Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

XEM HỘI THƠ NGHĨ VỀ THƠ

Dương Đức Quảng
Thứ hai ngày 1 tháng 3 năm 2010 6:21 PM

Hôm qua, ngày Tết Nguyên tiêu, lão Đầu Gối cùng bà lão đến Văn Miếu Quốc Tử Giám để xem Hội thơ do Hội Nhà văn tổ chức. Tuy không phải là "nhà thơ thứ thiệt", có "thẻ ngà Hội viên" Hội Nhà văn Việt Nam nhưng từ hàng chục năm nay lão Đầu Gối có làm thơ và có bài thơ Đầu Gối lão chọn để đặt tên cho blog này:
 
Đầu Gối
Ba tháng biết lẫy
Bảy tháng biết bò
Đầu gối tôi chạm đất
Dưới sâu kia là chỗ mẹ tôi nằm.
 
Tôi bò theo bà nội lưng còng
Con sâu đo mặt đất
Tản cư ngược Cẩm Khê , Ấm Thượng
Ôm cổ bà, lưng bà còng thêm.
 
Bà mất rồi theo chị chăn trâu
Đánh trận giả tươm đầu gối
Ba mươi Tết mắt nhoè khói
Việt Bắc nơi nao sao bố chẳng về?
 
Vừa mới biết yêu đã xa quê
Vượt dốc Trường Sơn cằm chạm đất
Qua Bò Lăn, Bò Toài sẹo đầy hai đầu gối
Mà chẳng thấy ai chê xấu bao giờ.
 
Đầu gối đưa tôi vào sinh ra tử
Có lúc lên voi, có ngày xuống ngựa
Lúc chán chường
Bó gối
Buồn tênh.
 
Tóc bạc chân run
Đầu gối dày thêm sẹo
Nhưng không có chai như gót bàn chân
Gối chỉ quỳ
Một lần
Duy nhất
Là lúc đưa Cha về với Mẹ cuối trời.
 
Phải nói cảm giác đầu tiên của lão và bà lão khi đến hội thơ là vui, vui đáo để! Lão thấy được không khí của một ngày hội có đông người tham gia, một ngày hội thật sự chứ không phải ngày "phần lễ chiếm hết cả phần hội" như lão từng thấy. Gần trưa vợ chồng lão mới đến hội nhưng hội vẫn còn rất đông người, ngoài những ông già, bà lão trạc tuổi và chắc là rất yêu thơ nên mới đến đây, lão thấy rất đông bạn trẻ đã đến hội thơ, có cả người ngồi trên xe lăn được bạn bè hoặc người nhà đưa đến. Nhìn bãi gửi xe máy có lúc không chen vào được, nhìn mấy quầy bán vé chật người, phải xếp hàng để mua vé vào xem hội thấy thật vui. Lão thấy có khá đông người nước ngoài xì xồ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tầu... theo các tua du lịch, vừa vào thăm "trường đại học đầu tiên" của Việt Nam - một địa điểm du lịch văn hoá hấp dẫn, vừa vào "chiêm ngưỡng hội thơ" mà lòng càng thấy vui. Chả biết các vị khách du lịch này hiểu gì về thơ ca Việt Nam nhưng cứ thấy các vị cười tươi, đứng chụp ảnh trong không khí của ngày hội là thấy vui rồi!
 Nói gì thì nói, thơ vẫn còn được nhiều người yêu mến, dù rằng chẳng phải ai cũng đã hiểu thấu đáo về thơ. Như tôi, một người có tuổi, có học và có làm thơ nhưng nói thơ là gì, có bao nhiêu trường phái, niêm luật, hình thức và cách tân thơ ca ra sao...v.v...v.v... thì tự mình cũng thấy còn ngọng nghịu lắm. Ngay trong hội thơ này, nếu có hỏi những người đến dự, già có, trẻ có, lúi cúi bên những tấm biển in thơ của nhiều tác giả địa phương để chép những bài thơ mình thích hay thích thú đứng chụp ảnh bên những pa-nô, áp-phích hoành tráng có in hình, in ảnh của những nhà thơ trẻ, nhà thơ "cách tân" để làm kỷ niệm, thơ là gì chắc mỗi người nói một cách, chẳng ai giống ai. Tôi và bà lão Đầu Gối dừng khá lâu để đọc những lời giới thiệu và những câu thơ của những "nhà thơ sắp đặt", tỉ như in thơ chữ ngược trên phím bấm của máy tính lằng nhằng dây điện hay "sắp đặt thơ" trên chiếc xe máy bị xiềng xích treo ngược chẳng hạn, tự thấy mình "không đủ trình" (cách nói của nhiều bạn trẻ), để hiểu và cảm loại thơ này. Tôi mới đọc một bài của nhà thơ Trần Mạnh Hảo trên Trang Web của nhà thơ Trần Nhương phản đối nhà thơ Nguyễn Chí Hoan khi giới thiệu một tập thơ của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều là "Thơ không để hiểu..." (mà là để tưởng tượng!) thì mới thấy ngay các nhà thơ với nhau mà mỗi người nghĩ về thơ cũng đã khác huống chi những người ngoại đạo thơ văn như mình. Thôi thì mình cứ nghĩ về thơ và làm thơ như mình đã làm, dù có mang tiếng là bảo thủ, không chịu đổi mới và cách tân thơ ca đi chăng nữa. Tuy biết rằng sẽ rất khó, nhất là ở tuổi tôi bây giờ, cái cảm, cái nghĩ không còn tươi mới nhưng tự nhủ lòng rằng nếu còn làm được thơ thì hãy cố làm hay hơn, truyền cảm hơn trước.
Bởi vì lâu nay tôi vẫn nghĩ về thơ như sau:

Thơ 
Thơ là tinh tuý của trời
Là rượu đã uống vào rồi là say.
 
Thơ là tay nắm bàn tay
Là chia sẻ những đắng cay cùng người.
 
Thơ là hạnh phúc nhân đôi
Là miền ký ức để tôi đi về.
 
Thơ ai mộc mạc chân quê
Chẳng hề làm dáng mà mê lòng người.
 
Nếu ai đó đọc thơ tôi
Đọc xong vô cảm thì tôi rất buồn.
 
Ngày sau Rằm tháng Giêng Canh Dần
 
Nguồn: blog Đầu Gối,
http://vn.myblog.yahoo.com/dd_quang1945