Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Ngôi mộ liệt sĩ thứ 20 có hài cốt

Dương Đức Quảng
Thứ ba ngày 23 tháng 12 năm 2008 12:00 AM
 
  
 
 

Ở nghĩa trang liệt sĩ xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, có 82 ngôi mộ, nhưng có tới 62 ngôi mộ không có hài cốt liệt sĩ. Những ngôi mộ ấy có đầy đủ tên họ liệt sĩ nhưng hài cốt của liệt sĩ còn nằm đâu đó trên khắp mọihspace=16 miền đất nước mà suốt mấy chục năm nay gia đình liệt sĩ chưa tìm được.Ngôi mộ thứ 20 trong nghĩa trang liệt sĩ này hai năm trước đã tìm được hài cốt liệt sĩ từ Quảng Ngãi mang về và câu chuyện tìm được hài cốt liệt sĩ đầy ắp tình người.

Từ những dòng nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm Hơn ba chục năm, từ ngày nhận được giấy báo tin em trai là Nguyễn Văn Bối hy sinh tại chiến trường miền Nam, bà Nguyễn Thị Vượng, một giáo viên hưu trí, nhà ở Ngõ Chợ Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội, vẫn canh cánh trong lòng vì chưa tìm được phần mộ của người em. Bà còn nhớ như in, năm 1969, trước ngày Bối lên đường vào chiến trường miền Nam, bà lên Trúc Sơn, Chương Mỹ thăm em trai. Nguyễn Văn Bối là lính đặc công, đêm nào cũng giã lá khoai lang lấy nước trộn với nhọ nồi bôi đen cả mặt để tập luyện, một, hai giờ sáng mới về, dội nước ùm ùm tắm rửa. Thế mà chỉ hơn một năm sau, gia đình nhận được tin Bối hy sinh. Qua một số bạn cùng nhập ngũ với Bối kể lại, gia đình chỉ biết đầu năm 1970, Bối bị thương và được đưa vào điều trị tại Bệnh xá của bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm ở Quảng Ngãi, sau đó bặt tin. 

Giữa năm 2005, sau khi Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm được xuất bản và phát hành rộng rãi, bà Vượng bồi hồi đọc trong nhật ký của chị Thuỳ Trâm những dòng sau đây: “Ngày 16-6-1970. Đọc những dòng nhật ký của Bối, một cậu học sinh trẻ quê ở Phú Xuyên, Hà Tây, mình cảm thấy xao xuyến trong lòng. Tâm sự của Bối cũng là tâm sự của mình. Chúng mình đang sống trong những ngày căng thẳng tột bậc. Bệnh xá đã bị đánh phá, địch tiếp tục uy hihspace=16ếp dữ dội bằng đủ loại máy bay. Nghe tiếng máy bay quần trên đầu mình thấy thần kinh căng thẳng như một sợi dây đàn lên hết cỡ...”.  
Đọc những dòng trên đây, bà Vượng đinh ninh chị Thuỳ Trâm viết về em trai mình. Bà cùng chồng là ông Trần Văn Tố và hai con tìm bằng được địa chỉ để đến thăm gia đình liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, hy vọng qua gia đình có thể biết thêm thông tin về em trai mình.
Trong khi đó, gia đình liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm cũng đã nhiều lần về Phú Xuyên, Hà Tây để tìm anh Bối, hy vọng anh còn sống để hỏi thêm thông tin về chị Thuỳ Trâm, nhất là mong biết được rõ hơn về sự hy sinh của chị. Bởi vì, sau khi viết những dòng trên về anh Bối, bốn ngày sau chị Thuỳ Trâm để lại những dòng cuối cùng trong cuốn nhật ký của mình. Lúc đó chỉ còn chị và 5 thương binh nặng, cố định, tại Bệnh xá, còn những người khác đã rút về tuyến sau và đi lấy gạo cho thương binh; không biết sau đó chị hy sinh như thế nào. Song, chỉ với một chi tiết “Bối, một cậu học sinh trẻ quê ở Phú Xuyên, Hà Tây”, không có họ của Bối và không có cả địa chỉ làng xã quê anh ở Phú Xuyên nên gia đình chị Thuỳ Trâm không tìm được.
Mẹ và các em của chị Đặng Thuỳ Trâm rất cảm động trước cuộc đến thăm bất ngờ của vợ chồng bà Vượng và các con. Bà Doãn Ngọc Trâm, mẹ liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm và các em chị Thuỳ Trâm hứa biết được thông tin gì về anh Bối sẽ báo tin ngay cho gia đình ông bà Vượng biết.

