Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

LẠI THÊM MỘT NGƯỜI TỐT RA ĐI

Phạm Đình Trọng
Thứ ba ngày 2 tháng 2 năm 2010 5:58 AM

Đọc trên trannhuong.com tin nhà vă Từ Bích Hòang rời cõi thế, tôi ngồi lặng ngắm nhìn những đường nét vô cùng thân thiết, trìu mến trên bức ảnh người Anh thân kính Từ Bích Hòang và hình dung ra bóng dáng Anh thấp thóang dưới tán cây đại trước mảnh sân hẹp nhà số Bốn phố Lý Nam Đế: Vóc hạc. Da xanh xao. Gương mặt thầm lặng nhưng đôi mắt hiền từ chan chứa yêu thương.
Nếu ở Hà Nội, tôi sẽ đến ngay nhà Anh trong khu tập thể quân đội số Ba Bê phố Ông Ích Khiêm ngậm ngùi tiễn biệt Anh rồi trở về tạp chí Văn nghệ Quân đội, số Bốn phố Lý Nam Đế, nơi Anh đã làm việc gần ba mươi năm, từ khi tạp chí Văn nghệ Quân đội ra đời năm 1957, đến khi Anh về nghỉ hưu trí, năm 1984, từ khi Anh là biên tập viên, đến khi Anh là Phó Tổng biên tập. Gần ba mươi năm ấy, Anh đã để lại trong những lớp nhà văn kế cận sau Anh một tình thương yêu đằm thắm mà mỗi người chúng tôi đều ghi nhớ nhiều sự việc, nhiều câu chuyện về tình thương yêu đó của Anh. Nơi ấy, trong căn phòng nhỏ nhìn ra gốc đại già sẽ lại có một chiếc bàn nhỏ bên trên đặt bức ảnh chân dung Anh, một bình hoa tươi và một bát nhang ngan ngát hương trầm để những nhà văn lứa sau Anh, cả trong và ngòai quân đội, đến tưởng nhớ Anh, bồi hồi kể lại những kỉ niệm về Anh. Kể về những năm tháng Anh đã lặng lẽ làm việc gây dựng tờ tạp chí Văn nghệ Quân đội trở thành tờ tạp chí văn chương tin cậy, uy tín, quen thuộc của cả nước. Sự tin cậy và uy tín của tờ tạp chí không phải chỉ ở chất lượng bài viết mà quan trọng hơn cả là ở tấm lòng, ở nhân cách của những người làm nên tờ tạp chí đó. Kể về tấm lòng thương yêu Anh để lại cho chúng tôi. Tình thương yêu Anh dành cho chúng tôi âm thầm mà cụ thể, mang cốt cách bao dung, cưu mang của người ở cửa Từ, ở cõi Phật. Vì thế ai đã có những năm tháng sống ở tạp chí Văn nghệ Quân đội thời Anh Từ Bích Hòang đều gọi Anh là Anh Từ, Anh Từ Bi. Nay tôi đang ở xa Hà Nội, xa cây đại già nhà số Bốn phố Lý Nam Đế gần hai ngàn cây số nên tôi chỉ ngồi lặng lẽ ngắm ảnh Anh và nhớ về Anh.
Anh Từ của chúng tôi hơn tôi hơn hai mươi tuổi. Anh Thanh Tịnh hơn tôi hơn ba mươi tuổi. Theo tuổi tác thì đó là những người ở bậc cha chú chúng tôi. Khi các Anh hăm hở đi vào cuộc kháng chiến chống Pháp thì chúng tôi người trước kẻ sau mới lục tục ra đời. Các Anh hơn chúng tôi cả một cuộc chiến tranh dằng dặc. Nhưng với tình cảm thân thiết các Anh dành cho chúng tôi và trong gia đình văn chương, các Anh đều coi chúng tôi như những người bạn trẻ tuổi và chúng tôi đều gọi Anh và xưng em với các Anh một cách tự nhiên.
Hăm ba tuổi, vừa tốt nghiệp đại học thì cách mạng tháng Tám nổ ra. Cuộc cách mạng của những người Việt Nam nô lệ giành độc lập thì không thể không có Anh Từ của chúng tôi. Cách mạng giành được chính quyền nhưng chính quyền còn non bấy, cần những bàn tay cầm súng bảo vệ. Trong số thanh niên nô nức nhập ngũ cầm súng bảo vệ chính quyền cách mạng cũng không thể không có Anh Từ của chúng tôi. Hơn tám mươi phần  trăm dân số còn mù chữ, trong số thanh niên mới nhập ngũ, nhiều người chưa  biết cầm cây bút kí tên, phải lăn đầu ngón tay vào mực điểm chỉ trong  các giấy tờ, người biết đọc biết viết, văn hóa lớp hai, lớp ba tiểu học đều trở thành tiểu đội trưởng thì một người tốt nghiệp đại học như Anh Từ của chúng tôi là vốn quý của cách mạng. Chính vì thế Anh Từ của chúng tôi đã trở thành người có mặt từ ngày đầu khai sinh ra những tờ báo, tạp chí lớn ngày nay: báo Quân đội Nhân dân, tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh Từ của chúng tôi cũng là thành viên sáng lập nên hội Nhà Văn Việt Nam.
