Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TRẦN ĐĂNG KHOA VỚI TRƯỜNG SA THIÊNG LIÊNG

Nhà thơ Bùi Hoàng Tám
Thứ ba ngày 2 tháng 2 năm 2010 4:29 PM
Nếu cái góc sân và khoảng trời quê hương đã làm nên một thần đồng thơ Trần Đăng Khoa thì Trường Sa đã làm nên một Nhà thơ quân đội Trần Đăng Khoa. Suốt những năm tháng lăn lộn cùng những người lính biển trên hầu hết các đảo của quần đảo Trường Sa, Trần Đăng Khoa đã viết hàng trăm bài thơ và đặc biệt là tiểu thuyết mini Đảo chìm. Cuốn sách chưa đầy 80 trang và là tiểu thuyết duy nhất cho đến nay viết về Mảnh đất địa đầu Tổ quốc này tập hợp 15 câu chuyện người thật, việc thật mà theo lời tác giả: “Tôi đã định biến những con người mà tôi yêu mến thành nhân vật trong truyện ngắn hay tiểu thuyết nhưng lại thấy không nên vì bản thân họ đã rất đẹp rồi, rất thật rồi, hà cớ chi ta phải hư cấu thêm cho cồng kềnh, rắc rối. Tốt nhất là cứ để vậy. Cuộc sống vốn chân thật và giản dị…”. Nhân dịp đầu xuân, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Nhà thơ Trần Đăng Khoa về đề tài này.
Trước hết, xin chúc mừng Nhà thơ Trần Đăng Khoa về việc anh đã trở thành Giám đốc, lãnh đạo một trong những kênh truyền thông lớn của Đài Tiếng nói Việt Nam, là Kênh hình  VOV…?
Cũng trước hết, tôi xin nhà báo bỏ bớt sự “trịnh trọng” bởi tôi chưa và không bao giờ lại nghĩ mình là sếp vì tôi mãi mãi vẫn là tay chăn trâu của cánh đồng làng Điền Trì và người lính của quần đảo Trường Sa. Đó là nơi tôi và các đồng đội tôi đã sống những tháng năm đẹp đẽ nhất của cuộc đời mình.
Cám ơn anh vì đó cũng là vấn đề tôi rất quan tâm. Duyên cớ nào đưa anh đến với biển đảo Trường Sa?
Năm 1975, khi chúng tôi đang học những ngày cuối cùng của lớp 10, tức là lớp 12 bây giờ thì có lệnh tổng động viên, tăng cường quân cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Lớp tôi có 53 người thì nhập ngũ đến 47 người. Các lớp khác cũng vậy. Sau nhà trường phải dồn hết quân số còn lại của các lớp vẫn không đủ cho một lớp để học tiếp phần còn lại. Tôi là lính Tiểu đoàn 3, Đại đội 1. Trung đoàn 2.  Huấn luyện vừa xong thì đất nước thống nhất, tôi được điều về Bộ Tư lệnh Hải quân. Vì vậy mà tôi có điều kiện gần gũi, gắn bó với Trường Sa.
Là thi sĩ, tâm trạng của anh lần đầu ra đảo thế nào…?
Ý ông muốn hỏi cảm xúc mơ màng của nhà thơ trước sự hùng vĩ của biển khơi ư? Không có đâu ông ơi. Đó là một vùng sóng gió  dữ dằn và khốc liệt. Ngày đó, Trường Sa còn như một hoang đảo tràn ngập phân chim. Không có hệ thống thông tin liên lạc, không có sóng của Đài tiếng nói Việt Nam và không có cả ngày tháng dù trung đội nào cũng có một cuốn lịch. Cuộc sống như bị bứt ra khỏi xã hội loài người. Đất nước thống nhất nhưng chưa liền một dải và máu vẫn đổ trên quần đảo bão tố ấy.
Nhưng đọc Đảo chìm của anh, độc giả đều thấy các nhân vật của anh hết sức trẻ trung, tếu táo và hồn hậu…?
Cuộc sống ở đó đúng là như thế. Đám lính đảo chúng tôi là những người nông dân như cái cây trồng trên cánh đồng của làng mình, giờ được bứng ra trồng giữ sóng gió. Sức sống mãnh liệt của người nông dân cộng với sự hồn nhiên bản tính đã tạo nên một cuộc sống hồn hậu và chân thực. Biển dữ dội, biển phóng khoáng và biển không che đậy. Con người trước biển như bị lột trần, không có gì nương tựa nên cách tốt nhất để tồn tại là hồn nhiên đón nhận mọi thử thách. Trường Sa - đó là nơi dữ dội nhất, phóng khoáng nhất, thiêng liêng nhất và cũng mong manh nhất. Nếu có máu đổ thì sẽ đổ ở đây trước tiên.
Từng đặt chân lên hầu hết các đảo lớn nhỏ của quần đảo Trường Sa, anh ám ảnh nhất với nơi nào?
Ám ảnh ư? Đó là “đảo chìm” tức là những đảo còn chưa nhô lên khỏi mặt nước. Nó như hình bóng của một xã hội tốt đẹp nhưng ở thì tương lai, cái gì cũng có. Còn hiện tại thì không có gì cả. Người lính canh giữ đảo chìm là canh giữ cái giọt máu thiêng của Tổ quốc còn chìm trong nước. Nó mới đang còn là một cái bào thai. Nó đang vật lộn, quẫy đạp trong bầu nước âm u của biển cả để ra đời. Và không biết đến bao giờ nó mới ra đời, mới nhô lên khỏi mặt biển để trở thành một xứ sở bình dị….
