Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ANH LINH NGHĨA SĨ KHỞI NGHĨA YÊN BÁI VÀ NHỮNG VẦN THƠ

Ngọc Bái
Chủ nhật ngày 7 tháng 2 năm 2010 8:55 PM
 Kỷ niêm 80 năm Khởi nghĩa Yên Bái
 
 Đã tròn 80 năm ngày Khởi nghĩa Yên Bái ( 9/2/1030 - 9/2/2010), với tinh thần quật khởi của những nghĩa sĩ với khẩu hiệu đuổi người Pháp về nước Pháp, đem nước Nam trả lại người Nam đã đứng lên lấy xương máu mình đặt cược cho lòng yêu nước chống thực dân Pháp. Suốt dải đất từ Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nội, Sơn Tây, Vĩnh Phúc, Phú Thọ...và tiêu biểu nhất là Yên Bái, đều ghi đậm dấu ấn cuộc khởi nghĩa chống Pháp do Nguyễn Thái Học đứng đầu. Tưởng nhớ anh linh của các vị tiên liệt đã hy sinh vì nước, xin cùng nhau đọc lại một số vần thơ được viết trong những ngày oanh liệt ấy.
 Tôi nghĩ là dân Yên Bái hẳn rất đáng tự hào, bởi từ năm 1930, Louis Aragon - nhà thơ cộng sản Pháp, đã viết bài thơ Yên Báy đề cập tới hình ảnh bất tử của các nhà yêu nước đã bị thực dân Pháp xử chém trên đất này:
  Yên Báy, đây là điều nhắc nhở ta rằng, không thể bịt miệng một dân tộc mà người ta không thể khuất phục bằng lưỡi kiếm của đao phủ.
  Yên Báy, xin gửi tới những người anh em da vàng lời nguyền này, để mỗi giọt cuộc sống các ban đều tràn máu của một tên Varene.
 Nói về sự quật cường của dân tộc, câu thơ không chỉ đúng với Yên Bái, mà còn đúng đối với tâm thế cả nước, cả dân tộc Việt Nam. Tiếng vang của Khởi nghĩa Yên Bái chống thực dân Pháp ngày 9-2-1930 đã dội tới lương tri nhân loại đương thời. Điều đó còn được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới trong diễn ca Lịch sử nước ta:
 Kìa Yên Bái, nọ Nghệ An
 Hai làn khởi nghĩa tiếng vang toàn cầu
 Cũng trong thời gian đất nước tang thương bởi sự đàn áp những người yêu nước tàn bạo của thực dân, vượt ra ngoài sự kiểm soát hà khắc, những vần thơ ca ngợi các nghĩa sĩ vẫn bí mật lưu truyền. Cụ Sào Nam Phan Bội Châu mặc dầu bị thực dân quản chế, vẫn có những áng văn tế hào sảng và bi thương về sự kiện lịch sử oanh liệt này, đó là các bài: Văn tế các tiên liệt Việt Nam quốc dân đảng , Văn tế dân làng Cổ Am bị nạn hoả thiêu, Văn tế cô Giang, Chị khóc em, Cô khóc cậu... Những câu văn tế của cụ Phan thật sâu nặng:
 Tuy kim cổ hữu hình thì hữu hoại, sóng Bạch Đằng, mây Tam Đảo, hơi sầu cuộn cuộn, bóng rồng thiêng đành ông HỌC xa xuôi.
 Nhưng sơn hà còn phách ắt còn linh, voi Nàng Triệu, ngựa Nàng Trưng, khí mạnh nhơn nhơn, hình hạc gió hãy cô GIANG theo đuổi.
 Trong văn tế Cô Giang, người con gái đã không quản ngại thân phận yếu đuối, xông pha nơi hiểm nguy, tổ chức binh vận, lập các chi bộ Quốc dân đảng ngay trong đội ngũ binh lính Việt phục vụ trong quân đội Pháp, cụ Phan Bội Châu khi ấy đã ở tuổi  cổ lai hy,  đã hạ mình gọi chị xưng em trước tấm gương nữ kiệt hy sinh:
 Than ôi! Khóc nữa mà chi. Nói không kể xiết!
