh cử của ông. Rất chi là hay và... rất PXNguyen Tin chắc là ông sẽ đắc cử. Dân mình bây giờ cũng khôn lên rồi. Chỉ cần giám sát nghiêm chỉnh khâu kiểm phiếu là xong. Khi đã là "ông nghị Thủ đô rồi, chỉ mong ông làm sao KHAI TỬ được cái LOA PHƯỜNG thì cũng sẽ được lưu danh như một người anh hùng! Thế mới là Một Thủ đô SANG TRỌNG hơn, VĂN HÓA hơn như ông đã đề ra mục tiêu phấn đấu.”
Một bạn ở địa chỉ tyly2468@yahoo.com viết:
“Tiếc là người ta không đưa anh về Quận Tây hồ của em. Đây mới là mảnh đất đông dân lao động. Những người nông dân lãng mạn còn sót lại của Thành phố. Hồi mới về đây, em hay tha thẩn dọc triền sông. Một sớm lặng người bất chợt gặp một vạt hoa bướm của tuổi thơ xa xôi, rung rinh thơ dại trong gió sông. Em hỏi chủ vườn giờ sao ít thấy trồng loài hoa này nữa. Ông bảo vì rẻ lắm. Hỏi rẻ sao anh vẫn trồng. Ông cười bảo thích thì trồng cho vui. Bất chấp những điều "tê tái", người nông dân, họ vẫn cứ ung dung sống lãng mạn thật vậy sao anh?”
Một bạn ở địa chỉ ngocnm77@yahoo.com viết:
“Kính gửi Bác Nguyên,
Em đọc bài vận động tranh cử của bác mà thấy mê quá. May quá nhà em ở Triệu Việt Vương, cả nhà em với số lượng cử tri lên tới 20 người sẽ ủng hộ bác hết. Nếu có cơ chế bầu dồn phiếu như ở Luật Doanh nghiệp thì tốt quá nhỉ.. Nhân dịp bác ngồi ở nghị trường, nếu bác trúng cử, em muốn nhờ bác đưa vấn đề trường Tiểu học Bà Triệu, thuộc phường Bùi Thị Xuân quận Hai Bà Trưng lên bàn nghị sự giúp em cái, cho con em có trường học tử tế với. Ai đời lấy cái mảnh đất Trần Hưng Đạo rộng thế, mà chưa thấy có khúc nào cho các cháu học. Coi như gần 3 đời nhà em từ anh em, đến em, con em, và sắp là cháu của anh em vẫn học ở cái trường 50 năm lịch sử đấy mà không có sự thay đổi nào. Ai đời, giữa thủ đô to gần nhất thế giới vẫn còn cái trường tiểu học bé nhất thế giới, mọi hoạt động ngoại khóa đều diễn ra dưới vỉa hè.
http://www.tieuhocbatrieu.com/…/75-truong-hoc-o-day-thua-kt… Vậy trăm sự nhờ bác có thiên lý nhĩ và miệng to bác nhé. Thanks bác nhiều.”
Anh bạn Trần Đình Nuôi học cùng lớp chuyên toán tỉnh Hà Tĩnh với tôi ở trường cấp 3 Phan Đình Phùng làm thơ nhắn gửi:
Ông Nguyên ơi, hỡi ông Nguyên
Phen này ông có vào nơi nghị trường
Thấy đời bao ngược tai ương
Phải lên tiếng nói, phải thương dân nghèo
Đừng có ba phải tầm phào
Cứ ngồi ngủ gật, cứ nhất trí đều
Nịnh thần kiếm chút hư danh
Mưu cầu hạnh phúc riêng mình chớ nên
Chúc ông sức khỏe ... bình yên
Mai nay đừng có trở nên ông "Nguyền"
(Nguyền: bị người đời nguyền rủa)
Tôi đã đáp lại những ý kiến bày tỏ, chia sẻ của mọi người. Chuyện trường tiểu học Bà Triệu thì thật là không sao hiểu nổi cả quận và thành phố lại để các cháu chen chúc trong một khung cảnh chật chội, nguy hiểm như vậy. Và nỗi buồn của cô gái ở làng lúa làng hoa khi đất quê hóa phố làm mất đi cả nếp quê và đẩy người nông dân thành kẻ ở thuê trên đất đai của mình. Còn nhiều nữa những “còm” (comment) trên các trang mạng đăng bài phát biểu của tôi mà tôi vô cùng cám ơn cả những lời động viên, khích lệ, gửi gắm, cả những góp ý, ngờ vực, băn khoăn. Dù trúng cử hay không tôi đã mắc nợ các cử tri và làm được gì để trả món nợ này tôi sẽ cố gắng hết sức trong khả năng và ảnh hưởng của mình.
