Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGÀY THƠ VIẾNG MỘ THI NHÂN

Ngô Minh
Thứ bẩy ngày 27 tháng 2 năm 2010 7:43 PM
       Viếng mộ thi nhân tại Huế là chương trình khởi đầu trong hoạt động chào mừng Ngày thơ Việt Nam lần thứ VIII  Nguyên Tiêu Canh Dần tại Huế với nội dung “ Thơ Cố Đô Huế hướng về Thăng Long Hà Nội ngàn năm”. Sáng ngày 15/2/2010 ( tức ngày 12 Tháng Giêng Canh Dần) , rất nhiều nhà văn, nhà thơ thuộc Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế  do hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu, chủ tịch Hội Liên Hiệp VHNT Thừa Thiên Huế  dẫn đầu đã lên vùng đồi miền Tây Huế viếng mộ các nhà thơ . Đã thành lệ, đây là lần thứ ba các nhà văn Huế đi viếng mộ thi nhân trong Ngày thơ Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, Ngày thơ Việt Nam là ngày Chào Lá cờ Thơ, ngày “Giỗ Thơ”, nên  đi viếng mộ thi nhân là việc đầu tiên phải làm. Và ở Huế , viếng mộ thi nhân trong ngày thơ Việt Nam đã thành một  mỹ tục. Đoàn gồm có nhà thơ Hồng Nhu, Mai Văn Hoan, Trần Hoàng Phố, Trần Thuỳ Mai, Ngô Minh, Hạ Nguyên , Nguyễn Thiền Nghi, Lê Vĩnh Thái, Nguyên Quân, Lê Tấn Quỳnh.v.v.. cùng gần 20 em học sinh lớp chuyên văn trường Quốc Học do cô giáo, hoạ sĩ Võ Thị Quỳnh  chủ nhiệm cùng đi . Chương trình do Tạp chí Sông Hương  tài trợ. Tạp chí đã thuê xe, mua nhang , rượu ngon cho các  nhà văn đi viếng mộ.
         Mộ các nhà thơ, nhà văn  ở Huế tập trung ở  3 khu vực gồm Nhà thờ Phan Bội Châu- Nghĩa Trang Phan Bội Châu, Đồi Từ Hiếu và Nghĩa trang nhân dân thành phố Huế. Đoàn đã lên Nhà thờ Phan Bội Châu ở đường Phan Bội Châu thắp nhang viếng mộ cụ Phan, một nhà thơ , nhà  cách mạng nổi tiếng của nước ta đầu thế kỷ XX. Nhà thờ Phan Bội Châu vừa qua đã được sửa sang lại đẹp hơn. Các em học sinh chuyên văn Quốc Học Huế ríu rít thắp nhang bên tượng cụ Phan.  Bức tượng bán thân Phan Bội Châu do họa sĩ, nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn ( định cư ở  Úc, đã mất) thực hiện năm 1973  cao 4,5m, rộng 3,5m, dày 2,5m, gồm 12 mảnh ghép thể hiện chân dung cụ Phan với hai mảng phù điêu phản ánh hiện thực và ước mơ. Mảng bên trái là bóng tối thể hiện xiềng xích nô lệ, áp bức và tù đày của chế độ thực dân xâm lược. Mảng bên phải biểu đạt ước vọng hòa bình và độc lập, ấm no và hạnh phúc. Tượng được đặt trên một bệ hình khối chữ nhật cao 2m bằng đá hộc. Từ  30 năm nay, tượng được đặt tạm trong  khuôn viên  nhà thờ cụ Phan . Theo các nhà chuyên môn, bức tượng được đánh giá là lớn và đẹp nhất nước hiện nay. Nhưng vì nhiều lý do mà hơn 30 năm qua, vẫn chưa tìm được vị trí tương xứng để đặt. Vừa qua giới chức văn hoá tỉnh Thừa Thiên Huế  và Thành phố Huế đã có cuộc họp bàn việc năm 2010 này sẽ đặt bức tượng Phan Bội Châu ở một vị trí bên bờ sông Hương để Huế có thêm một điểm du lịch đẹp, ý nghĩa.
