Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THĂM LẠI SƠN TÂY, NHỚ NGUYỄN KẾ NGHIỆP

Nguyễn Vĩnh
Chủ nhật ngày 25 tháng 10 năm 2009 10:59 PM
Lạ lắm, cứ có bạn bè nhắn gọi đi chơi Sơn Tây là tôi chẳng bao giờ từ chối.
Bởi lên đấy có nhiều nơi, nhiều địa điểm để mà thăm thú. Hầu như tới hàng chục hàng chục nơi chốn trong tỉnh Đoài này chẳng đã thuộc hạng danh lam thắng cảnh cở của đất nước rồi.
Sơn Tây lại có rất nhiều bạn bè. Chúng tôi đi lại giao du với nhau ba bốn chục năm nay, nên có tình thân thiết đặc biệt. Nên lúc nào cũng thích gặp mặt nhau.
Mấy “hội” Sơn Tây ngồi với nhau, thế nào cũng nhớ đến tôi. Nếu gọi mời là tôi đến nhập bọn ngay. Coi như người “đồng hương”. Mặc dầu tôi là ngưởi Bắc Ninh, tỉnh Bắc. Nhưng bạn bè xứ Đoài, tỉnh phía Tây này vẫn coi tôi như một thành viên ngoại tỉnh ngoại lệ…     
Ai cũng biết, tên của các tỉnh Hà Tây, Sơn Tây và Hà Đông đúng là đã mất đi từ khi sáp nhập vào thủ đô Hà Nội.
Nhưng cũng lạ, những bạn bè tôi gốc gác Sơn Tây hầu như chẳng “để ý” đến cái sự lên cấp, đổi đời đó bao giờ. Gặp nhau mở miệng là người tỉnh Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, chứ ai xưng danh tôi quê ở Hà Nội.
Hà Nội mà ngoại ô tít mít thế thì có thêm được “vinh dự” gì? Ngẫm thấy có lý.
Với họ, Sơn Tây vẫn cứ là Sơn Tây.
Lần này về lại Sơn Tây, người bạn tôi nhớ nhiều nhất là Nguyễn Kế Nghiệp. Đã bao lần tôi theo Nghiệp về quê hương của người bạn “tốt tính cỡ số 1” này.
Rất buồn bạn đã sớm rời bỏ bạn bè, trở về với núi Tản sông Đà. Và như bạn thường nói, về với quê hương yêu dấu “Xứ Đoài mây trắng” ấy.
Hôm nay đứng ở cổng thành cổ, rồi qua Đền Và, hình ảnh Nguyễn Kế Nghiệp “người kết nối các tình bạn” lại trở về với tôi rõ nét hơn bao giờ hết.
Sự trở về ấy càng rõ rệt, bởi không xa Đền Và là mấy, nơi có mộ phần bạn tôi. Nằm đó chính là hợp với tâm nguyện bạn lúc sinh thời, anh muốn được trở về mãi mãi với quê nhà như vậy.
Khi còn khỏe, chính Nguyễn Kế Nghiệp là người tạo dựng nên bao nhiêu cuộc vui, bao nhiêu bữa hội ngộ ngập tràn tình bằng hữu.
Lúc vừa nghỉ hưu năm 2003, ai cũng buồn và hẫng vì Nguyễn Kế Nghiệp cùng gia đình chuyển vào sống ở Sài Gòn.
Thế là bẵng đi, có lúc tới dăm bẩy tháng, không một cuộc tụ tập vui vẻ nào diễn ra nữa. Vi thiếu Nghiệp vắng Nghiệp.
Nhưng cứ mỗi lần "Bắc hồi" là một dịp Nghiệp lại trổ tài, mặc dù lúc này sức khỏe bạn tôi có kém đi nhiều. Căn bệnh đường tiêu hóa mãn tính, đã phải dùng đến phẫu thuật đã lấy đi của Nghiệp bao nhiêu sức lực. Nhưng tinh thần của anh thì còn nguyên. Nghiệp vẫn cứ nhiệt tình hết lòng với bạn bè như xưa...