 Một nén hương lòng. Mấy lời thống thiết!
 Đoàn thể lớn xin từ nay cố kết!
 Xúm bạn gái theo gót chị, chết đã linh mà sống lại càng linh.
 Xoay cuộc đời xoá bàn cờ, quốc chưa diệt thì chủng không thể diệt
 Tiếng hạc kêu chắc thấu trời nghe...
 Cụ Ngô Quang Đoan chí sĩ yêu nước thời đó, người đã nối tiếp con đường chống Pháp của Nguyễn Quang Bích, đã có câu đối khóc Nguyễn Thái Học:
  Đại nghĩa sở đương vị: báo quốc đan tâm quang nhật nguyệt
 Thâm thù do vị tuyết: Tiêm cừu bạo khí tráng sơn hà
 ( Nghĩa lớn nên làm: giết giặc, lòng son ngời nhật nguyệt 
 Thù sâu chưa trả: hy sinh, khí mạnh rạng non sông).
 Nguyễn Thị Giang, với thiên tình sử đẹp nhất cùng Nguyễn Thái Học, sau khi bí mật chứng kiến sự hy sinh của chồng tại pháp trường Yên Bái, đã về thắp hương tạ tổ tiên, lạy tạ cha mẹ chồng, rồi ra nơi hai người trước đây thường hẹn hò, dùng khẩu súng lục Nguyễn Thái Học tặng, tự vẫn, để lại bài thơ Khóc Nguyễn Thái Học  có những câu thơ xót buốt:
 Anh là người yêu nước!
 Không làm tròn được nghĩa vụ cứu nước.
 Anh giữ lấy tấm linh hồn cao cả để về chiêu binh, rèn lính ở dưới suối vàng!
 Phải chịu đựng nhục nhã mới có ngày mong được vẻ vang!
 Các bạn đồng chí phải sống lại sau Anh, để đánh đổ cường quyền, mà cứu lấy đồng bào đau khổ!
 Thân không giúp ích cho đời
 Thù không trả được cho người tình chung
 Dẫu rằng đang độ trẻ trung
 Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh...
 Cuộc Khởi nghĩa Yên Bái thất bại, hàng nghìn người bị bắt bớ tù đày và hàng chục người bị xử chém ở khắp nơi. Trên đất Yên Bái đã có 2 cuộc xử chém với 17 người hy sinh. Trước khi tới đoạn đầu đài, Nguyễn Thái Học vẫn còn ngâm thơ bằng tiếng Pháp. Bài thơ ấy có câu: Chết vì Tổ quốc, cái chết vinh quang / Lòng ta sung sướng, chí ta nhẹ nhàng.  Nguyễn Thái Học chối từ cố đạo Dronet làm phép rửa tội: Chúng tôi là những người chiến bại, chứ đâu phải người có tội? Không có gì phải ăn năn!  Poulet Osier hỏi Phó Đức Chính: Vì sao không chống án? Phó Đức Chính trả lời: Đại sự không thành, chết là vinh! Chống án làm gì vô ích! ... Chí khí của những nghĩa sĩ đã làm cảm động bao thế hệ người Việt Nam. Sau ngày thực dân Pháp xử chém Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông, đã có bài thơ Ngày tang Yên Bái với những câu thơ đầy khí phách:
      ... Sau cái nhìn chào non nước bi ai
 Họ thản nhiên lần lượt bước lên đài
 Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng
  Việt Nam muôn năm! Một đầu rơi rụng
  Việt Nam muôn năm! Người kế tiến lên
 Và tử thần kính cẩn đứng ghi tên
 Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc
 Không chỉ có các bài văn bài thơ của các nhà tư tưởng, nhà thơ có tên tuổi, mà còn rất nhiều bài thơ khuyết danh ca ngợi cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Nói về sự hy sinh oanh liệt của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Thị Giang nhiều người còn nhớ những câu thơ da diết:
 Sống nhục sao bằng sự thác vinh
 Nước non cho vẹn chữ trung tình
 Lưỡi dao xử tử chàng không ngại
 Tiếng súng quyên sinh thiếp cũng đành
 Một tấm can trường trời đất thảm
 Ngàn thu tiết tháo quỷ thần kinh
 Cuộc đời sá kể chi thành bại
 Trai đã trung thì gái hẳn trinh
 Được tận mắt chứng kiến cảnh thực dân Pháp dùng máy chém các nhà yêu nước Việt Nam trên pháp trường, ký giả Roubaud trở về Pháp, năm 1931, đã viết về tiếng hô Việt Nam vạn tuế vô cùng thống thiết vang vọng trong sớm mai. Tác giả kể những phút cuối của Nguyễn Thái Học: Anh mỉm cười, cực kỳ bình thản, đưa mắt nhìn đám đông công chúng và cúi đầu chào đồng bào, rồi cất giọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô lớn: Việt Nam vạn tuế!.
 Đã có nhiều tác phẩm văn thơ và trường ca về đề tài khởi nghĩa Yên Bái. Đó là sự bất tử của lòng yêu non sông Việt:
 bấy nhiêu năm nấm  mộ chôn chung
 các anh bên nhau như tượng đài trong lòng đất
 các anh bên nhau trong hơi gió mát
 cùng vầng trăng khuya khoắt đến nao lòng
 thu một khoảng trời vào đôi mắt khép
 chút hành trang sau cuối ở trên đời
 mây hôm ấy đã thành vải liệm
 bao tươi non dành gửi lại bên trời
 Và cả những dòng lục bát thuần hậu thấm thía nghĩa tình:
 soi vào cỏ thấy tuổi tên
 càng mưa càng nắng càng bền càng xanh
 thời gian như gió qua nhanh
 hồn người tiên liệt cất thành lời ca
 nhập vào màu lá màu hoa
 nhập vào muôn ánh sao xa, giữa trời...
 Thơ về cuộc Khởi nghĩa Yên Bái, có thể sưu tầm tới hàng trăm bài của rất nhiều tác giả các thế hệ trên khắp đất nước. Những bài thơ sâu nặng lòng yêu nước sẽ góp phần làm giàu có thêm tình cảm của người dân Việt đối với những người đã hy sinh vì Độc lập Tự do của Tổ quốc. Đã có rất nhiều bài đánh giá sâu sắc về cuộc khởi nghĩa. Tại Đại hội VII Quốc tế cộng sản 1935, Lê Hồng Phong - người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam đã nhận định: Cuộc đấu tranh cách mạng năm 1930 mở đầu bằng cuộc khởi nghĩa nổi tiếng ở Yên Bái. Cuộc khởi nghĩa này giữ một vai trò to lớn đối với sự phát triển phong trào ở Đông Dương.
 Tôi vẫn nghĩ: Lòng yêu nước không bao giờ cũ, những vần thơ ca ngợi tinh thần yêu nước của các nghĩa sĩ trong cuộc Khởi nghĩa Yên Bái chắc chắn còn tiếp tục nối dài. Việc nhân dân Yên Bái đã xây dựng khu lăng mộ liệt sĩ Khởi nghĩa Yên Bái 1930, như ngôi đền hiện đại trang nhã và linh thiêng đã là bài thơ bất tuyệt đầy tính nhân văn, sẽ mãi là một địa chỉ thu hút cả nước đến với Yên Bái. Nhân 80 năm Khởi nghĩa Yên Bái ( 9-2-1930 / 9-2-2010), xin được thắp nén tâm nhang tưởng nhớ những nghĩa sĩ đã không thành công cũng thành nhân.
Đầu xuân 2010
N B