          Nghĩa trang Phan Bội Châu ở  5-đường Thanh Hải, Huế là khuôn viên mà  sinh thời cụ Phan Bội Châu dùng tiền riêng của mình  mua để làm nơi chôn cất những người yêu nước. Các nhà văn Huế và các em học sinh đã kinh cẩn thắp  nhang cho các nhà  thơ, nhà văn lớn có mộ ở đây như  Nữ sử Đạm Phương, nhà văn Hải Triều ( là bà nội và bố của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm), nhà thơ Thanh Hải và các nhà cách mạng khác như Nguyễn Chí Diễu.v.v..
         Đồi Từ Hiếu ( nơi có  chùa Từ Hiếu) là nơi có  nhiều mộ các thi sĩ Hoàng tộc và các nhà cách mạng. Len lỏi vượt qua  cây xấư hổ dày đặc và những  bức tường xây cao thấp, lắt léo của một nghĩa trang dày đắc  mộ chí, các nhà văn và các em học sinh đã tìm đến  thắp nhang cho Nhà thơ Tùng Thiên vương Miên Thẫm ( con vua Minh Mạng), một nhà thơ nổi tiếng Huế thế kỷ XIX. Sau đó đến viếng  ngôi mộ chung của nhà thơ Vĩnh Mai và vợ là bà Phương Chi. Nhà thơ Vĩnh Mai là Bí thư đầu tiên cuả Thành uỷ Huế. Ngôi mộ hai vợ chồng đã được nhà thơ Nhât Lâm cải táng chung giữa  năm 2009 theo di chúc của  nữ sĩ Phương Chi, sau khi bà mất. Ở đồi Từ Hiếu đoàn còn  thắp  nhang vái lạy các nhà cách mạng  chống Pháp kiên cường như  Trần Thúc Nhẫn,  Trần Cao Vân, Thái Phiên. Trần Cao Vân và Thái Phiên dân xứ Quảng bị Pháp bắt vì  chống Pháp, bị xử  chém được nhân dân  chôn chung mộ. Ngôi mộ chung có  2 tấm bia được bà con xây cất đàng hoàng.
         Dọc đường Tam Thai lên Nghĩa trang nhân dân Huế  có mộ của  hoạ sĩ tài ba Bửu Chỉ, các nhà thơ Hải Bằng, Nguyễn Văn Phương ( Phương Xích lô) , Nguyễn Xuân Hoàng và Thái Ngọc San. Trưa nắng nóng, nhưng  các nhà văn, các em học sinh mồ hôi mồ kế đã hăng hái tìm đến các ngôi mộ thi sĩ. Mộ hoạ sĩ Bửu Chỉ ở cạnh Chùa Ba Đồn được gia đình xây cất rất đàng hoàng. Mới đó mà hoạ sĩ ra đi đã 5 năm rồi. Nhà thơ Trần Hoàng Phố, hoạ sĩ Đặng Mậu Tựu đã châm điếu thuốc Ngựa cắm lên bát nhang rồi rót rượu  cúng hoạ sĩ. Ở mộ  nhà thơ Phương Xích lô , nhà thơ Mai Văn Hoan đã xúc động đọc cho các em  học sinh  nghe bài thơ  Trôi mà thi sĩ Nguyễn Văn Phương chép tặng trong sổ tay  Mai Văn Hoan rồi Phương quên chưa  công bố trong các tập thơ của anh. Bài thơ như  tiếng thốt lên của định mệnh : Mai ta chết /  mồ kia xanh ngọn cỏ / Những mùa thu vẫn lặng lẽ đi qua / Có chiếc lá nào / rơi / trên bia mộ / Ai chôn dùm xác lá /  cạnh gần ta ! / Mai ta chết / có ai cười, ai khóc / Trong tận cùng sâu thẳm / ta nằm nghe / Có ai đến bên ta ngồi đọc /  lời thơ tưởng niệm gọi ta về… / Mai ta chết /   có ai lên đó hỡi / Trên mồ ta /  những /  quạ rú  thông reo / Đè lên ta/  bằng tháng ngày / ớn lạnh / Giữa bốn bề / nghĩa địa / đìu hiu… Các nhà văn rót rượu tưới lên mộ Phương. Các em học  sinh xúc động đứng  quanh mộ chụp ảnh kỷ niệm. Thấy trên mộ  Phương cát bị xói, nhà thơ Nguyên Quân đã đến nhà bà cạnh đó  gửi tiền nhờ bà mua một xe ba gác sỏi  rải lên mộ nhà thơ. Thật tình nghĩa.