Xong hết các thủ tục của quy trình làm một ứng viên, tôi lại sống và làm việc bình thường, phân chia thời gian cho công việc ở Viện Văn học và Hội Nhà văn Hà Nội, cho bản thân mình ở nhà. Tôi như quên mình là một ứng viên, chờ ngày 22/5/2011 thì đi bầu ở nơi mình cư trú, làm tròn trách nhiệm của một công dân. Chợt một hôm có một cuộc điện thoại của một cử tri làm công tác mặt trận ở một phường thuộc quận HBT gọi đến tỏ ý lo lắng cho tôi là khả năng trúng cử không cao vì như là tôi không thuộc diện được “quán triệt bầu” phổ biến về các cơ sở dân cư. Tôi cám ơn vị cử tri, nghe xong lòng bình thản như đã biết hay đã không biết. Thì cứ thử xem sao! Mạng anh Ba Sàm cũng tung lên một văn bản cho là của đại học Vinh chỉ đạo cử tri thuộc trường đi bỏ phiếu phải biết ai được “quán triệt bầu”, ai không. Văn bản thật giả chưa rõ, nhưng bản chất vấn đề thì ai cũng rõ. Thế thì có gì phải buồn, phải lo. Chỉ thương là lòng dân.
Ngày 22/5/2011 đến. Từ sáng tôi đã nhận được những tin nhắn, những cuộc gọi chúc thành công. Mới hơn bảy giờ, giáo sư Trần Đình Sử đã gọi điện nói to: bỏ rồi nhé, mình bỏ cho cậu rồi nhé, kỳ này mình vui nhất là được bỏ phiếu cho Phạm Xuân Nguyên. Rồi từ Sài Gòn, Nha Trang, Huế, Sơn Tây gọi ra, gọi xuống chúc nhau như đã trúng cử. Gần trưa, nhà văn Bảo Ninh gọi điện hỏi, này ông, sao vợ tôi đi bỏ phiếu về nói không thấy có tên ông trong danh sách bầu ở quận Ba Đình. Nhà ông và nhà tôi chung quận mà. Tôi nói cho tác giả Nỗi buồn chiến tranh hay là tôi được phân về bầu ở quận Hai Bà Trưng. Bảo Ninh thở phào, ra thế, tôi cứ tưởng ông lại bị làm khó dễ hay trục trặc gì đến phút cuối bị loại ra khỏi danh sách bầu. Tôi cười, chúc ông bạn nhà văn lên đường sang Nhật Bản nhận giải thưởng văn chương châu Á 2011 thật vui. Quá trưa, tôi vào blog của mình ở địa chỉ
vn.360plus.yahoo.com/tufs03, đọc được một thông báo của nhà thơ Vũ Thị Minh Nguyệt (Nguyệt Vũ): “Chủ tịch ơi, hôm nay anh có 4 phiếu của nhà em đấy nhé, em chỉ nhờ cái tai cái mắt nói với Quốc Hội rằng: 1) Đường Bạch Đằng vốn đã chật hẹp, sau khi giải tỏa chợ Nguyễn Cao thành nơi họp chợ. Rác và ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng, gà vịt bán mổ trên đường phố vô cùng mất mỹ quan. Phường cho người đi thu phí chợ, dân bán hàng ồ ạt lấn chiếm vỉa hè trước nhà dân. Nói họ không đi, còn vất bẩn vào nhà. Ở khắp các quốc gia đường phố ven sông bao giờ cũng là nơi đẹp nhất, vậy bao giờ đường Bạch Đằng (nhà iem) được như đường Bạch Đằng của Đà Nẵng (ấy là nhà iem chỉ dám ước ao nhỏ nhoi so bì thủ đô với thành phố loại một thôi). 