Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐOÀN KẾT: CHÚNG TA LÀ SỨC MẠNH!

Trần Huy Thuận
Chủ nhật ngày 15 tháng 11 năm 2009 10:47 PM
“Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn”!
(Lời một bài hát)
“Đoàn kết là hình thức tối cao,
là chân trời của tự do”.
(Hoàng Ngọc Hiến)
Khi Bác Hồ nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”, chúng ta đều hiểu rằng: Đoàn kết là cái gốc của thành công.
Cũng nói về vấn đề này, từ xa xưa dân gian có câu: thuận vợ thuận chồng, biển đông tát cạn – thuận bè thuận bạn, tát cạn biển Đông. Vậy là câu ca dao cổ này đã dạy cho ta thêm một tác dụng nữa: Đoàn kết là động lực của thành công!
Nhưng, đoàn kết chỉ thực sự là cái gốc, là động lực của thành công, khi đó là thứ đoàn kết thực lòng; đoàn kết mang tính chiến lược, chứ không mang tính chiến thuật (tiếc thay, người ta lại hay lạm dụng cái chiến thuật này trong ứng xử với đồng bào, đồng chí!).
Trong thực tế lịch sử dân tộc ta, đoàn kết không chỉ là cái gốc, là động lực; mà Đoàn kết còn là mục tiêu của cuộc sống nữa: thương yêu, đùm bọc trong tình đồng loại, trong tình làng nghĩa xóm... vốn là truyền thống nhiều đời của con người Việt Nam. Đó chính là tầm cao hơn của Đoàn kết; là tính xã hội rộng nhất, tính nhân văn sâu sắc nhât, tính không vụ lợi rõ rệt nhất và cũng là tình người cao cả nhất!
Và mục tiêu đoàn kết chỉ và chỉ thực hiện được trong môi trường dân chủ, bình đẳng; đương nhiên là dân chủ thật sự, bình đẳng thật sự. Dân chủ, bình đẳng là điều kiện tiên quyết để có đoàn kết. Không có dân chủ thì không thể có bình đẳng; không có dân chủ, bình đẳng thì không thể có đoàn kết. Đó là chân lý vĩnh cửu! Không ai khác, chính Bác Hồ đã từng nhấn mạnh trong Di chúc: “Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất trong Đảng”.
Đoàn kết phải gắn liền với đấu tranh bảo vệ những giá trị tinh thần, văn hóa cũng như nền đạo đức truyền thống của dân tộc. Tuyệt đối không nệ vào việc giữ gìn đoàn kết nội bộ mà buộc người ngay phải đoàn kết với kẻ gian, người liêm trực phải đoàn kết với kẻ tham nhũng. Đoàn kết như thế là dung túng cho kẻ xấu làm càn!
Tư tưởng dân chủ của Đảng và Bác Hồ trước hết cần được thể hiện trong tất cả các hoạt động của Quốc hội – cơ quan quyền lực cao nhất của nhân dân. Tiếc rằng cho đến nay, điều đó chưa thực hiện được là bao! Chúng ta hãy nghe tâm sự của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, vị đại biểu Quốc hội nổi tiếng dám nói, khi phóng viên báo Dân Trí phỏng vấn ông (ngày 8-1-2008):
PV: - Ông có thể cho những ví dụ cụ thể về sự chưa dân chủ trong hoạt động Quốc hội?
Đại biểu Nguyễn Lân Dũng: - Không ít đâu. Ví như việc bầu các chức danh chẳng hạn. Khi không có số dư thì không có sự lựa chọn nào khác mà không có sự lựa chọn khác thì sao gọi là dân chủ được? Tôi biết rằng khi có người được đề cử xin rút khỏi danh sách đề cử thì nhẽ ra phải được Quốc hội thảo luận có đồng ý cho rút hay không? … Chưa có đại biểu nào phát hiện được một vụ tiêu cực cụ thể nào và cũng chưa lần nào Quốc hội thực hiện được việc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với những chức danh do Quốc hội phê chuẩn .