              Mộ nhà thơ Thái Ngọc San nằm dưới đồi thông đẹp. Gia đình , bạn bè đã xây cất khuôn viên mộ rất đẹp và sang trọng. Có cả bàn đá cho bạn bè đến viếng ngồi  uống rượu. Nhà thơ Nguyên Quân đã lấy rượu trắng  tưới lên bia mộ Thái Ngọc San để  lau cho sạch cho mọi người chụp ảnh.  Sau đó nhà văn Hồng Nhu ( đã 77 tuổi vẫn theo anh em đi viếng mộ thi nhân suốt buổi sáng), Trần Thuỳ Mai, Ngô Minh, Mai Văn Hoan …đã lần lượt thắp nhang vái lạy, chúc nhà thơ yên nghỉ ngàn Xuân.
           Mộ nhà thơ Nguyễn Xuân Hoàng ( thư ký toà soan Tạp chí Sông Hương, mất  khi 41 tuổi) nằm trong  khuôn viên mộ gia đình bên vợ. Xuân Hoàng là  thi sĩ rất  ngất ngưỡng, nên  ở mộ anh, người bạn thân là nhà thơ Hạ Nguyên ( tức Hồ Đăng Thanh Ngọc, phụ trách Tạp chí Sông Hương) đã  khuy chai rượu quý để mọi người cụng ly với hương hồn thi nhân. Ai cũng tưới lên mộ Xuân Hoàng một chén rồi cụng ly uống một chén . Rồi anh em đọc những bài thơ cuối đời của Nguyễn Xuân Hoàng.  Bài thơ Lệ nến như một dự báo số phận thật  xúc động. Cháy nữa thôi nến ơi / Hanh khô từng giọt máu / Nhen tình em nhân hậu / Độ lượng ấm vòng tay / Cháy nữa thôi nến ơi /Ta đợi em / Nến tàn / Héo khô dòng nước mắt / Gót chân khuya / Em về / Bình minh lên / tím buốt / Cháy nữa thôi nến ơi / Một kiếp người ngắn ngủi..
        Sáng Ngày 12 Tết Canh Dần, đoàn nhà văn Thừa Thiên Huế cùng các em học sinh chuyên văn Quốc Học đã khởi động Chương trình hoạt động ngày Thơ Việt nam tại Huế bằng cuộc tìm viếng mộ thi nhân rất cảm động và  tình nghĩa. Tôi nghĩ, có lẽ đây là việc đáng làm nhất trong Ngày thơ Việt Nam mà Hội Nhà văn Việt Nam nên dành một hai ngày trước Ngày thơ Việt Nam hàng năm để  viếng mộ các thi nhân nổi tiếng hàng đầu của nước ta như Nguyên Du, Nguyễn Công Trứ, Văn Cao, Cù Huy Cận, Phùng Quán , Trần Dần, Tố Hữu.v.v..Và phải duy trì  Ngày viếng mộ thi nhân thành một tập tục văn hoá Việt
.
Nguồn:  http://ngominhblog.wordpress.com/