Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI BỊ CÂY ÁM Ở ĐẤT CẢNG

Hà Vân
Thứ ba ngày 2 tháng 2 năm 2010 6:44 AM

Đi nhẹ, nói nhỏ, da trắng, mắt sáng và dáng... thư sinh. Nếu nhìn bề ngoài Phạm Hồng Điệp không có dáng dấp của một doanh nhân, nhất lại là doanh nhân của Đất Cảng, cái miền dất của những con người quen ăn to, nói lớn, ăn sóng, nói gió mà một nhà thơ đã ví: “Cái mảnh đất ăn nằm với biển – Đẻ ra những người cần lao”. Chân dung vị Tổng giám đốc Công ty cổ phần công nghiệp tàu thuỷ Shinec Phạm Hồng Điệp, giống như một giáo viên trung học hay một viên chức bàn giấy của các bộ ngành. Và ít ai ngờ anh còn có một biệt danh “Người bị... cây ám!”.
 
Tổng giám đốc mê làm sinh viên
Tôi gặp doanh nhân không nhiều nhưng tôi biết họ là người ngoại giao rất giỏi, họ cẩn trọng và tỉ mỉ trong từng lời ăn tiếng nói đặc biệt là khi làm việc với giới truyền thông. Và vì thế, tôi không tiếp xúc với anh trên ghế salông, trong phòng làm việc, mà chọn một tư thế khác: trên bàn nhậu!
 Bữa ăn có 4 người, chúng tôi trò chuyện rôm rả với đủ mọi thứ trên đời, tuỳ hứng. Biết tôi là sinh viên mới ra trường, đang tập tẹ bước vào nghề, Phạm Hồng Điệp rất hào hứng kể về giảng đường đại học. Anh có cái niềm mê đi học, ngay từ buổi tay trắng cho đến ngày trở thành tổng giám đốc. 13 năm nay, dù bận mải đến đâu hàng tháng, Phạm Hồng Điệp vẫn dành thời gian lên Hà Nội học. Ngạc nhiên trước ông giám đốc mê học này, tôi hỏi: Anh phân thân hay sao mà vừa làm giám đốc với một núi công việc, vừa lặn lội hàng trăm cây số đến trường được?  Sáng 3 giờ dậy làm việc, 4g30 phóng lên Thủ đô khoảng 6h30, mua cái bánh mì rồi vào lớp học, tranh thủ các giờ ra chơi để gọi điện chỉ đạo cấp dưới làm việc, rồi chiều lại phi xe về Hải Phòng xử lý công việc công ty. Thế là Ok một ngày!- Vị tổng giám đốc họ Phạm này thành thật. 
Không để cuộc sống của mình buồn tẻ, Phạm Hồng Điệp còn… viết sách. Tập sách của anh viết về những ý tưởng, những sáng kiến bảo vệ môi trường, an sinh xã hội. Cầm tập sách dày cộp anh mới cho xuất bản mà thú thực tôi phát hoảng. Bởi chẳng biết mình có đủ nhiệt tình để đọc hết những tâm huyết của anh không khi mà tôi không phải…con mọt sách. Thế mà tôi đọc được sách Phạm Hồng Điệp, không hẳn vì để phục vụ cho bài viết mà quan trọng là cuốn sách hấp dẫn tôi. Những gì anh đặt ra đều rất mới mẻ, thực tế và đặc biệt là anh đã biết biến nó thành hiện thực ngay tại công ty mình.
    
Người bị... cây ám!
Nói đến doanh nhân là nói đến tiền, nói đến tội phá hoại môi trường, là khắc tinh của màu xanh… khi mà trái đất đang nóng lên, các khu công nghiệp “lờ” đi ô nhiễm. Nhiều cánh rừng đã và đang bị tàn phá. Nhiều dòng sông đã và đang dần trở thành dòng chết. Khi thiên hạ đổ xô đi mê tiền bạc, mê danh lợi thì Phạm Hồng Điệp có một thú đam mê chẳng giống ai: Mê cây.  Có lẽ khó có từ nào để diễn tả về thói mê cây của Phạm Hồng Điệp chính xác như từ “cây ám”.
Trò chuyện với anh là một cuộc trò chuyện không bao giờ có hồi kết. Mà câu chuyện thì đơn điệu đến mức chỉ có duy nhất một chủ đề. Điệp cứ nói đi rồi nói lại không biết chán về những cánh rừng, về vườn cây, về ước mơ một màu xanh phủ kín đồi trọc… Trước khi đến gặp anh, một người bạn anh đã dọa tôi rằng em có phỏng vấn gì thì cứ chen vào mà nói, chứ cứ để Điệp nói thì câu trước cây, câu sau lại chủ đề cây đấy.
Điệp vẫn rạo rực với niềm vui về những ý tưởng trồng rừng. Anh phấn khởi khoe chúng tôi về dự án trồng rừng 5000ha ở Lạng Sơn và Bắc Giang. Mô hình trồng rừng này được nhiều tổ chức môi trường thế giới đánh giá cao và cũng là mô hình chưa từng có ở Việt Nam. Anh không chỉ trồng những cánh rừng mà anh còn giao những khoảng đất ấy để bà con trong khu vực chủ động trồng xen canh rất nhiều loại cây trồng ngắn ngày. Bà con được hưởng toàn bộ và họ sẽ là người bảo vệ những cánh rừng ấy như bảo vệ miếng cơm manh áo của mình.
Chẳng biết đối với Điệp, cái thú mê cây có từ bao giờ nhưng từ lúc anh có cái quyền ra lệnh cho người khác thì việc đầu tiên anh “lợi dụng chức vụ” để làm chính là việc trồng cây. Đến shinec, tôi quên mất việc ngắm nghía cơ ngơi của công ty mà cứ mê mẩn với một khuôn viên lạ lùng chưa từng thấy. Một khuôn viên với một thảm cỏ xanh rì, được trồng khá cầu kì từ ngoài cổng. Một rừng cây, ở đó có tượng Bác Hồ, theo sau là các anh bộ đội với ý tưởng “Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân”. Rồi có một khoảng đất nhỏ tái hiện lại sự tích trầu cau. Độc đáo hơn nữa là hàng dãy dài các “cây hạnh phúc”. Cây hạnh phúc do những cặp vợ chồng mới cưới trong công ty trực tiếp trồng, vừa để kỉ niệm ngày cưới vừa để làm đẹp thêm môi trường.
 Sinh ra ở Thuỷ Nguyên – Hải Phòng, nơi cửa sông Bạch Đằng, vẫn thường bì bõm trong những cánh rừng ngập mặn bắt cua, mò cá… Màu xanh của rừng cây ám ảnh tuổi thơ anh và dường như đã ngấm vào máu của chàng trai mảnh đất đầu sóng ngọn gió này.
 