Những người có nền  học vấn kha khá trước cách mạng tháng Tám năm 1945 đều có hai thế mạnh, hai phẩm chất vô cùng quí giá: Thông thạo hai ngọai ngữ Pháp, Anh và trong tâm hồn, trong nếp sống mang đậm dấu ấn văn hóa Pháp. Dấu ấn văn hóa Pháp đó là: Nền tảng văn hóa xã hội khá tòan diện, vững vàng và phong cách ứng xử lịch lãm, duyên dáng. Nền tảng văn hóa vững vàng ấy cũng cho người ta biết phát hiện ra và trân trọng kế thừa nét đẹp của bản sắc văn hóa Việt Nam, nét đẹp của con người Việt Nam truyền thống, con người rộng lòng yêu thương, nhường nhịn. Ở Anh Từ của chúng tôi vừa có vẻ đẹp trí tuệ, phong cách lịch lãm của văn hóa Pháp, vừa có vẻ đẹp đằm thắm của tình yêu thương, nhường nhịn ở con người Việt Nam truyền thống.
Tôi có vài kỉ niệm nho nhỏ với Anh Từ Bích Hòang và tôi cũng biết nhiều câu chuyện rưng rưng cảm động về tình cảm yêu thương Anh dành cho lứa nhà văn quân đội đàn em của Anh. Nhưng với tôi đáng nhớ nhất là lần đầu tiên tôi được gặp Anh.
Cuộc kháng chiến chống Mĩ khốc liệt kết thúc, tạp chí Văn nghệ Quân đội lại duy trì thông lệ đầu năm có bữa tiệc thịnh sọan gặp gỡ cộng tác viên. Năm ấy dãy bàn tiệc đặt ngay trên mảnh sân hẹp trước tạp chí. Ở mặt trận Tây Nguyên ra, còn đang chữa bệnh và an dưỡng ở đòan 235 quân khu Việt Bắc trên Hương Canh, Vĩnh Phú nhưng tôi cũng được mời về dự. Trước khi tôi vào mặt trận, tôi mới có một truyện ngắn, một bài thơ và mấy bài ca dao đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Truyện ngắn Những người ra đi của tôi được đăng ở tạp chí Văn nghệ Quân đội số tháng sáu, năm 1967 là truyện ngắn đầu tiên mở ra nghiệp cầm bút của tôi. Mấy năm làm báo Thông Tin, sống ở ngay Hà Nội nhưng có bài gửi cho tạp chí Văn nghệ Quân đội tôi cũng chỉ mang đến bỏ vào hộp thư khá lớn trước cổng tạp chí. Truyện Màu xanh của rừng tôi viết từ Tây Nguyên và hòan thành ở đòan an dưỡng trên Hương Canh vừa được tạp chí Văn nghệ Quân đội đăng, tôi cũng gửi đến tạp chí bằng cách đó. Thời chiến tranh căng thẳng, tạp chí Văn nghệ Quân đội phải sơ tán qua nhiều nơi, nhà số Bốn phố Lý Nam Đế thường vắng lặng. Ngòai tạp chí Văn nghệ Quân đội, nhà số Bốn còn có phòng Văn hóa Văn nghệ quân đội ở hai phòng tầng dưới phía bên trái cổng vào. Với mấy anh ở phòng Văn hóa Văn nghệ quân đội tôi lại có quan hệ khá mật thiết. Tôi thường đến mời rồi đưa ô tô đến đưa đón các anh Đại Đồng, Quốc Viễn đến nói chuyện ở các trung đòan thông tin, đến đưa đón các nhạc sĩ Huy Du, Vũ Trọng Hối . . ., các họa sĩ Văn Đa, Quang Thọ . . . đi thực tế sáng tác ở các đơn vị thông tin. Ở phòng Văn hóa Văn nghệ quân đội còn có nhà thơ Phác Văn rất hay chuyện và có tiếng cười khà khà không ngớt đan  trong câu chuyện. Tiếng cười rất hồn nhiên, vô tư nhưng câu chuyện của anh đầy nỗi niềm và tôi cũng hay ngồi với anh Phác Văn để nghe tiếng cười phớt lờ mọi phiền muộn. Chỉ có đôi lần tôi được đưa đón nhà thơ Chính Hữu, nhà văn Hồ Phương xuống nói chuyện với lớp viết truyện chiến sĩ thông tin do bộ Tư lệnh Thông tin tổ chức. Hồi đó nhà văn Ngô Văn Phú mới từ dân sự chuyển về tạp chí Văn nghệ Quân đội nên năng xuống các đơn vị quân đội đang trực tiếp chiến đấu, công tác và có đôi lần tôi được đưa đón anh Ngô Văn Phú. Còn các anh khác ở tạp chí Văn nghệ Quân đội tôi chưa hề được gặp. Cho đến bây giờ tôi vẫn còn giữ bức thư nhà văn Hải Hồ gửi cho tôi nhận xét về truyện ngắn Những người ra đi của tôi và thông báo số tạp chí sẽ đăng truyện đó. Nhưng đến khi về dự bữa tiệc gặp gỡ bạn viết đầu tiên sau chiến tranh của tạp chí Văn nghệ Quân đội, tôi vẫn chưa một lần gặp anh Hải Hồ.