Đúng ra thì bạn bè chúng tôi vẫn có gặp nhau. Nhưng là gặp những nhóm lẻ, dăm ba người là cùng.
Nhưng nếu có Nghiệp, cứ phải một tá, thậm chí vài ba chục người.
Hội họp với nhau thế thì phải chọn một nơi đủ rộng, đủ riêng biệt. Hoặc có thể riêng biệt một chút là được. Nên khi thì nhà một người bạn có điều kiện trên, khi là quán xá.
Cần chút riêng tư tự do như thế là bởi vì bao giờ cũng có hò hát thơ ca. Có Nghiệp cũng có nghĩa phải chấp nhận kiểu hơi ồn ã, nhộn nhạo một chút Nghiệp bảo mới sướng mới đã... 
Vật chất cỗ bàn gì đó cũng chẳng cần bầy vẽ chi nhiều. Chỉ nâng với nhau cốc bia, chén rượu là đã vui nổ trời rồi.
Những vần thơ được đọc lên, ngâm ngợi. Những bai ca được tấu lên đủ kiểu. Chất giọng nói chung chưa phải đã hay, nhưng bao giờ cũng đượm tình.
Và thế nào cũng có vài ba anh bạn sẵn sàng làm trò. Diễn như đủ các kiểu hài, miễn cho bạn bè vui thích.
Để quên đi niềm đau nỗi buồn thường va đập, đối diện trong cuộc đời này. Ai mà trọn vẹn được. Ai chả có lúc gặp những cảnh huống không may, những thất vọng những đau khổ dày vò...
Cuộc gặp nào cũng vậy, các tiết mục tự biên tự diễn luôn diễn ra đầy tính ngẫu hứng bất ngờ. Bao giờ Nghiệp cũng là người đóng góp nhiều nhất. Anh thật sự là người "xôm trò" như bạn bè tôn vinh.
Nguyễn Kế Nghiệp ngâm thơ hay mà hát cũng hay. Tuyệt vời là anh ngâm mấy bài thơ về Sơn Tây, như của Quang Dũng; anh cũng thích ngâm thơ của Hữu Loan, bài Màu tím hoa sim và thơ Hoàng Cầm với bài Bên kia sông Đuống. Nghiệp hát những bài tiền chiến rất hợp. Anh thuộc lời vô cùng, cứ như từng dấu chấm dấu phẩy của từng lời ca của Đoàn Chuẩn, Phạm Duy. Giọng tê-no vang khỏe cho mọi người một bữa no nê âm nhạc một thời yêu thích.
Âm hưởng chung của các cuộc gặp có Nghiệp là thấy tâm hồn như thơ trẻ lại. Thấy vui và yêu đời hơn. 
Chúng tôi lắm khi tự hỏi, vì sao ở Nguyễn Kế Nghiệp, gia cảnh cũng thường thường, chẳng giàu có chẳng thành đạt (là mấy!) mà lại được mọi người nể trọng yêu mến đến như vậy.
Đơn giản, vì ở bạn có một hấp lực mạnh. Vừa thu hút vừa lan tỏa. Nghiệp là một người bạn nhất mực chân tình và rất nhiệt tâm. Nên cứ bạn mà “a-lô” là mọi người hưởng ứng ngay. Cũng phải nói, có cuộc người này người kia có thể là không/chưa muốn gặp nhau, đối diện với nhau, nhưng nếu Nghiệp mời họ vẫn tới. Cái “giỏi” của Nguyễn Kế Nghiệp còn là ở đó.    
Hai năm nay vắng bạn, vắng Nguyễn Kế Nghiệp.
Bạn bè chúng tôi càng thấm thía hơn về sự thiếu vắng thiết hụt to lớn này mà Nghiệp để lại. Càng nhớ thương Nguyễn Kế Nghiệp hơn.
 
Nguồn:
http://vn.myblog.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh/article?mid=820&prev=-1&ne