Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THIÊN TÀI VÀ KHỔ TẬN

Tân Linh
Thứ tư ngày 28 tháng 10 năm 2009 1:45 AM

 Nhân hội thảo Khoa học dịp Kỷ niệm 70 năm ngày mất Thiên hư  Vũ Trọng Phụng(10/1939 –2009)



 Hai mươi bảy tuổi trời ít ỏi quá so với một phận người. Hai mươi bảy tuổi đời, ông mất vì lao lực, lao tâm sau bấy nhiêu lăn lộn mưu sinh bằng văn tài của mình mà chẳng nuôi nổi gia đình. Con người đức hạnh và thiên tài ấy đã để lại cho đời những tuyệt bút là những truyện ngắn, tiểu thuyết làm vang dội văn đàn từ bấy đến nay đã tròn bảy mươi năm chắn và còn làm kinh ngạc cho bao nhiêu thế hệ văn nhân và độc giả nữa không biết… “Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”. Cái câu Kiều ấy như vận vào ông từ lúc lận đận cơm áo cho đến khi mất và cả sau này, khi có người giả danh con trai nhà văn xiêu lạc để kiếm tiền nướng vào đỏ đen bàn đèn. Và giờ đây vẫn còn một người nữa đương ở bên kia bán cầu cũng đã lên tiếng nhận mình là con trai của nhà văn họ Vũ, người mà khi sống khổ sở đớn đau đến chết…

 Thiên tài đoản phận

Làm sao có một nhà văn vừa mới chưa đầy hai mươi tuổi đời đã viết nên những tiểu thuyết rúng động văn đàn, khiến tất thảy văn nhân khắp xứ dù ngưỡng mộ hay đố kỵ đều cảm phục. Lý giải về văn tài Vũ Trọng Phụng có không ít người đã làm, nhưng cách gì đi nữa, phải thấy rằng hoàn cảnh xã hội dù là nguồn cảm hứng lớn lao nhất nhưng nếu không có cái gọi là thiên tài, khó có thể làm nổi một sứ mạng như họ Vũ. Tiếc là thiêntài thường như sao sáng. Mà Vũ Trọng Phụngthì như một ánh sao băng. Ong mất quá sớm, dầu ong còn muốn sống muốn viết để tranh đấu cho cuộcđời. Chả thế mà khi lâm chúng ông chỉ muốn khi nhắm mắt cuôi tay đầu được gối lên tập bản thảo… Bối cảnh đất nước khoảng đầu thế kỷ XX bức bách ngột ngạt dưới hai tròng áp bức là thực dân phong kiến, nhưng đâu phải ai cũng có văn tài và dũng cảm để viết nên những thiên truyện mang tính hiện thực để từ đó dựng được một sự nghiệp trứ danh trong chưa đầy chớp mắt mười năm như Vũ Trọng Phụng?. Từ một cậu bé gia cảnh nghèo vào bậc nhất trong xã hội, nếm cảnh đời chua chát ấy, bằng đầu óc trác tuyệt bẩm sinh, Vũ Trọng Phụng đã làm những “quả nổ” lật tung lên bộ mặt của chế độ thực dân phong kiến thối nát bạo tàn và vô lương đương thời. Ngô Tất Tố kể có lần Vũ Trọng Phụng đã nói rằng “Tư tưởng xã hội của tôi nó đã kết lại từ trong mạch máu”. Nhà văn Vũ Bằng trong một bài viết về Vũ Trọng Phụng mười năm sau, để đề từ cho cuốn sách của Vũ Trọng Phung: Lấy nhau vì tình đã cảm động nói rằng “Có tài mà không đắc dụng suốt đời sống một cách bấn bách để đến khi chết không nhắm mắt được vì còn vương lại biết bao nhiêu gánh nặng… Bạn tôi, Vũ Trọng Phụng là một trong những người không may đó… Không sống được thì làm thế nào mà viết được văn? Cứ muốn người ta  viết , mà để cho người ta nghèo khổ, thiếu thốn rồi chết vì lao lực, âu cũng là một luận điệu vô lý vậy. Ấy thế mà cái điều chúng ta cho là vô lý là không thể thực hiện được đó, Vũ Trong Phụng đã đem ra áp dụng trong suốt cả một đời… Sở dĩ văn anh đạt được tới chỗ đó một phần lớn là vì anh thiết tha thật tình với giai cấp bị bóc lột, anh là một tín đồ trung thành của chủ nghĩa xã hội…” Văn tài Vũ Trọng Phụng không ai có thể phủ nhận. Người đã viết như một ám ảnh và một sứ mệnh xã hội. Những phóng sự tiếng tăm: Làm đĩ, Lục xì, Cạm bấy người, Kỹ nghệ lấy tây…những tiểu thuyết Số đỏ, Vỡ đê, Giông tố, Dứt tình…ông đã viết như thể lôi từ túi áo ra chữ nghĩa, rồi tự nó sắp xếp lại. Viết mà không cần nghĩ trước. Cái tâm và cái tài cùng cái bấn bách ở đời sống đã đẻ ra văn tài họ Vũ.

