Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG CHUYỆN SAU VẾ ĐỐI (III)

Lê Bá Hạnh
Thứ hai ngày 1 tháng 2 năm 2010 9:58 PM

Buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Thơ kết thúc mà chẳng nhớ ai nói gì, trong đầu tôi chỉ luẩn quẩn câu thách đối của nhà thơ Yên Thao, một lão tướng trong làng thơ từ thời chống Pháp, và câu thách đối thật hiểm hóc: “THỬ CHUỘT MỘT TÝ, XEM MÁY TỐT XẤU.” Câu đối có tám chữ thì ba chữ: “Thử, Chuột, Tí” đều là loài gặm nhấm tìm chữ gì đây để đối lại? Quả là cao thủ!
Câu lạc bộ Thơ, buổi sinh hoạt thường kì đã xong nhưng không ai bận rộn nên nán lại uống nốt ấm trà mới pha. Anh cán bộ Văn Hoá Quận lo lắng nói: “ Sắp tới cơ quan vào Quảng Bình giao lưu mà chưa chọn được quà gì quý hiếm?”
Ý kiến mang theo mắm tôm Hải Thành, nước mắm Cát Hải bị gạt bỏ đầu tiên (có khác gì chở củi về rừng) Mọi người săm soi mãi mà chưa chọn được vật gì có giá trị đặc biệt...
Ông bảo vệ nhả xong khói thuốc lào rồi nhỏ nhẹ: “ Báo Tiền Phong năm trước có bài của ông Nguyễn Văn Chương nói về ông Văn Lợi giám đốc Sở Văn Hoá của mình, vế xuất đối như sau: “VĂN LỢI, LỢI NHỜ VĂN, RĂNG LẠI NHỦ, LÀM VĂN KHÔNG CÓ LỢI” Các ông tìm được vế đối hay, đối lại chắc là món quà nhiều ý nghĩa nhất...
Một nhà thơ kêu lên: “Ông đồ Chương này ác thật, câu đối toàn răng với lợi, lợi với răng có khác gì “da trắng vỗ bì bạch” chơi khó thiên hạ quá...”
Một nhà thơ rất sính làm diễn ca tuyên truyền, tự nhận là “Bút Gỗ” vội vàng đốp chát: 
-ĐỒ CHƯƠNG, CHƯƠNG CHUYỆN ĐỐI, LỢI CHẲNG ĐÂU, HAM ĐỐI CHỈ KHỔ MỒM.
Một nhà thơ khác lên tiếng:
-VẼ DANH, DANH THÍCH VẼ, HÁM DANH QUÁ, CỐ VẼ CHỈ Ô DANH.
Một nhà thơ khác ám chỉ một số báo vừa qua đã đưa tin thất thiệt làm tai hại cho bà con miệt vườn, không ai dám ăn hoa trái gì vì sợ ung thư? Nhà thơ thận trọng đọc từng chữ:
-BÁO HẠI, HẠI VÌ BÁO, LỢI CHE MẮT, BÁO SAI GÂY LÊN HẠI.
Một nhà thơ châm biếm, được mệnh danh  “Thợ Rèn Trẻ” đã gặp nhiều “tai nạn nghề nghiệp” hào hứng tham gia:
-THƠ HOẠ, HOẠ CÓ THƠ, VẼ LÊN CHUYỆN, MẦN THƠ GÂY LÊN HOẠ.
Một nhà thơ từng xông pha nhiều trận “khẩu chién” hào hứng nói tiếp: 
-VÕ MỒM, MỒM CẬY VÕ, LỢI HẠI VẬY, ĐÁNH VÕ LẠI NGẬM MỒM.
Một nhà thơ khác gật gù chậm rãi nói: “Lời đốí lờì như thế tạm được, nhưng ý tứ sao nó vẫn nặng nề chì chiết đến độc địa thế.” Một nhà thơ khác tham gia: 
-VÕ BẰNG, BẰNG GIỎI VÕ, LỢI HẠI THẾ, ĐÁNH VÕ THẬT CÔNG BẰNG.
