Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CỐ NHÂN TẶNG RƯỢU

Mai Thục
Thứ bẩy ngày 17 tháng 10 năm 2009 1:48 AM

                                               
         1.  Mai Thục bây giờ là “kẻ ngu ngơ”. Không biết đến cái xã hội đang bon chen náo loạn bởi đồng đô- la mất giá và giá vàng tăng vùn vụt. Đồng tiền nó thúc con người đổi thay khủng khiếp. Đồng tiền đã nghiền nát trứng mẹ Âu Cơ. Mình lại giàu tình, giàu nghĩa, dễ bị tổn thương. Tốt nhất là lánh xa dòng đời cuộn xoáy tít mù. Im lặng. Tự mình vui sống trong thế giới nghệ sĩ do mình sáng tạo. Chẳng giao đãi nhiều…
          Một chiều Thu- 2009. Tôi đang nướng Bồ kết, tắm cho cháu gái ngoại bé xíu, bé xiu. Hương Bồ kết thơm ngọt ngào căn phòng nhỏ đầy sách. Hương Bồ kết xua ma tà, quỉ quái. Hương bồ kết xao động tình Mẹ. Tình thương bà cháu, mẹ con- như biển sâu, trời lớn, dào dạt vô biên. Bởi ta đã đau- hai kiếp con người. Kiếp mình và kiếp cô con gái, giờ lại đến cháu, cháu yêu ơi! Hãy tỉnh thức mà vui sống…
           Bỗng ngoài sân, một vị đại tá, quân phục xanh, quân hàm lấp lánh bốn ngôi sao, hỏi thăm Mai Thục. Ngỡ ngàng không nhận ra ai. Tôi mời khách vào nhà.
          Bà hàng xóm tò mò lo sợ. Tưởng công an đến.
                 Song Mai Thục không sợ.
           Bởi từ khi hưu, Mai Thục không tụ họp. Không hội hè. Bạn kẻ sĩ gọi đi công chuyện, thấy vui, có ích cho nòi giống, và được tôn trọng thì đi. Không trọng nhau thì thôi. Chả hề hấn gì.
          Mai Thục dạy Văn hóa Hà Nội ở Đại học Thăng Long, hơn năm trăm sinh viên lắng nghe giảng Thiền Trúc Lâm Yên Tử với Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Hàng mấy trăm em im lặng Thiền cùng Mai Thục trên giảng đường lớn. Có “anh bảo vệ” ngồi nghe. Anh mỉm cười. Chẳng thấy một lời nào phản dân, hại nước, hại nhân tâm, ngược lại, lời chan chứa tình. Mai Thục tu giữa chợ.
          Đêm đêm trong căn phòng nhỏ bên Hồ Gươm, tiểu thuyết, bút ký, tản văn, tùy bút, truyện ngắn Mai Thục viết ra, tràn nắng, gió, lửa, nước, hồn người, hương đất. Nhưng cái thì người ta bảo “nhạy cảm” không in được, cái thì “không bán được” vì không có sex. Mai Thục chán quá.
                          Định gác bút.
           Nhà thơ Ngô Đình Miên (Bình Thuận) lo lắng, ngơ ngác viết email hỏi : “Chị có làm sao không?”.
          - Không. Chị đang dạo chơi trong vườn Thu ổi chín.
          Ngô Đình Miên giới thiệu mạng newvietart.com ở Pháp. Mở ra, thấy nó thuần túy truyền tình yêu, ánh sáng qua thể loại Việt văn mới, văn học truyền thống, văn hóa cội rễ Việt, không thương mại, không phe đảng, Mai Thục liền gửi các tác phẩm đã bị “đắp chiếu” của mình sang. Nhà thơ Từ Vũ (chủ mạng) tưng bừng chào đón. Anh giành cho Mai Thục mênh mông khoảng trời xanh ngọc biếc, thoải mái Tả Thanh Thiên.
        Thế là Mai Thục lại viết. Tình cho không biếu không. Tình Người- Trời- Đất quê hương thơm nắng mới. Không biên giới. Bạn  Việt khắp thế gian đọc Mai Thục và tôi đọc họ.
                    Vui miên man.
        Nếu ai ở “Bộ công an” đọc Mai Thục trên newvietart.com, sẽ mỉm cười cùng tôi, vì nhờ đó, kiều bào thêm yêu đất nước quê hương Việt, mong trở về xây dựng.