Nấm mộ vô danh gần nơi chị Đặng Thuỳ Trâm hy sinh Tháng 4-2006, Rob (Robert Whitehurst), một cựu binh Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, anh trai của Fred (FredricWhitehurst), viên sĩ quan quân báo của quân đội Mỹ tại Quảng Ngãi trước đây, người đã gìn giữ và trao trả lại nhật ký của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm cho gia đình, trở lại Việt Nam lần thứ hai, sau lần đầu cùng em trai sang Việt Nam tháng 8-2005. Hôm cùng chị Đặng Kim Trâm, em gái liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm vào được con dốc trong rừng Ba Tơ, Quảng Ngãi, nơi chị Thuỳ Trâm hy sinh, thật bất ngờ Rob nhìn thấy dấu tích của một nấm mộ vô danh mới được phát hiện, chỉ cách chỗ chị Thuỳ Trâm ngã xuống hơn 100m. Hài cốt trong ngôi nộ đã được cất bốc về nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ. Về Mỹ, Rob lái ô tô vượt quãng đường gần 2000 km từ nhà lên Washington DC, thủ đô Mỹ, vào Trung tâm lưu trữ Quốc gia Hoa Kỳ, lục tìm hồ sơ, tài liệu mà quân đội Mỹ để lại, hy vọng tìm được tin tức về người liệt sĩ vô danh trong nấm mộ mới phát hiện gần nơi chị Thuỳ Trâm hy sinh. Trong số 3,5 triệu hồ sơ, tài liệu về chiến tranh Việt Nam còn lưu giữ tại đây, Rob đã tìm được một bản báo cáo tối mật của một đơn vị thuộc quân đội Mỹ, nội dung như sau: “Báo cáo thực địa Thời gian : từ 001 giờ ngày 22.6.1970 đến 24.00 ngày 22.6.1970.
17h20 : Đại đội D, toán 24, trong khi tuần tra tại toạ độ 770. 306 phát hiện 4 người từ toạ độ 770.305 di chuyển dọc đường mòn về phía họ. Toán 24 nổ súng giết chết một phụ nữ, những người còn lại chạy thoát về phía Đông Nam, một người đàn ông bị giết cách xác người phụ nữ 150 m. Hai người còn lại thoát khỏi đường mòn và mất hút. Toán 24 kiểm tra khu vực vào thời điểm này. Người đàn ông 20 tuổi, tóc dài, quanh tai cạo trắng. Đeo một khẩu súng ngắn của Bắc Việt, có chứng minh thư với dấu vân tay, nhật ký, vài tờ giấy có ghi chép và nhận xét  của đơn vị đặc  công 403”.
Ngoài ra, Rob còn tìm thấy một bản báo cáo khác, cũng ghi ngày 22-6-1970, do Alvin W.Lotz ký, cho biết: sau khi khai thác các giấy tờ, tài liệu thu được trên xác người phụ nữ và người đàn ông bị toán tuần tra 24 của Mỹ bắn chết trên đây, quân Mỹ xác định người phụ nữ là bác sĩ Đặng Thuỳ Trâm và người đàn ông là Nguyễn Văn Bối, sinh năm 1950 tại làng Phú Yên, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây, nhập ngũ ngày 22-5-1969, chiến sĩ thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 403, bộ đội địa phương tỉnh Quảng Ngãi.
Rob đã gửi email cho chị Đặng Kim Trâm, kèm theo bản chụp các báo cáo nói trên của quân đội Mỹ mà Rob đã tìm thấy. Nhân được tin này, chị Đặng Kim Trâm vội báo tin cho vợ chồng bà Nguyễn Thị Vượng. Vợ chồng bà Vượng vô cùng xúc động, nghĩ ngay đến việc vào Quảng Ngãi đón em mình về quê.
Người anh rể và chiếc túi đựng hài cốt em vợ Bố mẹ bà Nguyễn Thị Vượng sinh được năm người con thì bốn là gái, chỉ có người con út Nguyễn Văn Bối là trai. Sau khi Nguyễn Văn Bối hy sinh vài năm, mong muốn có con trai “nối dõi”, bố bà Vượng gá nghĩa với một người phụ nữ khác quê và sinh thêm được một người con trai, nay 32 tuổi. Hiện hai người chị gái của bà Vượng đã mất, người chị còn lại già yếu, đã 79 tuổi. Năm 1977 mẹ bà Vượng mất, ba năm sau bố cũng qua đời. Trước khi mất, bố mẹ bà chỉ có một ước nguyện là làm sao tìm được hài cốt của con trai Nguyễn Văn Bối để đưa về nghiã trang liệt sĩ quê nhà.
