Nhà văn Nguyễn Đình Thi sinh ngày 20 tháng 12 năm 1924 tại Luang pra băng Lào. Quê quán làng Vũ Thạch nay là phố Bà Triệu, Hà Nội. Cụ thân sinh là một viên chức ngành bưu điện lo toàn bộ việc thông tin của tỉnh Luang pha băng với chính quyền trung ương. Cụ bà là một phụ nữ gan góc, một doanh nhân tài ba, là sợi dây tình cảm quan trọng nối gia đình ở tận cố đô biên giới tây Lào nước Lào với quê hương xứ sở. Nhưng năm đầu đời Nguyễn Đình Thi sống với bố mẹ ở Lào. Ông cụ một công chức được đào tạo kỹ lưỡng song lại yêu say văn học nghệ thuật. Trong phòng làm việc và nơi ở của cụ ông treo la liệt các loại đàn dân tộc: đàn tam, đàn tứ, đàn nguyệt và các loại đàn tây như ghi ta, ác coóc đê ông, kèn ắc mô ni ca v.v. Gia đình cụ trở thành nơi sinh hoạt âm nhạc, văn học Việt của bà con Việt kiều sinh sống với số lượng không đông ở Luang pra bang. Những buổi tối sinh hoạt văn hoá của những người dân Việt ở xa Tổ Quóc đã tác động sâu sắc đến tình cảm của Nguyễn Đình Thi góp phần hướng ông đến văn học nghệ thuật sau này.
Lên bảy tuổi, Nguyễn Đình Thi cùng mẹ về nước bằng ngựa, bằng thuyền theo đường Tây Bắc Lào, Tây Bắc Việt Nam, qua cửa khẩu Tây trang, qua đèo ở ô qui hồ, qua Sa Pa, Lao Cai về sống ở Hải Phòng. Ông học ở Hải Phòng rồi lên học trường Bưởi Hà Nội. Ông thi vào đại học đứng đầu toàn cõi Đông Dương. Học ban triết ở đại học Luật.
Nguyễn Đình Thi hoạt động cách mạng trong văn hoá cứu quốc và bắt đầu sáng tác từ sớm. Năm 1944 mới 20 tuổi ông đã thuyết trình trong sinh viên về văn hoá dân tộc, về ca dao dân ca. (Những bài nói chuyện này, có bài đã được giữ lại in trong tập phê bình tiểu luận của ông). Ông kéo đàn ắc coóc, hát các bài tự sáng tác tuyên truyền cách mạng trong học sinh, sinh viên. Ông đã bị mật thám bắt ngay tại lớp học trong trường Bưởi và bị tra tấn rất dã man trong nhà tù hoả lò.
Ở Nguyễn Đình Thi con người hoạt động cách mạng và con người sáng tạo nghệ thuật luôn đi liền với nhau, gắn bó với nhau, bổ sung cho nhau. Thế hệ của ông và bản thân ông tất cả tinh hoa, trí tuệ, tình cảm và tài năng đã hiến dâng cho cách mạng, phục vụ cho thắng lợi của cách mạng. Ông hoạt động cách mạng từ năm 1941. Từ năm 1943 tham gia Hội Văn hoá cứu quốc, phụ trách báo Độc lập, tham gia toà soạn báo Tiền Phong. Là đại biểu tham dự Quốc dân đại hội Tân Trào. và đựoc cử vào Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam. Sau cách mạng tháng Tám ông là đại biểu Quốc hội khoá I (1946-1958), năm 1945 làm Tổng thư ký Hội văn hoá cứu quốc. Uỷ viên Tiểu ban dự thảo hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà. Bản hiến pháp đầu tiên của chế độ mới. Nguyễn Đình Thi là uỷ viên Ban thường vụ Quốc hội phụ trách phó thư kỷ của uỷ ban (theo sách lịch sử Quốc hội xuất bản năm 2006).
