Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

MỘT ĐỜI NGƯỜI VÀ HƠN THẾ NỮA

Vân Long
Thứ bẩy ngày 24 tháng 10 năm 2009 12:25 PM
Giới thiệu sách                 
                     
Đọc Tạp văn của Đình Quang
(Nhà xuất bản Sân Khấu, Hà Nội 2009)
 
 Mấy cuốn sách mới xuất bản  đặt trước mặt tôi trông thật “ngon lành”, hấp dẫn, vì tác giả của chúng đều là những nhà văn tên tuổi.
Không mấy phải cân nhắc, tôi cầm lên cuốn Tạp văn của GS TS Đình Quang: Đây là cuốn cần đọc trước, cần cho mình!  Tại sao vậy?  Mấy nhà văn tài năng kia tôi đã biết tài họ, đọc để biết thêm, để chia vui với bạn… Tác giả Đình Quang thì khác, ông không phải là nhà văn, công trình chính của ông là bộ Tuyển tập gồm 4 tập lý luận Về sân khấu Việt Nam, Về sân khấu nước ngoài, Về văn học nghệ thuật, Về văn hoá dầy gần ba nghìn trang, đã đem về cho tác giả Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật.  Mấy bạn văn kia đều có sau lưng mấy chục đầu sách, còn Tạp văn của Đình Quang thì chỉ có một, sau hơn tám thập kỷ sống và làm nghệ thuật, nghiên cứu, giảng dạy, bởi ông là một nhà sư phạm nghệ thuật và đạo diễn thuộc thế hệ hàng đầu của sân khấu Việt Nam, rồi có thời gian là thứ trưởng Bộ Văn hoá. Dù ông bận làm nghiệp vụ hoặc công tác lãnh đạo, thỉnh thoảng tôi vẫn được đọc tạp văn của ông trên tờ tạp chí nào đấy, hẳn đó là những lúc ông muốn trải lòng mình, trực tiếp chia sẻ cảm nghĩ về xã hội, cuộc đời với bạn đọc, sau những ý tưởng thâm thúy gửi vào vở diễn. Đó là một diện mạo tâm hồn khác của ông!
Tạp văn là định danh thể loại cho cả tập, thực ra trong đó có cả tùy bút, bút ký, hồi ký! Vậy là không chỉ tâm hồn, mà cả tiểu sử hành trạng cuộc đời ông, gói gọn chỉ hơn hai trăm sáu chục trang in!
         Lời giới thiệu thì dài, nhưng điều gặt hái lớn nhất tôi nhận được từ ông, là ba dòng nằm cuối tập sách, khi tác giả trả lời một người bạn sắp trút hơi thở cuối cùng hỏi ông: “Liệu có kiếp sau không nhỉ? “ Ông đáp: “Kiếp sau của chúng ta ở trong cõi nhớ của mọi người, và Thiên đàng sẽ đón ta vào lúc lâm chung, khi ta mỉm cười vì một đời đã không gây đau khổ cho ai”.  Điều này làm tôi nhớ đến một nhà văn hoá khác đã tóm gọn nghĩa chữ minh triết là khôn ngoan, hiểu biết và hướng thiện. Vậy, tác giả Tạp cảm cũng là một người minh triết, đúng như ấn tượng của tôi về ông từ mấy chục năm nay!  Ấn tượng này toả bóng sáng lên từng trang sách tôi vừa đọc.  
 Đình Quang sinh năm 1928 tại Hà Nội, nhưng những kỷ niệm đầu đời ông nhớ nhất lại là cái làng quê Áng Sơn, nay thuộc Ninh Hoà, Hoa Lư với lịch sử khá độc đáo: Đầu tiên chỉ là ngôi mộ của một nàng công chúa. Vua Đinh Tiên Hoàng đã cử 5 vệ binh đến trông coi và cấp ruộng cho họ sinh sống . Và từ đó thành làng thành xã, có nhiều người di cư vào Nam, có nhiều người sinh sống ở nước ngoài. Gia đình ông, ngót ba thế hệ đã rời làng, ông ngậm ngùi “Nhiều lúc tôi tự hỏi: Thực ra mình có  quê không? Nói không thì cũng chẳng phải. Tên làng Áng Sơn luôn xuất hiện trong những bản khai lý lịch. Bảo có thì lại tự thấy xấu hổ…Bao nhiêu năm biền biệt, về tới làng rồi, ngõ xóm không nhận ra. Đi giữa làng mà như giữa  đồng đất quê người.”
