Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn trẻ và câu chuyện thế hệ

Đỗ Ngọc Yên
Thứ sáu ngày 30 tháng 10 năm 2009 11:12 AM

Diễn đàn: Thế hệ nhà văn hậu đánh Mỹ

 

Đỗ Ngọc Yên

 

Nhiều người cho rằng ba cuốn tiểu thuyết của ba nhà văn trẻ mới xuất bản gần đây thuộc về vấn đề “hot” bởi vì cả ba cuốn tiểu thuyết đều thuộc một trong ba đề tài “ăn khách” nhất thế giới hiện nay. Tuy nhiên, trên văn đàn nước ta thời gian gần đây thấy rộ lên hai đề tài về những vấn đề chính trị- xã hội và sex. Ở đề tài thứ nhất phần lớn rơi vào những hồi ký văn chương của một số người có tên tuổi như: Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyễn Đăng Mạnh, Tô Hải, Hoàng Minh Tường...Đề tài thứ hai chủ yếu thuộc về giới trẻ.

Trong ba cuốn tiểu thuyết xuất bản gần đây, được giới trẻ quan tâm là Thể xác lưu lạc của Tiến Đạt, Blogger của Phong Điệp và Gọi con người của Hòa Bình. Họ đều là những người thuộc thế hệ 7x, 8x. Tuy cách thể hiện có khác nhau, nhưng cả ba cuốn sách trên đều có chung một đối tượng độc giả là giới trẻ. Cần lưu ý rằng cả ba tiểu thuyết này đều do Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Công ty sách Bách Việt phối hợp xuất bản trong năm 2009. Ba cuốn sách có độ dày mỏng khác nhau, chừng khoảng từ 202, 230 và 270 trang.

Sự dày, mỏng về dung lượng trang viết chưa hề nói gì về chất lượng và giá trị của tác phẩm. Nhưng nó lại đem đến cho độc giả một tín hiệu ban đầu rằng, cả ba tác giả hoặc đều bận bươn chải, làm ăn, không có đủ thời gian để viết dài, hoặc cũng có thể họ là những người tự cảm thấy rằng mình là người am hiểu thế hệ mình nhất nên không muốn viết dài, làm mất thì giờ của bằng hữu và công chúng ở thời sa lộ thông tin, kinh tế thị trường hay vì một lý do nào đấy mà họ không thể viết dài hơn (?!). Vả lại, thời buổi này, viết ngắn thường dễ in, dễ bán, nên cũng dễ được các nhà xuất bản, các nhà sách tư nhân và cả các đầu nậu sẵn sàng bỏ tiền ra in rồi trả nhuận bút cao hoặc mua đứt bản quyền. Như vậy tính chất “mì ăn liền”, “tiền tươi thóc thật”, “nói thẳng cho vuông” ở đây khá nổi trội, từ để tài, chủ đề đến lối viết và cả dung lượng trang. Đã vậy khi ba cuốn sách vừa in xong, đã có nhiều cuộc hội thảo và hàng chục bài báo đăng tải phỏng vấn các tác giả và lời đàm tiếu của nhiều người. 

Và dường như tình hình lại có vẻ “hot” hơn, khi vào sáng ngày 9/10/2009, tại 24, Tràng Tiền, Hà Nội, Trung tâm Văn hóa Pháp cùng Bách Việt đã phối hợp mở cuộc Hội thảo. Những người làm tổ chức đã khá khôn khéo tìm cho diễn đàn một chủ đề thuận lỗ tai, nhằm thu hút thêm cử tọa: Nhà văn trẻ và câu chuyện thế hệ. Từ trong nội dung, cả ba cuốn sách trực tiếp hay gián tiếp, ít hay nhiều đều muốn gửi đến độc giả của mình một thông điệp: Hỡi các thế hệ nhà văn già nua, cũ kỹ hãy cố mở căng tròng mắt, banh lỗ tai ra mà xem giới trẻ chúng tôi bây giờ viết văn đây này. Không vòng vo tam quốc, con cà con kê như các cụ đâu, mà bốp chát, huỵch toẹt, xì xộ tiếng tây, tiếng tàu. Từ công nghệ thông tin, thời trang, blog, đến những cơn khát tình dục, những nỗi cô đơn, sự khỏa thân, sắc thái hiện sinh, ... Thôi thì đủ cả. Cứ hầm bà làng vào trong đó, rồi đặt cho nó một cái tên rõ kêu, như mọi người đã biết, thế là xong béng. 