Còn điều đáng sợ nhất?
Đó là cảm giác bị bỏ rơi. Người lính không sợ gian khổ. Không sợ sóng gió. Có sóng gió thì còn có việc là chống chọi với sóng gió. Lính biển có kinh nghiệm lại sợ nhất khi biển lặng. Kinh lắm ông ạ. Rợn ngợp trong cảm giác bị lãng quên.
Có phải vì thế nên anh viết: “Chẳng ai biết chúng ta đang ở đây”?
Tôi còn viết: “Những mùa đi thăm thẳm – Trong mông lung chiều tà – Có bao chàng trai trẻ - Cứ lặng thinh mà già”… Những đồng đội tôi ở đảo, họ thật đáng kính trọng bởi sự tồn tại của họ đồng nghĩa với sự tồn tại của biên cương Tổ quốc.
Nhưng Trường Sa bây giờ đã khác rất nhiều so với thời anh ở đó…?
Đấy là điều tuyệt vời. Tôi biết và cảm nhận được điều đó chứ. Trường Sa bây giờ đã là huyện đảo, mọi điều kiện đều tốt hơn thời chúng tôi ở đó rất nhiều. Đặc biệt là từ khi có bóng phụ nữ trên đảo, thế giới nơi đây trở nên cân bằng bởi từ hàng ngàn đời nay, nơi này chưa bao giờ có sự hiện diện của phụ nữ. Một tà áo đàn bà là điểm tựa để báo hiệu một đời sống yên bình của một vùng quê Việt Nam, khiến đảo không còn hoang dã.
Nhưng nơi đây hết sức dữ dằn…?
Đúng là nơi đây hết sức dữ dằn cả thiên tai, địch họa. Vì vậy, tôi càng kính trọng sự hiện diện của những người phụ nữ và cả những em bé. Họ  vừa là người canh giữ vừa là chủ nhân đích thực của Trường Sa. Đấy là những người lính mặc thường phục
Trở lại với các sáng tác về Trường Sa. Anh đã có hàng trăm bài thơ về Trường Sa, trong đó có nhiều bài rất hay như Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn, Cây bão táp đảo Nam Yết, Đồng đội tôi trên đảo Thuyền chài, Viết từ hải đảo, Lính đảo hát tình ca, Thơ tình người lính biển, Cây sâm đất Trường Sa. Chim sơn ca trên đảo Sơn Ca, Cô Tổng đài Hải đảo, Hát về một hòn đảo … Đặc biệt là cuốn tiểu thuyết mini Đảo chìm đã được tái bản tới 25 lần với nhiều vạn bản. Thế nhưng hình như tác phẩm này lại không được giới chuyên môn đánh giá cao…?
Câu hỏi này ông nên hỏi những người mà ông gọi là “giới chuyên môn” chứ sao lại hỏi tôi vì tôi làm sao trả lời thay họ được? Vả lại, tôi viết là để trước hết cho tôi, cho đồng đội của tôi và cho độc giả chứ chưa và không bao giờ có ý định viết cho “giới chuyên môn”. Do đó, họ đánh giá thế nào là quyền của họ và với tôi, quả thật những đánh giá kiểu này cũng rất ít quan trọng. Vả lại, tôi còn có niềm vui khác to lớn hơn rất nhiều.
Niềm vui to lớn đó là gì vậy, thưa anh?
Nhiều chứ. Đơn cử là gần đây, một bạn đọc đã đánh máy Đảo chìm, đưa lên trang Web của nhà văn Xuân Đức. (xuanduc.vn) Hàng trăm comment gửi về chia sẻ, động viên và… mắng mỏ. Nhưng vui nhất là những dòng thư mà đồng đội cũ của tôi, những người cùng với tôi lăn lộn nơi biên cương Tổ quốc gửi cho tôi. Họ chính là nhân vật của cuốn sách. Có người còn mắng sao tôi quên người này, người nọ… Tôi coi đó là mệnh lệnh đồng đội tôi giao nên trong năm tới, tôi sẽ cố gắng thu xếp thời gian để bổ sung rồi sau đó, tập hợp thành một tập Thơ và văn xuôi viết về Trường Sa.   
Xin cám ơn anh về cuộc trò chuyện đầu xuân này!
BOX: Hình như đối với nhà văn, nhà thơ, đến một ‘độ” nào đó, ngưởi ta tạo lập cho mình một lãnh địa, một “vương quốc” để họ cát cứ. Ở Việt Nam, nếu Tây Nguyên huyền bí là “vương quốc” của Nguyên Ngọc, Trường Sơn uy nghiêm là lãnh địa của Phạm Tiến Duật thì Trường Sa hùng vĩ thuộc về Trần Đăng Khoa. Cho đến hôm nay, anh là nhà thơ duy nhất, hay nói cách khác, Trần Đăng Khoa là Hội viên Hội nhà văn Việt Nam duy nhất trực tiếp tham gia bảo vệ và viết rất ấn tượng về mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió, miền cực Đông thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam này
Nhà thơ Bùi Hoàng Tám