            Rồi trannhuong.com, Mai Thục đến muộn, bất ngờ gặp các vị anh hùng Lương Sơn Bạc đã hát đồng ca từ đầu thế kỷ XXI. Cây đàn muôn điệu giờ đây từng bừng cất lên Bài ca Kẻ sĩ Thăng Long, như những bông hồng tình yêu thắm đỏ máu tim mình, dâng nòi giống. 
       Thế thì Mai Thục còn sợ cái gì nữa chứ!
                                               
          2. Vị đại tá kể trên là Nguyễn Văn Tạo. Mười năm trước, anh bị cơ quan thuộc Bộ quốc phòng đột ngột cho nghỉ hưu, đang độ tài năng và sung sức, mới năm mươi tuổi. Họ làm sai chính sách. Thủ tục nghỉ hưu sai luật. Anh Tạo đến báo Phụ nữ Thủ Đô kêu oan. Tổng biên tập Mai Thục đã đăng một loạt bài kêu cứu cho anh Tạo. Chuyện này đụng đến Bộ quốc phòng, nên các báo đều tránh.
         Phụ nữ Thủ đô đăng vài kỳ, sự việc chưa được giải quyết. Mai Thục cũng nản. Nước đổ lá khoai. Nhưng anh Tạo với những bài báo trong tay, kiên trì theo đuổi “vụ kiện” suốt cả chục năm, mất nhiều quyền lợi, và danh dự cá nhân bị xúc phạm.
        Phúc thay! Vừa qua, Bộ quốc phòng đã có quyết định do Bộ trưởng Phùng Quang Thanh ký, sửa sai toàn bộ những gì anh Tạo đã phải chịu đựng. Tin vui lớn quá, anh Tạo đến nhà Mai Thục biếu chai rượu sâm banh “xịn” cho đức phu quân của tôi.
         Chuyện đau lớn của đời anh Tạo mà Mai Thục thì quên. Con người thường vô tâm, vô cảm. Ai gặp oan, người ấy đau. Người ngoài, dù có cảm thông như Mai Thục giúp anh Tạo, cũng lại quên ngay. Đấy là chưa kể “Dậu đổ bìm leo”, kiếm chuyện làm quà, đàm tiếu, tung tin, thỏa lòng ganh ghét, xúc phạm nhau nát gan, nát ruột, bầm tím một đời.
         Nay trước niềm vui lớn của anh Tạo, Mai Thục cũng cảm thấy vui, vì “Một thời làm báo” mình đã dũng cảm làm những việc cứu người. Vui vì lấy lại được niềm tin. Vui vì hôm nay, còn có những người dám sửa sai như Bộ trưởng Phùng Quang Thanh. Vui vì anh Tạo đã không quên ân nhân của mình, tìm thăm Mai Thục, tặng rượu theo truyền thống tạ ơn, trả nghĩa tình…
       Chia tay Mai Thục bên cây Mai tứ quí ngoài cửa sổ, anh Tạo nói nhỏ:
- Chị có biết không, hồi đó, bạn bè quân đội của tôi, đọc
 những bài bênh vực tôi trên Phụ nữ Thủ Đô bảo: “Tổng biên tập Mai Thục là anh hùng, dám duyệt cho đăng những bài này”.
        Nghe anh Tạo nói thế, tôi giật mình. Hóa ra Mai Thục đã xông pha trận mạc, làm những việc động trời, nên được người đời gọi anh hùng. Chắc bạn đọc nhìn vào những bài báo đăng trên Phụ nữ Thủ đô thời đó, sợ thay cho tôi.
         Còn tôi, không cần biết mình anh hùng hay không anh hùng. Không cần tính thiệt hơn cho mình. Tôi chỉ thấy cần phải cứu giúp những người hoạn nạn, oan ức, đã tìm đến và gửi niềm tin vào mình. Tôi đã làm những việc cần làm vì lương tâm thôi thúc. Không vụ lợi. Không bị nô lệ bất cứ cái gì.
         Bởi thế, tôi không sợ. Tôi biết tôi phải làm gì. Tôi biết trên cõi đời này, tôi phải sống cho ra một con người. Tôi biết tôi luôn được bình an vì có sự che chở, bảo vệ của cái Đẹp, cái Thiện, mà tôi đã suốt đời theo đuổi, hiến dâng.
        Và trên thực tế, không ai làm gì tôi cả. Tất nhiên là Mai Thục bị nhiều rắc rối, mất ăn, mất ngủ, đau ốm và già trước tuổi, bởi cứu rất nhiều người cùng khổ.