Trong một trả lời phỏng vấn, Hòa Bình, tác giả của Gọi con người  đã không ngần ngại trắng phớ ra rằng: “Tôi là kẻ không ngại khỏa thân cho người đời ngắm, nếu đó là khỏa thân nghệ thuật. Và có thể thật sự là tôi đã khỏa thân trong cuốn sách. Còn nhìn ngắm nó bằng con mắt nghệ thuật hay dung tục là việc của người đọc”. Đúng. Hòa Bình hoàn toàn có quyền và có thể “khỏa thân” cả trên trang sách lẫn trong cuộc đời. Sự dũng cảm của Hòa Bình sẽ đáng nể hơn nhiều, nếu như không có thêm mệnh đề giả định nhằm rào trước đón sau: “nếu đó là khỏa thân nghệ thuật”. Hóa ra sự dũng cảm ấy cũng chỉ là nửa vời sặc mùi cải lương, cốt là để câu khách. Thích “khỏa thân” thì cứ khỏa, việc gì phải nếu này, nếu nọ cho thêm rắm rối, rách việc.

Còn Thể xác lưu lạc của Tiến Đạt, thực chất chỉ là một vũng lầy ngập tràn sắc dục, có những kẻ vật lộn hòng thoát ra, nhưng không thể, như anh chàng Trần, còn số đông là bị nhấn chìm trong vũng lầy đó. Bởi lẽ trên mỗi bước đi, bọn họ đều phải đối mặt với sự quyến rũ của nhục thể đàn bà. Và cuối cùng: “Anh khỏa thân nằm một mình, ngủ tích cực, triền miên, ngủ như trẻ thơ, cứ mặc những mùa gió cũ quay ngược chở nặng ký ức xao động giữa cố hương”. Có thể nói đây là cách Tiến Đạt muốn đem cái thể xác đầy bản năng tính dục ra, cái mà bấy lâu nay vẫn thưa vắng trong văn chương, nhất là tiểu thuyết thời kỳ đánh Mỹ, để đối lập lại cái trật tự vật chất- xã hội với những khẩu hiệu sáo rỗng. Vì thế có người đã không ngần ngại cho rằng Thể xác lưu lạcmang tinh thần hiện sinh” của văn chương Âu châu những năm giữa thế kỷ XX. Xu hướng đó là tiếng chuông cảnh báo về một bộ phận giới trẻ hôm nay đang bị mất phương hướng, chống chuyếnh như những gã say trên con đường đi tìm tình yêu và ý nghĩa đích thực của cuộc sống .

Hay theo một cách khác, nhân vật chính trong Blogger của Phong Điệp lại suốt ngày đi tìm cho mình một Entry (lối, cửa vào). Ở đây tùy theo cách quan niệm của người đọc, lối vào tình yêu, vào thành phố hay vào cuộc đời hoặc có thể là cả ba. Nhưng thật trớ trêu, trên đời làm gì có một lối vào chung cho tất cả mọi người, nhưng cũng không hề có một lối vào trinh nguyên nào, mà người đi sau không cóp nhặt, di chuyển dù ít hay nhiều kinh nghiệm của tiền nhân. Vậy là Hạ, nhân vật chính của Blogger cũng đành phải chấp nhận một cách làm thường thấy của giới báo chí, cánh truyền thông hôm nay là: copy and paste để refresh lại chính mình (tạm dịch: cắt và dán để làm mới lại chính mình). Thế nhưng mọi chuyện đâu có đơn giản thế, bởi lẽ hình thức cắt và dán chỉ để làm mới lại một văn bản, hay nói chính xác hơn là làm mới một cuộc sống ảo. Còn trong cuộc đời thực, mọi sự cắt dán không những không làm mới lại mình được, mà còn làm cho mình tả tơi, tàn tạ hơn gấp bội lần. Minh chứng là Hạ, khi biết Quân cưới người khác, dù điều ấy cô không muốn tí nào, nhưng cái cô bé nhà quê ra tỉnh, giàu tham vọng “làm mới mình” ấy, hiền lành, tốt bụng và yếu đuối nhường kia liệu có làm nên cơm cháo gì, khi mà vừa muốn dấn thân vào cuộc sống đô thị vốn đầy nhố nhăng và cạm bẫy, lại vừa muốn giữ mình cho trong sạch. Rốt cuộc, cô chỉ loay hoay đi tìm cho mình một Entry bằng cách copy and paste để refresh lại chính mình. Đấy cũng là một bi kịch không kém anh chàng Trần sau khi người yêu bị mất tích, anh loay hoay đi tìm, nhưng nào có đi được đến đâu, chứ chưa nói là tìm được, ngoài những quan hệ sắc dục với những người đàn bà khác.    