Nhưng, công bằng mà nói, chính ngay một số vị đại biểu Quốc hội, nhiều khi cũng không thực thi quyền dân chủ của mình trong vai trò đại diện cho dân, nói lên tiếng nói dân chủ của cử tri. Tại phiên họp Thường vụ Quốc hội (khoá XI) ngày 3 tháng 5 năm 2006, Chủ tịch Nguyễn Văn An đã phải nói: “... chúng ta chưa làm cho các đại biểu QH có dũng khí, sự mạnh dạn để dám nói...” (Báo Thanh Niên số 124 ngày 4-5-2006). Làm sao mà người “đại diện cho quyền lực của dân” lại yếu đuối đến thế? Lại phải đợi có người làm cho mình có dũng khí và sự mạnh dạn dám nói? Thiết nghĩ, khi cử tri tín nhiệm bầu một người vào Quốc hội, tưởng rằng người đó phải có đủ trình độ kiến thức và sự dũng cảm cần thiết, để nói được tiếng nói của dân, thực thi quyền lực của dân trong việc giám sát các hoạt động của Chính phủ? Nếu không làm được như thế thì tham gia Quốc hội để làm gì? Đại biểu Quốc hội là phải biết giơ tay biểu quyết, tức là biết thể hiện không chỉ chính kiến của mình, mà đặc biệt còn phải phản ánh được chính-kiến-của-cử-tri – cái sau thậm chí còn quan trọng hơn cái trước nhiều lần. Trước khi giơ tay, “bấm nút” cần phải biết thảo luận, tranh luận để tìm ra chân lý của vấn đề. Nếu không, sẽ chỉ là một dạng khác của... nghị gật! Phải chăng rồi đây, cái tiêu chuẩn để bầu một người làm đại biểu Quốc hội, ngoài hai yếu tố cố hữu là đức – tài, còn cần bổ sung thêm yếu tố dám nói tiếng nói của nhân dân?
Cũng không lấy làm lạ khi ông nguyên Chủ tịch Quốc hội nói:  “... chúng ta chưa làm cho các đại biểu QH có dũng khí, sự mạnh dạn để dám nói...”, vì theo tác giả Huy Đức trên Sài gòn tiếp thị (ngày 25-7-2007), công việc chất vấn thành viên Chính phủ (một hoạt động tiêu biểu hàng đầu và cần thiết nhất của bất cứ Đại biểu Quốc hội nào), đáng ra phải có từ lâu, nhưng mãi đến Khóa VIII, kì họp thứ 10, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Lê Quang Đạo, Quốc hội chúng ta mới có cuộc chất vấn trực tiếp đầu tiên tại hội trường (đó là ngày 20-12-1991)!
Mặt khác, công việc điều khiển các cuộc thảo luận, tranh luận ở Quốc hội, phải mang tính định hướng tư duy chứ không áp đặt tư duy. Càng không thể là thầy giáo hướng dẫn học trò thảo luận bài học! Đấy chính là dân chủ trong hoạt động Quốc hội!
 Đến đây, cũng cần nhắc lại một chút lịch sử: Ở nước ta, người đề cập và hô hào sớm nhất vấn đề dân quyền, chính là cụ Phan Tây Hồ. Theo cụ, “Dân chủ vừa là phương pháp để tự cường, vừa là cứu cánh, là mục đích tự nó nữa”. Cái lý để cụ Phan coi trọng dân chủ là: “Quốc tương hưng tắc thỉnh chư dân!”. Điều đó chứng minh cuộc đấu tranh cho dân chủ ở nước ta đã được các bậc cách mạng tiền bối chú trọng từ rất sớm. Dân chủ chính là mục tiêu đầu tiên, trước hết của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập cho Tổ quốc.
Không phải ngẫu nhiên khi Cách mạng tháng Tám (1945) thành công, Bác Hồ lại đặt tên nước là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong đó, yếu tố dân chủ được đặt lên trước tiên!
Một chế độ dân chủ trong một nền Cộng hòa, là sự đảm bảo chắc chắn cho một Nhà nước độc lập và một cuộc sống tự do, hạnh phúc cho nhân dân, ít nhất cũng là điều đúng đắn ở thời điểm ấy.
Dân chủ để đoàn kết, đoàn kết trong dân chủ - đó là kỳ vọng hàng đầu mang tính thời đại; là sức mạnh vô địch của tư tưởng Hồ Chí Minh!
TRẦN HUY THUẬN
  Tại Diễn đàn dantri.com.vn thứ Ba, 26-05-2009, nguyên chủ tịch QH Nguyễn Văn An đã nhận xét về ý kiến của đại biểu Lân Dũng (trích ở trên) như sau: Đại biểu Dũng nói như thế là cũng có lý của ông ấy bởi thực tiễn thì chúng ta còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, cả trong Đảng, trong Quốc hội, trong xã hội. Đặc biệt là trong lĩnh vực làm chủ thì người dân mới làm chủ gián tiếp là chủ yếu, còn làm chủ trực tiếp thì chưa có được bao nhiêu; mà khi chưa được thực hiện quyền làm chủ trực tiếp thì khó có thể nói là dân chủ đầy đủ và thực chất được.