Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

13 "ĐẶC SẢN NHƯ LỢN BẢN" CỦA BÙI HOÀNG TÁM

Bùi Hoàng Tám
Thứ hai ngày 1 tháng 3 năm 2010 2:21 AM

TNc: Nhiều người biết đến Nhà báo Bùi Hoàng Tám với những bài viết sắc sảo, những cuộc phỏng vấn nảy lửa hay là một Nhà thơ của chiếu rượu với những bài thơ nổi tiếng “Vợ tôi…”, “Bài thơ về cái tivi” “Lá mơ lông”, “Cầu lông”…  Nhân Ngày Thơ Việt Nam 2010, trannhuong.com xin trân trọng giới thiệu một Bùi Hoàng Tám – Nhà thơ – Hội viên Hội Nhà văn Hà Nội, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam với 13 bài thơ được tác giả cho là “đặc sản như lợn bản”: Nữ thần Tự do đi du lịch ba lô, Người say rượu hát quốc ca, Thơ tình viết trên chiếu bạc, Về đi – Vọng phu, Có ai đó không?, Người kéo vó, Rượu thềm, Lời thề Mùa Đông, Lệch nhịp, Trời hành, Đi ăn cưới vợ cũ, Phận cỏ, Ngày 01 tháng 10 năm 1967. 
 

Nữ thần Tự Do du lịch ba lô

Nữ thần Tự Do đi du lịch ba lô
Cán bộ Hải quan hỏi:
- Bà sinh ở đâu?
- Ta sinh ở Pháp
- Bà sống ở đâu?
- Ta sống ở Hoa Kỳ
Cán bộ hải quan ghi:
“Nữ thần Tự Do người Hoa Kỳ gốc Pháp”…
Và Tự Do đã đến quê tôi
vào một ngày
bão táp!
 
Có ai đó không?

Ngày cô Tấm bị đọa đày
Có ai đó không?
Lúc Thạch Sanh mắc mưu Lý Thông
Có ai đó không??
Buổi Thị Kính bị oan
Có ai đó không???
Cô Tấm gửi hồn bang bang cho cá bống
Thạch Sanh tích tịch tình tang nương phận cây đàn
Thị Kính na mô chờ cõi Niết bàn
Con người khi đó ở đâu?
Con người
khi đó
ở đâu!???
 
Người say rượu hát quốc ca

Chai rượu vơi đi
Nỗi buồn đầy lên
Đổ rượu vào lòng
Đổ dầu vào lửa
Người uống rượu như nắng chiều gõ cửa
Mặt rượu căng
Vò nhàu mặt người
Uống đi
Chén buồn
Uống đi
Chén vui
Quả khế còn chua
Quả sung còn chát…
Người uống rượu một mình chợt hát
Quốc ca!

Người kéo vó

Còng vó cong
Như bốn ngón tay
Thả vào dòng sông
Ngàn con mắt
Khẽ thôi
Khẽ thôi
Không gian lặng ngắt
Chợt xôn xao
Con cá bị lừa
Sào vó cong
Trở lại phía bờ
Sợi dây thừng
Dài căng sợi cước
Nào lên
Nào lên
Nước rỏ vào mặt nước
Người kéo vó còng lưng
Dáng một con mồi!
Dòng sông triền miên trôi
Cánh đồng tràn man gió
Người ở trên bờ
Cá nằm trong giỏ
Mặt trời
Lơ lửng
Ở hai nơi!
 
Rượu thềm!

Đêm!
Gần mưa
Trăng tán
Dơi bay
Lơi lả
Đêm.
Muỗi ùa đến ồn ào vỡ chợ
Trải chiếu ra
Ta nâng cốc
Rượu thềm!
Ta uống rượu trong vầng trăng khô khát
Uống lời ru ngái ngủ
Ơi à!..
Ta uống cả cánh cò thơ mộng
Uống bóng mình
Đi đón
Mưa sa!
Ta uống mười lăm năm đời Kiều lưu lạc
Thị Kính đa tình
Đi tu ép xác
Ta uống tiếng mầm cây táo tác
Gọi xuân về tơi tả trong mưa!
 
Về đi - Vọng phu!

