Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIẢI OAN HAY HÀM OAN?

Hoàng Quốc Hải
Thứ năm ngày 10 tháng 3 năm 2016 2:41 PM





 

Sách “Cõi thiêng yên Tử’ do ông Thi Sảnh ( tức Thanh Sỹ giám độc Sở Văn hóa Thể Thao và Du lịch kiêm chủ tịch Hội khoa học lịch sử tỉnh Quảng Ninh xuất bản trước năm 2000, hiện vẫn có giá trị lưu hành) và giáo sư Hà Văn Tấn là tác giả. Sách dầy 40 trang cỡ 12-21 cm . Phần ông Thi Sảnh viết hai bài từ trang 20 đến trang 38.

Bài “Từ Giải oan đến Bia Phật” có đoạn:

“Chuyện cũ kể rằng: Khi Trần Nhân tông xuất gia đến Yên Tử tu hành, một trăm cung phi vốn trước đó hầu hạ ông ở cung vua, cũng lặn lội tìm đường đến Yên Tử, xin theo ông. Nhưng Trần Nhân tông khuyên họ trở về làm lại cuộc đời. Để tỏ lòng trung với vua, mọt trăm cung phi liền trầm mình xuống suối Hồ Khê, dưới chân núi Yên Tử. Một số cung phi bị chết đuối. Để giải oan cho linh hồn họ, Trần Nhân tông cho dựng chùa thờ cúng, chùa ấy gọi là chùa Giải oan. Suối Hồ Khê nơi các cung phi trầm mình, cũng từ đó mang tên Giải oan. Số cung phi cứu được thoát chết, vua cho tập trung dưới chân núi, làm nhà cho ở, cấp ruộng đất cho cầy cấy, cho lấy chồng sinh con, lập thành làng Nương, làng Mụ tức xã Thượng Yên Công ngày nay” ( Tr 27 sách “Cõi thiêng Yên Tử”).

Do ông giám đốc Sở văn hóa kiêm chủ tịch Hội khoa học lịch sử viết sách hướng dẫn cho khách hành hương về danh sơn Yên Tử như vậy, nên những người thuyết minh cho khách hành hương và khách tham quan Yên Tử đã định hình theo chỉ dẫn trên ( ít ra từ khi Yên Tử có cáp treo đến nay). Và khách cứ đinh ninh rằng “Suối Giải oan có đúng 100 cung nữ trầm mình, số cứu được đưa về an cư tại hai làng gọi là “làng Nương” , “làng Mụ” và hai làng ấy nay là xã Thượng Yên Công. Và chùa Giải oan do Trần Nhân tông lập nên để thờ cúng ( các cung nữ chết oan), chùa ấy gọi là chùa “Giải oan”.

Vậy những điều tưởng như là khẳng định trên đây, tác giả Thi Sảnh, tức ông Thanh Sỹ- nhà quản lý đầu ngành văn hóa tỉnh Quảng Ninh dựa trên cơ sở lịch sử nào?

Do tin tưởng vào công trình sáng tạo của lãnh đạo ngành, nên Ban quản lý di tích đã cho khắc một tấm bia bằng đá hoa cương đặt trước lối vào chùa Giải oan.

Thường khi người ta dựng bia nhằm khẳng định hoặc tôn vinh một sự việc có thật, đã từng diễn ra trong lịch sử hoặc cả với hiện tại. Bia lập ngày 27 tháng 11 năm 2008, nội dung lấy từ sách “Cõi thiêng Yên Tử” như phần trên đã trích.

Sách viết như vậy, bia khắc theo sách, thuyết minh cho du khách theo nội dung bia dựng nơi cổng chùa. Thử hỏi du khách còn hoài nghi vào đâu nữa.

Tôi đã từng đọc các sách về Đạo Phật, cũng như tham bác về các học thuyết Nho-Lão và lịch sử dân tộc xuyên suốt hai thời đại Lý, Trần. Vì vậy tôi rất thận trọng và đọc tới cả trăm lượt bài viết của ông Thi Sảnh, mong tìm được sự thỏa hiệp với những sự kiện do ông viết. Nhưng quả thực, càng đọc càng thấy những vấn đề ông Thi Sảnh đặt ra nó nằm ngoài tầm hiểu biết của tôi. Vì vậy, phải kiếm tìm lời giải trong sử sách và trong dân gian.

