Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỌC NHỮNG TRANG KÝ VÕ ĐẮC DANH

Phan Đình Minh
Chủ nhật ngày 18 tháng 10 năm 2009 11:14 AM
 
Ba tập bút ký “Nỗi niềm U-Minh hạ”, “Đồng cỏ chát” và “Thế giới người điên” thật ấn tượng. Nhận sách của Danh, và lời dặn “Đọc ban đêm”. Y ý, tôi chỉ dành đọc khuya khoắt và thường cầm theo sách khi đắm mình thôn quê ừng ực nước mưa bể nước mưa nhà; rượu nút lá chuối với cá rô đồng bắt dưới ao nướng bằng rơm nhà, khói vã cả nước mắt; ngồi trong tán ổi hằng hà quả chín mà đọc.
Văn nệ: chuyện, cái tầm, ngôn từ, ở chi tiết, ở sự gợi, sự sang, cái thật, cái đau... những câu văn bay cuốn, thuôn thuốt, xót... loang kín “Đứa con nuôi” 2700 từ, “Hai mươi năm gánh ốc giữa Sài Gòn” 2400 từ; “Đất lên, tình người xuống”1800 từ; Chuyện cũ; Người mẹ chưa được tôn vinh; Thà đui mà giữ đạo nhà...; “Giữa hai dòng nước” 7000 từ; “Nồi cháo trắng” 2400 từ; “Nơi ấy bây giờ”  22500 từ...  Vấn đề gai góc, tính xã hội và đời... đời lậm lụi, vơi vạt, đời chênh chao hiện hữu, đời đáng để cho đời cô, sắc mà thờ cúng. Dầu Nam hay Bắc. Dầu trong “Thế giới người điên”. Giống cả thôi. Đời bị người đời lợi dụng, bị ăn uống, đập phá, tranh giành, bị bỏ rô bỏ trê quá! và có lúc đời được vinh danh chói loá trong ứng xử của một sinh viên, của ông lão nhà văn, của nghệ sỹ, một bệnh nhân, của một cựu cô giáo, của một... hoài niệm quê, cả việc bật dậy kiếp người quăng quật..., khùng mà chả khùng, đui mà sáng rỡ... hiện lên ở đây, ở kia trong ký Võ Đắc Danh.
Mạo muội. Ký của Võ Đắc Danh bứt phá cam go về thể hiện; vấn đề thể hiện; nhẹ, mỏng như mây mà hoăn hoắt gai bồ kếp, trình trịch như chì lưng trời. Thưởng thức hết sẽ thấy. Đọc Nỗi niềm U Minh hạ, Đồng cỏ chát và Thế giới người điên ta nghẹt lại như đang dấn trong vô vàn xung đột: quá khứ, hiện tại; vinh quang, cay đắng; truyền thống, lỗi lầm; cao cả, tầm thường; giá trị với giá trị; đối diện hay trốn chạy; của nả hiện hữu và thứ báu vô hình... đạo đức và vô đạo đức... Võ Đắc Danh chất chứa, gạn gữu, dàn mỏng rồi lại cuộn tròn trong những trang văn ký vốn khắc nghiệt về lề luật bằng cách kể, cách nhìn rất Nam bộ để cuối cùng người thưởng thức bật lên một tiếng: Hay, hoặc nhậm nhịm xoa tay khoé mắt mình.
Nói Võ Đắc Danh mê chơi tranh sơn dầu, dùng mầu mạnh và rất sậm, đúng mà không đúng. Ngỡ ăn sóng, nói gió nhưng thấy nhiều lúc nhẹ nhàng, thoang thoảng nhưng lem lẻm cật nứa. Quan trọng vẫn là tiếp cận vấn đề. Suy cho cùng nhà văn chỉ có sứ mạng truyền tải thông tin. Vốn dĩ cuộc sống ngồn ngộn, ăm ắp lắm rồi. Truyền ra sao thôi. Cảm văn Võ Đắc Danh tôi thấy cái tạng sâu thẳm Võ Đắc Danh xứ Ngoài (có thể không đúng nhận xét một số người và cả với tác giả. Xin cho là mạo muội). Hoài cổ, tinh tường, đau đáu,... Võ Đắc Danh viết về chính mảnh đất sinh ra mình hay hơn rất nhiều viết chỗ khác, dù viết cái nơi mình đã sống ba chục năm nay. Có nhà văn nói: về làng, xắn miếng đất là ra một tiểu thuyết. Quả không sai, những thứ viết về mảnh đất chôn nhau, về những điều thương khó, những thân phận quê không làm sao quy hoạch được cuộc đời mình thực sự rất trơn và hay hơn bất kỳ những thứ viết ở chỗ ở tạm này. Điều kỳ diệu đó nhiều năm cầm bút mà tôi không sao ngộ, giõi ra, và tôi bắt gặp trong văn Võ Đắc Danh.
