Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÀI THƠ 9 ĐIỂM VỀ CHÍ PHÈO - THỊ NỞ

Tân Tân - Bình An
Thứ bẩy ngày 12 tháng 3 năm 2016 4:37 PM



Đề bài 'Nếu em là người dân làng Vũ Đại...' được một cậu bạn chuyên Hóa phóng tác thành thơ cực dí dỏm...

Được đăng tải trên fanpage THPT chuyên Lê Quý Đôn, Vũng Tàu, bài thơ lục bát 70 câu kể chuyện làng V

ũ Đại với nhân vật chính Chí Phèo - Thị Nở đang chiếm được rất nhiều cảm tình của người đọc. Tác giả của bài thơ này là bạn Trần Thế Hoàng Phước, lớp 11 Hóa 2.

Bài thơ của Trần Thế Hoàng Phước. Ảnh chụp từ FB THPT chuyên Lê Quý Đôn, Vũng Tàu.

Với đề bài mở: Nếu em là người dân làng Vũ Đại...,Hoàng Phước đã “phá cách” khi thể hiện bằng kiểu thơ lục bát. Nội dung bài thơ khắc họa cuộc đời nhân vật văn học nổi tiếng Chí Phèo và mối tình của Chí với Thị Nở (tác phẩm Chí Phèo - Nam Cao). Hơn thế, bài thơ lột tả được thực trạng xã hội thời phong kiến khi người dân phải sống trong sự kìm hãm của địa chủ, quan lại.


Hoàng Phước (ngoài cùng bên trái) cùng bạn bè và cô giáo. Ảnh: NVCC

Vì bất thình lình không nghĩ được ra cách làm bài văn xuôi nên Hoàng Phước “xuất khẩu thành thơ” và cũng nơm nớp lo sợ điểm của mình cũng “phiêu lưu” không kém:

“Đến đây em cũng bí rồi/ Văn thơ chấm dứt một thời thăng hoa/ Người nào chẳng có lúc sa/ Vì văn không biết nên là làm thơ/ Mong cô ngoảnh mặt làm ngơ/ Đừng cho không điểm kẻo mờ em toi/ Đồng thời cô cũng săm soi/ Có gì sai sót góp lời cho em”.

Mặc dù cách gieo vần còn hơi cứng so với phong cách viết thơ lục bát nhưng với giọng thơ sinh động, ngôn từ gần gũi và đặc biệt là sự sáng tạo khiến teen đọc xong cứ thế ''đổ'' đứ đừ.

2013-12-30-100214.jpg


Ngay khi đăng tải, bài thơ gây “chấn động” thần dân trong trường. Minh Ngọc bình luận: “Mình cảm thấy thật sự thích thú với bài kiểm tra của Phước. Mình thi đại học khối D sợ lắm mấy bài văn xuôi dài, vậy mà thông qua những câu thơ của Phước, mình có thể hiểu rõ hơn và nắm được ý chính của bài Chí Phèo hơn”.Phần nhận xét của giáo viên cho bài kiểm tra cũng “bá đạo” không kém. Bài thơ được chấm 9 điểm bởi sự sáng tạo, có tài của học sinh mặc dù hơi lan man và chưa sát với đề ra:

“Thơ em viết thật là hay/Khiến cô cũng thấy vui lây thế nào/ Thấm tình Thị Nở Chí Phèo/ Càng thương tình cảnh đói nghèo lầm than/ Dù đôi ý có lan man/ Lại thêm chưa sát với đề cô cho/ Nhưng công sáng tạo ra trò/Con trai - chuyên Hóa giờ còn mấy ai?/Độc đáo lại cũng có tài/ Cô liền hạ bút chẳng sai: chín tròn!”.

Bài thơ của Trần Thế Hoàng Phước

"Nam Cao viết truyện Chí Phèo
Cùng làng Vũ Đại đói nghèo tối tăm
Hôm qua em định đi nằm
Ngờ đâu nhớ lại bài văn chưa làm

Em là dân ở trong làng
Hằng ngày thấy cảnh ngang tang hại dân

Chí Phèo xưa vốn hiền lành
Ở cho Lý Kiến ma lanh nhất làng
Vì ghen nên bị nghi oan
Tám năm tù tội hoàn toàn đổi thay

Chí xưa vốn thiệt người ngay
Từ khi mãn hạn người này khác xưa
Suốt ngày xỉn rượu say sưa
Đập đầu ăn vạ chẳng chừa một ai

Trong tay sẵn có mảnh chai
Cả làng Vũ Đại chẳng ai dám gần
Đến nhà cụ Kiến mấy lần
Tiền kia đổi lại một phần lương tâm

Dân làng chỉ biết lặng câm
Nhìn theo bóng Chí đến thăm từng nhà
Người nào chẳng móc tiền ra
Trả cho Bá Kiến thì nhà ra than

Ngày ngày hắn vẫn hung tàn
Tay sai Bá Kiến làm càn hại dân
Nào đâu say rượu một lần
Chí ta gặp Nở đần đần dở hơi

Sau lần ngả ngớn lả lơi
Chí Phèo lại thấy thảnh thơi muôn phần
Nở kia dở dở đần đần
Mà làm cho Chí tâm thần xốn xang

Thị tuy chẳng tốt dung nhan
Nhưng mà tâm ấy hơn ngàn giai nhân
Sau khi ăn ở mấy lần
Chí Phèo tỉnh hẳn, tính nhân ùa về

Người vừa thoát khỏi cơn mê
Tìm ngay Bá Kiến một (…) chết liền
Chí Phèo cũng mải lên tiên
Cố kia một nhát máu liền tuôn ra

Khổ thân cho chị Nở ta
Bụng mang dạ chửa không nhà không thân
Sau khi suy nghĩ bần thần
Nàng bèn quyết định ẩn thân trong lò

Thật là luẩn quẩn quanh co
Cha con nối tiếp trong lò bước ra
Đọc xong tác phẩm vừa qua
Chúng ta cảm thấy xót xa trong lòng

Người dân bị ép đến cùng
Tính tình thay đổi, tính hung trỗi dậy
Chí Phèo tính vốn người ngay
Tù kia dạy dỗ giờ đây như vầy

Cường hào ác bá một bầy
Đẩy dân xuống hố tiền đầy trong tay
Dân ta chịu đựng lắm thay
“Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền”

Đến khi phân rõ trắng đen
Thì thôi hồn đã lên tiên mất rồi
Thật ra cũng tại thói đời
Người dân chịu khổ đứng ngồi không yên

Thời xưa xã hội đảo điên
Cũng vì hai chữ tiền quyền mà ra
Thói đời mềm nắn rắn tha
Người mà mềm quá thành ra miếng mồi

Đến đây em cũng bí rồi
Văn thơ chấm dứt một thời thăng hoa
Người nào chẳng có lúc sa
Vì văn không biết nên là làm thơ

Mong cô ngoảnh mặt làm ngơ
Đừng cho không điểm kẻo mờ em toi
Đồng thời cô cũng săm soi
Có gì sai sót góp lời cho em".

Trần Thế Hoàng Phước
(Lớp 11 Hóa 2 THPT chuyên Lê Quý Đôn, Vũng Tàu)