100 CUNG NỮ TRẦM MÌNH ÔNG THI SẢNH LẤY TƯ LIỆU TỪ NGUỒN NÀO?

Thánh đăng lục” và “Tam tổ thực lục” là sách ghi chép chủ yếu các sự kiện xảy ra trong cuộc đời 5 vị vua đời Trần gồm: Trần Thái tông, Trần Thánh tông, Trần Nhân tông, Trần Anh tông, Trần Minh tông.

Tam tổ thực lục ghi chép về ba vị tổ của phái Trúc Lâm Yên Tử: Điều Ngự giác hoàng Trần Nhân tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Cả hai sách này đều không đả động gì đến việc 100 cung nữ theo vua khi ngài xuất gia lên Yên Tử.

Việc Trần Nhân tông xuất gia lên Yên Tử, sách Đại việt sử ký toàn thư chép: “ Tháng 8 ( Kỷ hợi 1299 ), thượng hoàng từ phủ Thiên Trường, lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh”. Toàn thư không cho ta một thông tin nào về 100 cung nữ theo vua Trần Nhân tông rồi trầm mình.

Nói lại xuất gia là bởi năm Giáp ngọ ( 1294 ) Trần Nhân tông đã xuất gia tại chùa Khai Phúc thuộc hành cung Vũ Lâm tỉnh Ninh Bình.

Kiến văn tiểu lục” của Lê Quí Đôn cũng như “Việt sử yếu” của Hoàng Cao Khải đều không nói đến sự kiện Trần Nhân tông xuất gia lên yên Tử.

Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim chép việc Trần Nhân tông xuất gia như sau: “Đến khi Nhân tông đi đánh Lào trở về, thì bỏ đi tu, trước ở chùa Vũ Lâm ( làng Vũ Lâm, phủ Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) sau về ở Yên Tử sơn” ( tr 152-153 ). “Lịch sử Việt Nam của Lê Thành Khôi không chép việc Trần Nhân tông xuất gia. Việc này “Đại Việt sử ký tiền biên” của Ngô Thời Sỹ chép: “Mùa thu tháng 7, tu sửa am Ngọa Dược ở núi Yên Tử. Thượng hoàng lại xuất gia đi tu ở núi Yên Tử. Đến Long Động từ biệt các cung tần mỹ nữ, cho họ được tự do. Người nào không muốn về quê thì cấp ruộng làm nhà ở dưới chân núi cho họ ở. Thượng hoàng thường về Thiên Trường ngự ở cung Trùng Quang” ( tr 393).

Cũng sự kiện này “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” của Quốc sử quán triều Nguyễn chép: “Tháng 7, mùa thu, Thượng hoàng lên núi Yên Tử, xả thân ở am Ngọa Vân. Trước kia, Thượng hoàng ở Vũ Lâm, thời thường đi lại kinh sư và phủ Thiên Trường; đến nay lại xuất gia đến núi Yên Tử, ở am Ngọa Vân. Cung tần, thị nữ người nào không muốn về thì cấp ruộng và cho nhà ở chân núi. Thượng hoàng thỉnh thoảng có về phủ Thiên Trường, ngự ở cung Trùng Quang” (Tập I tr535 ).

Hai bộ sử này đều chép sự kiện Trần Nhân tông xuất gia giống nhau. Nhưng đều không có chi tiết 100 cung nữ trầm mình.

Đại Việt sử ký tiền biên” của Ngô Thời Sỹ trứ tác vào cuối thế kỷ 18, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” được soạn vào thời vua Tự Đức, khoảng giữa thế kỷ 19.

