Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

GIÁO SƯ HOÀNG TỤY - PHẨM CÁCH MỘT SĨ PHU YÊU NƯỚC

Bùi Hoàng Tám
Thứ năm ngày 22 tháng 10 năm 2009 12:19 AM

GS.TS Hoàng Tuỵ sinh năm 1927 tại làng Xuân Đài - Điện Bàn - Quảng Nam trong một gia đình tri thức giàu truyền thống yêu nước. Ông nội của GS Hoàng Tuỵ là em ruột Tổng đốc Hà Nội Hoàng Diệu, người Anh hùng dân tộc đã tuẫn tiết khi thành Hà Nội thất thủ vào tay giặc Pháp. Ngoài ông còn có 3 người anh em là Hoàng Phê, Hoàng Chúng, Hoàng Quý đều là những trí thức nổi tiếng. Bản thân ông tham gia cách mạng từ những năm chưa đầy 20 tuổi và thuộc lớp những nhà khoa học trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp.
Năm 1954, khi mới 27 tuổi, ông đã là Trưởng ban trù bị cải cách giáo dục phổ thông và sau đó làm Trưởng ban tu thư (biên soạn chương trình và sách giáo khoa). Năm 1959, ông làm luận án Phó Tiến sỹ tại Liên Xô và từ thời điểm này, đã có nhiều công trình toán học đăng ở các tạp chí khoa học lớn trên thế giới. Từ năm 1967, ông được mời giảng ở nhiều trường đại học của các nước: Thuỵ Điển, Canađa, áo, Nhật, Đức, Pháp, Mỹ... và được coi là cha đẻ của Lý thuyết Tối ưu toàn cục trong toán học. Năm 1980, được phong GS và cùng năm này, ông được đề cử làm Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam. Năm 1995, ông được trường Đại học Linkóping(Thuỵ Điển) tặng bằng Tiến sỹ danh dự. Năm 1996, được Nhà nước Việt Nam tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I). Năm 1997, tại lễ tôn vinh nhân ông tròn 70 tuổi, nhiều nhà toán học hàng đầu trên thế giới đã đến dự. Mười năm sau, năm 2007, mừng GS Hoàng Tụy 80 tuổi, tại Pháp, Học viện Quốc gia về Khoa học ứng dụng Rouen phối hợp với ĐH Florida  (Mỹ) tổ chức Hội thảo quốc tế về Tối ưu phi tuyến không lồi, thu hút gần 100 nhà toán học nổi tiếng từ nhiều quốc gia đến dự. Đây là hội thảo nhằm tôn vinh cá nhân ông. Nhân dịp này, Học viện Ruoen trao tặng Bằng Tiến sỹ danh dự cho Giáo sư Hoàng Tụy. Cuốn Tối ưu toàn cục – tiếp cận tất định của ông được đánh giá là cuốn Kinh thánh trong lĩnh vực tối ưu toàn cục. Ông đã hướng dẫn 10 luận án tiến sĩ trong nước và 2 luận án tiến sĩ ở nước ngoài. Tác giả của hơn 150 công trình khoa học được công bố trên thế giới, các công trình toán học của ông về Vận trù học và Phương pháp tối ưu đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực.
GS Hoàng Tuỵ là tấm gương tiêu biểu của một tri thức cách mạng thành đạt nhờ con đường tự học. Là một trí thức yêu nước nổi tiếng bởi tài năng và đức độ, là tấm gương sáng bởi khí phách Nho sĩ và sự thẳng thán, cương trực, vì vậy ông đã nhận được sự yêu mến của đồng bào trong nước, các văn nghệ sĩ trí thức và sự khâm phục của bạn bè quốc tế. Trong số những nhà khoa học vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I chỉ còn có hai người còn sống. Đó là GS.VS Nguyễn Văn Hiệu – Nhà vật lý nguyên tử hàng đầu Việt Nam và GS Toán học Hoàng Tụy – Cha đẻ của Lý thuyết Tối ưu toàn cục. 
Tuổi thơ nhiều nước mắt
Tuổi thơ tôi có rất nhiều nước mắt. Năm chưa đầy 4 tuổi, bố tôi mất. Mẹ tôi cùng với người anh cả là Hoàng Dư phải đứng ra nuôi dạy 8 anh chị em. Anh Dư tôi là một trí thức cùng tốt nghiệp với ông Đặng Thai Mai và là bạn thân suốt đời với ông Cao Xuân Huy. Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm Hà Nội, anh tôi về dạy ở Quốc học Vinh và do tham gia các phong trào yêu nước của các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh nên bị cách chức, phải vào Sài Gòn dạy trường tư. Tôi theo anh tôi qua Nha Trang, vào Sài Gòn được hơn một năm thì trở về quê học tại làng Bảo An, một làng có rất nhiều những nhà văn hoá lớn như các ông Phan Khôi, Phan Thanh (Ông cụ thân sinh ra ông Phan Diễn - Uỷ viên Bộ Chính trị hiện nay). Một số thày dạy ở đây sau này cũng là những nhà văn, nhà thơ, giáo sư nổi tiếng như nhà thơ Khương Hữu Dụng, GS Lê Trí Viễn... Tôi cũng không hiểu tại sao một làng nhỏ ở miền quê hẻo lánh lại có thể hội tụ được những người thày như vậy và lại có chất lượng tốt như vậy. Phải nói tuổi thơ tôi nghèo khổ nhưng rất may là được học trong ngôi trường tuyệt vời với những người thày tuyệt vời. Chính các thày đã hun đúc trong tôi một niềm say mê vô hạn và nuôi dưỡng trong tôi những hoài bão về khoa học từ thủa ấu thơ. Điều đáng trân trọng là các thày còn nuôi dưỡng trong chúng tôi lòng yêu nước và tinh thần tự tôn dân tộc rất lớn. 
