Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn VŨ TRỌNG PHỤNG trên sách báo Trung Quốc

Vũ Phong Tạo
Thứ sáu ngày 30 tháng 10 năm 2009 3:44 AM

 (Trích Phát biểu ý kiến tại Hội thảo “Vũ Trọng Phụng trong tiến trình Văn học Việt Nam” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, ngày thứ sáu 30-10-2009, tại Cơ quan Hội Nhà văn Việt Nam, 9 Nguyễn Đình Chiểu-Hà Nội)

 Kính thưa các đại biểu!

Sau khi xem thông báo của Hội Nhà văn Việt Nam về tổ chức Hội thảo “Vũ Trọng Phụng trong tiến trình Văn học Việt Nam”, nhân kỷ niệm 70 năm ngày mất của nhà văn Vũ Trọng Phụng, tôi đã được đọc một bài viết khá toàn diện của Tác giả Tân Linh đăng trên báo Công an Nhân dân cuối tuần và trên các trang web văn học Văn nghệ quân đội và Trannhuong.com với tiêu đề “ Thiên tài và khổ tận”.

 

Tôi thấy còn thiếu mảng dư luận thế giới về nhà văn Vũ Trong Phụng của chúng ta. Thế là, tôi bèn thực hiện ý định tìm hiểu dư luận thế giới với nhà văn Vũ Trọng Phụng, bằng con đường tắt, xem trên báo mạng của nước láng giềng Trung Quốc có nói gì về Vũ Trọng Phụng không?

 

Với từ khoá “Vũ Trọng Phụng nhà văn Việt Nam” tôi đã tìm được mấy chục thông tin liên quan đến nhà văn Việt Nam Vũ Trọng Phụng.

 

Nhân đây, tôi xin được giới thiệu tóm tắt với hội thảo một số thông tin, như  sau:

 

Trang  web“Báchkhoa-Báchđộ (baike.baidu.com) và trang web Wanfangdata.com.cn truy nhập phần Văn học nước ngoài của bộ sách đồ sộ “Trung Quốc đại bách khoa toàn thư” có nói đến “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố và “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng, v.v…trong một bài viết khá đầy đủ về Văn học Việt Nam, căn cứ vào sách “Nhà văn Việt Nam thế kỷ 20” xuất bản năm 1999 của các nhà văn Ngô Văn Phú, Nguyễn Phan Hách…

Trang web cnpoet.com giới thiệu tác phẩm “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng.

Trang web Bách độ-Bách khoa còn giới thiệu tác phẩm “Giông tố” của Vũ Trọng Phụng bên cạnh tác phẩm “Kim Vân Kiều truyện” của đại thi hào Nguyễn Du.

Trang web ilibi.com.cn giới thiệu một bài viết của Vũ Trọng Phụng về tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố trên “Thời vụ báo” số ra ngày 31-1-1939.

Trang web: www.book.online.com.cn Giới thiệu Lịch sử văn học phương Đông có Tiết 1 Sự hình thành và phát triển của văn học Việt Nam; Tiết 2 Nhà văn tiêu biểu của “Tự lực văn đoàn”, Nhà văn tiêu biểu của chủ nghĩa hiện thực; Tiết 3 Những nhà văn hiện thực Nam Cao, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, v.v… 

 

         Đặc biệt, Trang web “Trung Quốc đại bách khoa toàn thư – Trí tuệ tàng” , được mệnh danh là một trong những  Bảo tàng trí tuệ của một phần tư nhân loại  (http:203.68.243.199) có đăng hẳn một điều mục của tác giả Lý Tu Chương (Trung Quốc) giới thiệu về nhà văn Vũ Trọng Phụng của Việt Nam chúng ta như sau:

 

Phiên âm Hán ngữ: Wuzhongfeng

Điều từ Trung văn: Vũ Trọng Phụng

Điều từ ngoại văn: Vũ Trọng Phụng (1912 – 1939)

 

Nhà văn Việt Nam. Tên hiệu Thiên Hư, người huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên (tỉnh Hải Hưng ngày nay).

Nhà văn Vũ Trọng Phụng mồ côi cha từ nhỏ, gia cảnh bần hàn khổ sở. 18 tuổi bắt đầu sáng tác, 28 tuổi chết vì bệnh phổi.

Trong thời gian 10 năm đã viết tổng cộng gần 20 tác phẩm. Tư tưởng của ông bị ảnh hưởng khá sâu của lý luận Frớt và những thành phần tiêu cực trong những tác phẩm của Zola, Mobassan, sắc thái tự nhiên chủ nghĩa trong tác phẩm khá đậm.

Tác phẩm chủ yếu của ông có “Cạm bẫy người” (1933), “Giông tố” (1936), “Số đỏ” (1938), “Làm đĩ” (1939), “Vỡ đê” (1941), v.v…

Vỡ đê” đã phản ánh cảnh huống thê thảm của nông dân trong thời gian bị thiên tai địch hoạ nặng nề.

Số đỏ” bóc trần cái gọi là “Văn minh” của giai cấp tư sản và những cái gọi là “làm việc thiện” của chúng.

Giông tố” đã miêu tả lịch sử ma quỷ vinh thân phì gia của một tên địa chủ, đại tư bản kiêm nghị viên.

 

Kính thưa các đại biểu, vì công việc tìm kiếm có hạn và thời gian phát biểu cũng có hạn, tôi xin được mạo muội cung cấp một số thông tin trên sách báo, mà chủ yếu trên báo mạng Trung Quốc đề cập đến Văn học Việt Nam, liên quan đến nhà văn Vũ Trọng Phụng kính yêu của chúng ta, mong rằng góp phần nhỏ bé vào việc khẳng định thiên tài và uy tín danh vọng của “ông vua phóng sự Bắc Kỳ”!

 

 

Cảm ơn các đại biểu!

Chúc Hội thảo thành công rực rỡ!                                            


  Lỗ Khê, quê Tổ Ca trù, ngày 29-10-2009

VŨ PHONG TẠO