Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

“QUITE CONNECTS”

Đặng Thân
Thứ năm ngày 7 tháng 1 năm 2010 5:16 AM
 
 
(Về tập sách Thơ đến từ đâu của Nguyễn Đức Tùng, Nxb Lao Động, Hà Nội – quý IV 2009)
 
 1.
“He quite connects.” là lời khen tuyệt vời nhất mà Bill Clinton đã giành cho George Bush khi ông trả lời các nhà báo, sau chuyến viếng thăm Nhà Trắng lúc vừa mới đắc cử tổng thống của Bush vào cuối năm 2000. Tôi muốn dùng câu này để nói về thành công của Nguyễn Đức Tùng với Thơ đến từ đâu, một hình thức phỏng vấn đặc biệt, đã không những tạo dựng nên chân dung của 24 (cùng với tác giả – nhà thơ/nhà phê bình/bác sỹ Nguyễn Đức Tùng – một cách gián tiếp, nữa là 25) nhà thơ Việt Nam khắp trong và ngoài nước từ những “miền” thơ khác nhau mà còn là khả năng khái quát cao đối với nền thơ Việt Nam hiện đại. “Connect” – có thể nói đây là một từ chính xác nhất để nói về tác giả với ấn phẩm đầy tính liên kết, liên đới, liên chi hồ điệp, liên danh, liên hiệp, liên hoàn, liên lụy, liên minh, liên ngành, liên tưởng, và đặc biệt là LIÊN TÀI này.
 
Đầu năm 2009 cũng có sự xuất hiện một ấn phẩm tương tự về mặt hình thức của tác giả Cát Khuê, cuốn Café với người nổi tiếng. Có điều phải chăng vì Cát Khuê là nhà báo nên cuốn sách đó mang nặng tính báo chí, còn Nguyễn Đức Tùng là nhà thơ, nên Thơ đến từ đâu rất “nên thơ”, rất có tính thơ, rất văn chương.
 
Có thể thấy nhiều chiều kích văn học trong Thơ đến từ đâu: tính báo chí, tính thơ, tính lý luận, tính phê bình, tính sáng tạo, tính kịch, tính phi hư cấu, tính chính trị, tính văn hóa, tính truyền thống, tính đương đại…
 
2.
Trong các nhân vật được phỏng vấn tất nhiên không có tên Nguyễn Đức Tùng. Thế nhưng chỉ với vai trò người phỏng vấn mà trong mắt các thi sỹ, văn nhân và người đọc đã hiển hiện lên chân dung
 
– một Nguyễn Đức Tùng “có một ‘phông’ văn hóa thâm hậu, đặc biệt là văn hóa thơ, lại càng phải thâm hậu hơn nhiều lần” (Nguyễn Thụy Kha)
 
– một Nguyễn Đức Tùng “là cây bút hiếm hoi rất chuyên nghiệp bởi kiến văn của [mình] và bởi khả năng nhận định, phân tích, diễn giải”, “có giọng điệu phê bình hiện đại, vừa thẳng thắn khách quan vừa nghiêm cẩn sâu sắc, […] dày công tìm đọc và tìm hiểu” (Trung Trung Đỉnh)
 
– một Nguyễn Đức Tùng “khổ luyện” với “tình yêu thiết tha riết róng với thơ” để “đi qua những sắc nhọn, để nâng những phỏng vấn cụ thể thành cuộc đàm đạo về thơ nói riêng, rộng hơn là ăn hóa trên tầm vóc mới” (Đà Linh)
 
– một Nguyễn Đức Tùng với cuốn sách của “vẻ đẹp sắc bén và say mê […] khiến cho người đọc có thể quên hết nỗi buồn lo riêng hay dồn ép của đời sống bên ngoài”, “người đã biến thể loại báo chí trở thành phương thức văn chương đặc sắc, cho thấy người ta có thể đi xa đến đâu trong việc kiếm tìm những vi mạch của sáng tạo” (Khánh Phương)
 
– một Nguyễn Đức Tùng với cuốn sách “có khả năng mang con người lại với nhau, làm cho khoảng cách giữa nhà thơ và người đọc gần lại, […] có khả năng nâng đám đông lên cao hơn cái tầm vốn có của họ, về mặt tâm hồn” (Trần Thị Trường)
 
