Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hồn quê đâu rồi

Nguyễn Quang Lập
Thứ ba ngày 23 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
 
 

Mình có 10 năm sống ở làng Đông từ năm 65 đến năm 75 thế kỉ trước, có thể nói toàn bộ bộ kí ức tuổi thơ của mình là ở nơi đây.

Làng Đông lạ lắm, giống như một rẻo đất Nam Bộ rơi xuống một huyện phía bắc Quảng Bình, có mai vàng ngày tết, có rặng trâm bầu phía sau làng chim chóc tha hồ, và cánh đồng ngầu bùn non sục đến tận bẹn, đầy tôm cá. Người ta nói cơm làng Xá cá làng Đông cũng vì thế.

Cá ở đây nhiều đến nỗi con nít chín mười tuổi như mình cũng bắt được cả rổ cá như thường. Nhớ mãi chiều mùa hạ năm lớp ba, mình đang đi trên bờ ruộng, nghe tiếng lóc bóc trong ruộng lúa nếp, nhảy xuống ruộng bỗng đứng ngây ra, cứ trong mỗi hố chân đọng nước là một con cá rô hoặc cá lóc. Bắt hết cá trong ruộng lúa nếp được một gánh đầy.

Thành thử tết nhất ở đâu lo cá thịt chứ làng Đông chả lo, thiếu lúa thiếu khoai không ai thiếu cá. Ngày hăm tám hăm chín tết vác vó, đem nơm ra đồng, cất cất nơm nơm chừng hơn một tiếng là có thừa cá ăn ba ngày tết. Bây giờ kể lại cho chính con nít làng này chúng nó cũng chả tin.

Hầu như nhà nào cũng có mai vàng trồng trước sân, ngươi ta chơi mai cây trồng, trong nhà chỉ vài bình hoa lay ơn, cúc, lan… chiếu lệ, chủ yếu vẫn đua nhau chăm chút cây mai chờ đến ngày tết.

Khách đến nhà, ai nấy đều dừng lại ngắm nghía, thế nào cũng có vài lời bình phẩm cây mai chủ nhà, coi như lời chúc tết đầu năm. Người nói chà, mai lắm lộc hè, ra năm làm ăn hanh thông đây. Người nói thế mai hay lắm, nhìn cái thế biết nhà này dứt khoát đắc tài, đắc lộc. Người nói trời gộc mai hay quá, thế chân kiềng, phúc phận nhà này vững lắm vững lắm.

Ấn tượng nhất là cây mai nhà thằng Diệp. Nó cao chừng 2 mét, tán hình mâm xôi, đường kính 3 mét, ngày tết hoa nở rộ, vàng tươi, nhìn xa như mâm xôi vàng vĩ đại, đẹp vô cùng. Người ta nói nhà nó giàu nhất làng vì có cái mai đẹp nhất làng.

Bọ thằng Diệp chết, cây mai cũng tàn rồi chết luôn, nhà nó từ đó cũng làm ăn sa sút.

Ngày tết cứ đi dọc làng, hễ thấy nhà nào không có cây mai  hoặc  mai xấu, già cỗi, tàn lụi thì biết chắc nhà đó thiếu đói, cấm có sai.

Ba mình không thích mai, ông kiên trì trồng đào, trồng cây nào chết cây đó, suốt mười năm ba mình kiên trì trồng đào chẳng cây nào chịu ra hoa, nhà mình mười năm luôn ở tình trạng nợ nần chồng chất. Nghĩ cũng lạ quá.

Ngày tết người lớn ở trong làng, trẻ con rủ nhau kéo cả ra sau làng, áo mới tung tăng đùa nghịch tha hồ dưới rặng trâm bầu, hết đánh đu kéo co lại cướp cù đá bóng, vui lắm. Mệt thì chui vào các gốc cây trâm bầu, nằm dang chân dang tay, ngửa mặt ngắm những con chim sâu bé tí hinh nhảy nhót lách chách, hoặc leo trèo tìm hái những quả trâm bầu chín tím mọng, bỏ mồm nhai nhóp nhép.

Người ta nói rặng trâm bầu làng Đông là cái tổ chim của trời. Nhiều loại chim tụ cả về đây. Chim sẻ, chim chào mào năm nào cũng kéo nhau về. Có năm chúng nó về hằng hà sa số, cây trâm bầu nào cũng có vài trăm con đậu bám. Nếu có ai đó nổ vài phát súng, chim giật mình bay túa lên đen đặc cả bầu trời.

Ba ngày tết con nít tíu tít trên cát, chim chóc rối rít trên đầu, chưa thấy ai chụp ảnh vẽ tranh về cảnh ấy, tiếc vô cùng.

Nhưng nơi tụ hội vẫn là đình làng. Đình làng Đông to lắm, con nít ôm cột đình không xuể, cao bốn, năm mét, toàn gỗ lim, chạm nổi rồng bay phượng múa rất đẹp. Sân đình rộng mênh mông, hơn bốn nghìn mét, lát đá xanh đẽo phẳng lì. Nó là một ngôi đình nổi tiếng, được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp nhà nước, có cái chuông đúc từ năm 1875 to bằng cái bồ, chỉ cần chui đầu vào lòng chuông hà hơi mạnh một cái, chuông cũng rung lên.

