Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TÂM SỰ CỦA MỘT NHÀ BÁO CAO TUỔI THƠI @

Vũ Phong Tạo
Thứ năm ngày 15 tháng 10 năm 2009 1:57 PM
 

“Ông già chơi trống bỏi” là thành ngữ thường chỉ những người cao tuổi còn ham hố tham gia những việc làm hoặc những trò chơi của lớp người trẻ tuổi, kể cả trẻ nhỏ.
Bây giờ cũng vậy, không ít người vẫn còn coi chuyện chơi games, mải mê viết lách trên máy vi tính, chỉ là chuyện của những người trẻ tuổi, của bọn chíp hôi!? Thậm chí, có những bậc cha mẹ nhiều tiền mà cũng không muốn mua sắm máy vi tính, rồi nối mạng internet cho con cháu học hành, mở mang kiến thức và kỹ năng làm việc, chỉ vì một lý do  đơn giản là “sợ con cháu hư”!?
Là một người làm báo và dịch thuật cao tuổi, với bài học thiết thân của mình, tôi lại nghĩ khác, làm khác và đã thu hoạch được khá nhiều điều bổ ích. Nay xin được trao đổi tâm sự của một nhà báo cao tuổi đã làm quen, thích ứng với nghiệp vụ làm báo thời đại @ như thế nào?
Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ trước và bước vào đầu thế kỷ 21, nhiều tờ báo đã giảm biên chế biên tập viên, trị sự đương chức. Ví dụ tờ “Văn nghệ Công an” thường xuyên chỉ có 4-5 người làm việc chuyên môn, kể cả Phó tổng biên tập phụ trách, nhân viên đánh máy vi tính; Trang Văn hoá Văn nghệ của Tuần báo “Phụ Nữ Thủ đô” cũng chỉ có 1-2 người gác gôn, kể cả đánh máy vi tính; Tờ “Tiền phong cuối tuần” chỉ có 3-4 người, kể cả hoạ sĩ trình bày; Tờ “Hà Nội Mới cuối tuần” (thời nhà thơ Vương Tâm làm chủ biên) nội dung rất phong phú, xúc tích cũng chỉ có 3-4 người thường trực; Tờ “Văn Nghệ trẻ” cũng chỉ có 3-4 người chuyên chức, v.v…Phòng Văn hoá Thể thao của nhật báo “Quân đội nhân dân” đảm trách cả trang 5 báo ra hàng ngày, cũng chỉ có 5-6 người là phóng viên, biên tập viên kiêm đánh máy vi tính bài của cộng tác viên, thông tin viên; v.v…
Thế mà những tờ báo, tạp chí ấy vẫn ra đúng kỳ, với nội dung phong phú, hình thức sinh động hấp dẫn. Những ê kíp làm báo này tập hợp khá đông những cộng tác viên “bấm nút”, nhưng đều yêu cầu bản thảo đã đánh máy vi tính, gửi trực tiếp bằng USB, hoặc gửi qua đường thư điện tử (email). Nếu cộng tác viên không đáp ứng được những đòi hỏi đó, thì bài vở khó được dùng, hoặc chậm dùng, chỉ vì một lý do rất giản đơn mà cũng bất khả kháng “nhà em ít người quá! Các bác thông cảm!”
Ngay đến đặc san “Nhà báo Thủ đô” của Hội Nhà báo thành phố Hà Nội, mà các “nhà báo người nhà” Nguyễn Gia Quý, Lê Xuân Hội, Khúc Nga, Sơn Lộc, Đức Lệ, …dù thông cảm đến mấy cũng yêu cầu cộng tác viên nộp bài bằng USB hoặc email.
Đứng trước tình hình ấy, là một cộng tác viên thường xuyên của nhiều tờ báo, lại đã cứng tuổi, tôi cũng đã có lúc hơi lúng túng, thậm chí “chùn tay”. Bởi vì, viết bản thảo rồi lại phải nhờ con cháu đánh vi tính, rất phiền toái, mặc dầu các con cháu rất nhiệt tình, song chúng có công việc của chúng. Còn đối với máy vi tính và mạng internet, tôi cảm thấy vừa thần thánh vừa quỷ quái! Thần thánh vì nó cao siêu khó nắm bắt, khó học hỏi, khó thực hành; Quỷ quái vì nó dễ làm hư hỏng con người(?), nhất là lớp trẻ chít chát, không biết phân biệt trắng đen vàng đỏ; Mà người dùng chỉ sơ ý “bấm” sai một nhát là đi tiêu hàng chục bài, hàng trăm trang như chơi!