 Nói như Nhà văn Ngô Tất Tố, hình như ở phương Đông cái nghèo cũng là cái trường đúc nên văn sĩ. Điều đó đúng nhưng chỉ đúng một nửa. Bởi nếu không có tài năng và một tâm huyết với cuộc đời, khó có thể có văn  tài. Thiên tài của ông đã kết tinh   “Nhờ về trong máu sẵn có tư tưởng xã hội, ông mới nên một nhà văn xã hội, để sản xuất cho người đời những tác phẩm đáng khóc và đáng cười” ( Ngô tất Tố - Gia thế ông Vũ Trọng Phụng).

 Chưa phải là một nhà cách mạng, nhưng văn Vũ Trọng Phụng đứng về đồng bào mình, đem cái chất phê phán xã hội vào trong tác phẩm, âu cũng là một tranh đấu cho cái mới tươi vui, rạng rỡ hơn đến với nhân quần. Nhà thơ Tố Hữu năm 1949 đã từng có câu đại tự tặng nhà văn họ Vũ : “Ông không phải là nhà cách mạng, nhưng cách mạng biết ơn ông” . Vâng văn ông là tiếng kêu oán hận, là tiếng thét căm hờn chế độ xã hội bấy giờ. Nhà phóng sự số 1 Bắc kỳ đã lăn vào cuộc sống để viết như một sứ mệnh cao cả lịch sử ngầm trao cho ông và những người viết chân chính…Ngòi bút Vũ Trọng Phụng đứng về phía nhân dân cần lao đau khổ. Ông tố cáo cái xã hội đương thời thối nát và vô lương, Tôi đồ rằng nếu họ Vũ trời bỏ sót mà cho sống tới kỳ cách mạng tháng Tám nổ ra thì chắc chắn ông sẽ  là một nhà văn cách mạng cũng như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng… Ngồ Tất Tố…Tư tưởng cách mạng đã ăn sâu trong chính bản chất con người Vũ Trọng Phụng. Từ cách sống,  đến cảm và viết đều hướng về một xã hội tương lai tốt đẹp. Chả thế mà ông từng viết về những nhân vật yêu nước, những nhà cách mạng: Đoàn Trần Nghiệp, Nguyễn Ái Quốc… Nói về vị trí của Vũ Trọng Phụng trên văn đàn và cả trong làng báo, mười năm sau khi ông mất, chính Vũ Bằng đã thừa nhận: “ Anh mất đi đến nay đã hơn mười năm rồi, nhưng nói đến anh thiên hạ vẫn còn mến tiếc, nhất là từ khi anh mất, cái chỗ ngồi của anh trong làng văn và làng báo vẫn chưa có ai thay thế được…Một người mất đi mà trong mười năm trời chưa có người thay thế được, nhất định phải là người có giá…Không, một người như thế, quả là hiếm thật. Nhân tài cũng như mỹ nữ vẫn làkhókiếm,biết         làm sao được?”. Ấy vậy mà khó kiếm như thế, có tài như thế, mà lúc sinh thời, Vũ Trọng Phụng thường không có lấy một trăm đồng bạc trong túi bao giờ.

