Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

VỀ THỔ HÀ, NHỚ BẠN HỌC CŨ

Nguyễn Vĩnh
Thứ năm ngày 8 tháng 10 năm 2009 10:29 PM

Mấy hôm có việc gia đình tôi về quê Bắc Ninh. Kết hợp chuyến đi, đến được mấy nơi xưa đã từng biết nên gợi nhiều cảm xúc về kỷ niệm, về tình bạn thời học trò những năm còn học phổ thông.
Một bữa mấy chúng tôi đi qua Đáp Cầu, xuôi đường đê xuống vùng Nội Doi (còn gọi là Dủi Quan) men theo con đường ven sông Cầu. Từ đấy tạt sang Nhân Hòa Nhân Chính, rồi qua Phố Mới, bọn tôi lại theo đường 18 quay về thị xã (gọi quen cái tên thị xã ngày xưa nó vậy, chứ bây giờ kêu "thành phố Bắc Ninh" nghe vẫn thấy lạ tai).
 
Cổng làng là một nét đẹp và đặc sắc của những làng quê cổ truyền trên châu thổ sông Hồng. Ảnh cổng làng Thổ Hà vào một buỏi chiều yên ả.
Dủi Quan tôi nhớ có tên chữ là Kim Đôi, là làng có con số tiến sĩ nhiều nhất nước ta từ các triều phong kiến. Hồi bố mẹ tôi còn buôn bán làm ăn ở Đáp Cầu, mẹ tôi vẫn tháng tháng 6 phiên đi chợ - hồi đó gọi là chợ Nội Doi. Mỗi lần đi chợ về, mấy anh em tôi đón quà từ mẹ. Khi thì cặp bánh đa, khi là chục bánh gio, thứ bánh bóc ra chấm với mật mía thì rất ngon. Nhắc đến những món quà quê thời xưa ấy là nhớ, nhớ mãi đến giờ.  
Theo số bạn bè tôi vẫn ở lại sinh sống ở đất Kinh Bắc cho biết, tuyến du lịch trên thuyền có thể đón khách đi từ khu vực gần đền Bà Chúa Kho chỗ thôn Cổ Mễ, ngược dòng sông Cầu lên phía làng Thổ Hà; còn nếu chạy thuyền xuôi thì xuống mạn Đáp Cầu để đi về Nội Doi, Kim Đôi. Ngồi thuyền mà nghe hát Quan họ trên mặt sông nước mênh mang thật là một cái thú tao nhã đưa lại cho ta từ cảnh vật đến con người xứ Kinh Bắc. Nó trở nên hấp lực thu hút biết bao tao nhân mặc khách khắp nước từ xưa đến nay.
Chặng đầu nhớ nhất bữa ghé "làng tiến sĩ" Kim Đôi.
Kim Đôi vẫn giữ vẻ của một ngôi làng cổ. Tên gọi dân gian thì kêu làng là Dủi Quan, được giải thích là người dân nơi đây từng sống bằng nghề Dủi tôm cá ngoài cánh đồng xa gần, nhưng ghép với quan thành Dủi Quan, vì là nơi rất đông người đỗ đạt làm quan thời xưa.
Làng cách thị xã Bắc Ninh khoảng dăm cây số. Đây được coi là một trong mấy địa phương thi đậu nhiều tiến sĩ nhất của cả nước. Câu ca lưu truyền rằng Kim Đôi nhiều cuộc hiển vinh/Hai mươi lăm vị khoa danh rỡ ràng mà tập sách "Phong thổ Kinh Bắc" thời nhà Lê đã ghi lại là một chứng cớ. Còn sử sách thì chép vua Lê Thánh Tông hay nói với đám quần thần thân cận "Gia thế Kim Đôi chu tử mãn triều" - nghĩa là các dòng họ ở Kim Đôi áo đỏ áo tía đầy triều.
Đến làng Dủi nhớ nhất Nguyễn Văn Thêm, bạn ngồi học cùng bàn với tôi suốt 3 năm cấp III Hàn Thuyên. Hồi đó Thêm dút dát lắm, có thể là nhát nhất lớp. Ai nói đùa trêu chọc gì là mặt đỏ lựng. Nhưng học thì giỏi Toán và rất yêu thích môn Hóa của cô Tâm dạy. Nên học xong đại học Thêm đi làm rồi học nghiên cứu sinh ở Đông Đức, trở thành ông tiến sĩ hóa của thời nay. Tôi không hỏi được để đáp ứng một thắc mắc lâu nay là sau các vị vinh danh khoa bảng thời phong kiến như thế, Kim Đôi nay có bao nhiêu tiến sĩ kiểu mới như anh bạn Thêm nữa.
 