Vậy ta có thể hiểu “Cương mục” đã chép lại sự kiện này từ “Đại Việt sử ký tiền biên”. Tuy nhiên, Ngô Thời Sỹ không cho ta biết ông lấy tư liệu từ nguồn nào.( Sau có một vài người dẫn lại sự kiện này đều theo nguồn của “Đại Việt sử ký tiền biên”). Thường các vị vua băng hà hoặc xuất gia thì các cung nữ được giải cung là điều tất yếu, triều đại nào chẳng vậy.

Việc này nếu xẩy ra với Trần Nhân tông, chắc vào năm Giáp ngọ (1294 ) là lúc ông xuất gia lần thứ nhất tại hành cung Vũ Lâm thì đúng hơn. Lần xuất gia thứ hai lên Yên Tử, Đại Việt sử ký toàn thư chép: “ Tháng 8 ( Kỷ hợi 1299 ) , Thượng hoàng từ phủ Thiên Trường lại xuất gia vào núi Yên Tử tu khổ hạnh” ( tr 546 tập I ). Tu khổ hạnh, có nghĩa là tu theo hạnh đầu đà, người tu sĩ phải xả bỏ tất cả để dấn thân. Ăn chỉ dùng một bữa chay duy nhất vào đúng giờ ngọ, ngủ phải ngủ ngồi, không chăn chiếu, giường phản. Như vậy Trần Nhân tông phải chuẩn bị hết sức chu đáo để không còn gì vướng bận. Vì vậy khó có chuyện các cung nữ dám theo ông vào lúc này.

Việc các cung nữ giải cung là việc thường hằng của các triều vua sau khi nhà vua băng hà, hoặc xuất gia như trường hợp Trần Nhân tông. Vậy thời con số đúng 100 cung nữ trầm mình, ông Thi Sảnh dẫn từ nguồn nào, thực sự là một thông tin đáng ngờ?!

THỬ TÌM LẠI “LÀNG NƯƠNG” “LÀNG MỤ”.

Phần trên ta tạm kết luận “ 100 cung nữ trầm mình là không có căn cứ lịch sử”. Phần này ta đi tiếp xem “làng Nương”, “làng Mụ” ở đâu, nó từng là một thực thể hay chỉ là chuyện hư ảo. Tôi đã nhờ một số bạn bè trong Viện nghiên cứu Hán – Nôm tra cứu giúp trong địa phận huyện Yên Hưng thuộc tỉnh Quảng Yên xưa hoặc thị trấn Uông Bí thuộc huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh ngày nay xem hai cái làng cổ có tên là “làng Nương”, “làng Mụ” xưa tương ứng với làng xã nào thời hiện tại.

Hai vị tiến sĩ Hán – Nôm, Đinh Công Vỹ và Nguyễn Xuân Diện sau một thời gian tìm kiếm công phu bằng mọi công cụ kiếm tìm, đều không thấy hai tên “làng Nương”, “làng Mụ” xuất hiện ở bất cứ khu vực nào trong huyện Yên Hưng xưa và quanh vùng Uông Bí, Yên Tử ngày nay.

Sau khi kiếm tìm vô vọng hai cái tên ảo này, tôi tìm đến thần phả tổng Bí giàng huyện Yên Hưng tỉnh Quảng Yên xưa, nay là tỉnh Quảng Ninh. May thay có bản dịch “Thần tích- Thần sắc” địa phương do tiến sĩ Hoàng Giáp từng làm việc tại Viện nghiên cứu Hán Nôm hiệu đính, và người dịch Hoàng Thúy Nga, người cùng viện.

Các tài liệu do Viện Hán Nôm lưu trữ là do thừa hưởng thành quả của Viện Viễn Đông bác cổ. Họ cho sưu tầm, ghi chép, chỉnh lý về các di tích lịch sử, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, tôn giáo. Được lưu giữ bằng ba loại hình ngôn ngữ văn tự: Chữ Hán, chữ Việt, chữ Pháp. Phần chữ Pháp được diễn dịch chi tiết hơn.