Hôm đó tôi đang lớ ngớ đứng cạnh vòm cửa chính giữa tòa nhà số Bốn thì một người mảnh mai, nhỏ nhắn đến mỉm cười thân thiện gọi tôi anh Trọng vừa dịu dàng vừa trân trọng như tiếng chào hỏi của người bạn quen thân từ lâu. Anh bắt tay tôi và dẫn tôi vào bàn tiệc đặt dưới tán cây đại, kéo ghế cho tôi ngồi cạnh một đại úy mặc bộ dạ quân phục. Anh giới thiệu tôi với vị đại úy trắng trẻo, dáng nho nhã. Thì ra đó là Triệu Huấn, người viết truyện ngắn Dòng sông màu mận chín mà tôi mới đọc trên tạp chí Văn nghệ Quân đội. Anh đang là trưởng ban địch vận sư đòan 308. Làm quen với anh Triệu Huấn rồi, tôi lại đưa mắt tìm người đã dẫn tôi vào bàn tiệc cố nhớ xem là ai. Sao Anh biết tôi mà tôi lại không biết Anh nhỉ! A, Anh Từ Bích Hòang. Trước đây, lâu lắm rồi, từ trước khi tôi vào mặt trận, những lần đến nhà số Bốn, tôi có thóang thấy Anh đôi lần. Tôi chưa giáp mặt Anh lần nào, sao Anh lại biết tôi, lại dành cho tôi tình cảm như với người quen thân từ lâu vậy!
Tôi đã được dự nhiều cuộc họp mặt hàng năm của tạp chí Văn nghệ Quân đội, cả ở Hà Nội và cả ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi ở lớp viết văn quân đội rồi đi học khóa một trường Viết Văn Nguyễn Du, sáu năm trời, chúng tôi thuộc quân số tạp chí Văn Nghệ Quân đội, những cuộc gặp bạn viết hàng năm của tạp chí Văn nghệ Quân đội hồi đó, chúng tôi trở thành người nhà. Nhưng với tôi đáng nhớ nhất vẫn là lần tôi lớ ngớ đến cuộc mặt ở sân tạp chí Văn nghệ Quân đội, được Anh Từ Bích Hòang thân thiết gọi tên tôi, nắm tay tôi dẫn đến ngồi cạnh anh Triệu Huấn.
Đó là thời tạp chí Văn nghệ Quân đội với các anh Thanh Tịnh, Vũ Cao, Từ Bích Hòang, Dõan Trung, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải . . . đã làm cho ngôi nhà số Bốn trở thành mảnh đất Lương Sơn Bạc, nơi tụ nghĩa của những người cầm bút một thời đánh giặc gian nan nhưng vô cùng ân tình, hào sảng. Các Anh là những con người lí tưởng tạo nên một thời lí tưởng. Các Anh là những người tử tế tạo nên một thời trong sáng, đẹp đẽ. Chỉ một việc nhỏ cũng thấm đẫm sự tử tế của các Anh. Dịp kỉ niệm tạp chí Văn nghệ Quân đội tròn hai mươi nhăm tuổi, các Anh làm tuyển tập Văn và tuyển tập Thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội đã không bỏ sót một ai. Các Anh Thanh Tịnh, Dõan Trung, Nguyễn Minh Châu, Vũ Cao, Nguyễn Khải đã lần lượt ra đi! Nay lại đến Anh Từ Bích Hòang ra đi! Lại thêm một người tốt nhà số Bốn ra đi! Thời trong sáng, đẹp đẽ cũng ra đi rồi sao?