Phần hồi ký Một thời không quên cho thế hệ sau hình dung ra hoạt động của một trong hai trung tâm văn nghệ mạnh nhất những ngày đầu kháng chiến chống Pháp là Liên khu  4 (và Việt Bắc). Đình Quang thiếu thời đã thích đóng kịch hồi ở  đoàn hướng đạo (trước Cách mạng).  Năm 1947, ông là cán bộ địch vận, lại hay viết báo cho tờ Ra trận của trung đoàn 77 Thanh Hoá, nên được cử sang phụ trách Đội kịch trung đoàn. Đó là bước đi đầu tiên của nghiệp đạo diễn, biên kịch…nói chung là họat động sân khấu cho tới hôm nay. Qua mấy vở diễn thành công, đội kịch trung đoàn 77 của ông được đưa lên Liên khu bộ để kết hợp với đoàn Văn nghệ Liên khu rồi chia thành hai đoàn. Đoàn trẻ hơn được gọi là Đoàn kịch chiến sĩ  do ông làm trưởng đoàn, ông lúc đó mới 21 tuổi, trong đoàn có hai bậc đàn anh là nhạc sĩ Phạm Duy và nhà biên kịch Bửu Tiến. Phiên hiệu là đoàn kịch nên một nhạc sĩ làm trưởng đoàn là không hợp, nhưng nổi tiếng như Phạm Duy mà không có danh nghĩa gì thì không tiện nên Phạm Duy được phong là phó đoàn. Còn Bửu Tiến, “…tôi đề nghị anh làm cố vấn. Anh Bửu Tiến cuời “Dòng họ mình đã có cố vấn bù nhìn Bảo Đại rồi, mình không định phản thùng như nó đâu” . Đoàn kịch “già” của Phạm Văn Đôn được ở lại Thanh Nghệ Tĩnh, đoàn “trẻ” phải hành quân vào tăng cường cho Bình Trị Thiên.
Những ngày tháng hành quân cực kỳ gian khổ. Các anh phải vượt Trường Sơn, qua đỉnh U Bò, rồi đi tíếp vào chiến khu Ba Lòng (Quảng Trị) trên những tuyến đường còn hoang rậm. Sự có mặt của đoàn kịch đã như một sự kiện lớn trong đời sống tinh thần của toàn chiến khu. Bửu Tiến là một hoàng thân mà chịu đựng gian khổ lại là số một. Suất ăn có già bát cơm với mẩu sắn luộc và muối rang giã nhỏ trộn vừng, anh vẫn ngồi xếp bằng ăn ngon lành. Ai sốt không ăn được, anh đều “ tương trợ” cho khỏi phí của giời. Còn Phạm Duy, Đình Quang ghi công thật sòng phẳng “ Phạm Duy không ăn được nhiều nhưng bù bằng uống, mỗi bài hát anh tu cạn vài ba ấm tích nước....Anh sống trong một tiết tấu hối hả. Chuẩn bị lên đường anh có Văn nghệ sĩ ra tiền tuyến, tới chiến khu Vĩnh Linh anh viết Bao giờ anh lấy được đồn Tây, qua chợ Cạn anh có Bà mẹ Gio Linh, vào tới Ba Lòng anh hoàn thành Về miền Trung . Vốn là một ca sĩ, anh viết tới đâu trực tiếp trình bầy tới đó. Những ca khúc của anh được nhân dân hết sức yêu thích và truyền bá rất  nhanh…” Tiếc thay!..
            Thấp thoáng qua hồi ký, những văn nghệ sĩ đầy cá tính được anh ghi lại sinh động, cảnh gặp Thanh Tịnh, nhà thơ, cha đẻ thể lọai độc tấu “ một người cao  như cây sào,có mấy chiếc răng bịt bạc xám ngoét, tay đeo chiếc nhẫn mặt đá to đùng, hông lủng lẳng khẩu súng lục han rỉ…Tôi cứ băn khoăn nhìn trộm khẩu súng, tự  nghĩ văn nghệ thì không cần đeo súng, nhưng là sĩ quan sao lại đeo súng rỉ?  Chừng anh đoán được ý tôi, anh phù phù mấy hơi rồi anh bảo: thằng địcn nào đuổi bắt tớ thì chỉ có chết, tớ chỉ cần quẳng súng cho nó bắn tớ là nó lăn đùng ra ngay. Súng này chỉ nổ tụt hậu thôi… Rồi anh cười và tự giới thiệu. Tôi quen và quý Thanh Tịnh từ đó…”  Đình Quang có giọng ngâm thơ kiểu miền Trung trầm ấm, bài thường ngâm là Đêm nay Bác không ngủ. Ngâm xong bao giờ cũng được khán giả vỗ tay nhiệt liệt. Thế mà …“Khi chúng tôi đến một lán thương binh nặng, giới thiệu văn nghệ đến, anh em reo hò(thương binh bao giờ cũng nhộn hơn bệnh binh, vì còn hừng hực không khí chiến trường). Nhưng khi ngâm xong bài thơ, lại là một sự im lặng kéo dài. Tôi hoang mang. Đi dọc theo lán nhìn kỹ qua ánh đèn dầu mới biết nhiều anh em không còn tay để mà vỗ nữa..Sự im lặng hôm ấy đã ám ảnh tôi mãi mãi!...”
         Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đình Quang và Trần Hoạt là hai cán bộ nghệ thuật được cử sang Trung Quốc  học đại học đạo diễn sân khấu. Đến 1959 hai anh  mới tốt nghiệp về nước, bắt đầu sự nghiệp tổ chức đào tạo. Đầu tiên là mở lớp tập huấn cho cán bộ sân khấu toàn miền Bắc, đủ các loại hình chèo, cải lương, tuồng, kịch. Tất cả hơn 100 nghệ sĩ “Có cả nghệ sĩ kỳ cựu như các anh Sỹ Tiến, Hoàng Anh…mà nghe tên tôi đã khiếp vía, vì các anh đã có tuổi và nổi danh từ khi tôi chưa bước vào nghề sân khấu. “
           Hòa bình rồi mà chưa hết gian khổ, trường sở chưa có, mượn tạm một nhà thờ họ, lợp mái cho chiếc sân rộng để làm hội trường. Không có điện. “Có đợt chuyên về lý luận, tôi phải nói buông không micro một tuần liền, nhiều lúc quá mệt, phải ngậm sâm mà giảng”  Nhưng không khí học tập vẫn hào hứng, vì đây là lớp học đầu tiên nghệ sĩ sân khấu toàn miền Bắc được tiếp cận với những yếu tố cơ bản của phương pháp sáng tạo  hiện thực tâm lý  Stanilavski và có đối chiếu ít nhiều với những đặc điểm sân khấu kịch hát của ta. Với Đình Quang, đây là khóa học đem lại cho ông niềm vui lâu bền nhất.
 Cho đến nay, trong số học viên đã có 9 người được phong tặng NSND và 18 người đạt danh hiệu NSƯT. Các chức danh lãnh đạo hầu khắp các trường, các đơn vị nghệ thuật sân khấu trong cả nước đều từng là học viên của khoá học này.
         Giữa 1968, Đình Quang được cử sang Cộng hoà dân chủ Đức nghiên cứu về phương pháp sân khấu B. Brecht, đầu 1973 tốt nghiệp Tiến sĩ ở CHDC Đức về, Bộ phân công phụ trách Ban Nghiên cứu sân khấu (tiền thân Viện Nghiên cứu Sân khấu Điện ảnh bây giờ, thời gian này ông vẫn tranh thủ dựng được các vở nổi tiếng như Bạch đàn liễu, Đại đội trưởng của tôi). Năm 1979 Bộ giao cho việc hợp nhất hai trường trung cấp Sân Khấu và Điện ảnh, nâng lên bậc Đại học, trở thành trường Đại học đầu tiên của Bộ Văn Hoá, do ông làm hiệu trưởng.
