Nhà văn Hà Lâm Kỳ, bút danh Hà Lâm Kỳ, Vi Hà, dân tộc Tày, sinh ra tại làng Khe Liền, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái; là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái. Ông đã có một quá trình sáng tác khá dài, tính từ tác phẩm đầu tay “Đi tìm chú cuội” đăng Tạp chí Văn nghệ Hoàng Liên Sơn năm 1985 đến nay đã tròn 30 năm; ông có một khối lượng tác phẩm, công trình khá lớn (22 đầu sách), thuộc nhiều thể loại: Tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn, truyện tranh, thơ, ký- ghi chép, sưu tầm- khảo cứu văn hóa dân gian. Trong đó có nhiều tác phẩm đoạt giải thưởng từ Trung ương tới địa phương, có tác phẩm được giảng dạy trong Chương trình Ngữ văn địa phương tại các Trường THCS trong tỉnh.
Để có một cái nhìn khoa học, toàn diện về giá trị các tác phẩm của Hà Lâm Kỳ, phong cách Hà Lâm Kỳ trong sáng tạo nghệ thuật, được sự ủng hộ của Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái, sự quan tâm của Hội VHNT các DTTS Việt Nam cùng sự nhiệt tình của các nhà văn, nhà nghiên cứu, nhà giáo, bạn bè và gia đình nhà văn Hà Lâm Kỳ, Chi hội VHNT các DTTSVN tỉnh Yên Bái và UBND xã Đại Lịch đồng tổ chức Hội thảo về nhà văn Hà Lâm Kỳ, với chủ đề “Hà Lâm Kỳ- Nhà văn quê hương” trên chính quê hương ông, xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái.
Mục đích của hội thảo là trao đổi, làm rõ 3 vấn đề trọng tâm về nhà văn Hà Lâm Kỳ:
- Giá trị của các sáng tác của Hà Lâm Kỳ ở các thể loại, các mảng đề tài.
- Mạch nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật của Hà Lâm Kỳ.
- Những ảnh hưởng của quê hương đến sáng tác của Hà Lâm Kỳ.
Trong Báo cáo đề dẫn, nhà văn Hoàng Việt Quân đã đặt vấn đề: “Cuộc đời Hà Lâm Kỳ dù ở môi trường nào, tâm hồn, tình cảm của anh vẫn hướng về tuổi trẻ về nguồn cội. Anh tự hào về quê hương Đại Lịch của mình. Anh thao thức, trăn trở với lớp lớp thanh niên dân tộc miền núi quê hương mình một thời chống Pháp, chống Mỹ, về những di sản văn hóa của cha ông để lại. Có lẽ vì thế mà lòng anh dâng trào cảm xúc khi viết về quê hương, về tuổi trẻ”.
Đã có 10 tham luận và một số ý kiến phát biểu tại Hội thảo. Các tham luận tập trung vào tìm hiểu về mạch nguồn sáng tạo nghệ thuật của Hà Lâm Kỳ, đều thống nhất: quê hương Đại Lịch và truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc là mạch nguồn cảm hứng và nội dung sáng tác của ông.
Trong tham luận “Đôi điều cảm nhận về văn xuôi Hà Lâm Kỳ” nhà văn Vũ Xuân Tửu đã nhận xét về mối quan hệ giữa quê hương và văn xuôi Hà Lâm Kỳ: “Nhà văn Hà Lâm Lỳ được sinh ra trong cái nôi quê hương Đại Lịch đầy ắp truyền thống văn hóa, lịch sử, thiên nhiên hùng vĩ, hữu tình. Nhà văn như con chim biết chọn hạt, đã hấp thu tinh hoa văn hóa quê hương và sáng tác lên những tác phẩm văn học có giá trị”. Với tham luận “Nhà văn Hà Lâm Kỳ- nhà văn quê hương”, Thạc sĩ Hoàng Thị Lan Hương thì khẳng định rõ: “Tôi gọi Hà Lâm Kỳ là nhà văn quê hương bởi trong mỗi trang viết của nhà văn đều thấm đượm những nét văn hóa truyền thống của người miền núi, của đồng bào dân tộc và những trang viết ấy hấp dẫn hơn, tự nhiên hơn khi viết về vùng quê Đại Lịch”. Song Hà Lâm Kỳ không chỉ giới hạn trong phạm vi Đại Lịch và văn hóa Tày, anh còn vươn tới các đối tượng khác. Trong tham luận “Một tiếng nói góp vào trang sử người Mông”, tác giả Khang A Chua- dân tộc Mông, Cử nhân Văn hóa, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Có đã đánh giá: “Hà Lâm Kỳ không chỉ là nhà văn, mà còn là một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian và lịch sử địa phương, trong đó có những sáng tác và nghiên cứu về văn hóa dân gian Mông. Truyện “Gió Mù Cang” của Hà Lâm Kỳ lấy bối cảnh là cuộc kháng chiến chống Pháp. Những nhân vật có thật ngoài đời đi vào tác phẩm bằng lối viết giản dị, mộc mạc, mang đậm sắc thái văn hóa Mông. Tác phẩm đã góp phần quảng bá truyền thống văn hóa, lịch sử kháng chiến của đồng bào Mông nói chung, đồng bào Mông Mù Cang Chải Yên Bái nói riêng”.