– một Nguyễn Đức Tùng “đang đặt ra cho thơ Việt những câu hỏi vừa hấp dẫn vừa khó khăn”, là “một người phỏng vấn văn chương độc đáo đương thời” với “vẻ thanh cao”, với “những bày tỏ nhã nhặn” để làm ra cuốn sách “chứa đựng tinh thần ‘hóa giải’ này” qua “những phỏng vấn vừa nặng tính chất học thuật vừa đầy cảm xúc cá nhân, các nhà thơ trong nước có dịp hiểu kỹ hơn các nhà thơ hải ngoại và ngược lại” giúp cho “dân tộc chúng ta sẽ có một ngày, một cơ hội ‘hóa giải’ cho chính mình” (Nguyễn Thụy Kha)
 
– một Nguyễn Đức Tùng đã tạo ra “cả một sự thách thức về trí tuệ và sự khác biệt cần phải vượt qua” đã làm nên “một cuốn sách chứa trong nó nhiều cuốn sách: một cuốn sách về thơ, một cuốn sách về nhân cách của nhà thơ, một cuốn sách về văn hoá, một cuốn sách về sự hoà giải và tha thứ, một cuốn sách về Tình yêu nước Việt” (Tạ Duy Anh)
 
– một Nguyễn Đức Tùng “là một tài thơ”, “đã dùng thủ pháp gieo hạt cho một mùa gặt lớn” để “đem đến cho đời sống văn học chúng ta một giá trị, vượt ra ngoài những câu hỏi… […] làm cho chúng ta thấy rằng thơ quan trọng trong đời sống. Không có thơ, không biết đến thơ, con người chỉ sống có nửa… đời”, để người đọc thấy “rõ hơn chiều kích của một nhà thơ cụ thể…, thấy được bức tranh toàn cảnh của các nền thẩm mỹ, của xã hội và lịch sử làm nên cái chiều kích ấy… [và] sẽ còn đọc đi đọc lại các bài phỏng vấn có giá trị văn học này nhiều lần… [mà] cái mạch chuyện trong mỗi cuộc phỏng vấn cho thấy người đặt câu hỏi đã khích lệ được cái vốn đã có, nằm sâu trong tâm thức người trả lời… […] làm nên những câu chuyện vô cùng sinh động, đầy tính chân thực, khiến cho người đọc như sờ thấy cuộc sống”, làm nên một cuốn “biên niên sử một thời kỳ, thời chúng ta đang sống”, đem đến cho chúng ta “một cuốn sách hết sức hấp dẫn”, “có có khả năng đưa chúng ta, những người Việt yêu thơ và yêu quê hương từ khắp năm châu bốn biển, bất chấp những khác biệt do lịch sử và hoàn cảnh, đến gần với nhau hơn” (Trần Thị Trường)
 
– một Nguyễn Đức Tùng “khi thì mềm mỏng tử tế, khi thì […] rất ác liệt”, “khá khoan dung và rộng rãi” (Nguyễn Thị Hoàng Bắc)
 
– một Nguyễn Đức Tùng biết cách kể chuyện “thật cảm động”, người con hiếu tha hương của đất Việt “vẫn cất công tìm về cội nguồn” bởi “một cái gì đó được ký gửi trong máu huyết…”, biết cách đưa ra những nhận xét “rất quan trọng”, “rất đúng và rất mới” khiến cho người đối thoại dù đang mệt mấy cũng “muốn nói chuyện lâu với anh…” (Hoàng Cầm)
 
– một Nguyễn Đức Tùng biết đúng lúc tung ra “[câu] hỏi ‘khó’”, “câu hỏi chẳng ‘vô tư’ tí nào” khiến người trả lời “khác nào… để một bàn chân bên bờ vực, chân kia thì đạp vào cái cõi chưa ai dám bàn với cái ảo tưởng nắm bắt được câu trả lời cho câu hỏi…”  (Nam Dao)
 