Mọi người vỗ tay hoan hô: “Văn Lợi được đối nhà báo lớn Võ Bằng chuẩn mực quá; bằng trắc , ý đối ý, lời đối lời như thế là cùng chứ gì...
Cái bút bi trong tay tôi cứ gạch gạch, xoá xoá mà chẳng viết được chữ nào, cuộc tranh cãi của nhà thơ cấp Quận cứ như rót vào tai. Tôi như chợt tỉnh và hiểu ra đây là lực lượng trí tuệ hùng hậu có thể gỡ ra nhiều điều trong đầu tôi đang bí đặc.
Tôi trình bầy vế mời đối của nhà thơ Yên Thao, rồi xung phong đi xúc bình pha ấm trà mới. Đã đến tuổỉ xưa nay hiếm mà nhà thơ vẫn như tuổỉ teen gửi “i meo, i mèo”. Nhiêù nhà thơ “nhớn” Quận tôi đã khảng định: “Phải dùng ngòi bút lá tre chấm vào lọ mực thuỷ tinh sóng sánh, kéo trên mặt giâý nghe sột soạt mớí có cảm xúc viết được thơ!”. Ngay những hoạ sĩ cấp quốc gia cũng phản đốí dùng chương trình “Photoshop”, “Corel đồ hoạ” vẽ tranh cổ động. Vớí lập luận: “Phải dùng bút lông mớí có rung động của bàn tay của trái tim bức tranh mới có tâm hôn, mớí rung đông lòng ngươì…v.v.. Thế mà nhà thơ tuổỉ xưa nay hiếm lại mua máy tính: “Thử, Chuột, một Tý…” cho đau đâù thiên hạ…
 Nhà thơ, một cựu chiến binh thành tích đầy mình nâng chén trà đặc sánh nhấm nháp rồi thủng thẳng nói: “Vế xuất đối là: THỬ CHUỘT MỘT TÍ, XEM MÁY TỐT XẤU.” Vậy vế đối của tôi là:
-CỌP DẦN MẶT HỔ- MỚI THẤY THỰC HƯ.
Một nhà thơ khác bắt bẻ: “Cọp, Dần, Hổ đều là tên gọi vị chúa sơn lâm, nhưng từng chữ đối như thế chưa chuẩn. Chữ “Thử” phải đối với chữ “Dần” mới đúng, chứ đối với chữ “Cọp” thì chưa hay.
Nhà thơ, một viên chức hưu non nạn nhân của cuộc “đấu đá” dè dặt nói:
-KÊ GÀ VƯỚNG DẬU, BAY ĐƯỢC THẤP CAO.
Ông giáo già vui vẻ: “Hay lắm, đối được đấy, nhưng các cụ băn khoăn vướng víu điều gì mà sao nó nặng nề, ác khẩu quá...
Ngồi cạnh tôi, nhà thơ, nghệ sĩ xiếc đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, nay như lá rụng về cội lên tiếng:
-THÂN HẦU LOÀI KHỈ - MỚI THẤY NHỤC VINH.
Ông nói thêm những ngày chăm sóc, nuôi dạy  và biểu diễn cùng đàn khỉ đầy cơ cực vất vả, nhưng cũng sung sướng nhận những ánh mắt, những tràng pháo tay tán thưởng của mọi người, ông không thể nào quên được dù ông đã hầu hạ đàn khỉ thông minh nhưng cũng đầy khó tính...
Ông giáo cười rạnh rỡ:
-Hoan hô! Tý, Thìn, Thân là tam hợp đối nhau sâu sắc đấy! Nhưng về tình sao nó vẫn như đang hậm hực điều gì? Một công việc lao động nghệ thuật vinh quang, nhất định có gian khổ cực nhọc, theo tôi ông phải chỉnh lại:
-THÂN HẦU LOÀI KHỈ- MỚI THẤY CỰC VINH.