Hãy nghe lời ai điếu do thi sĩ Lưu Trọng Lư đọc trong tang lễ nhà văn: “Người vừa từ giã chúng ta là một văn tài lỗi lac, mà than ôi,  là một người bình dị, một người cha đứng đắn, một người chồng đứng đắn hơn, một người con chí hiếu, người của khuôn phép, người của nền nếp…Con người ấy không giết qua một con muỗi, nhưng kỳ diệu! văn chương người ấy đã làm cho kẻ trọc phú phải giật mình, kẻ trưởng giả phải cáu kỉnh. Vì đâu có cái nguồn cảm mãnh liệt ấy, mà người ta tưởng như không tìm được ở anh. Vì đâu cái sức sáng tạo mầu nhiệm ấy, vì đâu cái sức mạnh ấy của tâm hồn? Vì đâu cái đanh thép ấy của giọng văn? Vì đâu? Thưa các ngài, đó chỉ là bí thuật của thiên tài. Và đó là sức mạnh của sự tin tưởng.Sức mạnh ấy là một động lực phản lại những cái gì đã bất công, đã đồi bại, đã mục nát, cái rởm cái xấu của những ông trưởng giả, cái xấu cái bần tiện cái đồi bại của một hạng người, của một thời đại. ..Anh đã thu của cuộc đời đựợc những gì mà bắt anh hiến nhiều thế?. Không! Tôi biết anh là một nhà văn, mà là một nhà văn sống trong sự bần bạc, chết trong sự bần bạc…”

 Thiên tài văn chương chết trong bần bách khi hãy còn quá trẻ, nhưng may mắn cho cuộc đời này bởi ông đã kịp sáng tạo ra hàng chục cuốn sách, đa phần là những kiệt tác, để lại cho hậu thế, cho cuộc đời. Cái “hậu” của một nhân cách, một người tài là ở đó. Nói như Ngô Tất Tố: “ Thọ hay yểu không quan hệ với cái sống nhiều sống ít. Nó quan hệ ở chỗ có cái gì để lại cho đời sau hay không”. 

 Và một số kiếp khổ hận đến bây giờ

Sinh thời nhà văn Vũ Trọng Phụng sống  trong hoàn cảnh bấn bách đến khổ hận. Người đã phải gò lưng đi làm thư ký hãng buôn nhưng rồi cơm áo gia cảnh của ông buộc ông phải viết văn để kiếm sống nuôi gia đình gồm một người bà già yếu, một mẹ già mắt kém, một người vợ và cô con gái nhỏ. Chính vì viết trong lúc làm việc nên ông đã bị nhà buôn đuổi việc. Đến lúc đi sắp chữ đánh máy cho nhà in lại ,,,viết và lại bị đuổi việc. Từ ấy người xoay sang viết báo kiếm sống nuôi gia đình bằng những đồng tiền nhỏ nhoi được các toà báo trả cho. Ấy thế mà khi đọc Lục xì, Làm đĩ, Lấy nhau vì tình, Cạm bẫy người…người đời vẫn tưởng anh là một tay chơi có hạng đất Hà thành. “Đau đớn thay cho Phụng. Cho đến tận lúc chết anh chỉ phàn nàn có mỗi lúc câu: Giá mỗi ngày tôi có một miếng bit tết để ăn thì đâu đã đến nông nỗi này…”(Vũ Bằng)

 Về gia cảnh Vũ Trọng Phụng nhà văn Vũ Bằng đã công khai: “Cho đến khi qua đời, cái mộng của Phụng chỉ thành một nửa, anh chỉ sinh được có một cô con gái. Tôi nói là một, là vì lúc từ Hà Nội di cư vào nam, qua ở Hải Phòng tám tháng, được tin chị Vũ Trọng  Phụng xuống, tôi có đến thăm thì chị chỉ cho tôi cháu gái ấy và chép miệng cho biết là lúc Phụng tạ thế, anh chỉ có một con và anh oán ức một điều từng ám ảnh là không có con trai nối dõi…”

 Cuộc đời nhà văn có lẽ không nhiều bí mật. Cái con người không mấy uẩn khúc không trải tình trường thê thiếp như ông, mọi chuyện gia cảnh, bạn bè, những tưởng ai cũng đều biết. Nhưng cho đến hôm nay ít nhất đã có hai người tự nhận mình là con trai Vũ Trọng Phụng là cớ làm sao?.