2) Đường Bạch Đằng là nơi duy nhất các tiệm rửa xe ngang nhiên diễn ra trên lòng đường, nước bắn tung tóe vào người đi đường, xe máy giẻ lau phơ chăng đầy đuờng, lòng dân bức xúc nhưng không dám ho he...Vì mình đi làm suốt, nói họ không lại. 3) Dự án ven sông Hồng đã có, vậy mà các nhà bên phía quy hoạch vẫn xây ầm ầm..., nghe đâu có giá cho mỗi tầng. Đất ở đây nhiều nơi bị sụt lở, liệu có xảy ra vụ đổ nhà chết dân... Quy tắc xây dựng quản lý chặt lắm đấy, nhưng chỉ đập phá những nhà nào không chịu nộp "lệ làng"? Mong bác đắc cử, em vô cùng tự hào bầu cho tân Chủ tịch đó ạ.” Gần sát giờ khóa hòm phiếu, tôi đang ở nhà, thì được điện của giáo sư Hà Minh Đức nói tôi bỏ cho anh hai phiếu, một của tôi, một của vợ tôi, nhìn vào danh sách thấy vị trí của anh cũng gay đấy, nhưng tôi mong anh được trúng. Nhà văn Nguyễn Hiếu nhắn tin: “Cả nhà anh, cả hội cầu lông phường anh bỏ cho chú. Chúc chú trúng cử tỷ lệ cao”. Hầu như các bạn bè văn nghệ, những người quen biết sống ở quận Hai Bà Trưng đi bầu xong là đều báo tin, gọi điện cho tôi, và hy vọng tôi trúng cử.
Ngày bầu cử đã qua. Kết quả sẽ có trong nay mai. Tôi kể lại chuyện mình được Hội liên hiệp VHNT Hà Nội giới thiệu ứng cử vào quốc hội (hụt), rồi vào HĐND thành phố (đã bầu) không phải để khoe mình. Tấm lòng tin tưởng của mọi người đối với tôi không chỉ vì cá nhân tôi, nó còn thể hiện mong muốn có sự thay đổi trong việc giới thiệu người ra ứng cử và việc bầu cử người đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực cao nhất các cấp. “Ông là người có tinh thần phản biện, chứ ông không phải là người làm chính trị, nhưng bộ máy cần có những người như ông tham gia”, đấy là lời nhà thơ Trần Đăng Khoa nói với tôi một ngày trước cuộc bầu cử. Tôi công nhận Khoa nói đúng mình. Nếu tôi trúng cử kỳ này thì đó là điều nên vui cho chính quyền. Nếu tôi không trúng cử thì đó là điều không nên buồn cho tôi. Thì thử xem sao! Phép thử cho kết quả dương hay âm đều có giá trị.
Bầu cử xong rồi. Hôm sau, cùng hai dịch giả Paul Hoover và Nguyễn Đỗ, những người dịch thơ Nguyễn Trãi ra tiếng Anh xuất bản tại Mỹ Beyond the Court Gate, và nhà thơ Nguyễn Duy, tôi xuôi vô Trung vô Nam đưa tư tưởng và tình cảm Ức Trai chứa đựng trong những bài thơ đến với người đọc. Vị tổng thống thứ 16 của nước Mỹ Abraham Lincoln (1809-1865) trong bài diễn văn Gettysburg (1863) đã nêu lên tư tưởng bất hủ về một nền tự do mới sinh ra một “chính quyền của dân, do dân và vì dân” (“government of the people, by the people, for the people”). Nhưng trước Lincoln gần năm trăm năm, người anh hùng dân tộc Việt Nam Nguyễn Trãi đã khẳng định một chân lý phổ quát hơn và bất biến cho mọi dân tộc, mọi thời đại: “Lật thuyền, mới hay dân chính là nước” (“Phúc chu thủy tín dân do thủy”).
Hà Nội, tối 22.5.2011
Phạm Xuân Nguyên