Trận ốm “phát tiết tinh hoa”
Học hết tiểu học ở trường làng, tôi ra Huế thi vào Quốc học. Thật tình lúc đó, tôi rất ít hi vọng. Thế nhưng thật bất ngờ, tôi đỗ khá cao, xếp thứ 14/150 người đỗ và học cùng khoá với ông Trần Hoàn (sau này là Bộ trưởng Bộ VH - TT). Hai năm đầu, tôi học rất bình thường. Rất nhiều khi thầy Nguyễn Dương Đôn chỉ cho tôi 9-10 điểm/20 điểm. Thế nhưng lần nào trả bài, thầy cũng động viên tôi. Hết năm thứ hai, tôi về quê và ốm một trận thập tử nhất sinh, nằm liệt giường mấy tháng nên phải nghỉ học cả năm. Đã có lúc mẹ tôi tưởng không còn hi vọng, nhưng rất may tôi được một thày lang là con ông cậu đến châm cứu cho tôi khoảng hơn một tuần thì khỏi. Điều ngạc nhiên là người ta sau khi đau ốm thường ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển mọi mặt nhưng với tôi thì ngược lại, chính trận ốm đó đã có sự biến đổi, ảnh hưởng rất lớn đối với tôi sau này. Dạo đó, anh Dư tôi có để ở nhà một số sách khoa học tự nhiên các lớp trung học. Những ngày  dưỡng bệnh, tôi thường lấy ra tự học nên đến khi đủ sức khoẻ trở lại trường thì tuy học tụt xuống mất một năm nhưng tôi tiến bộ vượt bực, thường đứng nhất nhì lớp. Năm sau, tôi được học lại thầy Nguyễn Dương Đôn và thầy rất ngạc nhiên trước sức học của tôi. 
Không may thời gian này, tôi ốm đau liên miên nhưng bù lại việc học rất tốt nên kết quả thi cử khá cao. Tôi được hội đồng giáo sư nhà trường khen ngợi về môn toán và được trao học bổng toàn phần trị giá 12 đồng Đông Dương. Ngày đó, đây là số tiền rất lớn vì có 3 xu một bát phở, ăn trọ cả tháng mới hết có 4 đồng bạc. Thế nhưng  do sức khoẻ quá kém nên tôi phải bỏ quốc học, ra học trường tư Thuận Hoá do cụ Tôn Quang Phiệt hồi ấy làm hiệu trưởng. Rất may ở đây, tôi lại được học văn thầy Nguyễn Đức Nguyên ( sau là nhà phê bình văn học Hoài Thanh) và toán thầy Nguyễn Văn Bổng (sau này là nhà văn nổi tiếng).
Chiến dịch “đi tắt đón đầu”
 Sang năm thứ 4 cao đẳng tiểu học, tôi không thích học với ông thày dạy Pháp văn nên xin cụ Tôn Quang Phiệt sang học lớp do ông Cao Xuân Huy dạy Pháp văn. Sợ rối loạn trường lớp nên cụ Phiệt từ chối. Sau đó, tôi chuyển sang học trường Việt Anh, nơi thày Nguyễn Thúc Hào dạy toán. Tại đây, nghe lời khuyên của các ông anh, tôi nhảy 2 lớp, thi luôn vào năm thứ hai tú tài. Thế là trước đây, tôi học muộn một năm và bây giờ thành ra lại học sớm được một năm. Do cách học ‘tắt” này, tôi đã phải rất cố gắng. Cuối năm 1944, tôi thi tú tài lần 1. Rất bất ngờ là dù không chờ đợi nhiều nhưng tôi đỗ thứ 3.    
Mùa hè năm 1945, tôi về quê tham gia một số hoạt động chuẩn bị khởi nghĩa và đến tháng 3/1946, tôi ra Huế học thi tú tài toán học. Do thời gian gấp nên tôi học toán như... người đọc tiểu thuyết. Thế nhưng cũng may là tại kỳ thi này, tôi đỗ đầu. Sau khi nhận bằng tú tài, suốt mấy tháng hè, tôi đi dạy học kiếm tiền để ra Hà Nội học tiếp. Vừa vào học trường Cao đẳng khoa học thì Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, tôi lại về quê tham gia kháng chiến. Vì vậy thực chất, tôi chỉ được học đại học khoảng 2 tháng.