(Tôi thích nhất câu hỏi mà Nguyễn Đức Tùng giành cho Dương Tường (tr. 478): “… một phong cách trí thức như thế làm lợi hay làm hại cho thơ?”)
– một Nguyễn Đức Tùng “phỏng vấn… rất tốt, rất có ích cho những người làm thơ và yêu thơ”, “giỏi lắm” (Lê Đạt)
 
– một Nguyễn Đức Tùng có “ý tưởng phỏng vấn và nhiều câu hỏi rất hay”, “tôn trọng các tác giả” (Nguyễn Thế Hoàng Linh)
 
– một Nguyễn Đức Tùng với bề dầy kiến thức đầy tham bác của mình có khả năng “đưa ra nhiều định nghĩa, khái niệm” (Lê Vĩnh Tài)
Theo tôi, cuốn sách của Nguyễn Đức Tùng này là vô cùng giá trị đối với đại chúng, với số đông người đọc (như một bộ sách giáo khoa văn học phổ thông được soạn công phu chẳng hạn) và toàn bộ giới văn chương Việt. Và tôi thực sự hy vọng anh sẽ tiếp tục được công việc phỏng vấn này như ước nguyện; các tập 2 tập 3 sẽ tiếp tục ra đời và “giữ được phong độ như hiện nay”[1].
 
3.
Thơ đến từ đâu đem đến một số chân dung thơ chưa từng có đối với văn học “chính thống”. Đó là Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Đỗ Kh., Dương Tường, Khải Minh, Nguyễn Viện, Nguyễn Đăng Thường.
Thực sự:
 
Làm thơ như kiểu Đỗ Kh. làm “Thánh nữ trong phòng vệ sinh công cộng” thì quả là có một không hai.
Dương Tường viết Đàn thì quả kỳ lạ. Dẫu vẫn nghe “thi trung hữu họa” nhưng mà “họa” đến thế thì cũng gần “tai”. Tôi cũng thích cái thuật ngữ “thư đồ thi” mà Châu Diên giành cho Đàn, chỉ mong đừng ai hiểu nhầm là “chữ chở xác chết”, để biết tới cách “biểu đạt siêu ngôn ngữ (meta-language)”[2] của ngôn ngữ thơ.
Còn là một Khải Minh với lối thơ đầy ký tự, ký hiệu và những lý thuyết thơ dị thường.
Cùng với những “chưa từng có” còn là những chân dung vạm vỡ của Đỗ Quyên, Hoàng Cầm, Trần Nghi Hoàng, Inrasara, Luân Hoán, Lê Đạt…
Ấn tượng lắm với Đỗ Quyên của 16 cái trường ca mà cái nào cũng có thể là một kỷ lục.
Còn là một Luân Hoán “xuất khẩu thành chương” trong phỏng vấn.
25 chân dung ấy cũng thực sự muôn mầu muôn vẻ lắm.
Nhưng, chỉ cần nghe thoáng qua các cuộc phỏng vấn thì cái kiếp nạn như thể phổ quát phủ lên số phận các nhà thơ của chúng ta là nỗi cơ đơn và cô độc. Than ôi… lại nhưng:
 
… Em ơi em có biết cô đơn là tật ách của thiên tài… Với anh cô đơn là fải đến tận cùng triệt để toàn fần mới thống khoái, mới sinh năng lượng[3]. Thế rồi thời thế ẩm ương cánh chim thiên tài fải gặp cảnh thiên tai. Em chan nước mắt nhìn anh ái ngại. Em ơi hãy đi đi cho khuất, cho khuất những nợ đời. Ai cũng nói Thơ là Ngôi Lời, nhưng ôm nàng chỉ thấy đời toàn lỗ. Vì Thơ ơi người thơ toàn một lũ jở hơi không biết bơi, jữa bể khổ anh chỉ còn mình em làm fao cứu hộ. Chính nghịch cảnh đã làm anh đốn ngộ, rằng cuộc đời rặt một lũ bất nhân, kể cả những người thân. Yêu cái đẹp nên fải đi cải tạo, thích nhân văn mà gặp đời tàn bạo, nên em ơi muốn làm người thì hãy yêu cái xấu. Thậm chí em còn fải jao cấu với bọn xấu nếu em muốn ngày mai em vẫn có khẩu fần… Thương lắm áo jài ơi. Anh biết em thích mặc áo jài, bởi vì em là hoa thài lài...[4]
 