Lòng chung thủy  trở thành nhảm nhí
Trước thiêng liêng số phận một con người
 
Về đi - Vọng phu!
Mọi hi vọng đều qua rồi
Người đi không thể về được nữa
Về đi em
Trời quê mình vốn nhiều giông gió
Em và con mỏng manh chống trả thế nào!?
Về đi em
Người đời yêu nhau người ta chờ nhau
Dẫu là đá
Dẫu không còn là đá
Nhưng con em trên tay em đang đói lả.
Em hóa đá vì chồng
Con hóa đá vì ai?
Em hóa đá vì chồng
Con
Hóa
Đá

Ai…!?
 
Thơ tình viết trên chiếu bạc

Chỉ có là sấp ngửa
Thế thôi!
Anh đoán chẵn
Sao em về cửa lẻ
Buồn như thể
Và vui như thể…!
Anh sấp ngửa thơ anh
Anh chẵn lẻ đời mình
Là nhà thơ
Không khỏi đa tình
Canh bạc cuối
Anh nhờ em mở bát
Anh còn sống
Vì anh còn khát
Dẫu biết mình
Tay trắng
Lúc tàn canh!
 
Phận cỏ
 
Anh chỉ là ngọn cỏ
Gần đất nên xa trời
Đan vào nhau để sống
Kết vào nhau để tươi
Tự anh nhận ánh nắng
Tự anh che cho anh
Tự anh hút mật đất
Mà xanh cho trời xanh
Em ơi anh là cỏ
Nên ngại chi bụi bờ
Những buồn vui nhân thế
Anh gửi vào trong thơ
Anh chỉ là ngọn cỏ
Một điều rất bình thường
Nhưng khi cần em ạ
Cỏ dựng thành biên cương
Anh chỉ là ngọn cỏ
Một điều rất giản đơn
Nhưng em ơi vắng cỏ
Lấy gì xanh núi non.
 
Đi ăn cưới vợ cũ
 
Vợ cũ đi lấy chồng
Mời mình về ăn cưới
Mình bàn với vợ mới
Có đi không mình ơi!
 
Vợ mới cười rất tươi
Chị mời thì nên đến
Hai đứa mình cùng đi
Để tỏ tình thân mến
 
Vợ cũ mặc rất đẹp
Nhìn thấy, chạy đến chào
Chồng mới của vợ cũ
Ra tận nơi đón vào
 
Ôi cuộc tình rổ rá
Mà cưới vui bất ngờ
Mọi người tranh nhau hát
Mình cũng lên đọc thơ
 
Trong làn khói lơ mơ
Mình ghé tai hỏi vợ
Nếu cuộc tình này vỡ
Mình có mời anh không?

Lời thề Mùa Đông

Bắt đầu từ một mùa đông
Anh tôi ra trận rồi không trở về
Cũng từ một buổi chiều quê
Chị tôi đã nhận Lời thề Mùa Đông
Cũng là phận gái chờ chồng
Người còn hóa đá – Chị không hóa gì!
Đá còn đợi bước thiên di
Còn con để bế - Chị thì chịu không!
Núi còn hòn vợ, hòn chồng
Chị tôi ôm mối chờ mong bạc đầu
Cái ngày tôi bước qua cầu
Chị không khóc, sợ làm nhàu áo tôi
Bây giờ chị đã về giời
Thắp hương lạy chị - Lạy lời Mùa Đông


Lệch nhịp

Tiếc mình tuổi chẳng còn xanh
Để em - Giờ lại hóa thành người ta
Giận mình trẻ chẳng trồng na
Giờ nhìn trái chín thơm qua ngõ người
Trớ trêu, chắc lép là trời
Bắt tôi lệch nhịp với người tôi yêu
Em là sáng, tôi là chiều
Ban trưa ở giữa với nhiều nhớ mong
Biết rồi em sẽ lấy chồng
Tôi về sống với tình không một đời
Thương chồng em, thương vợ tôi
Và bao đôi lứa trên đời lệch nhau

