Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN TÂM LINH

Đỗ Trọng Khơi
Thứ bẩy ngày 9 tháng 1 năm 2010 8:19 AM
 TNc: Tôi đang lang thang cùng các nhà văn quốc tế đi vịnh Hạ Long thì nhận được bài của nhà thơ Đỗ Trọng Khơi. Nhớ mấy lần đến thăm Đỗ Trọng Khơi, anh đã kể cho tôi nghe chuyện này nhưng không thể viết lại được. Bây giờ chính anh đã viết ra chuyện nhà mình. Xin giới thiệu với các bạn bài viết này, nếu các bạn cần kiểm chứng xin về Thái Bình gặp Đỗ Trong Khơi...
 
          1. Thường nghĩ cõi tâm linh mịt mùng thăm thẳm, ai có thể tỏ tường, có thể qua lại được? Xưa nay để thoả mãn tình cảm xót thương, nhu cầu tâm lý con người phải sở cậy vào chốn đền, chùa vào các ông đồng bà cốt nhưng xem ra vẫn mờ mờ nhân ảnh, hư huyễn thế nào. Bảo tin thì rằng lấy làm tin, bảo không có cơ sở thật thuyết phục để mà tin thì cũng khó bề bác bỏ.
          Có nhẽ do đất nước mình trải bao nỗi đau thương, chiến tranh liên miên, nạn thiên tai và cảnh đói nghèo kéo dài hàng thế kỷ đã cướp đi bao sinh mạng con người, khiến ngần ấy nắm xương thành vô danh tính, linh hồn họ vì thế trở nên lưu lạc. Thật đúng như câu, “Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn!”; nghĩ theo hướng duy linh, phải vì vậy chăng mà Ông Trời đã cho một số người Việt cái khả năng đặc biệt : Tìm được hài cốt, thậm chí trò chuyện, nghe được tiếng nói của các linh hồn. Ô là là! Lạ lùng sao cái cõi người ta!
          Những câu chuyện tâm linh, thần thánh giáng linh hay ma tà quỷ quái trêu ngươi ai chả từng nghe. Ở Trung Quốc có ông Bồ Tùng Linh còn đặt loại chuyện này thành tác phẩm văn học nổi tiếng. Làng Việt, miền đồng bằng Bắc bộ những năm 60, 70 của thế kỷ trước cảnh sắc còn tiêu sơ, âm u lắm. Tre ngàn cây xắp thành hàng xăng sếu khắp mọi lối ngõ, mà những lối qua lại thì nhỏ thó, ngoằn ngèo như rắn lượn. Khi chiều về mặt trời mới xuống thấp quá ngọn tre một đẫn thôi bóng tối đã tràn trề, bầy côn trùng nhiều vô vàn, ngỡ chúng có khắp mặt đất, bắt đầu rền rĩ nỉ non bài u hoài, mê dụ và dường những bóng ma trơi trong vùng bóng tối kia, trong trí tưởng trẻ con lũ chúng tôi chỉ chờ có vậy bắt đầu ló ra lát thần tính. Đâu đó trong những câu chuyện người già bên ngọn đèn dầu vẫn vẽ lên hình ma bóng quế. Rằng ở chỗ đó, quãng kia có ma. Rằng những đêm trở giời vẫn thấy xuất hiện hình thù thế này thế nọ. Câu chuyện để lại ấn tượng cụ thể, có giá trị xác tín nhất trong tôi là chuyện do bà tên là Điển kể.
           - Ngày tớ còn trẻ, mới lấy chồng thôi, năm sinh đứa con đầu lòng ý, nhà tớ, chỗ ở khi đó còn là rìa làng với một khoảng đất rộng và vắng. Đêm ấy, mà những mấy đêm cơ, tớ ngồi võng nựng con ngủ. Bên cây cau trước sân nhà có một chum đựng nước ăn, đấy, chính vị trí bên cái chum nước này này, tớ đã mục sở thị hình ảnh, khi thì một người đàn bà xoã tóc ngồi múc nước từ chum ra gội đầu, khi thì có những cả đôi bóng “ma” tắm chung. Và họ cũng như ta vậy, đùa vui, té nước nhau… Vẻ mặt chân thành, giọng kể mộc, thực thà của bà hẳn ai nghe cũng như thấy chính mình từng gặp gỡ vậy. Dù sao đó vẫn cứ là chuyện được nghe hệt như trong giấc chiêm bao và không phải ai cũng được chính thân chủ kể cho nghe… Gìơ đây, trong những ngày này băng đĩa lưu truyền rộng rãi nói về việc tìm mộ của các Nhà ngoại cảm, những câu chuyện hoàn toàn có tính người thật việc thật, với sự kiểm chứng của các cơ quan khoa học chức năng, có việc liên quan tới cả các Lãnh tụ, các nhân thân có tên tuổi. Đúng là “chuyện ma thành ra chuyện thật”.