Thông qua hệ thống hành chính, họ yêu cầu kê khai từ cấp cơ sở. Đây là tờ phúc trình của viên chánh tổng, nguyên văn:

Bí Giàng ngày 9 tháng 5 năm 1938

Kính gửi quan huyện Yên Hưng

Tên tôi là phạm Văn Mẫn 39 tuổi, chánh tổng tổng Bí Giàng, phúc trình lên quan lớn một việc sau đây:

Duyên thừa sức hỏi về phong tục và thần tích của xã Thượng Mộ Công, tôi đã tuân thân đến tận nơi, trách hợp với hương lý cùng khảo sát mọi nhẽ.

Vậy tôi đã điều tra rõ ràng và xét thấy xã Thượng Mộ Công hướng lai chưa hề có sự lệ và phong tục gì đáng chú ý cả. Nguyên xã ấy vì năm mươi năm về trước, cũng bị loạn lạc, dân cư đã phải siêu tán đi, dần dần mới chiêu hồi về làm ăn, thì phần nhiều là người Nùng, cùng là Mán Thanh y, Thanh phán cả, cho nên vì thế mà dân xã chưa có lệ tục gì cả, vả bia ký không còn gì mà tra cứu ra được. Vậy tôi phải làm giấy phúc trình lên quan lớn biết.

Xã Thượng Mộ Công xưa nay là Thượng Yên Công. Cứ theo tờ trình của viên chánh tổng thì nơi đây không có tên gọi nào khác, không có phong tục, lệ tục gì cả, vì phần đông là người các dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên tổng Bí Giàng có xã Nam Mẫu, ( trong nguyên bản Hán tự viết rõ chữ Nam. Nam ở đây có nghĩa là phương nam, hướng nam chứ không phải như văn bản hành chính của địa phương ngày nay gọi là Năm mẫu). Và thần thành hoàng được thờ ở đây là Cao Sơn, Quý Minh, tướng của vua Hùng, thuộc loại thượng đẳng thần.

Nguyên văn sắc phong thời nhà Nguyễn đã được hai vị Hoàng Thúy Nga và Hoàng Giáp dịch và hiệu đính:

“ Sắc chỉ cho xã Nam Mẫu, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Yên từ xưa đã phụng thờ Cao Sơn, Quý Minh thượng đẳng thần. Các thần đã được ban cấp sắc phong cho phép phụng thờ. Duy Tân năm đầu làm lễ đăng quang vậy ban chiếu ân lớn. Lễ trọng nâng bậc. Đặc chuẩn cho phép phụng thờ để ghi nhớ ngày Quốc khánh và tỏ rõ điển lệ thờ cúng. Hãy nhận.”

Ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909).

Tới đây có thể kết luận:

- Vùng Thượng Mộ Công nay là Thượng Yên Công thuộc thị xã Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh không hề có tên “làng Nương”, “làng Mụ” như sách “Cõi thiêng Yên Tử” mà ông Thi Sảnh đã viết và chỉ định đích danh.

- Đình làng Nam Mẫu thờ các vị thần rất cổ xưa đó là hai anh em ruột Cao Sơn, Quý Minh là tả hữu tướng quân của Hùng Duệ vương có công đánh giặc Thục.

Ngoài hai vị thần chính cổ xưa này không thấy phảng phất một bóng hồng nào được thờ phụ trong ngôi đình hoặc miếu, đền nào khác. Và trong các văn bản cổ có liên quan đến khu vực quanh Yên Tử không hề tìm kiếm được cái tên của hai “làng Nương”, “làng Mụ” .

MỘT CUỘC ĐIỀN DÃ.

Trăm nghe không bằng một thấy, vì vậy tôi quyết định phải đi điền dã.

Kinh nghiệm cho thấy, cũng trong sách này, ông Thi Sảnh chỉ dẫn đường đến Am Ngọa vân như sau: “ Men theo con đường phía trái chùa Hoa Yên, một bên là sườn núi, một bên là vực thẳm, dưới đáy vực là rừng dáo tre vút lên thẳng tắp, ta sẽ đến am Ngọa vân ( am trong mây )…”(tr33). Tóm lại, theo ông Thi Sảnh, giám đốc sở Văn hóa TT Quảng Ninh thì am Ngọa Vân ngay phía sau chùa Hoa Yên chừng 500m đường men núi.