Ông Trần Văn Tố, chồng bà Vượng, là cựu binh, nhập ngũ từ năm 1966, khi hai người mới kết hôn. Sau ngày chiến thắng, ông Tố là thương binh, trở về xum họp với gia đình mà trong lòng bùi ngùi vì cậu em vợ mãi mãi không về. Suốt hàng chục năm nay ông canh cánh trong lòng vì chưa tìm được phần mộ của em vợ mình, chưa thực hiện được lời trăng trối của bố mẹ vợ với vợ chồng ông trước khi các cụ đi xa. Ngoài nỗi đau đó, vợ chồng ông còn chịu một nỗi đau to lớn, không dễ gì chia sẻ cùng ai. Do hậu quả chiến tranh, ông bà sinh được 6 người con, thì ba người bị tật nguyền. Cháu trai đầu tiên bị bệnh não, không nói được. Cháu trai thứ ba thần kinh bất ổn, đã mất. Cháu gái thứ năm xinh đẹp nhưng lại bị câm điếc... Vì thế, ông coi việc tìm được hài cốt của em vợ như là một nghĩa vụ tâm linh, không những làm nhẹ lòng vợ chồng ông mà còn làm nhẹ lòng cả những người còn sống. Nhận được thông tin từ gia định liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, tháng 12- 2006, ông Trần Văn Tố đi cùng gia đình liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm vào Quảng Ngãi dự lễ khánh thành Bệnh xá Đặng Thuỳ Trâm mới được xây dựng và cũng để xác minh thông tin thật chính xác về ngôi mộ của em vợ mình. Ông vào tận Khe nước lạnh trong rừng Ba Tơ, lấy chiếc thước dây mang theo, đo khoảng cách từ ngôi mộ mới được phát hiện tới nơi chị Thuỳ Trâm hy sinh, thấy cách nhau 143m (trong báo cáo của quân Mỹ là khoảng 150m!). Ông lên tận “Bản ông Hào” của đồng bào dân tộc Hơre, gặp từng người dân địa phương để hỏi thêm thông tin về cái chết của người em vợ. Ông đau đớn biết rằng trước khi chết em vợ mình là thương binh cụt một chân, sau khi bị quân Mỹ bắn chết còn bị chúng cắt cổ!... Ông được mọi người cho biết, hài cốt nằm trong nấm mộ vô danh mới được phát hiện gần nơi chị Thuỳ Trâm hy sinh, khi quy tập không ai biết tên liệt sĩ nên đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Cường vẫn nằm trong một ngôi mộ liệt sĩ vô danh!
Sau lần vào Quảng Ngãi ấy, tháng giêng năm 2007, ông Trần Văn Tố cùng Nguyễn Văn Tặng, người em trai vợ sau này, vào Phổ Cường cất bốc hài cốt anh Bối để đưa về quê. Hôm cất bốc hài cốt anh Bối, ông Bí thư huyện uỷ Đức Phổ và nhiều bà con ở xã Phổ Cường cũng có mặt. Khi bốc cốt, ông Tố xót xa vì hài cốt của em vợ không còn nguyên vẹn, đúng như lời kể của mọi người về cái chết của em vợ mình. Ông chỉ tìm được một ống xương chân của anh Bối! Lẫn trong hài cốt anh Bối còn lại, có một chiếc dép cao su và có cả hai chiếc đầu đạn súng M.16 đã giết chết anh! Ông Tố cùng anh Tặng cẩn thận gói từng mẩu di hài của anh Bối trong một tấm vải điều, kín đáo để vào một chiếc túi du lịch mang theo từ Hà Nội. Sáng hôm sau, ông già thương binh gần 70 tuổi này giành với người em đi cùng để được  khoác chiếc túi du lịch đựng hài cốt anh Bối, đi bộ hàng cây số, dấu không để lái xe biết, đón ô tô dọc đường về quê. Suốt hai ngày hai đêm, ông không rời chiếc túi một phút. Những lúc quá buồn ngủ, mặc dù có người em ngồi bên cạnh, ông vẫn kín đáo lấy sợi dây buộc chiếc túi vào người mình, đề phòng chiếc túi bị mất trộm!
Ngày 24-01-2007, tức là ngày 6-11 âm lịch 2006, anh Nguyễn Văn Bối trở về với quê hương. Chiếc tiểu đựng hài cốt của anh được phủ quốc kỳ trong buổi lễ cảm động và trọng thể do Đảng uỷ, Uỷ ban nhân dân, gia đình và bà con nhân dân xã Phú Yên tổ chức để đưa anh về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