4.
Cái đọng lại lớn nhất trong tâm trí tôi sau khi đọc Thơ đến từ đâu chính là tính giai thoại.
 
Từ thuở niên thiếu cho đến suốt mấy chục năm lịch sử đáng kinh ngạc đến nay thế hệ chúng tôi cũng thường quan tâm đến văn chương và các tác giả tên tuổi của dân tộc, vì quả thật nước ta là một “nước thơ” như mọi người thường nói (tất nhiên, khi nói “nước ta là nước thơ” tôi không hề có ý định ám chỉ lịch sử nước ta thuộc loại thể sử “fiction” [hư cấu]).
 
Chúng tôi đã đọc và được học về những Anh Thơ, Bà Huyện Thanh Quan, Bùi Giáng, Bùi Huy Phồn, Bút Tre, Bằng Việt, Cao Bá Nhạ, Cao Bá Quát, Chu Mạnh Trinh, Chính Hữu, Chế Lan Viên, Diệp Minh Tuyền, Du Tử Lê, Dương Khuê, Đặng Đình Hưng, Đinh Hùng, Đỗ Minh Tuấn, Giang Nam, Giản Chi, Hoàng Cầm, Hoàng Nhuận Cầm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Trung Thông, Huy Cận, Huỳnh Văn Nghệ, Hàn Mặc Tử, Hằng Phương, Hồ Chí Minh, Hồ Dzếnh, Hồ Xuân Hương, Hữu Loan, Inrasara, Kiên Giang, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Anh Xuân, Lê Quý Đôn, Lê Thánh Tông, Lê Đạt, Lưu Quang Vũ, Lưu Trọng Lư, Mãn Giác, Mường Mán, Mộng Tuyết, Nam Trân, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Duy, Nguyễn Bính, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Nhược Pháp, Nguyễn Mỹ, Nguyễn Ngu Í, Nguyễn Đình Chiểu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Siêu, Nguyễn Tất Nhiên, Ngân Giang, Ngô Thì Nhậm, Nhã Ca, Phan Huy Vịnh, Phan Khôi, Phan Văn Trị, Phan Đình Phùng, Phùng Cung, Phùng Quán, Phùng Ngọc Hùng, Phạm Công Thiện, Phạm Huy Thông, Phạm Hổ, Phạm Thiên Thư, Phạm Tiến Duật, Phạm Đình Hổ, Quang Dũng, Quách Đình Bảo, Sương Nguyệt Anh, T.T.Kh, Tchya, Thanh Tâm Tuyền, Thu Bồn, Thâm Tâm, Thích Tuệ Sỹ, Thế Lữ, Trương Hán Siêu, Trần Dần, Trần Nhân Tông, Trần Tuấn Khải, Trần Tế Xương, Trần Đăng Khoa, Trần Mạnh Hảo, Tuy Lý Vương, Tùng Thiện Vương, Tú Mỡ, Tản Đà, Tế Hanh, Tố Hữu, Tử Phác, Văn Cao, Vũ Cao, Vũ Hoàng Chương, Vũ Đình Liên, Xuân Diệu, Xuân Quỳnh, Yến Lan… Nhưng mà, thử tự hỏi mình có nhớ nổi bài thơ bất hủ nào của một đại tác gia nào không nhỉ.
Tôi thấy những tác gia được nhớ tới thường đi kèm với những giai thoại khó quên về cuộc đời của họ, chứ không phải chỉ vì thơ. Ấy mà rồi qua bao năm tháng hầu như nhiều người hiếm khi nhớ được bài thơ hay đoạn văn của tác gia nổi tiếng nào, cái ăn sâu mãi vào tâm trí có chăng chỉ còn là những GIAI THOẠI về họ.
 