Trong các sáng tác của Hà Lâm Kỳ, sáng tác dành cho thiếu nhi chiếm một mảng lớn và cũng có nhiều thành công hơn cả. Tác giả Hoàng Hiền với tham luận “Làng nhỏ- thế giới thần tiên của trẻ thơ”, cho rằng: “Nhà văn Hà Lâm Kỳ đã kể lại chính câu chuyện tuổi thơ quê núi của mình và còn khéo léo kể những câu chuyện lịch sử quê hương mình, cùng với ngòi bút miêu tả khung cảnh làng quê miền núi rất nên thơ và tình yêu quê hương hồn hậu, tha thiết. Tất cả đã tái hiện một làng quê miền núi giàu bản sắc văn hóa, lịch sử, hấp dẫn trẻ thơ”. Với tham luận “Yếu tố tạo nên thành công trong những sáng tác cho thiếu nhi của nhà văn Hà Lâm Kỳ”, nhà văn Nguyễn Ngọc Yến lại nhận xét: “Yếu tố tạo nên thành công trong những sáng tác dành cho thiếu nhi của Hà Lâm Kỳ, trước hết phải kể đến việc biết trân trọng và tôn vinh những con người và truyền thống cách mạng anh hùng trên quê hương Đại Lịch… Tiếp đó là nhà văn đã tạo được tiếng nói riêng khi thể hiện; tìm được những thông điệp truyền tải trong các sáng tác thông qua lối viết ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề”. Thạc sĩ Hoàng Thị Vân Mai lại cho rằng yếu tố nhân văn là một đặc sắc trong các sáng tác của Hà Lâm Kỳ. Trong tham luận “Hà Lâm Kỳ- nhà giáo, nhà văn”, chị khẳng định: “Với Hà Lâm Kỳ, ông không chịu sự áp đặt, sáng tạo của ông luôn hướng tới chất nhân văn, dù ông viết về đối tượng nào, trong môi trường nào, chất nhân văn ấy không thể khác”.
Tuy thơ không phải là mảng sáng tác chính của Hà Lâm Kỳ nhưng thơ anh cũng có dấu ấn quê hương, dân tộc đặc sắc. Với tham luận “Hà Lâm Kỳ- một tâm hồn thơ đa cảm” nhà thơ Nguyễn Thế Quynh đã chỉ rõ: “Về mặt nghệ thuật thơ Hà Lâm Kỳ không phải là sự sắp đặt câu chữ cầu kỳ mà cảm xúc tự nhiên bộc bạch thành lời. Việc lập tứ thơ cũng được anh chú trọng, khá nhiều bài thơ có cấu tứ chặt chẽ. Trong thơ anh thi liệu là cảnh sắc, con người Tây Bắc mà đậm nét là quê hương Đại Lịch. Đặc sắc nhất vẫn là những câu thơ mang giọng điệu của người vùng cao”.
Theo Tiến sĩ Hà Thị Hải Yến (cháu ruột nhà văn) trong tham luận “Người thắp đèn gom nhặt chuyện quê”, thì điều tạo nên chất dân gian, dân tộc trong các sáng tác của Hà Lâm Kỳ là: “Nhiều đêm chú tôi đốt đóm hay xách đèn bão đi gặp người già trong làng gom nhặt những tư liệu quý để tập viết. Sau này những chất liệu đó được chú xử lý thật khéo léo trong các sáng tác của mình”.
Ngoài những tham luận đã trình bày tại hội thảo, còn có một số bài nghiên cứu về Hà Lâm Kỳ đã đăng tải trên một số sách, báo, tạp chí trung ương và địa phương. Trong bài viết: “Đọc Kỷ vật cuối cùng của nhà văn Hà Lâm Kỳ”, nhà văn Ma Văn Kháng đã nhấn mạnh tới yếu tố quê hương: “Đại Lịch là nơi sinh ra Hà Lâm Kỳ. Nhà văn rất quen thuộc các nhân vật ở nơi quê hương bản thân mình. Không thế, khó có được những trang viết về hoạt động của các em thiếu niên ở đây hóm hỉnh và hồn nhiên đến thế… Hà Lâm Kỳ rất thông thuộc cảnh trí, sinh hoạt, tâm lý con người vùng quê Đại Lịch. Có cảm giác như anh viết thật thoải mái. Câu chuyện liền mạch, sự việc nọ nối sự việc kia không ngừng nghỉ, trong một dòng chảy thật tự nhiên, tạo nên một lực hấp dẫn đáng kể”.