Không tin vào sự chỉ dẫn trong sách “Cõi thiêng Yên Tử”, cuối năm 2001 chúng tôi khám phá Am Ngọa Vân qua sách “Thánh đăng lục” và “Tam tổ thực lục” với sự trợ giúp của Ủy ban nhân dân và phòng văn hóa huyện Đông Triều, đã tìm thấy Am Ngọa vân còn nhiều dấu tích, bia, tháp qua hai lần trùng tu thời Lê và Nguyễn. Chúng tôi đã dịch văn bia, chụp quang cảnh đăng báo. Sau đó Bộ Văn hóa TT đã thẩm định và cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia chùa và am Ngọa Vân thuộc xã Bình Khê huyện Đông Triều tỉnh Quảng Ninh tại quyết định số 55/2066, ngày 29.8.2006.Vậy là am Ngọa Vân cách nơi ông Thi Sảnh chỉ dẫn tới trên dưới bốn chục cây số.

Để rút ngắn thời gian mò mẫm, tôi đã nhờ nhà nhiếp ảnh Đỗ Kha, một nhà báo kỳ cựu của tỉnh Quảng Ninh- một nhiếp ảnh gia nổi tiếng để ông liên hệ trước với chính quyền địa phương. Trong việc sắp xếp thời gian làm việc với địa phương còn có sự giúp đỡ rất hiệu quả của nhà báo- luật gia Nguyễn Văn Nguyễn, trưởng văn phòng thường trú vùng Đông Bắc của báo Kinh doanh và Pháp luật.

Chiều 24 tháng 7 (2015 ) chúng tôi lên xe khách từ bến xe Mỹ Đình để về Uông Bí. Chiều ấy trời mưa xối xả. Buổi tối, nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn nói, anh đã trao đổi với ông Chủ tịch xã Thượng Yên Công để sáng mai làm việc. Còn nhà nhiếp ảnh Đỗ Kha nói, anh đã trao đổi với một số người làm văn hóa kỳ cựu trong vùng Uông Bí và trong tỉnh Quảng Ninh, về các thông tin mà tôi nhờ hỏi, có liên quan đến suối Giải Oan và các “làng Nương’, “làng Mụ”, nhưng tất cả đều lắc đầu. Đỗ Kha cười trêu tôi:- Truyện dường như xảy ra ở hành tinh khác mà nhà văn muốn biết thì đi mà hỏi ông Từ Thức, may ra…

Sáng hôm sau là ngày thứ bảy 25 tháng 7 - 2015,Chủ tịch Lã Hoàng Mai tiếp chúng tôi trong trụ sở Ủy ban nhân dân xã Thượng Yên Công.

Tôi hỏi ông Chủ tịch về dân số trong xã và thành phần các dân tộc. Ông cho biết : “Hồi năm 1955 tới 1960 xã Thượng Yên Công người Kinh chỉ chiếm 20%, chủ yếu người Nùng, người Dao, người Mán Thanh Y, Thanh Phán. Người Xán Dìu cũng có, nhưng rất ít. Đông nhất là dân tộc Nùng. Cơ cấu ấy nay đã thay đổi. Người Kinh, kể cả các cơ quan đóng trên địa bàn thì chiếm tới 60%. Tổng số dân trên địa bàn xã có 6000 người, quản lý khoảng 7000 ha, trong đó có 200 ha đất trồng lúa, 4000 ha rừng, diện tích còn lại là số rừng nghèo và đất rừng. Dân cư chủ yếu sống dựa vào nghề nông. Toàn xã có tám thôn, Nam Mẫu cũng là một thôn lớn trong xã, ngôi đình cổ thuộc Nam Mẫu, nhưng đã bị giặc Pháp đốt trụi từ năm 1947.

Lại hỏi: - Ông có nghe các cụ truyền lại xã ta xưa có thôn nào mang tên “làng Nương”, “làng Mụ” không? Và có nghe nói các cung nữ sống sót sau cuộc trầm mình được đưa về định cư tại vùng này? Và cả xã ta có còn dấu tích hoặc có nghe ai nói, xưa đã có miếu hoặc đền thờ các cung nữ từ thời nhà Trần?