Người thứ nhất nhận là con trai nhà văn, theo như Vũ bằng đã viết từ những năm 70 thế kỷ trước, rằng có một thanh niên lêu lỏng nghiện ngập đã mạo xưng con trai Vũ Trọng Phung đi bip nhiều người bạn của ông và những độc giả yêu mến của ông rằng y là con trai nhà văn Vũ Trọng Phụng. Vũ bằng kể lại: Vào những năm sáu mươi TK 20, ông đã bị một người bạn mắng cho một trận vì đã để đứa con trai Vũ Trọng Phụng cù bơ cù bất, “không đoái hoài gì đến con một đông nghiệp đã từng đánh một cái dấu son vào văn học Việt Nam”. Thiên hạ đã bị hắn lừa, cho rằng chàng trai trẻ bị đời bạc đãi như ngày xưa từng bạc đãi với cha chàng. Chính vì Vũ Bằng là bạn thân với Vũ Trọng Phụng nên gia cảnh nhà văn ấy, ông biết mười mươi. Thế cho nên sau khi chạy đi “nghĩa quyên” bạn bè văn chương đem cho “cậu con trai Phụng”, Vũ Bằng đã lật tẩy. Chàng trai kia đã đi “cốc” khắp miền. “Bây giờ anh không muốn gì to tát quá đâu, chỉ cần một tí tiền chừng mười vạn để sang một cái nhà, mở một tiệm sách để sinh nhai, sống một cuộc đời đẹp tự do, không cần phải bợ đỡ…thằng nào cả.”

Và Vũ bằng đã kịp giáng cho chàng trai một đòn chí mạng: “ Nhưng thưa ông con trai Vũ Trọng Phụng! Tôi xin nói thẳng cho ông biết …ông là một thằng khốn nạn. Một ngàn lần khốn nạn… Ông khốn nạn là vì mặt mũi sáng sủa, mà nghe giọng ông nói thì ra vẻ người có học hành, ông lại phải giở cái hạ kế ra để mà đánh lừa người khác. Không bịp cách gì được, ông lại tự nhận là con trai Vũ Trọng Phụng để cầu lấy lòng thương của người quen và xin một chút từ tâm của những người bạn cũ của Vũ Trọng Phụng, hay những người đã đọc và yêu văn Vũ Trọng Phụng…”

Quá uất hận, Vũ Bằng đã thốt lên: “Đáng thương thay Vũ Trọng Phụng, suốt cả một đời phục vụ văn nghệ, báo chí mà cho đến lúc chung cục thì nghèo khổ… bịnh lao mà không có tiền thuốc thang … một người như thế mà bị đời bóc lột đến xương tuỷ như thế mà đến khi nhắm mắt tắt hơi rồi vẫn chưa yên, vẫn bị người ta đem tên tuổi ra lợi dụng để làm tiền nữa…”. Người tự nhận là con trai Vũ Trọng Phụng chuyên đi “cốc” ấy nghe vậy đã biến đi lúc nào không hay.