Ông Trưởng ban tu thư... 27 tuổi
Năm 1947, tôi vào Quảng Ngãi dạy ở trường Trung học Lê Khiết. Trường Lê Khiết cũng là ngôi trường lạ. Học trò tôi ngày ấy có những người sau này là nhà văn nổi tiếng như các anh Nguyên Ngọc, Phan Tứ. Năm 1951, tôi được tin anh Lê Văn Thiêm từ Pháp về mở lại đại học ở Việt Bắc nên tôi xin ra Việt Bắc để học. Đến đây, tôi được biết trường chỉ dạy chương trình 2 năm đầu đại học mà nội dung này tôi đã tự học nên tôi được cử sang dạy ở Khu học xá T.Ư, khi đó đóng ở Trung Quốc. Tại đây, tôi đã tự học tiếng Nga để đọc sách toán Nga. Cuốn toán Nga đầu tiên tôi mua được là một cuốn sách về “Hàm thực”. Chính vì cuốn sách đó mà sau này, tôi đã gắn bó với môn hàm thực.
Năm tôi 27 tuổi (1954), tôi được gọi về Bộ Giáo dục làm Trưởng Ban trù bị cải cách giáo dục. Sau này, nhiều khi tôi rất ngạc nhiên vì thời đó mới có chuyện tin tưởng lớp trẻ chứ như bây giờ thì chắc rất khó khăn. Tháng 3/1955, chúng tôi bắt tay vào biên soạn chương trình, làm sách giáo khoa và đúng 5 tháng sau, toàn bộ chương trình và sách giáo khoa đã làm xong, in xong để kịp đầu tháng 9 khai giảng.  Làm xong công việc này, năm 1956, tôi chuyển sang dạy toán ĐH Tổng hợp và ĐH Sư phạm Hà Nội. Năm 1957, tôi được cử sang Liên Xô thực tập nhưng sau đó, tôi đã hoàn thành luận án Phó tiến sỹ. Trước tôi, đã có các anh Đào Thế Tuấn, Nguyễn Cảnh Toàn có học vị này.
Những ngày buồn
 Thời kỳ khó khăn nhất trong đời tôi là quãng thời gian từ 1963 - 1968 mà nguyên nhân là những quan điểm khác nhau về khoa học. Ngày đó, ta có chủ trương ưu tiên cho một số cán bộ là công nông đi học. Thế nhưng có một số người lại hiểu ưu tiên đồng nghĩa với việc nâng điểm, cấp bằng và đi du học. Anh Lê Văn Thiêm, tôi và một số nhà khoa học khác có quan điểm nâng đỡ là tạo cho họ những điều kiện để họ nâng cao kiến thức chứ không phải là nâng điểm, cấp bằng bừa bãi. Việc cử người đi học nước ngoài cũng phải là những người có năng lực thực sự. Tuy nhiên, một số người không đồng tình với quan điểm đó. Vì thế, hoạt động của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Những buổi kiểm điểm, phê bình, đấu tranh liên miên làm chúng tôi rất mệt mỏi và buồn.
Lời nhắn gửi của một nhà khoa học
Tôi là người vừa may vừa không may. Tôi may mắn vì được sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học, khi đi học được theo học những người thầy tài năng và tâm huyết nhưng không may là bố mất sớm và sức khoẻ yếu. Những năm sau này, cái không may là môi trường khoa học không phải lúc nào cũng thuận lợi nhưng lại may là cuối cùng cũng đạt được một số kết quả. Thế nhưng có lẽ cái may lớn nhất là tôi không bao giờ quên khoa học và biết chỉ có khoa học mới là lĩnh vực mình phục vụ hiệu quả.
Với các bạn trẻ, tôi nghĩ muốn đạt được ước mơ của mình thì trước hết phải có lòng say mê và say mê liên tục. Tài năng rất cần nhưng không đủ. Đối với khoa học nói chung, đối với môn toán nói riêng rất cần sự lao động quên mình.
 BOX: Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng trái tim đầy nhiệt huyết của ông vẫn luôn cháy bỏng tình yêu nước và trách nhiệm của người trí thức với dân tộc, với nhân dân. Trăn trở về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, ông đã hơn một lần thốt lên: “Bệnh giả dối đang có nguy cơ trở thành mối nhục lớn trong khi truyền thống dân tộc Việt Nam không phải là dân tộc giả dối… Thế nhưng đã có hơn một nhà khoa học nước ngoài nói thẳng với tôi rằng điều thất vọng lớn nhất mà ông ta cảm thấy là sự giả dối đang bao trùm lên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội ở các tầng nấc”. 
Hà Nội 2007