          Riêng vụ của anh Tạo. Những người có trách nhiệm từ Bộ Quốc phòng kéo đến phòng Tổng biên tập nhỏ bé, cheo leo tầng ba, như tổ chim, của tôi cạnh chùa Quán Sứ, bắt tôi giải trình các bài báo đăng về anh Tạo. Tôi nói đâu ra đấy. Lý tình trọn vẹn. Lòng tôi trong sáng. Họ ra về.
         Anh Ban tuyên giáo Thành ủy, khó chịu, nhắc nhở. Tôi cãi có tình, có lý. Họ đành thôi.
         Tuy vậy, cấp trên không yêu tôi. “Đành lòng vậy/ Cầm lòng vậy”. Tôi sống bằng lao động, bằng lương tâm nghề nghiệp của mình. Sống bằng mồ hôi, nước mắt, tình yêu, trí tuệ của mình đổ ra, tôi và anh chị em báo Phụ nữ Thủ đô, không bị đói. Tôi đến lúc nghỉ hưu, không bổng lộc. Không được ưu đãi nhà, đất. Chưa kể họ mong tôi nghỉ thật nhanh để thế chỗ.
          Tôi cũng chào họ thật nhanh. Tôi cần tự do như cần khí trời. Tôi cần làm những gì tôi muốn làm, cho bõ một kiếp Mẹ Cha- Trời- Đất cho mình được làm người ngắn ngủi nhưng tràn đầy ân phước.
          Mai Thục nghỉ hưu sớm hai năm vì khai tăng hai tuổi. Mười sáu tuổi Mai Thục phải bỏ học đi làm y tá cứu đồng bào bị bom Mỹ trong một bệnh viện dã chiến, có bố tôi làm bác sĩ. Hai bố con trực ngày đêm. Tôi sợ máu, sợ người chết, sợ người bị thương, nên sau này đã không đi học bác sĩ như tôi từng mơ ước, mà thi vào Đại học Tổng hợp văn. Gần ba mươi tuổi, Mai Thục biết trời cho mình chữ.
         Tôi say chữ. Cả một đời, tôi đọc sách và viết sách làm vui.
         Nghỉ hưu với tôi là một bước chuyển mới trên con đường vui chữ. Hạnh phúc chan hòa. Suốt một đời, Mai Thục tự học, tự khám phá cái Đẹp và cái Xấu trên thế gian này. Bây giờ tự mình sáng tỏ Đẹp/ Xấu và chỉ nhìn vào cái Đẹp để sống và yêu. Thấy cái Xấu, Mai Thục quay ngoắt, không cần đếm xỉa. Không thương tiếc.
        Bạn thiếu thời của tôi ở xa, ngạc nhiên, tưởng tôi bị “phốt”  phải nghỉ sớm. Khổ vậy. Người ta rất sợ hưu. Cả cuộc đời chỉ biết bám vào một cái ghế. Rời nó ra là chết luôn. Khổ nỗi “Ghế ít đít nhiều” nên mới dày đạp lẫn nhau để tranh ghế! Tranh lắm thì khổ nhiều. Tàn hại xác thân, hồn vía. Báu gì đâu.
        May tôi mua căn hộ cạnh Hồ Gươm, nên giờ đây, sống thảnh thơi, thư nhàn, suốt ngày đêm Tả Thanh Thiên.
         Mai Thục bây giờ. Tự do tuyệt đối. Chẳng bận mải toan lo. Chuyện đời ganh ghét, tráo trở đã vùi sâu. Tôi sống như “Nữ hoàng đồng quê Việt”. Uống nước lá vối. Ăn mộc nhĩ, nấm hương, ngô luộc, khoai lang, cơm muối vừng, rau hoa quả, mùa nào thức ấy. Gội tóc bằng bồ kết, hương nhu. Tắm lá thơm. Thiền hành quanh Tháp Bút- Đài Nghiên, tự hát Bài ca Kẻ sĩ Thăng Long và Tả Thanh Thiên.
         Nay bỗng cố nhân đến nhà tặng rượu, báo chiến công. Tôi vui gấp bội. Cuộc đời kẻ sĩ thăng trầm và thú vị biết bao. Hạnh phúc biết bao! Hạnh phúc lớn nhất là chúng ta không một phút giây nào ngưng bút, luôn được hiến dâng tâm hồn và trí tuệ cho giống nòi. Không năm tháng. Không giới hạn không gian. Không đường viền biên giới và luôn ở bên nhau, góc bể, chân trời.
 
  Hà Nội ngày 18-10- 2009