Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGHĨ VỂ VIỆC QUẢNG BÁ VĂN HỌC VIỆT NAM RA NƯỚC NGOÀI

Trần Đình Thu
Thứ hai ngày 11 tháng 1 năm 2010 4:48 AM

Tôi trước làm nghề báo, quen với nhiều nhà doanh nghiệp. Quảng bá văn học, trong một khía cạnh nào đó, tôi thấy cũng như là doanh nghiệp bán hàng ra nước ngoài.
Tôi thấy ông Hữu Thỉnh “xuất khẩu hàng” sao quá sướng. Mấy nhà doanh nghiệp muốn xuất được hàng phải lao tâm khổ tứ ghê lắm, đâu có sướng thế này. Ngồi ở nhà, tổ chức cái hội nghị sang trọng, mời đại diện mỗi nước vài ba người đến dự, đọc một số tham luận, cuối kỳ vi vu đi Hạ Long Yên Tử chơi. Thế là xong. Ôi, sướng quá!
Nhà doanh nghiệp muốn xuất hàng, người ta phải lặn lội tới tận cái nơi mà họ muốn chiếm thị trường. Thí dụ muốn xuất hàng sang Nhật thì anh phải qua Nhật. Sang đó, anh nhờ cậy người ta giúp cho công việc tiếp thị trước đã. Vì người tiêu dùng ở bên Nhật chứ có ở Việt Nam đâu mà anh tiếp thị quảng bá ở Việt Nam! Nhà văn cũng vậy, anh phải sang Nhật, nhờ cậy Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật tổ chức cho buổi gặp gỡ giao lưu với báo giới Nhật để họ giúp cho phần thông tin. Đích thân ông Hữu Thỉnh hoặc mấy vị phó của ông ấy phải đi. Xin một ít kinh phí nhà nước, nhờ thêm vài doanh nghiệp Việt Nam đang làm ăn ở Nhật tài trợ thêm. Rồi khăn gói quả mướp lên đường. Trước khi đi, anh chọn một số “mặt hàng” ưng ý, dịch qua tiếng Nhật trước, phô tô mấy chục bản cầm theo. Thí dụ anh cầm theo “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh hay là “Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp” hay là gì gì đó tùy mấy anh (nhưng đừng cầm hàng quá đát, hàng kém chất lượng đấy nhé).
Sang đó, anh phải ở cả tháng liền, đi đến các địa phương, cầm theo cái bản đồ thế giới thật to, để chỉ cho họ thấy, tôi ở Việt Nam sang, nước tôi nằm ở chỗ này này, cong cong hình chữ S đó. Nước tôi mới phát triển về kinh tế mấy năm này nhưng văn học thì phát triển lâu rồi. Mời các bạn tìm đọc cuốn này này. Các bạn có thể lên mạng, vào trang web có tên là www.abc...xyz.com.vn, có bản tiếng Nhật để đọc. Các bạn chịu khó đọc đi, không hay không ăn tiền… Nào mại zô, mại zô…
Phải như một anh sơn đông mãi võ, đi khắp nước Nhật, đi tới đâu tổ chức “gánh hát” tới đó. Rồi nhờ cậy báo chí địa phương nơi đó nó lăng xê cho, văn học Việt Nam hay lắm, các bạn đọc đi. Làm như thế ròng rã nhiều năm liền, mỗi năm một đợt, thì độc giả Nhật nó mới biết đến, à, hóa ra cái anh Việt Nam này viết văn đọc cũng được đấy chứ.
Lãnh đạo hội nhiều ban bệ, ngồi chơi xơi nước riết cũng chán, đi như thế vừa được lợi vừa vui, đi một ngày đàng học một sàng khôn. Qua Nhật xong qua Singapore, qua Thái Lan, Miến Điện… Xa hơn thì đi các anh đi Pháp, Anh, Úc… Chứ còn quanh quẩn trong nước làm gì? Trong nước không cần đi nơi này nơi kia, để cho các nhà văn yên tĩnh họ ngồi sáng tạo theo cảm hứng cá nhân của họ, chỉ lâu lâu gọi điện thoại thăm hỏi thôi.
Quảng bá văn học Việt Nam là một việc làm khó, thật tâm huyết mới làm được. Trước hết phải có tấm lòng với nền văn học này cái đã. Tôi lấy thí dụ nước Mỹ. Hoàn toàn không có chuyện nhà văn đi ra ngoài đường có còi xe cảnh sát hụ dẹp đường như ở Việt Nam, nhưng trên trang web của các Đại sứ quán Hoa Kỳ ở các nước, luôn có phần thông tin về toàn bộ nền văn học Mỹ bằng tiếng của nước sở tại. Đấy chính là quảng bá văn học một cách hiệu quả. Tốn tiền ít nhưng hiệu quả cao. Ai có việc cần, truy cập vào trang web của Đại sứ quán Mỹ đều “được quảng bá” ngay.
Vài suy nghĩ nhỏ cho một vấn đề lớn. Vì tôi không phải là nhà doanh nghiệp nên “ngón nghề” xuất hàng cũng không có nhiều. Mong mọi người bổ khuyết thêm.
Viết bài về quảng bá văn học, tôi cũng tranh thủ quảng bá trang web mình chứ. Thế thì người ta mới thấy mình nói có lý. Nào, mời các bạn vào www.binhchonthohay.com có nhiều chuyên mục hay lắm, đặc biệt chuyên mục “Chuyện làng văn” rất ăn khách. Nào mại zô mại zô…
T.Đ.T