Ông giám đốc lội ngang dòng nước
Không phải là kẻ lập dị trong giới doanh nhân, không phải là người chê tiền nhưng Phạm Hồng Điệp lại giải bài toán lợi nhuận một cách táo bạo, tới mức người ta cho rằng anh đang “lội ngang dòng nước” và có đôi người lầm tưởng anh quá viển vông. Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền do công ty anh làm chủ dự án, vẫn đang tiến hành xây dựng. Khu công nghiệp sinh thái này sẽ như một khu trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội của địa phương. Ở đó sẽ có các doanh nghiệp chuyên trách xử lý nước thải, thu dọn rác công nghiệp, cung ứng thực phẩm... có hệ thống chợ ẩm thực, siêu thị giá rẻ, vườn hoa, công viên, khu vui chơi giải trí…
Dự luận xôn xao bởi ông chủ của dự án đang đi một nước cờ kì lạ mà từ trước tới nay chưa doanh nhân nào dám làm. Trong bối cảnh các doanh nghiệp tranh nhau từng mét đất, Phạm Hồng Điệp đã dám dành hẳn 24ha trong khu công nghiệp Nam Cầu Kiền để làm công viên cây xanh. Hiện nay Công ty đã đầu tư nhiều tỉ đồng để trồng hàng ngàn cây sưa, các loại cây ăn quả với tham vọng biến nơi đây trở thành khu công nghiệp thân thiện với môi trường.
Thắc mắc về cái cách “mở đường” với giọng đầy lo toan, tôi hỏi: Anh định làm một con đường mới không giống ai, lý tưởng quá. Ngoài sự cô đơn anh có thể trở thành kẻ thất bại đơn độc?”. Anh cười rất tươi chia sẻ: Con người luôn hướng tới chân- thiện- mỹ. Có ngại gì đâu khi mình vươn tới một điều tốt đẹp hơn. Tôi không sợ mình thất bại, chỉ mong những gì mình làm được mọi người hiểu và cùng chung sức vì môi trường, vì xã hội”.
Không chỉ vậy, sau khi giải phóng mặt bằng của người dân 4 xã, Phạm Hồng Điệp đã tìm ra phương pháp giải bài toán thu nhập cho gia đình nông dân có đất bị thu hồi. Trên phần diện tích đất nông nghiệp ít ỏi còn lại, sẽ có một mô hình gia trại, trồng cây gì, chăn con gì, cung cấp đầu ra cho sản phẩm…đều do một tay Tổng giám đốc chỉ đạo bà con. Hiện nay đã thí điểm được 33 mô hình và người dân rất phấn khởi bởi cách giải quyết công việc đó đảm bảo mức thu nhập 6 triệu đồng/tháng/hộ nông dân tham gia. Tương lai không xa, có thể cả khu vực quanh khu công nghiệp sẽ được biến thành khu cung cấp thực phẩm, đáp ứng nhu cầu của không chỉ khu công nghiệp mà của nhiều nơi khác.
 Là Tổng Giám đốc công ty, là người đầu tiên tái đắc cử chức chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hải Phòng 2 khoá liền nhưng Điệp vẫn tự cho mình có cái chất “gàn dở” của doanh nhân Hải phòng.  Mà cái “gàn dở” ấy có người lồ lộ ra ngoài nhưng Phạm Hồng Điệp thì lại có cái kiểu ẩn vào trong, mãnh liệt như tảng băng chìm, như cọc ngầm trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử, nơi anh sinh ra.