Đình làng nằm phía sau làng, dưới rặng cây dẻ trắng. Cây dẻ trắng khác hẳn cây dẻ rừng, thân trắng như cây bạch dương, cao lớn gấp mấy cây dẻ rừng, nhiều cây cao vút mấy chục mét, thẳng từ gốc cho đến ngọn, đình làng nhờ thế mà quanh năm mát rượi.

Năm 1966 bệnh viện anh hùng huyện Quảng Trạch sơ tán lên đây, nhà văn Bùi Hiển đã sống trong rừng dẻ trắng này cả tháng trời để viết cuốn Ở một bệnh viện. Nhà thơ K.Ximonop đem đoàn làm phim Nga về đây để quay phim Nỗi khổ đau này đâu phải của riêng ai, nhiều buổi trưa hè ông đã ngủ ngon lành dưới tán cây dẻ trắng. Bây giờ đọc lịch sử đình làng chẳng thấy ai nhắc, toàn nhắc  mấy chuyện họp chi bộ đầu tiên, nghị quyết đầu tiên cả mà thôi, hu hu.

Tết đến, ngày cũng như đêm đình làng không bao giờ ngớt người. Từ 23 tết chuông kêu trống đánh mõ gõ rộn ràng, ngày thì hội thi nấu cơm hội cúng thần hoàng hội vật, đêm thì hát bội hát bài chòi hát đối- văn nghệ mừng xuân mừng Đảng.. Rồi thì cờ tướng chọi gà đánh đu, rồi thì vật tay kéo co múa võ…vui cực.

Trai gái chơi sân đình chán thì lén gọi nhau ra rừng dẻ trắng, từng đôi từng đối quấn lấy nhau quanh các gốc cây, ngày thì tỉ tê khóc khóc cười cười, đêm thì âu yếm ve ve vuốt vuốt, mê ly con cà cưỡng.

Ba mươi mấy năm rồi hễ nhớ tới làng Đông, thể nào kí ức về rừng dẻ trắng cũng chiếm mất một nửa. Hồi đó còn bé, chưa biết yêu đương gì, chỉ bò hết gốc cây này sang gốc cây khác nhìn trộm đã đời luôn, he he.

Tết năm ngoái cu Vinh ( Nguyễn Quang Vinh) lái ô tô chở về thăm làng. Mình đem cả ba đứa con về, cho chúng nó thăm cái làng mà tết năm nào mình cũng kể cho chúng nó nghe với bao nhiêu háo hức.

 Vừa tới cổng làng đã thấy lành lạnh, mới mồng hai tết đường làng đã vắng hoe. Đi dọc đường làng không thấy có ai dựng nêu trồng mai. Cây cối chết đâu cả, xưa đường rợp bóng cây giờ trơ con đường đất sét, lơ thơ vài cây phi lao.

Sau làng rừng dẻ trắng mất tăm không dấu tích, chỉ còn thưa thớt những khóm trâm bầu lúp xúp nằm im lìm trên cát, không một tiếng chim kêu, im lặng như một nấm mồ.

Cái đình làng vắng tanh, lạnh ngắt, bốn bức tường quét vôi trắng xóa, viết ngoệch ngoạc dăm bảy câu khẩu hiệu. Cái chuông đồng  không còn. Bây giờ người ta chỉ tụ họp đình làng chào cờ sáng mồng một, xong rồi ai về nhà nấy. Chẳng biết người ta cất cái chuồng đồng  đi hay là bị ắn cắp mất rồi.

Cây đa đầu làng đứng lặng câm giữa hoang vắng, nó đã quá già, lơ thơ vài chiếc lá vàng trên những cành khô. Ngày xưa nơi đây những trưa mùa hạ đầy trẻ con chơi, người làm đồng về dừng chân nghỉ ngơi, đứng ngồi chuyện trò rôm rả, bây giờ không một bóng người. Đường ra đồng đã đổi khác, cây đa đành phải đứng trơ.

Ba cái giếng làng cũng thế, nơi trai gái tụ họp hẹn hò những đêm trăng, nơi những buổi chiều trẻ con quây quần tắm táp, bây giờ chẳng ai vãng lai. Nền giếng lở lói, nước giếng vàng khè, có lẽ nước nhiễm bẩn không ai dám dùng nữa.

Bốn cha con đứng buồn thiu giữa sân đình đầy nắng, làng vẫn còn đó, không đói nghèo không rách rưới nhưng cây đa giếng nước sân đình thì xong om. Vẫn rất nhiều người giàu sang phú quí, nhưng hồn vía của làng thì đã mất rồi, mất từ lâu lắm rồi.

Mình vào thăm nhà anh mẹt Vân, anh dọn ra đĩa thịt kho nhắm rượu, nói tết nhất không có con cá cúng ông bà.. đau lắm, muốn có cá phải xuống Ba Đồn mua mà tiền thì không có. Mình nói không lẽ đồng làng mình cá chết hết sao, anh cười buồn nói chết hết, mai chết, cá chết, chim chết, trâm bầu dẻ trắng chết.

Mình nói chết hết thật hả anh, anh gật đầu hậc lên một tiếng, nói ừ chết hết em ạ, chỉ còn trơ khấc một đống người với một mớ khẩu hiệu nữa thôi.

Hu hu

  (Bài sẽ đăng báo Du lịch số xuân