Cùng quan điểm trên với nhà văn Ma Văn Kháng, còn khá nhiều các bài viết của nhiều tác giả khác. Trong bài “Văn xuôi Hà Lâm Kỳ, tập sách quý về tuổi trẻ quê hương miền núi”, nhà nghiên cứu- phê bình Hán Trung Châu khẳng định: “Có thể coi miền núi Tây Bắc là vùng đất riêng thuộc về Hà Lâm Kỳ. Anh đã chọn đất này bởi nó màu mỡ, trầm tích nhiều tầng cho những hạt mầm văn học của anh nảy nở tốt tươi. Anh đã chọn trời này bởi nó lộng gió cao xanh, là không gian sống lành mạnh cho cây cành, hoa lá văn học của anh hít thở ngày một xum xuê”. Nhà thơ Ngọc Chấn, trong lời bình phim truyền hình “Nhà văn của thiếu nhi miền núi” đã chia sẻ: “Xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, quê hương của nhà văn dân tộc Tày Hà Lâm Kỳ với cảnh sắc thiên nhiên thật kỳ thú, nơi có những đỉnh núi mù sương, những con suối chảy qua làng ngàn năm ca hát, những nếp nhà sàn thấp thoáng trong rừng cây… những bà mế lên nương trong mùa rẫy, những bếp lửa nhà sàn ấm áp, những chõ xôi làm từ thân cây gỗ, đến ống cơm lam mang hương thơm đồng nội, những bậc cầu thang… Tất cả đã đi vào trong trang viết của nhà văn. Dường như tác giả sinh ra để viết về quê hương mình, viết về nơi chôn rau, cắt rốn của mình”. Thạc sĩ Hoàng Thị Thu Nga, trong luận văn Cao học của mình đã nhấn mạnh về yếu tố dân tộc trong sáng tác của Hà Lâm Kỳ: “Truyện của Hà Lâm Kỳ mang đậm chất dân gian. Mỗi con người trong cuộc sống đời thường khi trở thành nhân vật văn học trong truyện của ông ít nhiều đều có dấu ấn riêng bởi cách nói, cách nghĩ, của người dân tộc thiểu số”.
Từ những tham luận và các ý kiến nhận xét đánh giá trên, có thể đi đến một kết luận: Giữa cuộc sống, sự nghiệp sáng tác của nhà văn Hà Lâm Kỳ với quê hương, dân tộc mình có một sự gắn bó sâu sắc. Quê hương, dân tộc đã sản sinh ra một Hà Lâm Kỳ và Hà Lâm Kỳ bằng ngòi bút của mình đã làm đẹp thêm, làm cho mọi người hiểu thêm về quê hương, dân tộc mình. Tính nhân dân và tính dân tộc là một phẩm chất nổi trội trong những tác phẩm của Hà Lâm Kỳ. Bằng tác phẩm của mình anh đã góp một bông hoa tươi thắm vào vườn hoa nhiều sắc hương của văn học dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại.
Những kết quả nghiên cứu trên của Hội thảo không chỉ có ý nghĩa với cá nhân nhà văn Hà Lâm Kỳ mà còn có ý nghĩa với các cây bút đương đại, đặc biệt là các cây bút dân tộc, miền núi trên con đường khơi gợi cảm xúc- khám phá- phản ánh- sáng tạo về đề tài dân tộc, miền núi. Dẫu sao kết quả nghiên cứu trên vẫn chỉ là bước đầu, đúng như học viên Cao học Triệu Thị Thành đã viết trong tham luận “Tôi chọn tác giả, tác phẩm Hà Lâm Kỳ làm luận văn khoa học” : “Nhà văn Hà Lâm Kỳ với những sáng tác của ông rất xứng đáng được nghiên cứu một cách thấu đáo và kỹ lưỡng. Trước hết để mọi người hiểu sâu sắc về nhà văn, cùng với những đóng góp của ông. Sau đó chỉ ra những đặc điểm riêng trong sáng tác của ông so với các nhà văn dân tộc thiểu số khác”.
Kết thúc Hội thảo, nhà văn Hà Lâm Kỳ đã nhận được những lời chúc mừng tốt đẹp của Hội VHNT các DTTS Việt Nam, Hội Liên hiệp VHNT Yên Bái, Chi hội VHNT các DTTS Việt Nam tỉnh Yên Bái, Ủy ban nhân dân xã Đại Lịch, Trường Cao đẳng VHNT tỉnh Yên Bái, gia đình và bạn bè của nhà văn.
Hội thảo “Hà Lâm Kỳ- Nhà văn quê hương” là một hội thảo có ý nghĩa, đã thành công tốt đẹp.
N.H.L