Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhà văn của Thăng Long

Như Bình
Thứ ba ngày 23 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
  

hspace=12Ở tuổi 85, những điều nhà văn Siêu Hải nung nấu bao lâu nay về lịch sử văn hóa dân gian Hà Nội, về cuộc sống và con người Hà Nội đã hoàn thiện bản thảo của cuốn “Hoa Nhài Thượng kinh” sẽ xuất bản năm 2009, nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội. “Hoa nhài Thượng kinh”, được rút ý từ câu “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. “Hoa nhài Thượng kinh” giới thiệu với bạn đọc những hồi ức của nhà văn về vùng đất Thăng Long Hà Nội mà ông được chứng kiến, chiêm nghiệm

Bạn đọc biết đến nhà văn Siêu Hải lần đầu tiên với ký sự “Voi đi” được in trên Tạp chí Văn nghệ Sông Thao năm 1949. Đến nay, đã tái bản 15 lần. Khi đó ông đang công tác trong trung đoàn pháo binh. Đam mê nghiệp viết nhưng mơ ước lớn nhất đời của ông lại là trở thành họa sĩ. Nhưng do điều kiện chiến tranh ông đã không thực hiện được ước mơ của mình. Tuy thế, dọc đường hành quân ông vẫn tranh thủ phác họa cuộc sống sinh động của người dân vùng kháng chiến. Có thể coi ông là một họa sĩ, một văn sĩ và một chiến sĩ...

Suốt thời gian trong quân ngũ ông đã đóng góp cho nền văn học nước nhà cả tiểu thuyết, truyện ngắn, ký sự, lịch sử pháo binh, ký sự lịch sử, truyện danh nhân, tản văn và tiểu luận quân sự... Nhiều nhà nghiên cứu về lịch sử quân đội Việt Nam (nhất là lịch sử của binh đoàn pháo binh) vẫn coi ông là một trong những nhân chứng sống, một trong những “mỏ vàng” tư liệu của lịch sử kháng chiến vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Thế nhưng, người ta không chỉ biết đến Siêu Hải với những tác phẩm mang đậm tính chiến trường mà ông đã từng sáng tác mà người ta còn biết đến một Siêu Hải như một nhà nghiên cứu, một nhà văn hóa, một nhà văn của kinh thành Thăng Long nhờ vào bộ ba tiểu thuyết về Thăng Long: Mảnh trăng Tô Lịch, Bóng chiều Thăng Long, Nắng kinh thành (bộ ba tiểu thuyết này đã được nhận giải thưởng Thăng Long của UBND thành phố Hà Nội năm 1998). Tôi đến khu tập thể Nghĩa Đô thăm ông vào một ngày đầu đông. Ông giản dị trong một đồ bộ đội và chiếc mũ lưỡi trai cũ. Ông gầy và quá nhỏ bé với những gì tôi tưởng tượng về một vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn Pháo binh oai nghiêm. Tuổi già, bệnh tật không còn cho ông sức vóc như xưa nữa. Ông bảo, mắt của ông bây giờ không đọc được chữ nữa rồi, kém lắm, đeo kính mà cũng chả đọc được chữ. Thế nhưng ông lại mở rất chính xác những trang tài liệu mà ông cần tìm khi muốn giới thiệu với tôi. Trước khi kể về chuyện văn chương của mình ông kể chuyện cuộc sống, đó là mối tình thâm giao giữa ông với đại tướng Võ Nguyên Giáp, người đồng đội già trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Từng tấm ảnh ông chụp với gia đình tướng Giáp trong những chuyến thăm viếng khác nhau được lật giở. Đó là tình bạn thâm giao của ông với nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, là sự chân tình của nhà thơ Tố Hữu khi viết thư động viên ông tham gia viết thật nhiều... Nhưng ấn tượng nhất với tôi đó là mẩu thư nhỏ (viết trên tấm các - vi - dít) của cố nhạc sĩ Văn Cao hỏi vay nhà văn Siêu Hải... tiền. Mẩu thư không dài, chỉ có mấy chữ. Góc trên cùng bên trái ghi tên Văn Cao: Địa chỉ 100 Yết Kiêu. Nguyên văn bức thư viết: “Anh Siêu Hải thân! Tôi mua lại cái xe của anh Tài để cháu đi mà anh Tài phải đi gấp. Hiện nay tôi còn thiếu 200 đồng. Nhuận bút phải chờ nên vay anh nếu sẵn. Xin thanh toán trong vòng nửa tháng. Ký tên: Văn”.