Thái độ cực đoan của các nhân vật trong Thể xác lưu lạc, Gọi con người  Blogger trong quá trình sa vào cạm bẫy của sắc dục, dù có khác nhau, nhưng đấy là một thực tế không thể chối cãi được. Phía sau những cuộc truy hoan đó là sự thảm thê đến tột độ, là bi kịch của một bộ phận giới trẻ hôm nay. Khi mở cửa hội nhập, không khí xã hội nói chung và văn chương nói riêng sẽ dân chủ hơn. Chuyện sắc dục và nhiều thứ khác nữa không còn là điều “taboo customs” (cấm kỵ) nghiêm ngặt như trước đây. Tuy nhiên, nếu ai quá “nghiện” nó thì sớm muộn cũng phải chuốc lấy thảm họa. Đấy là lời cảnh báo ngọt ngào được rút ra từ ba cuốn tiểu thuyết nói trên.   

Đất nước đang trong quá trình mở cửa hội nhập, đổi mới và phát triển. Những luồng gió mới thả sức ùa vào, nhưng cũng có không ít rác thải theo gió mà ập tới. Vấn đề sex, công nghệ thông tin, hiện sinh,...là những thứ từ sau Đại chiến Thế giới thứ Hai, nền văn minh công nghệ Âu- Mỹ đã xác lập được những kỷ lục từ cách đây vài chục năm, thậm là nửa thế kỷ và giới trẻ Trung Quốc cũng đã làm cách đây hàng chục năm. Thế mà đến hết thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI, anh chàng Trần mới tự căn vặn mình rằng: Mình “là một thằng đàn ông đam mê sắc dục, nhưng anh luôn tìm sự chia sẻ đến tận cùng sau những va chạm của các nền văn minh, sự tương tác giữa các nền văn hóa và hàng triệu khuôn mặt người trên khắp hành tinh trong cuộc tìm kiếm bản lai diện mục tôi là ai, từ đâu đến, đang làm gì, chuẩn bị đi về đâu” qua sách vở. Cái mớ triết lý mới nghe tưởng là cao diệu ấy của Trần trong Thể xác lưu lạc, thực chất chỉ là những thứ mà văn chương Âu- Mỹ đã thải ra cách đây từ hơn 50 năm về trước. Nhưng thôi, cũ người nhưng mới ta, biết làm sao. Chỉ có điều sau những triết lý vặt ấy, lại là những điều thật sự nghiêm túc, khiến những ai quan tâm đến sự tồn tại và phát triển của văn học nước nhà phải bận tâm.

Thứ nhất, xu hướng sex và “tinh thần hiện sinh” đang dần chiếm lĩnh thị trường văn học trong những năm gần đây, tạo nên một lớp nhà văn chuyên sản xuất những sản phẩm “mì ăn liền”, chiều theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng, nhằm bán sách kiếm lời. Đây có thể được coi là một thời kỳ văn học phát triển “nóng” và lệch lạc, thiếu chuẩn mực thẩm mỹ cũng như những giá trị thực sự bền vững.

Hai là, qua một số diễn đàn gần đây, các cây bút trẻ luôn đòi hỏi các thế hệ cha anh phải cảm thông, chia sẻ với những tâm tư nguyện vọng, sự vất vả, thiếu thốn đến mức quẫn bách và không ít người đã hoàn toàn bế tắc, mất phương hướng không chỉ trong văn chương, mà cả trong cuộc sống. Tức là các thế hệ đi trước cần phải nhận thức đúng những gì mà lớp trẻ hôm nay đang làm và sẽ làm. Nhưng sẽ là bất công biết bao khi những lớp người đi trước lại không được quyền đòi hỏi lớp trẻ hôm nay cần phải hiểu và chia sẻ với họ, cần phải biết đâu là giá trị truyền thống mà biết bao thế hệ cha ông đổ mồ hôi, sôi nước mắt và cả xương máu nữa mới tạo lập lên được. Có một sự thật trớ trêu là từ cổ chí kim, từ đông sang tây, con người chỉ có thể nhận thức và nhận thức lại quá khứ và dự báo tương lai, chứ chẳng bao giờ người ta có thể làm điều ngược lại được, tức là nhận thức được tương lai để dự báo quá khứ (!?). Chi bằng, mỗi thế hệ có sứ mệnh lịch sử riêng của mình, ai có việc nấy làm, sao lại cứ bắt những người đi trước phải làm những cái oái oăm, không thể làm được. Sao lại có chuyện vô lý như thế được.

Như vậy, xem ra câu chuyện thế hệ mà các nhà tổ chức khởi xướng cho Hội thảo này mãi vẫn chỉ là một sự biện minh hào sảng, một ngụy vấn đề, chỉ càng tạo thêm cái hố sâu hoắm ngăn cách giữa quá khứ, hiện tại và tương lai, không bao giờ lấp đầy được. Phải chăng đặt vấn đề về thế hệ ở đây, nhất là trong văn chương chỉ là một trò “bắt cóc bỏ đĩa”, có chăng cũng chỉ là nói cho vui mà thôi, phỏng có ích gì?