Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGÀY TÔN VINH THƠ DỊCH và HAI BÀI THƠ BA LAN

Nga Linh và Hồng Minh
Thứ bẩy ngày 27 tháng 2 năm 2010 7:34 PM
 
Hai nhà thơ J.Fossenbell và Nguyễn Phan Quế Mai  - Ảnh: Bích Ngọc

“Ngày tôn vinh thơ dịch” diễn ra vào 26-2 ở Trung tâm Văn hóa Nga là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Ngày thơ VN 2010 tại Hà Nội. 18 bài thơ chọn lọc từ VN, Hàn Quốc, Nga, Ba Lan, Romania, Đức, Hi Lạp được thể hiện qua giọng đọc của các dịch giả và những người bạn quốc tế đem lại một không khí thưởng thức thơ nhẹ nhàng.
Thu hút người nghe là phần đọc thơ chung của hai nghệ sĩ Mỹ - Việt J.Fossenbell và Nguyễn Phan Quế Mai. Hai tác giả trình bày song ngữ bài Những ghi chép dưới mái hiên Hà Nội và sẽ tiếp tục sóng bước với bài thơ Lại được ở trong lòng Hà Nội tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 28-2 (Tết Nguyên tiêu).
NGA LINH

NDĐT - Mở đầu cho các chương trình hoạt động kéo dài suốt ba ngày của Ngày thơ Việt Nam 2010, sân thơ quốc tế sáng nay (26-2) tại Trung tâm khoa học Văn hóa Nga diễn ra khá giản dị mà không kém phần sâu lắng.
 
Đây là lần đầu tiên, Ngày thơ Việt Nam có chương trình dành cho thơ dịch, với “quyết tâm đẩy mạnh giao lưu văn học với thế giới”- như nhà thơ Hữu Thỉnh nói.
Sân khấu được thiết kế đơn giản với chỉ một tấm phông là bức tranh sơn dầu với dòng chữ: “Hà Nội với bạn bè gần xa”. Hội trường Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga không còn ghế trống. Đông đảo các nhà thơ, nhà văn, dịch giả và bạn yêu thơ đã đến ngồi nghiêm ngắn để nghe các nhà thơ tự đọc những sáng tác của mình, và các dịch giả chuyển ngữ.
Cũng lần đầu tiên, một sân thơ quy tụ các nhà thơ, dịch giả đến từ nhiều nước như J. Fossenbell, Mary Croy (Mỹ), Ursula Bilska (Ba Lan), Elena Vladimirovna Akyaeva, Xenhia Kranovaeva (Nga), Phó Thiên Phóng (Trung Quốc), Onayen (Hàn Quốc), Auroza Otel (Rumani), các nhà thơ, dịch giả Việt Nam như Hữu Thỉnh, Lê Bá Thự, Nguyễn Hữu Quý, Trần Quang Quý, Phạm Viết Đào…lên đọc và trình diễn thơ với hai hoặc ba thứ tiếng.
Những tác phẩm được giới thiệu tại sân thơ là những tác phẩm đã được xếp vào hàng kinh điển của các tác giả nổi tiếng Puskin, Hainer, Eminescu, A. Blok… và những sáng tác mới của các nhà thơ, tác giả trong nước và nước ngoài viết về Hà Nội và Việt Nam.
Phần trình diễn khá ấn tượng của cô gái xinh đẹp người Mỹ J.Fossenbell và Nguyễn Phan Quế Mai với bài thơ “Những ghi chép dưới mái hiên Hà Nội” (Fossenbell) đã tạo được không khí ấm áp và sâu lắng cho sân thơ ngay từ khi bắt đầu.
Không quá to tát và cầu kỳ, buổi trình diễn thơ cũng giản dị như chính tiêu đề của nó “Hà Nội và bạn bè gần xa”. Giản dị như chính hình ảnh tiếng rao “ai ăn xôi không”, hay về phản thịt tươi bán đầu ngõ trong những câu thơ mà Mary Croy - một nhà thơ Mỹ trình bày trong bài thơ “Nhẹ nhàng chào buổi sáng Hà Nội”.
Có lẽ, thơ cũng không cần gì hơn thế.
HỒNG MINH
(Nguồn: báo Nhân dân)

HAI BÀI THƠ DO LÊ BÁ THỰ DỊCH ĐỌC TẠI BUỔI THƠ DỊCH

Tadeusz Rozewicz
       (Ba Lan)

  Màu mắt và những câu hỏi

Có phải người yêu của tôi
có đôi mắt xanh
ánh bạc
Không

Có phải người yêu của tôi
có đôi mắt nâu
ánh vàng
Không

Có phải người yêu của tôi
có đôi mắt huyền
hiền dịu
Không

Người yêu của tôi có đôi mắt
rơi vào tôi
như mưa thu
u buồn.

Tadeusz Rozewicz, sinh ngày 9 tháng 10 năm 1921, là nhà thơ lớn của Ba Lan, người chủ xướng phong trào thơ mới sau chiến tranh ở Ba Lan, người được tặng Giải thưởng văn học NIKE  (Nữ thần Chiến thắng) năm 2000, giải thưởng văn học hàng năm lớn nhất của Ba Lan. 
 

     Czeslaw Milosz
   (Ba Lan, Nobel 1980)

            Adam và Eva

Ađam và Êva đọc truyện khỉ nhà đang tắm,
Nó nhảy vào bể, bắt chước một cô nàng
Nó vặn vòi nước: ôi cứu tôi! nóng qúa!
Cô gái lao tới, đồ ngủ mỏng tang
Bộ ngực to, trắng ngần, lúc lắc
mạch máu hằn xanh.
Cứu con khỉ, nàng ngồi bên bể nóng,
Đi vô nhà thờ, nàng gọi con sen.

Và Ađam,  Êva  không chỉ đọc truyện đó
Tay giữ cuốn sách đặt trên đùi trần.
Những lâu đài này! Những cung điện này!
Những thành phố nhà cao ngất trời này!
Những sân bay hành tinh giữa những ngôi chùa cổ này!
Họ nhìn nhau, mỉm cười,
Song chẳng dám tin
(các người xuống  đó, các người khắc tỏ)
Và tay Êva với vào qủa táo.

 Berkeley, 1989
Lê Bá Thự dịch
                            
   
      Czeslaw Milosz Sinh ngày 30 tháng 6 năm 1911, mất ngày 14 tháng 8 năm 2004, thọ 93 tuổi
    Trên bảy chục năm trời gắn bó với thi ca, Czeslaw Milosz để lại cho dân tộc Ba Lan và thi đàn thế giới gần hai chục trường ca và tập thơ. Giải thưởng Nobel (1980) và nhiều giải thưởng cao quý khác mà ông được tặng khẳng định tài năng lớn của ông. Nhà thơ Nga Josif Brodski, giải Nobel văn chương năm 1987, đã dõng dạc tuyên bố: Czeslaw Milosz là một trong những nhà thơ lớn nhất của thời đại chúng ta...”.