          *****
          2. Bản thân gia đình tôi có người bố liệt sỹ, ông hy sinh ở chiến trường miền Trung năm 1967, nghĩa là tính tới nay 2009, đã 41 năm và đã hết hy vọng tìm được mộ phần qua cơ sở truy tên tuổi trên bia mộ. Những tưởng đã là việc mò kim đáy bể. Thế rồi một cái tên người phụ nữ có năng lực đặc biệt xuất hiện trên hành trình thiêng liêng này, là Nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng. Tôi đã gặp chị Bích Hằng trong ngày chị về Thái Bình làm lễ đón rước hài cốt Nhà cách mạng tiền bối Nguyễn Đức Cảnh. Hôm đó là ngày 15/11/2007, do có hẹn trước với Nhà ngoại cảm gia đình tôi đã thắp hương mời vong bố về để đi cùng ra gặp chị. Trong không gian đón rước hài cốt Nguyễn Đức Cảnh hôm đó có rất đông các đoàn người đến viếng. Chờ mãi, để gặp được Bích Hằng, mặc dù đã có hẹn trước tôi vẫn phải nhờ thêm sức của thày Trần Quốc Kham, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Thái Bình. Gặp, Bích Hằng bảo: “Chú ạ, hôm nay vong các liệt sỹ về đông lắm. Mời chú theo cháu xuống khu lăng mộ ở Diêm Điền, thư việc, thưa người cháu sẽ hỏi thăm qua các linh liệt sỹ xem có ai biết bố chú không…”. Tôi đã thuận lời hẹn mà rút cục lại thất lỗi không xuống được Diêm Điền. Chính vì sự thất lỗi đó, 2h đồng hồ sau, vào lúc hơn 15h tôi bị tai nạn đổ xe làm gẫy hai điểm bên chân phải. Đấy là sự “trừng phạt” của thế giới tâm linh chăng? Lạ là cú ngã rất đau đó đã khiến tôi phải nằm bẹp ngót một năm trời vì ổ khớp háng bên phải bật những sơ cứng do bị dính ra và nhờ vậy khớp mở ra được tương đối mà so với bên khớp háng trái đã qua ca phẫu thuật công phu, phức tạp năm trước (2005) thì hiệu quả có phần còn hơn. Ai thấy vậy cũng đùa vui rằng “Cú ngã, sự trừng phạt - thần y!”. Và còn điều kỳ diệu đã mang lại hạnh phúc vô bờ cho gia đình tôi, cũng trong buổi chiều ngày hôm đó, tại khuôn viên khu lăng mộ Nguyễn Đức Cảnh chị Bích Hằng đã gặp được linh hồn bố tôi - Liệt sỹ Đỗ Xuân Khê. Và cũng theo Nhà ngoại cảm cho biết, chị đã nhờ cụ Cảnh hỏi thăm qua các vong linh liệt sỹ rồi tìm ra linh bố tôi cũng có mặt trong dòng linh về dự lễ viếng. Sau đó một thời gian, vào ngày 21/12/2007 gia đình đã cử người vào thăm mộ phần bố tôi. Theo sự chỉ dẫn của Nhà ngoại cảm Bích Hằng thì mộ liệt sỹ đã được đưa về an táng tại nghĩa trang Bình Sơn, thuộc huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, phần mộ chưa có tên, số 48, hàng đầu, phía bên tay phải. Khi người thân vào tới huyện Bình Sơn đêm ngày 21/12, tìm đến nhà ông quản trang, tên là ông Bốn, và ngày hôm sau 22/12 được ông dẫn ra thăm nghĩa trang. Sự việc xẩy ra bên ngôi mộ thật cũng lạ lùng. Theo hẹn với Nhà ngoại cảm là khi vào tới mộ, thắp hương lên thì điện thoại về cho chị. Ba người đã làm theo như vậy. Đến ngôi mộ số 48 như chỉ dẫn, thắp lên ba nén nhang rồi gọi điện cho Nhà ngoại cảm. Theo sự chỉ dẫn của chị, lại hoá ra ngôi mộ số 48, như chỉ dẫn trước, là mộ phần của một cô y tá, năm sau lại được nhà ngoại cảm cho biết thêm tên cô y tá là Xuyên (hay Xuyến? Thông tin nhận qua tin nhắn điện thoại, chữ không có dấu). Mộ số 49 mới là bố tôi và chị bảo, “Bác vui lắm. Bác bảo trong đoàn có người tên là Thục, và sao đem bánh cáy, đặc sản Thái Bình  vào lại không đưa ra mời bác cùng bạn bè đồng chí Thái Bình ăn mà chỉ mời anh em Quảng Ngãi…” Sự thật cả hai điều vong linh bố nói, qua Bích Hằng đều chính xác.