Đi trong thôn làng, ta dễ gặp những ngõ sâu hun hút - với những bức tường mang đậm dấu ấn thời gian như thế này.
Chuyến đi ngắn mà kỷ niệm thật dài. Vì với tôi nó được cộng hưởng với bao nhiêu hình ảnh và âm thanh của những ngày xưa cũ. Hệt như cuộn phim ký ức lướt nhanh của hơn 50 năm về trước, gợi lại bao niềm vui và nỗi buồn.
Quê tôi đất Bắc Ninh - Kinh Bắc, hễ khi có khách nơi xa đến là hay nhắc hai địa danh rượu làng Vân và gốm làng Thổ Hà. Phải nói hai "đặc sản" này đã từng nổi tiếng khắp vùng và trở thành một thứ nghề nuôi sống người dân bao đời nay ở hai địa phương này. 
Hôm về Thổ Hà, tôi đứng ngắm cái cổng làng mà giật mình. Một cuốn phim quay chậm những cảnh ngày xưa, có lần tôi đứng tần ngần mãi bên cổng với vài đứa bạn trên thị xã. Bởi nó hao hao giống cổng làng quê tôi ở Sặt Đồng Trang Liệt mà hồi đó Pháp tạm chiếm nên rất ít khi tôi được về thăm ông bà nội tôi còn sống ở đó. Hôm nay vẫn một cảm giác này. Thời gian với cảnh cũ người xưa bao giờ cũng có chiều níu kéo, ít chuyển động.
Đến Thổ Hà là lại nhớ hai cái tên Mạc và Căn. Hai anh bạn này cái thời cùng học với nhau cấp II đã mỗi người "cưỡi" một chiếc xe đạp hiệu Peugeot với áo quần xúng xính đi học. Bọn thị xã chúng tôi dù nhà có vẻ khá giả, vẫn phải phục lăn hai anh chàng đất quê mà "chơi ngông" vậy. Chúng tôi khi ấy đồng thanh gọi Mạc và Căn là "hai công tử Thổ Hà".
Nhớ lại những năm cuối cùng của thập kỷ 1950 ngày ấy, đã mấy ai mua được cái xe đạp bình thường để đi lại, huống chi xe mác của Pháp danh tiếng là thế. Mà lại là ở tuổi học sinh đã có xe loại ấy thì có mà mơ! Thế mà ông bà cha mẹ hai anh chàng này chỉ vật hòn đất lên, nặn nung nó thành các đồ gia dụng quê mùa, bày bán khắp chợ làng quê hoặc nơi phố xá mà mua sắm cho con cái một vật dụng có giá trị hơn cả một tài sản với người nghèo lúc đó. Đủ thấy nghề gốm lúc ấy còn quý lắm, nó là một cái nghề kiếm được ra tiền, ra rất nhiều đồng tiền.
Tôi rất nhớ những buổi sáng mùa hè ra bến đá Đáp Cầu tắm mát. Lúc lên bờ, khi đứng trên kè sông nhìn theo những con thuyền giương buồm xuôi sông Cầu. Lòng thắc thỏm mơ một chuyến đi xa, nhưng không bao giờ thực hiện được. Bởi khi đó vùng này là vùng tề.
Ngày ấy trên các con thuyền tôi thường bắt gặp chất đầy các mặt hàng gốm của Thổ Hà. Từ chum vại đến những cái ang to dùng đựng nước, nước mắm mắm tôm cũng được, rồi những ấm đất đun nước hoặc sắc thuốc Bắc, lại cả những dãy tiểu sành xếp dọc theo thuyền... Những con thuyền này đưa hàng về Đông Triều, Phả Lại, rồi tiếp đến Quảng Yên, Hải Phòng. Vẫn những thuyền này khi trở về lại chất nặng muối, mắm, cho đến các loại cá khô tôm khô cùng nhiều thứ đặc sản khác của các vùng biển ngoài phía Đông đưa về...    
