Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TẢN MẠN HOA XUÂN

Đỗ Đức
Thứ năm ngày 7 tháng 1 năm 2010 6:19 AM
Người Thái có điệu múa “Quắt bó héo”, nghĩa là tiễn hoa về rừng. Điệu múa này nằm vào những sinh hoạt hội lễ mùa xuân, cũng là mùa của hoa ban trắng. Tôi không mô tả điệu múa mà muốn nói đến cái ý tứ sâu xa của của sinh hoạt văn hóa của một dân tộc trong xứ sở của hoa Ban. Ban là hoa là  của rừng, ngày hoa tàn là ngày người ta có lễ tiễn hoa. Có dân tộc nào ứng xử với thiên nhiên, đặc biệt đối với hoa như người Thái. Tôi có lần bị bệnh, một bà người Sán Chay (còn gọi là người Trại, chỉ dân ở ven đồi núi mà không ở thành làng như người Kinh) lấy thuốc cho. Sau khi trả tiền công lấy thuốc, bà bảo tôi mang theo bơ gạo, chén muối đem ra quãi dưới gốc cây thuốc đẻ trả lễ gốc. Cây thuốc ở ven rừng, hàng ngày mình đi qua trông thấy mà không biết. Cây có đòi gì đâu, nhưng người thày thuốc dân gian cũng cẩn trọng thực hiện đầy đủ lễ nghi trọng thị. Một già người Mông nói với tôi, khi chọn đất dựng nhà, họ đào một cái lỗ trên mảnh đất dự kiến chọn làm nền nhà, rồi bỏ vào đó mấy hạt gạo  đậy lại. Ba ngày sau mở ra hạt gạo không bị con kiến co bọ tha mất, vẫn nguyên vị trí, thì đó là đất tốt có thể ở được. Con người phải biết khiêm nhường trước thiên nhiên thì thiên nhiên sẽ cho cùng tồn tại.
 Lại vào mùa xuân, có dân tộc lại làm lễ mở cửa rừng, đóng cửa rừng rất thiêng liêng. Lễ cúng bày ở ngoài rừng, có xôi có rượu thịt bánh trái. Đằng sau những nghi thức mà thời cách mạng người ta cứ trông thấy lễ lạt hương khói là qui kết cho là mê tín ấy, là lòng biết ơn vô hạn với mẹ rừng đã cung cấp cho họ vật dụng, cho người ta cái cây làm nhà, cái rau để ăn và muông thú làm thực phẩm vô. Để giáo dục cho con cháu lòng yêu kính xứ sở cho họ nguồn sống, cấp cho con  người nguồn vui người ta nghĩ ra những hình  thức tín ngưỡng. Giáo dục con người không bằng những chỉ bảo suông mà lặn vào trong nghi lễ  mà bề ngoài nếu không tường tận sẽ chẳng hiểu gì hết. Chúng ta sai lầm một thời tưởng cái gì cũng chỉ giải quyết bằng mệnh lệnh, bằng nghị quyết, cậy có sức mạnh tập hợp quần chúng muốn làm gì thì làm. Đó là một tư duy nông nổi. Những nghĩa cử con người với thiên nhiên làm cho con cháu nhớ truyền đời đẻ mà giữ lấy nguồn sống cho mình là kết quả của sự trải nghiệm để trở thành phong tục, tập quán, là cái gốc của sự tồn tại, chứ đâu phải tự dưng mà có.
Con cháu bây giờ, những đứa con quen dựa vào sức mạnh làm ra đồng tiền nhìn rừng là nhìn thấy cái vơ vét, bất chấp đạo lí. Thấy ăn được là ăn, thấy cướp được là cướp, bất chấp đạo lí thì thiên nhiên trả hận bằng nắng hạn và lụt lội. Qui luật biện chứng ngày nay người ta soạn ra sách, cán bộ được đào tạo đều ôm sách học nhưng chẳng bao giờ thuộc khi thực hành, nên mọi chuyện mới trở nên hỗn loạn.
Kiến thức tiền nhân tổng kết được nằm trơ trên giấy, vì đồng tiền hoặc vì cái lợi nhỏ mọn người ta làm tất cả để vơ về mình... Khi mọi người tranh nhau làm giàu trên cương vị của mình mà quên đi qui luật nhân quả đó là họ đang tiến đến sự mông muội của thời tiền sử thì nguy cơ tự hủy diệt dã nhãn tiền.
Trở lại câu chuyện hội hoa xuân năm nay trên bờ hồ , vào ngày cuối tiễn hoa, không có nghi lễ thể thống gì, lại xông vào giày xéo cướp bóc, lòng chợt thấy buồn cho một tương lai chẳng mấy tốt đẹp cho đất nước khi lại có những đám người mông muội kia đang ở giữa thủ đô.
Những kẻ u tối tâm can liệu có lúc nào biết nhìn về rừng để mở lại bài học gốc về sự nhún nhường chia sẻ trước thiên nhiên,
6/1/2010