          Một năm sau, vào ngày 15/12/2008 gia đình tôi chính thức tiến hành lễ đón rước di hài bố về an táng tại quê nhà. Trong hành trình đi vào Bình Sơn, Quảng Ngãi đến khi đưa được di hài bố về thì gia đình đều có liên lạc với Nhà ngoại cảm và cũng có câu chuyện ly kỳ đáng nói. Đoàn đi rước di hài, trên đường đi và về chỉ gặp chút trục trặc nhỏ là không dễ tìm được ô tô nhận chở hài cốt. Sau đây là mấy tin nhắn qua điên thoại di động với lời giải đáp của Phan Thị Bích Hằng cho gia đình. Tin nhắn vào lúc 7h17, sáng 13/12/2008 khi đoàn đã lấy hài cốt ra khỏi nghĩa trang, đang chờ xe để ra về: 1)“Cho hai cot vao tui du lich xach di nhu hanh ly thi moi di dươc. Neu khai ra là co hai cot ng ta k cho di dau.” 2) “Gd len xe ve den dau roi nha tho.Co bac Cuong ve cung bac Xuyen day.” 3) “Ten co yta day”. 4)“Co yta va dong doi di tien bac ve. Con bac Cuong la di theo con di tim anh ve”. 5) “ Chuc mung gd nha tho”. 6) Tin nhắn lúc 8h14, ngày 15/12/2008: “ Hnay lam le truy dieu phai k a?”  7) “Chuc mung nha tho! BH rat vui vi nha tho da lo dc viec lon nhat doi!” Tin nhắn này là kết thúc việc liên lạc giữa tôi với Nhà ngoại cảm về việc tìm phần mộ người bố liệt sỹ. Trong 7 tin nhắn kể trên thì tin số 2 và 4 là có điểm đặc biệt. Câu nhắn rằng có bác Cương về cùng bác Xuyên đấy, bác Cương là liệt sỹ, tên người em cọc chèo với bố tôi và tên chú Cương cũng đã được gia đình nhắn hỏi Bích Hằng, nhưng còn bác Xuyên là ai và sao lại viết câu cùng về? Tôi đã nhắn hỏi lại điều nghi vấn này thì tin trả lời số 4 lại gây một nghi vấn khác. Bởi câu Còn bác Cương là đi theo con đi tìm anh về. Người chú rể này, theo đồng đội và giấy báo tử là ông hy sinh ở chiến trường tỉnh Bình Dương. Vậy theo địa lý thì phải nói “ông đi từ miền Nam ra miền Trung tiễn người anh về quê miền Bắc” mới đúng. Tôi đem phân vân này nói với người trong nhà thì em Miền, là con rể của chú Cương mới nói: “Vậy thì đúng rồi. Trước khi đi em có khấn bố ở ban thờ nhà em và cả ở ban thờ nhà anh, “mời bố về đi cùng con vào đón bác Khê về quê”. Ra thế! Kỳ lạ, kỳ bí và kỳ diệu biết bao nhiêu về thế giới tâm linh, về khả năng đặc biệt của con người!
          Tôi là người sống có đức tin. Và là nhà văn, các tác phẩm của tôi từ văn xuôi đến thơ sự ảnh hưởng tinh thần, triết lý  nhà Phật tới sáng tác là sâu sắc. Tôi rất có lòng ngưỡng mộ và trân trọng công việc đặc biệt của các Nhà ngoại cảm. Tuy vậy việc tìm mộ bố, không phải ngay từ đầu trong tôi đã nhiều tin tưởng. Thực là chỉ sau khi chị Bích Hằng gọi ra trong đoàn có người tên như thế, việc như thế… cùng mấy việc xẩy ra ngày 15/12/2008, tức là ngày 18 tháng 11 năm Mậu Tý, ngày đón hài cốt bố tôi về quê hương như đã kể thì mới khiến lòng tôi hoàn toàn vững tin.
          Những điều tâm linh kỳ diệu hẳn còn tiếp tục xẩy ra trong đời sống con người. Có thể nói: Con người còn tồn tại, điều linh còn tồn tại! Hay, trong trời có người, trong người có linh thánh vậy.

Đêm trước nhày an táng bố
 25 / 2 / Kỷ Sửu