Mùa hè được nghỉ học, thế nào bọn học sinh chúng tôi cũng theo nhau về quê Mạc và Căn. Không kể những lần mượn xe đạp chở nhau hai ba đứa một xe, cũng có lần phải lội bộ chúng tôi cũng chấp nhận. Vì nếu chạy qua Vệ An, Cổng Hậu thì cuốc bộ cùng chừng giờ đồng hồ là đến được bến sông để sang bờ bên kia là đất Thổ Hà.  
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày ấy với đám bạn cùng học cấp II với nhau. Cho đến thời học cấp III không thấy hai bạn Mạc và Căn vào học trường cấp III Hàn Thuyên là coi như chúng tôi chia tay nhau. Đến cuối 1963 tôi lại về Hà Nội học đại học, tiếp vài năm sau chiến tranh phá hoại lan rộng dần khắp miền Bắc, vì thế thành ra mất liên lạc với nhau suốt từ dạo đó.
Hôm nay về bên dòng sông Cầu, nghe nhiều câu chuyện mới về làng gốm Thổ Hà tôi vừa vui vừa buồn. Vẫn có một nhánh phát huy nghề truyền thống, kết hợp cách tiếp thị mới, bán được sản phẩm nên ngành nghề được đẩy lên và phát triển. Còn nhánh khác lại ra vẻ lụi tàn, vì sản phẩm làm ra không sao bán được, xưởng nghề lâm vào cảnh tồn đọng vốn rồi phá sản.
Làng quê Thổ Hà giờ đã thay đổi nhiều. Nhưng tôi vẫn nhận ra vài con đường xưa quen thuộc. Nhất là khi đứng trước đình làng, chùa làng thì vẫn mường tượng ra nhiều nét xưa cũ đã từng trông thấy ở đây.
Đáng tiếc nhất là nay nhìn thấy rất ít các lò gốm kiểu xưa như mình mường tượng. Hoặc cái ký ức đã quá vãng xa xôi khi mình còn bé, nhìn cảnh vật với thước đo của hiểu biết chưa mở mang khi đó, nay khó có gì so sánh đối chiếu nổi, nên nhìn bất cứ cảnh sắc nào cũng thấy một cái gì đấy như là phai mờ, biến cải hết cả rồi. Nên nhớ nhung và tiếc nuối.
Một vài người bạn tôi nay còn ở lại với thị xã Bắc Ninh cho biết, mấy năm sau học hết cấp II, bạn Căn hình như theo gia đình bên ngoại rồi đi bộ đội vào miền Nam chiến đấu. Còn Mạc theo học trung cấp nông lâm rồi lên Việt Bắc Tây Bắc gì đó làm anh cán bộ miền núi. Cũng không ai bắt được tin tức gì của nhau nữa...
 
Hình ảnh một làng quê thật xưa cũ vẫn ẩn ẩn hiện hiện trên mảnh đất Thổ Hà ngày nay.
Hình ảnh hai anh bạn Mạc và Căn hồi ấy, hai chàng công tử Thổ Hà trên hai chiếc xe Peugeot mơ ước của cánh học sinh khi đó vẫn ghi dấu trong tâm can của nhiều đứa chúng tôi, tôi chắc vậy. Kỷ niệm ngày bé nên khắc sâu, đã nhớ là dai dẳng đeo đuổi. Không biết bây giờ hai anh bạn đang ở nơi đâu. Trong đất nước Việt Nam mình hay đã một phương trời xa xôi nào rồi.
Nghĩ ngợi và mang mang trong đầu một nỗi nhớ nhung. Nó gợi tới những ngày xa xưa ở thị xã Bắc Ninh thật là xinh xắn... Các bạn thời ấy, cùng với Căn và Mạc, nếu bất kỳ ai trong số bạn bè chợt đọc được mấy dòng này trên mạng, biết được câu chuyện nhỏ bé ghi lại ở đây, xin cùng liên lạc với nhau nhé.