Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN NGUYỄN ĐÌNH TÚ VÀ TIỂU THUYẾT PHIÊN BẢN

Hoa Tử Huyền
Thứ bẩy ngày 17 tháng 10 năm 2009 9:09 AM
 
So với các cây bút thuộc thế hệ 7x, Nguyễn Đình Tú là nhà văn có ý thức đi theo con đường chuyên nghiệp từ rất sớm. Trong khi Đặng Thiều Quang, cây bút nổi đình nổi đám cùng thời đã nửa đường đứt gánh tương tư, rẽ sang ngang, tạm biệt văn đàn chinh phục lĩnh vực khác rồi trở lại ồn ào thì Nguyễn Đình Tú vẫn lặng lẽ kiên trì với con đường mình đã chọn. Năm 26 tuổi, anh trình làng cuốn tiểu thuyết đầu tay Hồ sơ một tử tù. Từ đó đến nay, bên cạnh các tập truyện ngắn xuất hiện khá ấn tượng, anh đã lần lượt mang đến cho bạn đọc 4 cuốn tiểu thuyết và  hiện đang viết cuốn thứ 5.
Trừ Bên dòng Sầu Diện viết về chiến tranh, các tiểu thuyết còn lại của Nguyễn Đình Tú, kể cả cuốn mới nhất Phiên bản chủ yếu viết về sự tha hoá của con người dưới tác động của hoàn cảnh xã hội. Mỗi cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú từ Hồ sơ một tử tù, Bên dòng Sầu Diện, Nháp đến Phiên bản là những góc nhìn riêng của anh về cuộc đời. Có điều lạ là, trong khi nhiều nhà văn trẻ thường chọn viết về  những cái tốt đẹp, chính diện, những đề tài dễ gây sự chú ý như sex, đồng tính… thì trong hầu hết các tiểu thuyết của mình, Nguyễn Đình Tú lại trực tiếp viết về cái xấu, cái ác, thế giới tội phạm. Qua những trang viết rất đời của mình, anh băn khoăn đặt ra câu hỏi, thực ra, nhân chi sơ tính bản thiện hay nhân chi sơ tính bản ác? Nếu con người sinh ra vốn là thiện thì tại sao họ lại biến hoá khốc liệt như thế? Viết về hành trình con người phạm vào cái xấu, cái ác với mong muốn họ được sống thiện, sống đúng với bản chất của mình, Nguyễn Đình Tú đã chạm đến vấn đề của nhân loại.
Cuốn tiểu thuyết thứ tư của Nguyễn Đình Tú có tên là Phiên bản. Đó là câu chuyện về cuộc sống của những người vượt biển tha hương cầu thực và những khốn cùng mà họ phải chịu đựng. Nhân vật chính là Diệu và câu chuyện về quá trình tha hoá trở thành một nữ tặc của chị được kể bằng nhiều góc nhìn qua các đại từ nhân xưng “thị, ta, em”. Ngoài ra, tác giả còn sử dụng ánh trăng như một “nhân vật đặc biệt” để soi chiếu, góp phần làm rõ chủ đề của tác phẩm. Trong Phiên bản, Nguyễn Đình Tú đã sử dụng một số kĩ thuật viết của văn học hậu hiện đại để khám phá về một tiểu tự sự độc đáo: thân phận người phụ nữ trong hành trình sống đã mất đi tính nữ. Anh đã  xây dựng được kiểu con người đa ngã, điều này phù hợp với mĩ học hậu hiện đại.
  Nếu như văn học hiện đại đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Con người là gì? thì văn học hậu hiện đại lại trăn trở: Con người có thể là gì? Mĩ học hậu hiện đại quan niệm, con người vốn có nhiều bản ngã, tuỳ vào điều kiện sống cụ thể ta phải chọn một bản ngã phù hợp. Mặc dù khi sáng tác, Nguyễn Đình Tú không ý thức mình viết theo kiểu gì nhưng bằng cảm thức của một người sống trong thời đại các giá trị đang thay đổi, thậm chí đã đỗ vỡ, trong cuốn tiểu thuyết của mình, anh đã lặn ngụp cùng nhân vật để trăn trở cùng Diệu: Liệu chị đã sống đúng bản ngã của mình hay đó chỉ là phiên bản?
Mọi cuốn sách đều mở theo cách đọc của độc giả. Bạn đọc sẽ có câu trả lời thoã đáng cho mình khi đã đọc xong Phiên bản. Hy vọng cuốn tiểu thuyết này sẽ không phụ lòng sự chờ đợi của bạn đọc.