Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SÁCH GIÁO KHOA LÀ SÁCH DẠY LÀM NGƯỜI

Yên Khương (thực hiện)
Chủ nhật ngày 25 tháng 10 năm 2009 11:07 PM

Nhà thơ Trần Quốc Minh (Kỳ 2): SGK là sách dạy làm người
Nhà thơ Trần Quốc Minh (Kỳ 1): Mẹ là ngọn gió của con suốt đời

(TT&VH) - Nhà thơ Trần Quốc Minh có một thư viện mi ni “đáng nể” với hàng ngàn cuốn sách “bỏng tay”, trong đó có cả những cuốn SGK văn học đã cũ! Để có được thư viện sách như vậy, ông bảo: “Tôi đã từng nhịn ăn, mặc vá để mua sách. Có lần bị mối xông, tôi đã khóc như một đứa trẻ! Tôi luôn coi sách là người thầy lớn nhất với điều kiện riêng, sách đã giúp tôi bắc cầu ra thế giới… Đặc biệt, với tôi, những cuốn SGK là những cuốn sách dạy làm người!”
Sách ngàn quyển, đàn một dây…
Thuở còn “đương trai”, nhà thơ Trần Quốc Minh đã nổi tiếng là “mọt sách” chỉ vì ông rất mê đọc sách, thích đi mua sách, giữ gìn, nâng niu và trân trọng sách như những vật báu. Ngay từ năm ông thi trượt môn văn vào lớp 8 (tương đương với lớp 10 hiện nay) suốt ngày ông mê mải trên thư viện thành phố Hải Phòng, mượn các sách văn học nổi tiếng cổ kim Đông Tây để đọc. Mẹ cho tiền ăn sáng, ông chỉ ăn cơm nguội, còn thì dành tiền để mua sách. Ông tự chất vấn mình: Tại sao mình không có một “thư viện” riêng cho bản thân nhỉ?
Thế là từ đó, ngoài việc luôn dành tiền ăn sáng của mẹ cho, sau này lớn lên, đi làm có tiền, phần lớn ông đều “đầu tư” vào việc xây dựng tủ sách! Ông bảo: “Ngày ấy sách rất khó mua, những quyển quý phải có phiếu phân phối! Có nhiều cách để tôi có sách quý hiếm. Tôi năn nỉ xin phiếu phân phối trong các cuộc chè chén (chè uống chén ở quán nước 5 hào với phích nước sôi, sang thì có chục kẹo lạc 1 đồng ). Người hay cho tôi phiếu là anh Vân Long, nhà thơ Thi Hoàng, họa sĩ Thọ Vân, nhà thơ Đào Cảng... Cầm phiếu phân phối mà luôn sờ vào túi áo vì chỉ sợ rơi mất! Cách khác là lấy lòng các cô bán sách! Hôm nào biết có sách về là tôi lên hiệu sách! Biết em nào thích gì, là tôi có quà ấy! Chiếc cặp tóc ba lá, gói ô mai! Nhận được nụ cười của “em” là yên tâm có sách!
Có một cô bán sách ở cửa hàng phố Hoàng Văn Thụ, Hải Phòng quen thân tới mức mang sách tận nhà. Tới khi tôi có một tủ sách kha khá, bao rắc rối phiền toái bắt đầu! Đấy là”nạn” mượn sách! Chả biết thời ấy từ đâu có câu kỳ quặc: “Mượn sách không trả là điều tất nhiên”! Mà tôi bị toàn các cô xinh như mộng mượn mới gay chứ!
Anh Vân Long đã nhiều lần chứng kiến cảnh này. Anh chỉ nhìn cuốn sách là biết tình cảm của tôi với người mượn sách! Tôi có tủ sách”giàu có” như hiện nay một phần lớn nhờ anh Vân Long, hồi anh làm biên tập ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam, có quyển nào hay anh đều gửi cho tôi. Còn nhà văn Bão Vũ là người đã soạn riêng cho tôi bài học đánh máy văn bản trên máy vi tính và cách gửi những văn bản qua E-mail. Có gì tôi chưa rõ, hỏi anh qua điện thoại, anh sẵn sàng chỉ dẫn tôi từng ly, từng tý! Đến nay tôi đã đánh bản thảo, làm thơ trên máy vi tính chính là nhờ nhà văn Bão Vũ”.
SGK nói chung là sách dạy làm người
Nhà thơ Trần Quốc Minh đến nay vẫn yêu những cuốn sách như thuở ban đầu, kể cả những cuốn SGK cũ ngày ông còn đi học. Vì theo ông: “Mỗi lần cầm cuốn sách, dù xuất bản cách nay bốn, năm chục năm, nhưng khi đọc một trang bất kỳ là bao tình cảm đẹp và thiêng liêng lại ùa về! Sách vẫn rất cần cho sáng tác và nghiên cứu của tôi! Tôi tra cứu trong sách còn nhanh và chính xác hơn tìm trên mạng Internet thông qua máy tính!”
Nhà thơ Trần Quốc Minh từng viết nhiều cho các em thiếu nhi và luôn theo dõi đời sống văn học thiếu nhi ở nước ta hiện nay. Ông vẫn lặng lẽ tìm hiểu lý do vì sao văn học thiếu nhi trong nước chưa được các em yêu thích bằng văn học thiếu nhi nước ngoài được dịch ra tiếng Việt. Ông cho rằng, các em chưa thích văn học trong nước vì chưa có nhiều sách hay, hấp dẫn các em, đội ngũ người viết cho các em ngày càng ít. Trường hợp Trần Đăng Khoa ngày trước và Nguyễn Nhật Ánh bây giờ thật hiếm!
Sắp tới, ông sẽ cho in tập thơ đầu tiên viết cho thiếu nhi mang tên Cây đèn biển gồm 30 bài, viết trong 40 năm. Ông có vẻ buồn khi nói: “Từ mình mà suy ra, văn học cho thiếu nhi ở Việt Nam do các nhà văn viết bằng “tay trái” thì chưa thể hay được. Nhất là đối với SGK văn học giảng dạy trong nhà trường. Theo tôi, SGK nói chung là sách dạy làm người nên phải chuẩn và tinh. Chuẩn là phải chính xác không được “tam sao thất bản” không được “chữ tác, đánh chữ tộ” nhất là với câu chữ trong các bài thơ! Tinh là trong vườn cây văn học trăm hoa đua sắc, ta phải chọn được những gì hay nhất đã được thời gian thử thách, có tính nghệ thuật và thẩm mỹ cao, theo tôi mỗi bài thơ, trang văn phải làm sao ám ảnh suốt cuộc đời. Tôi yêu văn chương có lẽ từ những gì mà các thầy đã dạy từ những cuốn sách giáo khoa văn học các cấp!”.
Vai trò của người giáo viên giảng dạy môn văn trong nhà trường là vô cùng quan trọng. Người thầy dạy văn trước hết phải là người yêu văn chương: Thầy
có yêu văn học thì mới truyền sang cho trò là người học văn niềm say mê bất tận, suốt cuộc đời! Nhà thơ Trần Quốc Minh nhấn mạnh.
Kỳ sau: Kể chuyện “Bắc cầu” ra thế giới!
Theo báo Thể thao văn hoá số 298 chủ nhật ngày 25 tháng 10 năm 2009
Yên Khương (thực hiện)
Xem bình luận