Nhà thơ nghệ sĩ xiếc gật gù tàn thưởng
Ngoài cửa, nhà thơ, nhà thư pháp Hán Nôm, Lâm Thanh Sơn  bước vào vỗ tay tán thưởng, là bạn thơ thân tình, dù nhà ở xa tít tắp nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau trao đổi. Sau mấy tuần trà Lâm tiên sinh rút sổ tay đọc vế xuất đối của tôi đăng trên báo Hạ Long (Quảng Ninh): “ĐÊM BÃI CHÁY, LÊN CẦU BÃI CHÁY, NGẮM BÃI CHÁY, SÁNG BỪNG NHƯ BÃI CHÁY.”  Tiên sinh họ Lâm tâm sự: “Mới đây tôi có vào Lễ Hội Lam Kinh qua núi Non Nước, phong cảnh đất nước mình thật tuyệt vời. Vậy câu đối của tôi là:
-CHIỀU NON NƯỚC, TRÈO NÚI NON NƯỚC, NHÌN NON NƯỚC, HUY HOÀNG THAY NON NƯỚC.
 Đơn giản thế mà bao nhiêu tháng nay không ai nghĩ ra. Cũng như vạn vạn người nhìn thấy quả táo rơi nhưng chỉ một người tìm ra được định luật... Vế đối khá chuẩn không thể khác được!
Để chào đón năm Hổ sắp tới, nhà thư pháp Lâm Thanh Sơn lại lật sổ tay tặng chúng tôi vế xướng đối, dõng dạc đọc: “ĐÊM BA MƯƠI, NĂM HÙM, GIỜ DẦN, HỔ SINH ĐÔI CỌP.”
Chúng tôi chụm đầu lại, gạch xoá giầy đặc mấy trang giấy rồi đọc: “NĂM THÁNG NĂM, ĐOAN NGỌ, GIỮA TRƯA, NGỰA PHI TỨ MÔ
Lâm tiên sinh nhìn từng con chữ, như ngắm cái cân tiểu li đang chao đảo và thong thả:
-“Đêm ba mươi”, đối lại là: “năm tháng năm” (ngày giết sâu bọ) chưa hay nhưng tạm được; “năm Hùm” đối lại là: “Đoan Ngọ” là được; “giờ dần” đối là “giữa trưa” tạm được. Nhưng “hổ sinh đôi cọp” đối “ ngựa phi tứ mã” thì không ổn. Chữ “SINH” phải đối với chữ “TỬ” mới đắt. Còn bất cứ chữ nào cũng gượng ép.
      Chúng tôi lặng người vì bất ngờ, con hổ có năm tên khác nhau, thì trong vế xướng đối này đủ cả. Từng câu đối nhau, từng danh từ, cũng  phải đối nhau theo liêm luật nữa, rồi lại hành lang cho phép với không cho phép, thật là rối rắm...
 Lâm tiên sinh chậm rãi tuyên bố:
-Ai đối được vế đối này, Lâm tôi xin bái phục làm thái thượng sư phụ.
       
Nhà thư pháp Hán Nôm- Lâm Thanh Sơn xưa nay chỉ dạy chữ, bán chữ, là người thẩm định chính phần Hán Nôm cho tập: Hợp Tuyển Thơ “Nguyễn Trãi” dầy 1628 trang của nhà thơ nhà soạn giả Gia Dũng mới xuất bản. Lâm tiên sinh chưa chịu ai, nay nhận người đối được là bậc Thầy của Thầy thì quả là chuyện xưa nay hiếm. Câu đối này nhất định là hiểm hóc...
Chúng tôi nhìn nhau chịu cứng, đành viết lên nhờ các tiên sinh xa gần mách giúp; để Lâm tiên sinh chúng tôi có thêm bậc thầy  và chúng tôi cũng học được nhiều điều bổ ích!       
       Lê Bá Hạnh