Nghiêng mình trước anh linh liệt sĩ
Ngày 2-12-2008, một sự trùng hợp lạ thường, đúng ngày 6-11 âm lịch sau hai năm anh Nguyễn Văn Bối trở về quê hương, tôi được cùng ông bà Trần Văn Tố, Nguyễn Thị Vượng, vợ chồng Hiền Trâm, Kim Trâm (là các em của liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm), đưa Rob và một người bạn từ Mỹ mới sang, về thắp hương tưởng nhớ liệt sĩ Nguyễn Văn Bối. Trước ngày sang Việt Nam lần thứ ba, kể từ năm 2005, để cùng Neil Alexander, một nhà quay phim Mỹ làm bộ phim tài liệu về liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm do Rob viết kịch bản, Rob gửi email cho chị Đặng Kim Trâm và cho tôi, nhờ chúng tôi thu xếp để trong chuyến trở lại Việt Nam lần này được đến thăm gia đình và thắp hương trước mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Bối.
Nhìn Rob cúi đầu thắp nhang trước mộ anh Nguyễn Văn Bối, nấm mộ thứ 20 trong số 82 nấm mộ ở Nghĩa trang liệt sĩ xã Phú Yên có hài cốt mới tìm được, tôi nhớ lại những giọt nước mắt của Fred và của Rob trong lần đầu tiên đứng trước mộ liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm ở Nghĩa trang liệt sĩ Từ Liêm cách đây gần 4 năm....
Xin nghiêng mình trước anh linh các liệt sĩ/.

************

 
Ảnh: 1- Liệt sĩ Nguyễn Văn Bối
        2-  Trước mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Bối ở Nghĩa trang xã Phú Yên
(Từ trái sang: Neil, Rob, chị Đặng Kim Trâm, ông Trần Văn Tố,chị Đặng Hiền Trâm

Cập nhật ( 22/12/2008 )