Khi viết những dòng này thì tập ký mới có tựa “Canh bạc” của Võ Đắc Danh đang đổ chữ, và tôi đọc ngay khi anh mail bản thảo tới. Vì là bản thảo nên gặp Ký nào là tôi đọc chứ không theo trình tự được tác giả sắp xếp theo tập. Đây cũng là ưu ái bạn hữu thân thiết Võ Đắc Danh dành cho. Tôi lại bị bất ngờ. Vẫn bút pháp ấy nhưng đằm, và dụng công hơn. Không sai cảm nhận như ba tập ký trước, tập này nâng lên về chất, mọi cái được làm mịn để toàn mỹ hơn trong cách kể, cách thể hiện tạo hiệu quả tốt nhất đến độc giả. Có nhiều đoạn ký ở “Mẹ tôi”. “Rạ rơm của tuổi dại khờ”. “Văn chương hạ giới”. “Nặng nợ với trầu cau”... thăng hoa. Rất hay “... mẹ tôi phải ra đồng từ lúc hừng đông cho đến khi hàng xóm lên đèn, tấm thân gầy lần mò trên bờ mẩu giữa tiếng nhái bầu đồng thanh một khúc nhạc buồn trên đồng nước bao la khi trời chạng vạng. Đêm đêm, tôi ngủ bằng điệu ru của tiếng ống bả chấp chân trong căn nhà dột nát, mẹ phải che cho tôi bằng những tấm lá chầm” - Mẹ tôi. “... chị mặc bộ bà ba màu đen, cái dáng cao cao,... từng cơn gió lùa qua, chị nghiêng vành thúng, lúa hột tuôn xuống, lúa lép bay bay, bụi rơm bay bay, tà áo chị cũng bay bay,... ngược theo chiều gió là..., những đường nét cong của vòng eo, vòng ngực căng tròn. Tôi cứ nhìn ngẩn ngơ... và, tôi không ngờ khi mình không còn “dại khờ” như chị nghĩ thì đó lại là mùa lúa cuối cùng tôi được gần gũi chị... khi tôi biết được tình yêu thì hình ảnh người con gái trong tôi là chị. Là chị với những giấc ngủ trưa trong chòi rạ giữa đồng, là chị với đôi thùng nước, chiếc đòn gách oằn vai đi giữa đồng rạ khô trong bóng chiều thấp thoáng, quần áo ướt mem bó sát thân gầy, là chị ngồi dưới cây rơm quấn từng con cúi làm bếp um trâu, là chị ngồi đốt rơm sáng bừng cả một khúc sông,... là chị..., ngực căng tròn đứng trên giàn giê lúa...”- Rạ rơm của tuổi dại khờ.
Còn về nhì nhằng chớp giật thì thực sự là bức tranh bằng chữ mới, những cơn đau về thể chất, tâm hồn, về đạo đức,... cơn đau mất đất khi đất đã là một phần thân thể của những bàn tay cai cứng nông dân mồn một hiện lên góc cạnh, trực tiếp hơn, những cơn đau nơi “cuối rễ đầu cành” lần nữa Võ Đắc Danh gấp gáp khao cứu thống thiết, mạnh mẽ ở tập này. Tất, tất cả như vào trận... rồi những con người bị Hốc đen vàng - tiền trượt qua xé tướp nhân cách...; những đông trùng, hạ thảo; hồn ma cốt người nương theo khe lạch neo ở chữ thầy, ngực gắn biển, nhãn, trụ trên những khán trường, bục cao để mưu mô, để mục ruỗng xã hội, cuộc sống cộng đồng, đến lúc ý chí hành lộ trong hành trình người tan nát, họ sẽ tự huỷ bằng ách tật thể xác, ách tật tâm hồn, hoặc có kẻ bề ngoài tưởng tới bến bình yên nhưng lập tức bị chìm đắm, bồng bềnh hỗn mang bất định. Ở đó, Võ Đắc Danh đau xót nói về những người đàn bà khờ khạo chỉ biết cần mẫn dâng hiến bị chà đạp dã man bởi kẻ vô sỉ. Đó không là xuống cấp đạo đức ở một số người mà sự băng hoại đến giai đoạn lở loét, u tật tới tầng người bằng nhiều cách, nhiều lý do họ nắm tóm được vài thứ quan trọng của một bộ phận xã hội, họ có đất tốt, có cơ hội truyền thụ, dung dưỡng, và nguy cơ họ sẽ tạo ra