Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“ẤY LÀ TÔI” CỦA PHẠM DOANH

Vũ Bình Lục
Thứ bẩy ngày 27 tháng 2 năm 2010 6:15 PM
ẤY là tôi là tập thơ gồm 36 bài, được tác giả cấu trúc làm hai phần rõ rệt. Phần đầu là Khúc tri ân, 17 bài. Phần còn lại có tên ấy là tôi, cũng là tên chung của cả tập.
 Mở đầu Khúc tri ân là bài thơ Một người dại dột. Tác giả kể chuyện thời chiến tranh, bom Mỹ đánh đắm tàu chở gạo. Một người công nhân bình thường lao xuống lòng sông sâu vớt gạo lên. Mọi người trên bờ cho rằng không thể nào làm được. Có người nghĩ anh liều lĩnh và dại dột. Nhưng người công nhân ấy vẫn vớt được gạo lên, một bao, hai bao…và cuối cùng kiệt sức, anh chìm xuống lòng sông sâu…
  Anh làm gì dưới đó
Gạo ơi có biết không?
Nhưng gạo đâu nói được
chỉ hóa cơm khê nồng!
 Bài thơ tuyệt nhiên không có một câu nào hoa mỹ. Nó cứ tự nhiên nhi nhiên, như bản thân sự vật vốn vậy. Nhưng đọc xong bài thơ, ngẫm nghĩ cho kỹ, mới thấy phía sau sự giản dị chân thực và có phần thô mộc ấy, là những giai điệu trầm buồn xao xuyến lòng người. Thơ có dư ba, đọc hời hợt sẽ không thể cảm thấu được cái tâm của người viết.
 Cũng là chủ đề chiến tranh lớn lao, nhưng bài Tiếng sáo đồng lại có hình thức biểu hiện khác hơn. Tác giả trình bày những cảm xúc của mình xung quanh một cây sáo đồng tình cờ nhặt được “từ bụi cỏ gai”. Đó chính là cây sáo đồng đã han rỉ của một người lính vô danh nào đó, có thể đã hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Một di vật chiến tranh còn sót lại giữa bãi chiến trường xưa, không phải là sắt thép khí cụ ghê gớm gì, mà đơn giản chỉ là một cây sáo nhỏ bằng đồng, đã han rỉ vì nắng mưa và thời gian nghiệt ngã, nhưng với nhà thơ thì nó lại gợi một tứ thơ lớn. Không có người thổi sáo, người xưa nay chẳng còn, chỉ nghe “ tiếng gió vi vu thổi vào ống sáo”mà thôi. Nhưng nhà thơ lại nghe thấy từ trong sâu thẳm cõi lòng mình, đang ngân lên những thanh âm như mơ hồ, như xa xăm. Rồi cả một thế giới hiện thực đang ùa về, có “mẹ già còng lưng mót lúa”, có “bãi cỏ cánh diều lên”, có “ánh mắt thơ ngây xốn xang chiều đưa tiễn”…Lại như thấy thấp thoáng bóng hình người lính trẻ yêu đời đang thổi sáo. Điệp khúc “Hãy im lặng mà nghe” được cấu trúc có chủ ý như nhắc nhở, như nhắn nhủ mọi người đừng quên, không được quên quá khứ hào hùng.
  Hãy im lặng mà nghe hỡi ai không biết khóc
Và hỡi ai nước mắt cạn khô rồi
đây tiếng của mùa xuân bồi hồi cảm xúc
Bay trong không gian những lời cầu chúc
Của cây sáo đồng han rỉ ở đôi tay!
