Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TƯỞNG LÀ CHUYỆN NGÀY XƯA

Nguyễn Quang Thân
Thứ ba ngày 17 tháng 11 năm 2009 9:28 AM

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng, đó không là chuyện ngày xưa mà nhãn tiền ngay trên đường phố Sài Gòn hôm nay!

Những đứa trẻ chưa đến tuổi thôi nôi hay nhiều lắm là năm sáu tuổi, những đứa trẻ còn mang tên sữa là Cún, là Bin, là Chuột mập hay Mèo hen, những cái tên cố làm cho xấu xí để lừa ma quỷ nhưng lại rất thân thương, những đứa bé thường được âu yếm gọi là “búp trên cành”…

Chúng ở đâu trên đường phố? Chúng đang được bế đi lang thang dưới nắng trưa, chúng được đặt nằm ngay trên đường, gần những chỗ bùn lầy nước đọng hôi hám nhất, chúng bị bẻ quặt tay hay chân cho thành tật hoặc thỉnh thoảng bị đánh đòn để buộc phải khóc đến ngất đi…tóm lại chúng phải phơi bày bộ mặt, dáng điệu tận cùng thảm hại, nhằm khơi gợi lòng trắc ẩn, tình thương xót đồng loại và tình yêu trẻ con vốn có sẵn trong tất cả mọi người.

Chúng từ đâu đến? Từ cảnh đói nghèo vì bị tước đoạt đủ loại đủ kiểu, từ những tội ác bắt cóc, mua bán, từ cái đáy đau khổ của xã hội loài người.  

Chúng chưa biết nói hoặc không được nói, chỉ nhìn chúng ta, những người qua đường bằng đôi mắt buồn thảm như nỗi buồn vạn cổ kiếp người. Những bé khốn khổ ấy đang buộc phải khóc thét lên để làm ra tiền nuôi béo những bọn mập ú, có thể rất khá giả, sản phẩm của hàng thế kỷ lưu manh, những kẻ đó không ở đâu xa mà ngồi chia tiền và ăn uống, hút xách phè phỡn ngay trên đường phố cạnh đó, trước con mắt vô cảm của chúng ta. Chúng ngang nhiên và bình thản như bọn tham nhũng – nguyên nhân của nhiều thảm kịch, trong đó có thảm kịch này – ngồi trong phòng máy lạnh tìm mưu ma chước quỷ để ăn cắp mồ hôi của dân và rửa bằng máu dân số tiền cướp được.

Chúng ta có một hệ thống chính trị được tổ chức hoàn chỉnh không có khe hở, chúng ta có bao nhiêu lứa tuổi là có bấy nhiêu hội đoàn, tất cả đều nói mình do dân, vì dân, tất cả đều nói trẻ em như búp trên cành, trẻ em phải được ăn no, ngủ yên, lớn lên được chơi, được học hành, được làm người xứng đáng với vai trò chủ nhân đất nước tương lai.

Nhưng không phải đâu xa mà ngay trên đường phố Sài Gòn, chúng ta rất có thể vì lơ đễnh mà dẫm phải những đứa trẻ vài tháng tuổi được đặt trên bao bố, đang kêu khóc bên cạnh rổ tiền xu tiền giấy. Không phải ngày xưa, thời của chuyện Tấm Cám, thời của bé Cô-dét và đôi vợ chồng lưu manh Tênácđiê trong tiểu thuyết Những người khốn khổ hai thế kỷ trước, mà là hôm nay! Bàng hoàng, ta cứ tưởng đó chỉ là chuyện ngày xưa đã bị chôn vùi từ lâu trong kho ký ức bi thảm của loài người.

Chuyện khó tin vì tội ác và nạn nhân, kể cả thủ phạm không hề giấu mặt mà biết kêu khóc, bị phơi nắng phơi mưa trên đường phố thường là nơi đông người qua lại nhất giữa Sài Gòn hoa lệ, tất cả chúng ta cũng như nhân viên công quyền đưa tay ra là có thể sờ được nỗi đau khôn cùng của các em bé. Vậy mà nó vẫn tồn tại, vẫn hiện hữu. Rất có thể vì lý trí không thắng được lòng trắc ẩn, chúng ta vẫn cứ phải bỏ vào giỏ những đồng tiền kiếm được bằng mồ hôi nước mắt thời khủng hoảng, trong nỗi xót xa và xấu hổ vì bàng hoàng không hiểu sao chuyện này vẫn cứ xẩy ra? Biết cho tiền là tiếp tay cho tội ác nhưng chúng ta vẫn cứ cho, mơ hồ cảm thấy như mình có phần trách nhiệm.

Hãy cứu vớt những đứa trẻ bất hạnh sớm ngày nào hay ngày đó. Lương tâm của thành phố mang tên Bác liệu có được yên ổn không khi những đứa con của người đời vẫn phải kêu khóc để hái ra tiền cho một lũ vô lại.


( Báo Phụ nữ TP HCM Thứ sáu 13/ 11/2009)