Ông Chủ tịch xã nhìn tôi nở nụ cười hóm hỉnh rồi tiếp:

- Chắc bác nghe các anh chị thuyết minh ngoài di tích Yên Tử. Ở đây không có dấu tích gì về những điều bác hỏi đâu. Có mỗi ngôi đình giặc đốt mất rồi, nay dân dựng lại trên nền đất cũ được vài chục mét vuông thờ cúng thôi. Nói xong, ông Chủ tịch xã mở tủ lấy tập tài liệu do cán bộ Viện Hán Nôm dịch mà phần trên tôi đã mô tả.

Hỏi tiếp:- Nghe nói tên cũ của xã mình là Thượng Mộ Công?

Chủ tịch đáp:- Vâng, cổ xưa chúng tôi là xã Thượng Mộ Công thuộc tổng Bí Giàng tỉnh Quảng Yên. Sau cách mạng 1945, nghe nói các cụ Việt Minh xã họp bàn, nói chữ “ Mộ” nghe nó sái, nên thay bằng chữ “Yên”, ngụ ý mong sự bình yên. Vì thế tên Thượng Yên Công thay thế cho tên cũ từ đấy.

Tới đây có thể thêm một lần kết luận nữa cái danh xưng “làng Nương”, “làng Mụ” mà ông Thi Sảnh nêu trong “Cõi thiêng Yên Tử” đều là làng ảo.

VẬY CÒN SUỐI GIẢI OAN, NGUỒN GỐC NÓ TỪ ĐÂU?

Ông Thi Sảnh lý giải trong sách “Cõi thiêng Yên Tử” như sau: “… Để tỏ lòng trung với vua, một trăm cung phi liền trẫm mình xuống suối Hồ Khê dưới chân núi Yên Tử. Một số cung phi bị chết đuối. Để giải oan cho linh hồn họ, Trần Nhân tông cho dựng chùa thờ cúng, chùa ấy gọi là chùa Giải Oan. Suối Hồ Khê, nơi các cung phi trẫm mình, cũng từ đó mang tên Giải Oan” ( tr 27 sách đã dẫn).

Trước hết khảo sát về ngôi chùa Giải Oan xem có đúng Trần Nhân tông lập ra để thờ cúng các cung phi không?

Tôi đã khảo sát tất cả các ban, bệ thờ trong ngôi chùa, tất cả đều là thờ Phật và các nhân vật liên quan đến đạo Phật như một lực lượng hộ trì Phật pháp, tuyệt nhiên không có một góc, xó nào dành cho việc thờ cúng các cung phi chết đuối.

Tôi cũng xem tất cả các hoành phi câu đối xem có ý nào nhắc nhở đến các cung phi chết đuối. Tuyệt nhiên không có một thông tin nào về các cung phi được thờ ở đây, mà các câu đối thuần nói về thế giới Phật.

Lại xét đến bài minh ghi trên quả chuông chùa Giải Oan được đúc từ năm 1905 do thập phương công đức, không hề có một thông tin nào về các cung phi chết đuối.

Để giải quyết triệt để việc có thờ các cung phi chết đuối, tôi khảo sát thêm ngôi điện thờ Mẫu ngay cạnh chùa được lập sau năm 2000, ở đây cũng không có một nhắc nhở nào đến các cung phi chứ đừng nói có ban bệ thờ họ.

Tới đây có thể kết luận: Chùa Giải Oan là nơi thờ Phật, chứ không phải do Trần Nhân tông lập ra thờ các cung phi như ông Thi Sảnh đã sáng tác.

Xin nói thêm, nếu ai đó đã có am hiểu chút ít về đạo Phật đều biết, đạo Phật là đạo nhằm khai minh cho loài người, giúp họ từ bỏ vô minh tiến tới giác ngộ và giải thoát. Đạo Phật là đạo trí tuệ, vì vậy bài trừ mê tín và không chuộng sự thờ cúng.

