Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CẦM Ô

Nguyễn Vĩnh
Thứ tư ngày 21 tháng 10 năm 2009 1:34 AM

(hay điểm “khuyên tròn” cho giới blogger)
 
Hôm qua đọc bài “Bàn về chuyện cầm ô”, tôi có ý “bàn theo” mấy câu với tác giả, nhà văn Trần Kỳ Trung.
Bởi đây không phải là lần đầu tiên ý kiến này xuất hiện trên diễn đàn mạng. Theo tôi nhớ, đã mấy lần chủ đề “cầm ô” từng được bàn trên một số trang mạng cá nhân. Và tại trannhuong.com, ngoài bài vở, ông chủ Website này còn cho post một tranh biếm họa về chủ đề cầm ô mà ý nghĩa phê phán khá là sâu sắc.
Chưa kịp góp lời thì thấy bữa nay ti-vi chiếu cảnh các vị lãnh đạo ta đều đã cầm lấy chiếc ô tự che mưa cho mình khi vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh (trước khi bước vào khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 12).
Cảnh những người lãnh đạo cấp cao tự cầm ô che cho mình đáng lẽ cũng là “chuyện bình thường” thôi. Hay nói là hình ảnh đó “đã trở lại bình thường” thì cũng được.
Nhưng do ở ta lâu nay có chuyện lễ tân nhiều khi xếp đặt để người phục vụ cầm ô che nên mới có những điều đáng nói đáng bàn.
Đồng ý là về khía cạnh ngoại giao giữa hai quốc gia với nhau, khi một người lãnh đạo được quy định ở một cấp cao nào đó trở lên, sẽ được chủ nhà đón tiếp chào mừng với nghi thức quốc lễ chẳng hạn. Vậy gặp lúc mưa to nắng lớn - chủ nhà muốn để hai tay vị khách (trong trường hợp nào đó thì cả chủ đón tiếp nữa) không bị vướng bận, sẽ thoải mái bắt tay hoặc ôm hôn ai đó bắt gặp - thì việc có người cầm ô che là hiểu được.
Tuy nhiên ở các nước phương Đông ta, do gốc gác nặng chất phong kiến - “che ô che lọng” nghênh ngang khi xưa – nên lâu nay có xu hướng áp dụng đại trà.
Ở nước ta chúng ta thấy nhiều cuộc đi lại thăm thú có tính chất nội bộ, là công tác hằng ngày của người lãnh đạo phải làm (đi xuống địa phương, về cơ sở…) cũng cứ thấy cảnh một người mạnh khỏe đuổi theo vị lãnh đạo cầm chiếc ô che mưa che nắng (lại có lúc trời không nắng, không mưa là mấy cũng bày vẽ ra). Dân trông thấy, nhất là lên ti-vi, thì thật chướng và phản cảm.
Cấp trung ương đã vậy, ngay với các cấp địa phương cũng lác đác thấy người ta vẽ ra các trò ô dù này.       
Chính những lẽ đó đã làm cho dư luận không đồng tình với cái cách đã diễn ra lâu nay.
Mặt khác nếu ta chịu khó quan sát nước ngoài người ta đón khách, thì nay các quy định lễ tân cũng đã ít nhiều bị “vượt qua” ở rất nhiều điều quy định cổ điển.
Như nhà văn Trần Kỳ Trung nêu là bà ngoại trưởng Clinton. Ngoài chi tiết bà tự giương ô che cho mình dưới trời mưa tuyết ở sân bay Matxcơva hôm thăm nước Nga vừa rồi, tôi còn thấy bà ngoại trưởng tự tay cụp lấy chiếc ô, cầm gọn trên tay rồi nhẹ nhàng bước lên xe ô-tô ra đón bà (bà Clinton cũng đã 63 tuổi).
Nên nhớ ở Hoa Kỳ, ngoại trưởng trong nhiều cảnh huống lễ tân, được xếp ở vị trí thứ hai đất nước, chỉ đứng sau tổng thống.
Nói vậy để thấy khi sắp xếp các hoạt động, các chuyến đi cho lãnh đạo ta, người được nhà nước giao trách nhiệm lễ tân nên có cách tiếp cận mới và động về vấn đề đã nêu.
Nghĩa là chúng ta đừng ỷ vào các quy định đã cũ, cũng đừng nói rằng nước này nước kia nó thế. Mà phải bằng thực tiễn, bằng những quan sát và kinh nghiệm thu được và nhất là bằng chính đời sống đang diễn ra trên đất nước mình mà đưa ra những quy định thích hợp, nương theo lòng dân mong muốn.
Quay lại chuyện lãnh đạo ta đã cầm lấy ô che cho mình mà tôi nêu trên đây.
Đến lúc này tôi thực sự không hiểu có tác động gì không của các lời bàn và nhắc nhở trên các trang mạng cá nhân?
Để thật khách quan, xem có phải tác dụng của dạng góp ý trên mạng này không, tôi kiên nhẫn vào mạng, tìm đọc tới vài chục tờ báo có phiên bản online. Cũng đọc hết cả 4 – 5 tờ báo điện tử cỡ lớn nhất của nước ta đều không tìm thấy một bài nào tin nào góp ý dạng đó. Ngay cả loại bài nói gần nói xa về câu chuyện cầm ô cũng đều không có. Thậm chí các trang gọi là “Ý kiến bạn đọc” của báo cũng không có bài loại này.
Chưa dám coi mình là đã biết hết mọi việc, tôi cẩn thận điện thoại hỏi về chuyện đó tới mấy anh bạn cũng từng là các “ông trùm” báo chí một thời (có người làm quản lí, có người trực tiếp làm ở các báo), tất thảy đều “says No” với tôi. Tức là không một tờ báo chính thức nào có loại bài hoặc góp ý đại thể về chuyền cầm ô che cho lãnh đạo như vậy.‎
Nếu thực sự như thế, ít nhất trong trường hợp này, các trang thông tin cá nhân trên mạng internet xứng đáng được nhân dân thưởng một khuyên tròn.
Thế là trong một thời gian không dài lắm, nhiều sự việc được nêu trên các trang thông tin cá nhân, trên blog… đã được các cơ quan công quyền xem xét đến. Và tạo ra chút chuyển biến trong hành động, trong ứng xử theo hướng tiếp thu tích cực.
Phát huy nó tôi nghĩ chúng ta hãy tiếp tục góp ý bằng tất cả thiện chí và tinh thần xây dựng. Đương nhiên cần tới dũng khí. Để trước hết vượt qua được những húy kỵ đôi khi chính là do chúng ta dựng lên.
Nguyễn Vĩnh