Người ta đã định nghĩa giai thoại là “mẩu chuyện lý thú được lưu truyền rộng, có liên quan ít nhiều tới nhân vật có thật trong xã hội, trong lịch sử”[5]; và như vậy “mẩu chuyện lý thú” làm người ta nhớ ấy không nhất thiết chỉ là những “câu chuyện đẹp đẽ hay ho”, nhưng chắc chắn là thú vị. Chẳng hạn như:
 
Ngoài những câu/bài thơ hay và lạ thì tất nhiên Bùi Giáng được người ta cứ nhắc mãi vì bị coi là điên khùng và có đời sống/tình yêu kỳ dị lại được tôn là Bồ Tát;
Bút Tre đã thường bị đồn thổi là điên, hâm;
Bằng Việt được nhắc đến vì cuộc đời ông luôn có nhiều may mắn đến kỳ lạ cùng quá nhiều giải thưởng;
Bùi Huy Phồn được nhớ nhiều nhờ cái bút danh “Đồ Phồn” nghe rất là “ồn”;
Cao Bá Quát luôn được nhớ tới vì “cái mũi vô duyên”, cái vụ bỡn cả thơ của vua (Tự Đức) và bị triều đình chém ngang lưng;
Chế Lan Viên ngoài thơ thì còn được nhớ tới nhờ sự quá sắc sảo và tính “biển lận”;
Dương Khuê được nhớ tới nhờ ca trù;
 
Đặng Đình Hưng còn nhờ đã sinh ra Đặng Thái Sơn “như sao Bắc Đẩu cõi này”[6];
Đinh Hùng được nhớ nhiều về cái khoản ăn chơi và hút thuốc phiện;
Đỗ Minh Tuấn nhờ đoạt các giải thưởng về thơ quá dễ dàng và công khai tham vọng đoạt Nobel trước bàn dân thiên hạ, với lại anh còn nhiều chuyện với điện ảnh và phê bình nữa;
Giang Nam được nhớ mãi nhờ “Xưa yêu quê hương vì có chim, có bướm”;
Hoàng Cầm nhờ “dính” Văn nhân-Giai phẩm và cái “lá diêu bông”;
Hoàng Nhuận Cầm được nhớ nhờ là con của Hoàng Giác và vai diễn hài Bác sỹ Hoa Súng trên truyền hình;
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường luôn được nhắc đến vì những chuyện xưa thời Mậu Thân;
Huy Cận nhờ đã nhiều năm làm bộ trưởng, thứ trưởng và mối quan hệ đặc biệt với Xuân Diệu;
Hàn Mặc Tử còn là vì nhờ bị hủi và ra đi trong độ xuân xanh;
Hồ Dzếnh còn nhờ cái mẫu tự “z” trong tên mình, cái từng làm cho các nhân viên sắp chữ ở các tòa báo trước đây rất khổ sở;
Hồ Xuân Hương thì nhờ cái mà ai cũng biết;
Hữu Loan nhờ cái khí khái bỏ đời (công danh) đi đập đá;
Lâm Thị Mỹ Dạ nhờ được Trần Quang Đạo vinh danh, coi bằng “nửa tỉnh Quảng Bình”;
 
Lê Quý Đôn còn nhờ những chuyện “cởi truồng đố chữ”, bài thơ “Rắn” và vụ “chạy điểm cho con vào đại học”;
Lưu Quang Vũ & Xuân Quỳnh được nhắc đến mãi còn là nhờ cái chết bất thường của họ;
Nguyễn Trãi ngoài “Bình Ngô đại cáo” còn là vì bị tru di tam tộc;
Nguyễn Công Trứ còn nhờ cái tính ngông, hay đi “karaoke” và em út;
Nguyễn Duy còn nhờ cái tài biết “phơi thơ lên mẹt” và làm “thơ lịch”;
Nguyễn Khoa Điềm còn nhờ làm tới UVBCT và Trưởng ban Tư tưởng-Văn hóa;
Nguyễn Đình Chiểu còn nhờ bị mù;
 