 Còn bây giờ vào thời điểm này tôi được biết ông Nghiêm Xuân Sơn người con rể tận tuỵ của Vũ Trong Phụng đã chính thức lên tiếng, vì tận bên…Mỹ có một người đàn ông tự nhận mình là con trai của nhà văn họ Vũ này. Câu chuyện đương dấy lên những dư luận trái chiều. Có người cho rằng ông Vũ Trọng Khanh tự nhận mình là con trai nhà văn để mưu trục lợi. Lại có ý kiến hoài nghi tất cả, hoặc cho rằng mọi chuyện có thể xảy ra… Đem chuyện này trao đổi với ông Nghiêm Xuân Sơn, ông Sơn cho hay: Ông là người chồng của người con gái duy nhất của nhà văn và là người đương trông nom mộ phần cũng như thay mặt gia quyến của nhà văn. Việc ông Khanh tự nhận mình là con trai nhà văn, theo ông Sơn là khó có thể tin, vì ông về làm rể nhà họ Vũ từ lâu nhưng tịnh không nghe nói đến bất cứ một người con nào khác của nhà văn. Cả lúc mẹ nhà văn và người vợ Vũ Trọng Phụng còn sống, không một lời nào nhắc đến chuyện này. “ Tôi rất bất bình về việc ông Vũ Trọng  Khanh đưa ra nhiều thông tin không đúng sự thật. Nhiều thông tin đã xúc phạm đén hương hồn nhà văn và gia đình Vũ Trọng Phụng”. Ông Sơn nói rằng Vũ Trọng Phụng chỉ có duy nhất một cô con gái tên là Vũ Mỵ Hằng, vợ của ông. Sinh thời nhà văn sống bấn bách, khổ sở cho đến khi chết. Bản thân nhà văn Vũ Trọng Phung là người mực thước, chỉn chu với gia đình. Người như vậy không thể nói có chuyện ong bướm, càng không có chuyện vợ này con nọ. Chính những người bạn của nhà văn hiện còn xác nhận như vậy và những người đã khuất như Vũ Bằng từng xác nhận điều này ở phần trên.

 Theo ông Sơn và cả dư luận cho đến thời điểm này, nếu ông Khanh có đủ bằng chứng tư liệu để nhận là con của Vũ Trọng Phụng thì cứ việc tiến hành theo luật pháp. Nếu đúng là như vậy thì không thiếu gì cách để kiểm chứng, kể cả việc can thiệp bằng khoa học khi cần phải làm như vậy…Duy có một điều kiện có thể kiểm chứng bằng tâm linh, bằng lòng thành, ấy là việc nếu ông Khanh là con trai nhà văn, vậy thì vì sao không bao giờ về thắp hương cho bố, cho Vũ tộc? Đạo lý người Á Đông và người Việt mình nặng yếu tố tâm linh, vậy thì không thể có một người con  nào vô trách nhiệm với mồ mả cha ông đến thế. Bất luận hoàn cảnh nào. Từng có những người con gái Việt từ nước Mỹ xa xôi đều đặn về quê lễ Tổ. Huống hồ mộ bố nằm đó trong vườn nhà mà bảy mươi năm ông Khanh không hề nghĩ đến chuyện lai cố hương thăm viếng, khói nhang…

Vâng! Tất cả mọi chuyện có thể xảy ra . Và hãy làm tất cả để hương hồn nhà văn được yên ổn nơi suối vàng. Bảy mươi năm đã trôi qua, hẳn ở chốn xã xôi kia nhà văn mỉm cười một cách trào lộng mà tha thứ cho những kẻ ngộ nhận hay mạo nhận, nếu đó là sự thật…Điều này nữa, thiên tài đoản mệnh, nếu không ông cũng đã thành nhà văn cách mạng lớn bậc nhất VN TK XX, và việc trao  một Giải thưởng cao quý nhất của Nhà nước cho ông là điều không thể không làm. đất nước đã tôn vinh ông bằng việc đặt tên một con đường dẫn về làng Mọc- Nhân Chính, và để nói như Tố Hữu, “cách mạng biết ơn ông”, nhà nước nên có một giải thưởng lớn về VHNT truy tặng văn hào, như vậy sẽ không tủi lòng bạn đọc bây giờ và muôn sau. Và nữa,  nhuận bút văn ông trên giấy và trên mạng, nếu có, thì hãy lập một cái quỹ văn chương để tặng cho Tiểu thuyết hay hoặc treo giải các cuộc thi Phóng sự báo chí… Âu đó cũng là một cách tưởng niệm, một cách tôn vinh thiết thực… 


Ngã Tư Sở hạ tuần tháng chín năm Kỷ Sửu

(Bài đã in trên CAND cuối tuần)