một sắc diện u ám ở xã hội tương lai, sẽ gợt nên sản phẩm khuyết tật trong hiện tại... tai hại và xót xa. Tất cả được lột tả, rung rượi dưới ngòi bút Võ Đắc Danh khiến trái tim những con người chân chính, những người đang chắc tay súng nơi biên cương, những người đang miệt mài chui sâu xuống lòng đất, hay cô quạnh ở miền xa giữa biển trời cóp từng hạt tài nguyên mong dựng xây đất nước... bị bóp nghẹt. “... anh là một nhà văn giàu trí tưởng tượng, tôi xin anh hãy dành chừng năm mười phút để thử đặt mình vào hoàn cảnh của cha con ông Hạch, hoặc của chị Ngọc Lệ, liệu anh có chịu đựng nổi không? Chúng ta đang sống gần hết một thập niên đầu tiên của thế kỷ hai mươi mốt, câu chuyện “Cái đêm hôm ấy đêm gì” của Phù Gia Lộc tưởng đã lùi xa. Nhưng không phải, nó như chứng bệnh ung thư, mổ xong, nó lại di căn và biến tướng. Cái thời vàng son của hạt lúa thì nông dân bị cướp lúa, cái thời vàng son của đất đai thì nông dân bị cướp đất. Xin anh đừng cắt bỏ những chữ “cướp đất” của tôi. Chúng ta hãy nhìn thẳng vào sự thật và hãy gọi đúng tên từng sự việc”- Cảm giác đầu ngón tay cầm bút của tác giả nhỏ máu khi viết dòng thư này gửi đồng sự chủ bút một tờ báo mong được chia sẻ, đăng tải những điều mắt thấy tai nghe, chứng kiến những bất lý đoại đầy, về tiếng kêu ngoai ngoải của những thân phận người chỗ này, chỗ kia mong tìm đến công bằng...
“Mai này, trời cho đi máy bay chăng nữa thì tôi vẫn bay về phía nông dân” - Võ Đắc Danh nói. Anh đã từng khổ, thấm cái cơ cực, trằn lưng mong đất đẻ mà hiểu, gắn bó, đau cùng nỗi đau nông dân, nhọc nhằn nỗi nhọc nhằn của nông dân. Thật xót khi đọc những dòng viết về người nông dân ngơ ngác bị dồn đuổi trước cơn lốc đô thị, công nghiệp hoá, bị mất đất, mất vườn nghề, mà phũ phàng ở chỗ là không thể nào có giải pháp tốt nhất lúc này cho những con người chất phác lâm phải cảnh buộc rút chân ra khỏi ruộng mình.
Người ta nói, hai lớp nhà văn có thể viết hay về nông thôn, một sống ở ngay trên ruộng đồng đó, rồi mọi thứ thấm đẫm, ứ tràn trào ra một cách tự nhiên. Còn một lớp đã sống, đã trải rồi đi xa, thành trí thức, rồi nhìn lại, chiêm nghiệm, tiếp cận nông thôn nhiều bình diện. Hai người này viết về nông thôn đều hay, đều có những điểm chung. Võ Đắc Danh là lớp nhà văn đi ra ngoài... Biết thế, nhưng chắc người trong cuộc mới thấy thương, thấy khó, cực nhọc. Võ Đắc Danh phải đi, phải nhìn, phải sống, phải đau sự việc, đau chi tiết, đau câu chuyện, đau thân phận lắm mới thể hiện được vậy. Đọc, thấy Võ Đắc Danh rất mạnh về tính thực bản thể. Cái thực lồ lộ, hình khối, buốt thót trong từng chữ Võ Đắc Danh là cái thực văn trời cho. Cộng với lao động miệt mài, nghiêm túc mê mải như đi trong miền thực đã làm lên sự được ở ký Võ Đắc Danh.
Đóng thư mục “Ký - Võ Đắc Danh”, tắt máy tính rồi tôi vẫn bồi hồi. Tâm trạng đan xen khó tả. Đây thực sự là một ghi nhận để góp nên mảng đề tài bút ký vốn dĩ tiếp cận, thành công là rất khó, đòi hỏi người viết phải dũng cảm và trung thực mới bền bút được. Xin chia vui, chúc Võ Đắc Danh có nhiều tác phẩm thật hay để bạn đọc trong Nam ngoài Bắc cùng đọc./.
PĐM