Nguyễn Đình Thi còn nhờ chuyện “tay lào mà lịnh thế” (vụ “dù chỉ là những hạt bụi”);
Nguyễn Trọng Tạo thêm khét tiếng với vụ tự tử và vụ “cá mương”;
Nguyễn Siêu nhờ xây Tháp Bút;
Nguyễn Tất Nhiên còn là vì cái khắt khe khó khăn trong nết ăn nết ở;
Ngân Giang nhờ được Hồ Chủ tịch khen “lời lời châu ngọc hàng hàng gấm thêu”;
Ngô Thì Nhậm còn do những lời đối đáp và bị Đặng Trần Thường đánh chết;
Phan Khôi là cháu của Tổng đốc Hoàng Diệu, và (cũng như Trần Dần, Lê Đạt, Đặng Đình Hưng) nhờ vụ Nhân văn-Giai phẩm;
Phạm Công Thiện nhờ được coi như một thiền sư, và cũng như Bùi Giáng ông được tôn là Bồ Tát;
 
Phạm Huy Thông ngoài “Tiếng địch sông Ô” thì là khả năng “sát thủ tình trường” cùng cái chết đầy oan nghiệt;
Trần Đăng Khoa còn nhờ nhận xét bất hủ “Ngu xuẩn nhất nhì / là tổng thống Mỹ” và về “phim nước mình”;
Trần Mạnh Hảo nhờ có “vợ của chúng tôi là Tôn Nữ Giáng Tiên” và các trận “đấu súng” với Đỗ Minh Tuấn hay Trần Nghi Hoàng;
Thanh Tâm Tuyền còn nhờ vụ lình xình với cái poster trên sân Văn Miếu;
Tố Hữu thì có quá nhiều chuyện ngoài văn chương;
Xuân Diệu thì là tác gia quá hiếm hoi ở Việt Nam là “bóng lộ”;
vân vân.
 
Với các giai thoại, các nhà thơ nhà văn đã trở nên “đáng yêu” và “dễ thương” hơn rất nhiều và càng làm cho họ được nhớ mãi.
Xét trên cái ý nghĩa ấy tôi cũng tìm thấy ngoài câu chuyện khá hấp dẫn về thơ khá nhiều những giai thoại trong Thơ đến từ đâu. Phải chăng những giai thoại này rồi cũng sẽ đi vào văn học sử nước nhà. Tôi không muốn thống kê các giai thoại mới ấy ra đây vì cầu xin quý vị hãy đọc cuốn sách này đi, tôi đảm bảo rằng từ cuốn sách này sẽ có nhiều giai thoại về các nhà thơ Việt đi ra đời sống. Tôi nhận thấy nhà thơ nào trong tập sách này của Nguyễn Đức Tùng đều mang đến giai thoại, có những chân dung hiện lên 5-6 giai thoại chứ đừng nói là hiếm.
 
5.
Một chút short-coming:
Trong khi được/bị phỏng vấn, Đỗ Quyên ít nhất là ba lần muốn “chửi thề”, chứng tỏ Nguyễn Đức Tùng còn có những câu hỏi khá máy móc, gây “ức chế” đối với người nghe linh mẫn (tất nhiên, tôi không loại trừ rằng đó cũng là một thủ pháp của người phỏng vấn).
 
Sau một số câu hỏi Nguyễn Đức Tùng cũng gặp ngay phải những lời đáp bốp chát như của Ngô Tự Lập (“Đây cũng lại là một quan niệm kỳ quặc khác”, “Chúng ta không nên cường điệu vai trò của thơ”, “Dùng từ ‘degrading’ liệu có đúng với ngôn ngữ không”), Nguyễn Thế Hoàng Linh (“Phải dè chừng với khái niệm ‘thơ mộng’”), Khải Minh (“Tìm thơ thôi, nếu tìm thêm các thứ khác như thân thể nhà thơ nữa thì e không được hào hoa [như anh chẳng hạn!]”, “Xin anh dễ tính thêm một lần nữa với vấn đề người sáng tác và người đọc”), Lê Vĩnh Tài (“Có vần quan trọng lắm không, anh?”)… Tuy nhiên, điều này cũng cho thấy sự tự phơi trần của tác giả với mọi người về bản thân mình, ẩn cùng với thông điệp: cái gì hay thì anh cứ học, cái gì dở thì anh cũng nên lấy tôi làm bài học mà tránh. Đây lại là ý nghĩa positive phái sinh ra từ những gì negative.
 