          Thời gian ông làm thứ trưởng Bộ Văn Hoá  cũng được lưu dấu trong mấy bài bút ký, tạp cảm. Đặc biệt nhất là cảm nghĩ của ông liên quan đến việc mua bức  tranh 600 triệu đồng của họa sĩ Nguyễn Gia Trí cho Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh. Chúng ta đã biết Nguyễn Gia Trí là họa sĩ bậc thầy, nhất là về ngành sơn mài. Ông có công rất lớn phát triển sơn mài từ mỹ nghệ trở thành tranh mỹ thuật. Đình Quang băn khoăn “ Phần vì tình cảm, phần vì trọng tài, dù chưa nhìn thấy bức tranh nhưng tôi rất muốn khuyên các bạn mua, nhưng cũng lại ngại ngần. Còn bao nhiêu họa sĩ bậc thầy khác nữa và liệu sau này phải đối xử với tác phẩm của họ ra sao? “ …”Anh Nguyễn Gia Trí vẫn ngồi bần thần trên chiếc ghế mây trong nhà, mắt đăm đăm nhìn vào bức tường trước mặt. Hình như việc mua bán làm anh buồn nhiều hơn vui!”… “ Hình như cái ồn ào bát nháo lai căng  của Sài Gòn trước đây không lọt được vào căn phòng này. Hình như những ngày xa quê, tác giả đã sống với những hoài niệm của mình nhiều hơn. Tự nhiên tôi cứ thấy nao nao trong lòng. Căn phòng đã lưu dấu cả một quãng đời sáng tạo của tác giả rồi sẽ ra sao khi bức tranh không còn nữa! … Vườn xuân Trung Nam Bắc là bức tranh lớn nhất và bức cuối cùng anh còn giữ được! “. Nhưng rồi Thành phố đã quyết định mua bức tranh với giá đó, không thể không có ý kiến của vị thứ trưởng được tham khảo. Nhưng không đọc cuốn sách này, ta sao biết được ông đã nghĩ gì? “Giờ anh Nguyễn Gia Trí đã vĩnh viễn ra đi , nhưng tấm lòng của tác giả , nỗi khát khao Trung Nam Bắc một nhà, tài năng sáng tạo của anh  sẽ vĩnh viễn ở lại với chúng ta…Cả một đời sống với văn học nghệ thuật, tôi đã được hưởng thụ bao điều kỳ diệu, nhưng đây là một lần khó quên. ”
 Những ngày “làm quan”, ông cũng rút ra nhiều điều bổ ích, hẳn không chỉ cho ông: “ Làm lãnh đạo, nếu không cảnh giác với mình thì ngày càng cùn đi, ngoài sự hiểu biết chiều rộng và chung chung, sẽ không có thời gian đi sâu vào một cái gì đến nơi đến chốn…Mình chỉ có phát ra mà rất ít nạp vào. Đọc đã ít hơn và lăn lộn với thực tế cuộc đời thực sự cũng ít hơn. Đến một lúc nào đấy sẽ có sự so le tri thức giữa mình và người mình phụ trách…”Đó thực sự là tiếng nói lương tâm của người trí thức ở cương vị lãnh đạo!          
 Những trang cuối sách, Đình Quang có lúc điểm lại cuộc đời mình, ông tự hỏi: Do đâu mình lại nặng nợ với sự nghiệp làm thầy như vậy? Ông nhớ hồi mình lên 10 tuổi, chiều chiều ông bố thường bắt mấy anh em chạy quanh sân cho khoẻ. Ông  bảo: Nhỡ sau này khó khăn, có sức khoẻ thì kéo xe nuôi thân cũng không sợ chết. “Bố tôi học khoá y khoa đầu tiên của cả Đông Dương, hàm Hồng Lô Tự Khanh nhưng đã hưu trí. Nhà những 16 anh chị em…Bố tôi sợ khi cụ nằm xuống chúng tôi biết nương tựa vào đâu? Chúng tôi hỏi, nếu chịu khó học hành không phải kéo xe thì làm gì? Cụ bảo có ba nghề: Thầy thuốc để cứu người, Thầy cãi để bênh người oan ức. Thầy giáo hoặc văn nghệ sĩ để giáo dục nâng cao tâm hồn và trí tuệ con ngưòi ”  Lời khuyên ấy thế mà nghiệm. Chín anh em trai, kể cả mấy chàng rể đều làm thày giáo và văn nghệ.
          Thật đáng trân trọng và cảm động về những dòng cuối sách của GS TS Đình Quang: “Tuy nghỉ hưu đã sáu bẩy năm nhưng tôi không cảm thấy có gì thay đổi. Công việc vẫn tất bật… Có  lúc quá mệt mỏi tôi thầm nghĩ, âu cũng là nghiệp chướng. Nhưng rồi nghĩ lại, nếu tạo hoá bảo tôi phải sống  một cuộc đời thứ hai    nữa, chắc hẳn tôi cũng lại  xin vác lấy  cái nghiệp chướng  văn nghệ và giáo dục này mất thôi!.”…
        Trở lại ba dòng cuối cuốn Tạp cảm mà tôi đặt lên đầu, tác giả lý giải về kiếp sau (tức Cõi nhớ), tôi nghĩ kiếp sau của GS TS Đình Quang sẽ dài hơn rất nhiều người, ít nhất là trong Cõi nhớ của các học trò nhiều thế hệ của ông, các khán giả từng xem những vở ông đạo diễn và sáng tác, những độc giả đọc Tạp cảm của ông…
                                                                              V.L.      
                                             (nguồn: Văn Nghệ Công an số 114 (19/10/2009)
(Chú thích của tác giả bài báo: Do trang của báo in có hạn, tòa soạn báo đề nghị, tôi tự rút bớt một số dòng lan man, nay xin khôi phục lại, mong được tòa soạn báo và độc giả VNCA lượng thứ! )