Chùa là nơi cho các tu sĩ và tăng đoàn tu tập, ở đây nếu có tượng Phật chỉ là biểu tượng để các tu sĩ noi gương mà giữ giới. Việc trì tụng kinh bổn và thắp hương chỉ là phương tiện cho tu sĩ nương vào đó để tu hành chứ không phải nơi thờ cúng, vả đó cũng không phải là mục đích của tu tập.

Chính Trần Nhân tông đã đi khắp nước vận động nhân dân xóa bỏ việc thờ các tạp thần, xóa bỏ các tập tục mê tín dị đoan. Một giáo chủ của một dòng thiền lớn, không nhẽTrần Nhân tông lại làm một việc trái đạo như ông Thi Sảnh đã vu buộc cho ngài. Đúng như Nguyễn Du đã viết trong bài “Phân kinh thạch đài” rằng: “ Si tâm qui Phật, Phật sinh ma”.

Vậy thời nguồn gốc đích thực của Suối Giải oan sinh ra từ đâu?

Nếu lý giải theo cách của nhà quản lý văn hóa Thi Sảnh thời các Suối Giải oan ở chùa Hương huyện Mỹ Đức ngoại thành Hà Nội, hoặc Tây Thiên cổ tự tỉnh Vĩnh Phúc, các nơi đó đã có bao nhiêu người thác oan?

Sự thật, suối Giải oan chỉ xuất hiện tại các trung tâm Phật giáo lớn, đó là Sa môn của các tăng đoàn, tại đó có các bậc minh sư, các đạo sư đạo cao đức trọng hoằng pháp.

Những tu sĩ trong các Sa môn này tiếng Phạn gọi là Sa di.

Thiền sư thích Nhất Hạnh giải thích từ nguyên Sa di như sau: “Sa di thường được dịch là tức tứ . Tức là chấm dứt, quyết tâm chấm dứt nếp sống hệ lụy và khổ đau. Tứ là thương yêu, học hỏi thương yêu mọi người và mọi loài bằng trái tim của một vị Bồ tát, không vướng mắc, không phân biệt.”(tr 5 sách Bước tới thảnh thơi NXB Hồng Đức 2014).

Vậy là người xuất gia sẽ từ bỏ tất cả, chấm dứt tất cả mọi ràng buộc nơi cõi thế. Ở mỗi trung tâm Phật giáo lớn tại các nơi rừng núi thâm u, thường có “Suối Giải oan”.

Giải oan ở đây có nghĩa là hóa giải tất cả các tiền oan nghiệp chướng, quyết tâm chấm dứt mọi hệ lụy trần thế để vào cõi tịnh tu. Vì vậy trung tâm Phật giáo Tây Thiên, các Sa di muốn vào được cõi Sa môn phải trải qua các Suối Bạc, Suối Vàng, tức là các của cải quí nhất trên đời như bạc, vàng của trần thế đều trả lại cho trần thế, và tắm mình trong Suối Giải oan, tức là hóa giải tất cả mọi thứ nghiệp chướng mang theo từ các kiếp trước, để thanh thản bước vào thế giới phật.

Sự thật là như vậy chứ có ai phải chết oan khuất trong các dòng suối mang tính biểu tượng này đâu!

Chỉ có 18 trang sách nhỏ,đã nêu ra hai sự kiện lịch sử sai lầm mang yếu tố xuyên tạc.Vậy ta có thể tin những điều ông Thi Sảnh viết và những việc ông Thi Sảnh làm, trong những năm ông đứng đầu ngành Văn hóa tỉnh Quảng Ninh?

VÀI NÉT VỀ ĐỆ NHẤT TỔ TRÚC LÂM YÊN TỬ- PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG.

Ngài là con vua Trần Thánh tông sinh năm Mậu ngọ ( 1258 ). Từ nhỏ đã hiếu học, hiếu Phật và lập chí xuất gia. Năm 16 tuổi vua cha ngỏ ý lập làm hoàng thái tử, tức đặt ngài vào vị trí tiềm đế. Hoàng tử Trần Khẩm đã tâu xin vua cha giành ngôi vị đó cho người em. Và liền đó ngài định trốn lên Yên Tử tu hành, nhưng đêm đi mệt quá mới đến được chùa Đông Cứu ( Bắc Ninh ) vào nằm ngủ trong vườn tháp. Sáng ra, sư trụ trì mời vào nhà tân khách. Và ngay chiều đó, quân triều đình ập tới lại rước về Thăng Long.