 Có thể nhặt ra những câu thơ hay trong Khúc tri ân:
Khi thịt da đã nhận hết nắng trời
Thì em cứ khỏa thân cho dòng sông bốc lửa
      (Không đề)
Hoặc như:
Mỗi hạt lúa nẩy mầm ra
Một cây lúa mọc trên da thịt mình
(Lời ru của mẹ nông dân)
Và những cái kết bất ngờ, gợi những liên tưởng sâu lắng:
…Đi đến tàn ngày
Trái tim đã nhẹ tênh
Anh mang về giao cho vợ cất giữ
Rồi ngoan ngoãn chui vào giấc ngủ
đợi ngày mai…
(Một ngày của nhạc sỹ Văn Tấn)
 Phần II của tập thơ ấy là tôi quả tình có nhiều mảnh vụn, những mảnh vụn tâm tư và những biến thái đa dạng của nó.
Rời tuổi thơ trên lưng mẹ cõi còm / ấy là tôi rụng xuống nơi bùn đất / Lẫn với tàu rau, con cua, cái bắp / Câu chửi thề ngầu đục xóm ca dao…(Hồi ức tuổi thơ).
 Và những biến cố cuộc đời đã sớm ném anh ra đất mỏ, quăng quật với áo cơm than bụi. Anh có nhiều kỷ niệm với vùng than, bởi anh đã đổ rất nhiều mồ hôi với mỏ. Những con người đáng yêu và những kỷ niệm vui buồn cứ hiển hiện trong tâm thức nhà thơ như những thước phim cận cảnh. Một thoáng vu vơ bất chợt với một bóng hình nào đó mà ám ảnh suốt một đời (Đã lại tới mùa xuân). Một cung đàn lỗi nhịp, mà ứa ra bao nhiêu là chát đắng (Tự bạch). Một suy tư về thân phận, về trách nhiệm người cha và những âu lo dằn vặt khôn nguôi (Nói với con). Một chút bâng khuâng, một chút bùi ngùi khi nhớ về một người bạn tri âm đã về nơi thiên cổ (Nhớ bạn). Một bất chợt giật mình khi thức tỉnh để kịp nhận ra mình đã già thật rồi, hay ít ra là đã già trong cảm nhận, trong quan sát của đứa cháu vô tư (Thức tỉnh). Trong số những bài thơ thuộc phần II của tập, theo tôi, bài Hạ cảm là hay hơn cả.
 Hạ cảm, hay cảm hứng mùa hạ đích thị là xao xuyến nôn nao đến da diết của một người đàn ông đang ở độ tuổi muối tiêu rồi, hình như đang cô đơn cô độc trước mùa hạ bừng bừng sức sống những âm thanh sắc màu tươi rói:
  Ơ này ngọn gió hồi xuân
  Cứ mơn man, cứ xoay vần thịt da
Thì đây cái gốc me già
Cũng xin nứt vỏ biếc ra nụ chồi
Người thi sỹ ấy đang cô đơn, trống vắng trong tâm hồn, bỗng bắt gặp cái nôn nao mùa hạ, hay bởi sức sống tươi rói hồn nhiên của mùa hạ đã đánh thức cái cằn cỗi, để “cái gốc me già” cổ lỗ sỹ kia cũng muốn cựa quậy, cũng muốn tự bung ra, để mà tự thú, để mà tự nguyện “xin nứt vỏ biếc ra nụ chồi”. Chữ ơ này trong Hạ cảm, được dùng như một từ cảm thán, có sức biểu cảm và biểu thị hàm xúc những xao xuyến, những ngơ ngác đến hồn nhiên của thi nhân đang hồi xuân mãnh liệt truớc đất trời màu mỡ nõn nà…
Thơ Phạm Doanh dung dị và thuần phác. Hình như anh ít chú trọng gọt rũa ngôn từ, tạo những lấp lánh bất ngờ, mới lạ. Cái hay của thơ Phạm Doanh là ở bài, chứ không phải ở câu, ở chữ. Bù lại, thơ Phạm Doanh cấu tứ rất chặt. Anh rất sành điệu ở kết thúc để hoàn chỉnh một tứ thơ, gợi nhiều liên tưởng sâu xa. Thơ Phạm Doanh nhân hậu như chính con người anh vậy !
Phước An ngày 28-05-2003