Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhận diện thơ đồng bằng sông Cửu Long

Võ Tấn Cường
Chủ nhật ngày 21 tháng 12 năm 2008 12:00 AM

Xác định danh tính và vị thế của nhà thơ không thể dựa vào không gian địa lý và vị trí xã hội của nhà thơ. Ý thức về cái tôi, ý thức về thẩm mỹ và tư tưởng cùng với sự chế tác ngôn từ qui định tầm vóc của nhà thơ. Theo tôi không nên xác định nhà thơ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hoặc thơ ĐBSCL… Người ta có thể định danh cho một loại trái cây dựa vào tên của một vùng đất thế nhưng không thể định danh cho nhà thơ hoặc một nhóm nhà thơ dựa vào một vùng đất. Bởi lẽ, dù sinh ra và sống gắn bó máu thịt  với một vùng đất, trong mỗi nhà thơ đều hàm chứa phẩm chất của nhân loại và con người nói chung.  

Theo tôi ở ĐBSCL chỉ có những nhà thơ với những phong cách thơ cụ thể chứ chưa định hình một khuynh hướng, một trào lưu hoặc một phong trào thi ca. Thơ của các tác giả ĐBSCL không bị sa vào hũ nút, tăm tối và bí hiểm. Tuy nhiên, cái thiếu của thơ ĐBSCL chính là ý thức triết học và ý thức thẩm mỹ của các nhà thơ. Nhiều bài thơ hao hao như một đoạn nói lối trong bài ca cổ. Tính ước lệ, cảm xúc uỷ mị và cái đẹp phổ biến xuất hiện trong nhiều bài thơ của các tác giả ĐBSCL. Phạm trù, biên độ thẩm mỹ qúa hẹp nên thi ca chỉ quanh quẩn với cái đẹp ước lệ, sáo mòn. Chiều sâu thẳm của cái tôi trữ tình chưa được khai thác, đào sâu. Mối giao hòa giữa tâm thế nhà thơ và hiện thực xã hội cũng chưa được khai thác đúng mức.  

Thơ ĐBSCL chưa tạo được một trào lưu, khuynh hướng và chưa xuất hiện nhiều phong cách thơ độc đáo. Một số nhà thơ đã tạo được phong cách thơ độc đáo có thể kể đến như: Lê Chí với những bài thơ giàu chất suy tư mang tính thế sự và ngôn ngữ thơ tự do, khỏe khoắn, co duỗi linh hoạt; La Quốc Tiến với tư duy thơ vạm vỡ, giàu tính nhân văn, hướng về vẻ đẹp của đời thường; Phạm Hữu Quang với tư duy thơ mê đắm và phóng khoáng; Lê Ái Siêm với tư duy thơ giàu tính trữ tình, sâu lắng hòa quyện với tính triết luận của tư duy thơ hiện đại; Kim Ba với những bài thơ mang vẻ đẹp tâm linh của con người vùng ĐBSCL với bao trăn trở, suy tư trước biến động của thời đại; Vũ Hồng với những bài thơ mang vẻ đẹp hào phóng, sâu lắng của tâm hồn con người và vùng đất Nam Bộ; Huỳnh Thúy Kiều với hồn thơ mê đắm, phóng khoáng và trữ lượng thơ mạnh mẽ, dồi dào, thể hiện mối giao hòa gắn bó máu thịt giữa hồn người và hồn đất vùng ĐBSCL; Vương Huy với những bài thơ hướng về cái đẹp trong cõi siêu hình nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm nhân thế…vv…Điểm danh đội ngũ sáng tác thơ ở ĐBSCL có thể kể đến các nhà thơ, tác giả thơ như: Lê Hà, Trịnh Bửu Hoài, Song Hảo, Đinh Thị Thu Vân, Nguyễn Lập Em, Thai Sắc; Trần Ngọc Hưởng, Thanh Vũ, Cao Thoại Châu, Hồ Thanh Điền, Lê Hoàng Dũng, Lá Me, Trần Công Tùng, Trần Thị Ngọc Hồng, Trần Đỗ Liêm, Phạm Nguyên Thạch, Trần Hữu Nghiễm, Tô Nhược Châu, Lâm Tẻn Cuôi, Cát Hoàng, Trần Thế Vinh, Lê Thanh My, Hữu Nhân, Trần Công Tạo, Huỳnh Kim, Phạm Chí, Nguyễn Chi, Nguyễn Thạnh, Vũ Tuấn, Phạm Bội Anh Thuyên, Tuấn Khanh, Trương Công Thuốt, Nguyễn Đăng Khương, Võ Mạnh Hảo, Trương Trọng Nghĩa..vv…  

Hầu như ở ĐBSCL chưa tạo được một diễn đàn văn học hoặc diễn đàn thơ nghiêm túc. Các nhà thơ gặp nhau chủ yếu để tán gẫu, kể chuyện giai thoại và bù khú nên chai rượu chứ không phải để tranh luận, đối thoại về thi ca hoặc tư tưởng. Sự biệt lập về ý thức thẩm mỹ và tư tưởng khiến các nhà thơ ĐBSCL thiếu sự đào luyện, trui rèn về phong cách sáng tạo và ý thức thẩm mỹ. Đây là một trong những nguyên nhân sâu sa khiến thơ vùng ĐBSCL có vẻ lạc lõng, chưa hòa nhập với thi ca hiện đại của dân tộc. Các nhà thơ ĐBSCL cần đào luyện và tạo dựng một hệ thống ý thức triết học, quan niệm sáng tác và quan niệm thẩm mỹ riêng. Quan niệm thẩm mỹ trong ca nhạc tài tử và vọng cổ không thể vận dụng vào thi ca bởi vì cái ước lệ và uỷ mị có nguy cơ tổn hại đến cái đẹp của thi ca. Sự phóng khoáng, chịu chơi và hào hiệp của con người tài tử Nam Bộ chỉ là chất liệu của bài thơ chứ không thể hình thành nên tính cách và tầm vóc tư tưởng của nhà thơ. Theo tôi, các nhà thơ ĐBSCL cần mở rộng không gian sáng tạo, hướng cảm hứng và tư tưởng đến các trào lưu, trường phái thơ như: ấn tượng, tượng trưng, siêu thực, hậu hiện đại, tân hình thức để khai thác thủ pháp sáng tạo nhằm tạo dựng những phong cách thi ca độc đáo.

V.T.C  

Nguồn:Phongdiep.net