Trời hành

Một đời xo xúi vì yêu
Trái tim đập vỡ những chiều vu vơ
Một đời mộng mộng, mơ mơ
Một trời đợi đợi, chờ chờ, mong mong
Nhìn đâu cũng thấy hoa hồng
Phố đông người thế, ngỡ không thấy người
Đã đi quá nửa cuộc đời
Trái tim cứ đập như thời trẻ con
Tự dưng giận, tự dưng hờn
Đang vui vô cớ bỗng buồn vô duyên
Thường chờ đợi cái không tên
Thường mơ mộng đến những miền không đâu
Vẫn nhìn ngộ nhận về nhau
Vẫn vô tư nói những câu vô tình
Tình yêu là thứ trời hành
Bắt người tóc bạc hóa thành trẻ con

Ngày 1 tháng 10 năm 1967
 

Là một ngày bắt đầu bằng từng đợt sương muối rơi mù mịt đất trời
Một ngày lặng yên chỉ có tiếng con chim chích chòe hót lên chào buổi sáng
Bố mẹ tôi và những người dân làng vác quốc ra đồng
Em Dướng, em Hường tôi ở nhà cùng với những đứa bé, người già trông nhà và quyét bếp
Một buổi sáng bình thường như muôn ngàn buổi sáng ở khắp nơi trên mặt đất
Nhưng buổi sáng này – Một buổi sáng chiến tranh
Khi máy bay Mỹ từ biển Đông kéo đến từng đàn
Rú lên rách trời và bom rơi nát đất
Những quầng lửa bốc lên từ căn nhà tranh còn nhiều chỗ dột
Để máu, để xương cùng tro than và bùn đất trộn nhào
Khi trái bom đầu tiên ném xuống trước cửa nhà tôi mảnh của nó đã chặt đứt chân em Hường khi em đang chơi ô ăn quan cùng em Dướng 
Hai mươi năm sau bố tôi còn nặn tượng em Dướng cõng em Hường lủng lẳng một khúc chân
Các em tôi đã dìu nhau vào được một căn hầm nơi đấy đã có 7 người toàn người già và trẻ nhỏ thì một trái bom thứ hai rơi xuống nóc hầm
Người đàn bà láng giềng bữa ấy ra đồng trở về đã mất tất cả cửa nhà, chồng và những đứa con hóa điên bỏ làng đi biệt tích
Hơn bốn mươi năm – Ngày giỗ em tôi và ngày giỗ dân làng trong khói hương nghi ngút của 70 căn nhà với 154 người chết ngày Mồng một tháng Mười năm Một ngàn chín trăm sáu mươi bảy vẫn như còn phảng phất đâu đây mùi khét lẹt của những thân thể bị thui cháy 
Những căn nhà hai ba bốn tầng mọc lên vẫn không xóa được dấu tích nơi những trái bom rơi còn hằn vào mặt đất
Cần ăng ten với dây rợ lằng nhằng gợi lại hình ảnh một bộ ruột người với đủ cả phèo phổi, dạ dày vắt dọc ngọn đa và đàn quạ đen nháo nhác bay lên bay xuống
Bốn mươi năm là khoảng cách khá xa nhưng chưa đủ để xóa đi nỗi đau quá lớn.
Người đàn bà bỏ làng ra đi bốn mươi năm trước vẫn chưa vơi giọt nước mắt nào cho người chồng và 6 đứa con thơ
Tôi không muốn ngửa mặt lên bầu trời này chỉ để niệm Na Mô
Tôi không muốn cúi xuống mảnh đất này chỉ để kêu lên Đà Phật
Tôi cúi xuống vốc lên một nắm đất trong nắm đất này có xương thịt, có linh hồn của những người đã mất, có giọt nước mắt 40 năm rồi vẫn trong vắt nỗi đau
Tôi muốn ném nắm đất này lên bầu trời xanh xanh ngắt một màu không phải để xua đi 40 năm tiếng kêu mất con, tiếng gào mất mẹ cũng không phải để xua đi ám ảnh của dãy nhà kho với hàng trăm tấm thân cháy đen co quắp, không nhận nổi mặt người đến độ các bà mẹ nhìn vào chỉ ang áng con tôi…
Bây giờ xin hãy lặng yên thôi
Hãy lặng yên để nghe lời đất kể
Đất nước tôi có một thời như thế
Làng tôi có một ngày như thế!