Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỐI THOẠI VỚI TRƯỜNG SƠN

Hoài Dương
Thứ tư ngày 14 tháng 10 năm 2009 12:20 AM

(Đọc trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông –NXB Văn Học,2009)
 

     ấn tượng ban đầu của tôi về Trường ca Trường Sơn của Nguyễn Anh Nông là không thích, thứ nhất vì ngay cái tên mà theo tôi, lẽ ra chỉ cần hai tiếng Trường Sơn là đủ(**), thêm vào hai chữ Trường ca vừa lặp âm (trường) vừa mất đi tính hàm súc gợi mở cần thiết; thứ hai vì đọc ở mục lục thấy có lời cầy cầu, lời con đường… là không sáng tạo bởi ở trường ca Biển của Hữu Thỉnh cũng đã có lời của sóng, lời của đảo…và gần đây. trong tiểu thuyết Rừng thiêng nước trong của Trần Văn Tuấn cũng có các tên chương là lời của dòng sông,lời của gió…rồi. Nhưng càng đọc kỹ vào  bên trong thế giới hình tượng của tác phẩm thì ấn tượng ấy dần mất đi, mặc dù nó có lý. Điều gì đáng đọc, đáng suy ngẫm ở trường ca này?
1. Thi phẩm là bản hợp âm của lời. Viết về Trường Sơn đã có quá nhiều người đi theo lối tả thực, lối tả hiện thực khách quan của một điểm nhìn. Cứ viết theo cách này sẽ không tránh khỏi lặp,mòn sáo, Nguyễn Anh Nông chọn cách bộc lộ cảm xúc của nhiều người, tức có nhiều trường nhìn cùng hướng về một đối tượng. Do vậy tác phẩm là sự đa giọng, tôi gọi là sợ hợp âm của lời. Năm chương đầu là lời của người lính trở về Trường Sơn thăm chiến trường xưa, giọng hồi tưởng tự hào vẫn là chủ âm nhưng xen nỗi ngậm ngùi nhớ tiếc: Con đường dang dở hôm nao/Em ơi, gồng gánh biết bao vui buồn/ Bài ca mưa nắng xanh tuôn/ Máu xương đồng đội mạch nguồn núi sông.Không nhớ sao được vì kỷ niệm sống chết của một thời trai trẻ, không tiếc sao được vì mình thì còn sống mà bao đồng đội chung một chiến hào chung một niềm vui.. đã nằm lại. Đến chương VI là sự tái hiện bước hành quân của người lính thời đánh giặc, được diễn tả qua câu thơi hai chữ và cách sử dụng rất nhiều thanh trắc với âm vực cao để nói về sự khó khăn vất vả mệt nhọc.có đoạn toàn thanh trắc: Gió thốc/Nắng sém/ Tóc cứng/ Miệng khát / Họng rát/ Mắt chói/ Bụng đói…Rồi tiếp đó là lời một người con, lời một nhà thơ, lời căn hầm dã chiến, lời cây cầu tạm, có cả lời của kẻ đào ngũ..kể về ngày hôm qua và lời một em bé, lời một già làng ở ngày hôm nay. Rất nhiều giọng vang lên mang sắc thái quan niệm suy nghĩ khác nhau nhưng điều châu tuần về một Trường Sơn thiêng liêng, không đơn thuần là một địa danh, mà đó là lịch sử, là ý chí, là niềm tin…của một thời đánh giặc, để tạo lên một tổng phổ về Trường Sơn. Chính đặc điểm này đã tạo ra chất đối thoại rất rõ của tác phẩm.
2. Điểm tự chủ yếu của cảm xúc là văn hóa đại ngàn Trường Sơn.   Đây là trường ca về chiến tranh nhưng không trực tiếp nói đến chiến tranh nên âm hưởng anh hùng ca không phải là âm hưởng chủ đạo. Nó không thể lấy những trận đánh, những cảm hứng đầy dũng khí đánh giặc làm cái tứ để triển khai hình tượng và biết tìm đến một điểm tựa vững chãi thích hợp là văn hóa. Đây là một lựa chọn thông minh. Chúng ta thắng giặc, có nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân cơ bản, chủ yếu là nhờ chúng ta có một nền văn hóa rất đáng tự  hào. Không chỉ nhờ sức mạnh hôm nay để chiến đấu mà còn được tiếp sức từ Vạm vỡ ngực trần Đam san/  Dịu dàng ánh mắt Hơ Nhí..từ Mái nhà rông ngân nga tiếng chiêng… từ rượu cần vít cong niềm vui/ Lời khan ủ men thấp thỏm… hình như nhờ được dinh dưỡng từ văn hóa ấy mà con người khỏe mạnh , sống giữa thiên nhên:Quờ tay gặp ánh trăng/ Vơ vào lòng gió nắng…
3. Có chất thơ, cảm xúc, có dư âm. Thể loại trường ca là một cuộc hôn nhân đẹp của thơ và truyện, thơ thì phải có chất thơ (không nên đổi mới quá đà như có trường hợp hôm nay đưa văn xuôi vào quá nhiều làm mất đi chất thơ), truyện tức là có câu chuyện, cốt là truyện.Xương sống của trường ca là truyện, thịt da của trường ca là thơ. Chất thơ trong thơ Nguyễn Anh Nông thường thấy ở câu thơ bảy chữ: Trường Sơn dằng dặc xôn xao nắng/ Mây trắng nghìn năm cứ phập phồng… không mới, không đặc sắc nhưng có duyên. Gợi được cảm xúc từ trường ca là hình ảnh nén hương trầm của người yêu còn sống trong ngày giỗ người yêu đã chết, là hình ảnh cánh bướm hồn trinh nữ… dư âm ở những chi tiết gợi nhớ về quá khứ, đừng quên quá khứ như lời cây cầu ngậm ngùi vì hôm nay chỉ là cục sắt chơ vơ chẳng ai để ý trong khi ngày hôm qua là anh hùng…
4. Đây là một trường ca gợi nghĩ tuy nó vẫn còn vụng về ở cách dùng chữ, đặt câu thông thường. Có cái gợi nghĩ của nó là nhờ đề tài, nhớ cái tình của người viết và nhất là nhờ cách biết tạo ra một hợp âm của lời vọng vào người đọc.
                                                                          H.D (N.T.T)
Chú thích:
(*)Bài đăng tạp chí Văn nghệ Quân đội(703) 10.2009
(**) Trường ca của Nguyễn Anh Nông có tên là Trường Sơn, chứ không phải là “ Trường ca Trường Sơn” có thể do cách trình bày bìa, hoạ sĩ trình bày chưa tách bạch, nên tác giả Hoài Dương suy luận “ nhầm lẫn” chút chăng?
                                       Người chú thích: Kim Diệu Hương