Trong kháng chiến chống Pháp ông hoạt động văn hoá văn nghệ phục vụ kháng chiến. Ông vào bộ đội khoác ba lô đi các chiến dịch Vĩnh Yên, Phú Thọ, về đồng bằng Liên khu Ba và đặc biệt đã đi chiến dịch Bắc Lào, chiến dịch Điện Biên Phủ. Những năm gian khổ mà hào hùng của dân tộc, ông sáng tác trường ca âm nhạc bất hủ Người Hà Nội, viết thơ Người chiến sĩ, tiểu thuyết Xung kích. Ông là uỷ viên Ban chấp hành Hội văn nghệ từ năm 1948. Làm tổng thư ký Hội văn nghệ Việt Nam (từ năm 1956 đến 1968) từ năm 1958 làm Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (các khoá I, II, III và là Tổng thư ký Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Những năm cuối đời ông làm Chủ tịch Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam.
Nguyễn Đình Thi gánh vác công việc của cách mạng và sáng tác suốt dọc hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc chống Pháp và chống Mỹ. các tác phẩm nổi tiếng của ông: Diệt phát xít, Người Hà Nội (âm nhạc), tập thơ Dòng sông trong xanh và các tập thơ về cuối đời đậm chất triết học của con người triết nhân như tia nắng trong cát bụi, sóng reo.... Về văn xuôi như Vỡ bờ (hai tập), Mặt trận trên cao, tập truyện ngắn Tuyết. Về kịch như : Con nai đen, Hoa và Ngần, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Rừng trúc, Tiếng Sóng Hòn cuội v.v.
Trong con người Nguyễn Đình Thi trách nhiệm công dân - người lãnh đạo và trách nhiệm nghệ sĩ vừa gắn bó máu thịt, vừa phân định rạch ròi. Có thể nhìn rõ ở ông sự trung thành tuyệt đối với lý tưởng cách mạng và con đường cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng con người Đảng đã vạch ra. Và cũng có thể nhìn thấy ở ông lý tưởng nghệ thuật chân chính luôn cưa quậy, đòi được nói mở, đổi mới, hướng tới nghệ thuật chân chính, vĩnh cửu.
Chính vì thế có thể hiểu và giải thích được Nguyễn Đình Thi đã đổi mới văn học từ rất sớm và ông là một trong số ít các nhà văn hàng đầu mắc các tai nạn văn chương. Từ đầu thập kỷ 60 thế kỷ 20 (từ năm 1962 Nguyễn Đình Thi đã tự đổi mới thế giới nghệ thuật của mình. Ông viết vở kịch Con nai đen từ cốt truyện Ả rập. Vở kịch bị phê phán dữ dội. Chính nhờ cái tâm sáng, và tấm lòng với cách mạng và sự quan tâm của lãnh tụ Hồ Chí Minh mà ông thoát khỏi một vấn nạn lớn. Ông tiếp tục đổi mới kịch với Rừng trúc và Nguyễn Trãi Đông Quan. Với các vở kịch này danh nhân văn hoá Đặng Thai Mai lúc đó là chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam đã nhận xét: Nguyễn Đình Thi đang viết những tác phẩm rất quan trọng của văn học chúng ta. Ông tiếp tục bị phiền toái vì những vở kịch này cũng như phiền toán về bài thơ Cách mạng (có người đã mắng ông: một người có vị trí như anh mà đi viết những cái lăng nhăng bài thơ này đã được Tổng bí thư Đảng lúc đó, đồng chí Nguyễn Văn Linh khen)
Vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan của ông đã được chọn đứng trong 100 vở kịch hay của thế giới. Có thể ghi lại một nhận xét của một người Hunggari khi làm tiến sĩ về kịch Nguyễn Đình Thi như sau: với vở Rừng trúc, kịch Nguyễn Đình Thi đã đứng ngang hàng với các vở kịch cổ điển hay của Châu Âu.
Với những đóng góp xuất sắc của Nguyễn Đình Thi cho cách mạng và cho văn học nghệ thuật, Đảng, Nhà nước đã quyết định tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho ông, ghi nhận công lao của ông đối với dân với nước. Hôm nay từ diễn đàn này, từ trự sở Hội Nhà văn Việt Nam các nhà văn, các văn nghệ sĩ chúc mừng ông, tôn vinh ông.
Tất cả chúng ta xin được chia sẻ niềm vui với gia đình và dòng tộc nhà văn Nguyễn Đình Thi.