Cách đặt nhan đề, tiêu đề còn có những vết gợn rất “phản thơ”. Có lẽ tác giả không giống tôi, một người miền Bắc đã trải qua một thời gian dài của cái “văn hóa hợp tác xã”, nên không cảm nhận thấy cái giọng giống như tên của một vở dân ca, chèo hay tuồng “cải biên” theo tinh thần công-nông-binh trong những năm 1960-70-80 của cái tiêu đề “Mừng vui còn có hôm nay”[7]. Tôi thấy nếu bỏ đi hai chữ “mừng vui” thì sẽ có một cái title đầy biểu cảm!
 
Lối khen tặng nhau trong các cuộc đối thoại còn làm người Bắc Hà nghe thấy hơi bị thô (hay “phô”). Kiểu như “anh dịu dàng, ấm áp”, “ung dung, thanh thoát”, “đậm đà, say mê”… Trong bối cảnh sử dụng ngôn ngữ giao tiếp hiện nay của người Việt, những cách khen như thế thường làm cho người nghe hiểu đó là câu mỉa mai hay xỏ xiên gì đó đối với người khác.
 
Một điều khá là cốt yếu khác là ý kiến của dịch giả Cao Việt Dũng: “Điều tôi phê phán Thơ đến từ đâu là nó không có một bài viết nêu lên chủ đích và cách thức làm việc của tác giả, có được như vậy thì ý nghĩa nghiên cứu sẽ lớn hơn rất nhiều.”[8] Tuy nhiên, về vấn đề này nhà thơ/nhà văn Đỗ Quyên cho rằng Thơ đến từ đâu không phải là một cuốn luận văn, vả lại Nguyễn Đức Tùng cũng đã có cách thức riêng trong việc thể hiện với cuốn sách này nên một bài viết như vậy là không cần thiết.
Và, để tránh cái tiếng mà Nguyễn Huy Thiệp từng nói về một “đám giặc già lăng nhăng thơ phú” thiết nghĩ tập (hay “bộ” trong tương lai) sách này cần có tiếng nói của thêm nhiều các nhà thơ trẻ thuộc các dòng thơ khác nhau hơn nữa, cho thêm sắc mầu của “bức tranh [sô?] vân cẩu”, hầu chiều lòng được hơn nữa những hiệp khách khó tính của thi ca.
 
6.
Trong bài “Tú Xương & những con giòi [bò trong… tủy]” tôi có viết:
Trong sáng tác văn chương Tú Xương từng mắng bọn lang băm:
Văn chương nào phải là đơn thuốc
Chớ có khuyên xằng, chết bỏ bu!
 
Tôi nhắc đến chuyện Tú Xương vì Nguyễn Đức Tùng cũng là một bác sỹ. Thế nhưng, vị bác sỹ này cũng đã thực sự làm cho người đọc:
– “bốc lửa” với tình yêu nước Việt, hòa giải và khoan dung, mong muốn có đổi mới thực sự trong văn học…
– “chẩy nước” với tình thơ, tình người và sự hy sinh…
 
tập hợp thành cái mà nhà văn Đà Linh gọi là “hòa điệu mới”[9]!
Đến đây, Thơ đến từ đâu lại làm tôi nhớ tới bài thơ mình viết nhân kỷ niệm 30 năm hậu chiến, xin được chép ra đây một đoạn để chia sẻ với tấm lòng ưu thời mẫn thế của nhà thơ/nhà phê bình/bác sỹ Nguyễn Đức Tùng và các bạn thơ:
 
vết thương            
dài        
              
nửa vòng trái đất             
một phần ba thế kỉ
…..
khói da cam quyện khói lam chiều
 những dáng giao chỉ vẹo xiêu dở cộng dở kiều
uống thuốc liều                  
đi tiếp          
nhịp cầu tiêu lịch sử
những cây mạ                  
mọc lên trên xác rạ
những hồn ma                  
vẫn ăn uống hát ca
những chúng ta       
phải chết đi từng ngày                        
để sống[10]
 
Hà Nội
26.12.09 – 04.01.10
Nguồn: phongdiep.net