Khi nhìn lại mẩu thư ấy, nhà văn Siêu Hải ngậm ngùi: Hồi đó tôi cũng khổ lắm, nhưng Văn Cao còn khổ hơn, còn suýt mất cả bản quyền bài Quốc ca đấy. Mà tôi không nhớ nhiều được những niềm vui, lại cứ hay nghĩ đến những nỗi buồn...
Tôi hỏi ông về hoàn cảnh ra đời của bộ ba tiểu thuyết về Thăng Long, ông bảo. Những năm đầu năm 1980 ông bắt đầu nghỉ hưu, về nhà rồi nung nấu mình sẽ viết một cái gì đó về cuộc kháng chiến chống Pháp vĩ đại, nhất là chiến dịch Điện Biên Phủ. Bởi vậy, ông bắt tay vào viết tiểu thuyết Điện Biên Phủ. Tiểu thuyết là tất cả tâm huyết của ông dành cho những người đã làm nên chiến tích vẻ vang của dân tộc. Nhưng sau khi viết xong có một số trục trặc nên ông quyết định không cho xuất bản. Lúc đó ông mới có hơn năm mươi tuổi, nên nghĩ phải tiếp tục viết một cái gì đó cho “ra hồn”. Ông chợt nghĩ đến gia đình dòng dõi 12 đời ở kinh thành Thăng Long. Những tư liệu do tổ tiên ông để lại từ đời này qua đời khác ghi chép chi tiết những việc xảy trong dòng họ, những biến cố của đất Thăng Long cũng như những nề nếp của kinh thành những năm trước. Từ khát khao phục dựng lại những gì dòng họ tổ tiên để lại bằng ngòi bút sinh động của mình ông đã lần lượt cho ra đời bộ ba tiểu thuyết kéo dài suốt từ thế kỷ 18 đến giữa thế kỷ 20.

Khi nói đến bộ tác phẩm này ông nhà văn giàrất tâmđắc khi kể về việcđặt tên chotác phẩm. Cuốn đầu tiên có tên Mảnh trăng Tô Lịch được dựng lên trong bối cảnh xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷ 18, đó là số phận chìm nổi của nhân vật qua các biến cố dưới đời vua Lê Cảnh Hưng (1740- 1786) cuộc đại phá quân Thanh của nghĩa quân Tây Sơn đến sau cái chết của Quang Trung - Nguyễn Huệ. Cuốn thứ 2 mang tên Bóng chiều Thăng Long: Mô tả thành Thăng Long dưới triều các vua Nguyễn suốt từ đầu thế kỷ 19 đến khi giặc Pháp vào đô hộ nước ta rồi hai lần thành Hà Nội thất thủ. Cuốn thứ 3 mang tên Nắng kinh thành, mô tả sâu sắc về sự thống khổ của nhân dân Hà Nội dưới thời thuộc Pháp. Đó là nỗi đau của người dân một nước nô lệ và sự soi rọi của Đảng Cộng sản Việt Nam cùng cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Riêng trong cuốn này, nhà văn Siêu Hải mô tả nhiều đến cuộc sống nô lệ của người dân Hà Nội, đến những khó khăn và cả những nỗi nhục của những người dân mất nước. Cái “ánh nắng” mang đến kinh thành Thăng Long đó chính là ánh nắng của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo. Tuy không viết nhiều về sự ra đời cũng như phong trào giải phóng dân tộc (chỉ 1 chương cuối cùng) nhưng đã mở ra một thứ ánh sáng diệu kỳ không chỉ cho người dân Hà Nội mà toàn dân tộc Việt Nam, đó là ánh sáng của tự do, của độc lập, ánh sáng của hạnh phúc và chính nó là ánh sáng của một dân tộc kiên cường bất khuất bao trùm suốt lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Rất nhiều nhà phê bình văn học và bạn đọc khẳng định, chỉ cần với bộ ba tiểu thuyết ấy thôi, nhà văn Siêu Hải đã trở thành nhà tiểu thuyết văn hóa Hà Nội. Thậm chí có rất nhiều độc giả sau khi đọc xong tiểu thuyết của ông đã rất tâm đắc và gửi thư chúc mừng. Những điều ông nung nấu bao lâu nay về lịch sử văn hóa dân gian Hà Nội, về cuộc sống và con người Hà Nội thì ông đã và đang tiếp tục viết. Đó là tập Trăm năm chuyện Thăng Long Hà Nội (NXB Thanh Niên 2004) và hiện nay ông đã hoàn thiện bản thảo của cuốn Hoa Nhài Thượng kinh sẽ xuất bản năm 2009 nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

Hoa nhài Thượng kinh, được rút ý từ câu Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An. Hoa nhài Thượng kinh sẽ giới thiệu với bạn đọc những hồi ức của nhà văn về vùng đất Thăng Long Hà Nội mà ông được chứng kiến, chiêm nghiệm. Đó là nói về chữ ăn, về cách mặc, về cách sống, cách giáo dục con cái của người Hà Nội... Tuy tuổi đã cao (ông sinh năm 1924) và công việc viết lách ông phải đọc cho người khác viết nhưng ông vẫn khát khao viết, khát khao trải lòng mình cho những trang sách để thế hệ hôm nay hiểu thêm về cuộc sống và một khía cạnh của lịch sử Thăng Long hôm qua.

Nguồn: SK&DS
Ảnh: Nhà văn Siêu Hải (bên trái)