Vua Thánh tông khóc mà tâm sự với hoàng tử rằng giang sơn đã đặt lên vai con, chỉ có con mới gánh vác nổi. Ngài chợt ngộ ra rằng tu mới chỉ giải thoát cho mình, còn như cầm cương chính mà sáng suốt thì giải thoát cho cả muôn dân. Tới lúc hoàng hậu trông thấy con gầy xanh quá bèn hỏi vì sao.

Hoàng tử thưa rằng: Lâu nay con vẫn ăn chay.

Tới khi lên ngôi, ngài lãnh đạo cả nước chống giặc dữ Nguyên – Mông thắng lợi tới hai lần vào các năm 1285- 1288, cứu dân tộc thoát khỏi vòng nô lệ phương Bắc.

Khi nhường ngôi cho con để xuất gia, ngài vẫn giám sát công việc triều chính chặt chẽ. Có lần ngài kiểm tra sổ sách, thấy vua Anh tông ban chầu nhiều quá, ngài phê: “ Một nước nhỏ bằng bàn tay mà ban chầu nhiều thế này thì ăn hết của dân à?”

Một lần khác nhân tiết Đoan ngọ, ngài ghé vào triều, thấy Anh tông say rượu không thức dậy nổi. Ngài đã toan truất ngôi.

Khi xuất gia, ngài đi khắp mọi miền quê khuyên dân bỏ tục thờ dâm thần, tạp thần mà theo về chính giáo.

Ngài tu theo hạnh đầu đà, tức là pháp môn tu tập khắc nghiệt nhất với người xuất gia. Một người sống trong nhung lụa từ thuở lọt lòng, mà nay ăn theo kiểu thí thực có một bữa trưa, và ngủ không giường chiếu, đi lại chỉ chân trần chứ không ngựa xe.

Một người dấn thân từ nhỏ, sống kiệm cần từ nhỏ, liệu ta có thể tin Trần Nhân tông đã cho phép các hậu cục tuyển hầu riêng ngài những 100 cung tần mỹ nữ từ khi ngài lên ngôi tới lúc ngài xuất gia không?

Phật giáo không chấp nhận thuyết linh hồn mà theo học thuyết nhân quả, nghiệp báo và luân hồi. Trần Nhân tông là giáo chủ của một chính phái, liệu ta có tin ông lập chùa thờ cúng mấy linh hồn chết ảo không.

Nói tóm lại chuyện 100 cung nữ trầm mình, chuyện lập chùa thờ cúng, chuyệnlàng Nương”, “làng Mụ” đều là chuyện hư ảo cả.

Cho nên chuyện “Suối Giải Oan” cho các cung nữ chết ảo, lại hóa ra chuyện hàm oan cho Trần Nhân tông- một vị vua Phật sáng giá nhất trong các vị vua của Việt Nam và cả nhân loại.

Bởi vậy dư luận đòi hỏi:

1/ Tác giả “Cõi thiêng Yên Tử” (ông Thi Sảnh tức Thanh Sỹ) phải cải chính việc chỉ dẫn sai lầm về nơi chốn am Ngọa Vân.

2/ Nếu không giải trình nổi các vấn đề mà tôi bác lại các điều vô lý mà sách “Cõi thiêng Yên Tử” đã nói về Suối Giải Oan và Đức Phật hoàng Trần Nhân tông, thì phải có lời sám hối bằng văn bản, xin lỗi độc giả và khách hành hương về Yên Tử gần hai chục năm qua.

Sau rốt, tôi thật sự không hiểu nổi, tại sao ngành giáo dục và ngành văn hóa nước ta, lại đào tạo được những cán bộ quản lý khó hiểu như thế này cho đất nước. Đương nhiên, họ không thuộc số ít.

Hà Nội ngày 18.11.2015

HQH