Đúng lúc ấy, năm 2001, tôi đọc được một thông tin trên báo chí Trung Quốc, đưa tin về Định nghĩa của Liên Hiệp Quốc về mù chữ. Theo đó, Liên Hiệp Quốc định nghĩa về mù chữ gồm có ba cấp độ: Cấp độ thứ nhất là không biết đọc biết viết chữ viết của dân tộc mình, quốc gia mình; Cấp độ thứ hai là không đọc được, hiểu được những ký hiệu tín hiệu công cộng; Cấp độ thứ ba là không biết dùng máy vi tính vào nghiệp vụ chuyên môn.
Tôi đã đem thông tin ấy nói với đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Phòng biên tập Văn hoá Thể thao của Báo “Quân đội nhân dân”. Nhà báo Mạnh Hùng bảo tôi dịch ngay tin ấy để đăng trên báo Quân đội nhân dân. Sau đó, đại tá-nhà văn Trần Diễn, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Công an nhân dân, vừa nghỉ hưu đã được mời làm Tổng biên tập tạp chí “Sách & Đời sống” của Hội Xuất bản Việt Nam, cũng lại bảo tôi cung cấp bản tin ấy để đăng lên tạp chí cho những người làm công tác xuất bản tham khảo.
Gần đây, trên web văn học của nhà thơ Trần Nhương (
www.trannhuong.com) cũng đưa thông tin Định nghĩa của Liên Hiệp Quốc về mù chữ lên trên mạng, và kèm theo lời bình: Nếu căn cứ theo định nghĩa của LHQ, thì có đến 60% Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam còn đang “mù chữ”.
Rồi trên báo “Văn Nghệ trẻ” và rất nhiều trang web văn học, trong đó có báo điện tử của tạp chí Văn nghệ quân đội (
www.vannghequandoi.com.vn) đã đăng bài của nhà thơ Văn Công Hùng phân tích về hiện trạng trình độ sử dụng máy vi tính trong đội ngũ nhà văn Việt Nam, theo Định nghĩa về mù chữ của Liên Hiệp Quốc. Và nhà thơ Văn Công Hùng cũng thừa nhận mình vừa mới xoá nạn mù chữ (mù internet)!
Về bản thân, tôi đã quyết tâm học vi tính và thao tác trên mạng internet, với ý nhĩa chiến lược (nói to tát cho vui và quan trọng hóa mà thôi) là xoá nạn  mù chữ, như hồi đầu lập nước Bác Hồ đã kêu gọi toàn dân thực hiện “ba diệt” (diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm).
Tôi đã ký “giao kèo” với các con và cháu, giành hẳn những ngày nghỉ tết nguyên đán của một năm, để hướng dẫn tôi sử dụng vi tính, với mục tiêu đầu tiên là đánh lấy được bản thảo, cóp vào USB, để trực tiếp mang đi nộp bài cho các toà soạn báo.
Sau khi gia đình hoà mạng internet, thì tôi học thêm những thao tác kiếm tìm tư liệu trên mạng, kéo về máy của mình, rồi chia đôi màn hình, dịch bài ngay trên màn hình máy vi tính, không phải dùng đến giấy và bút nữa! Sửa chữa bản thảo kỹ càng xong, là email luôn cho toà soạn báo, tạp chí!
Tiện đây, tôi xin được “trình báo” với các đồng nghiệp, đặc biệt là những đồng nghiệp già trong Ban Liên lạc các nhà báo cao tuổi Hà Nội về công việc của một cư dân mạng cao tuổi này, theo những “công đoạn” như sau:
1) Sáng sớm mở email, xem có ai nhắn nhủ, gọi bài không?
2) Lướt qua các trang web Văn nghệ quân đội, Quân đội nhân dân, Hội Nhà văn Việt Nam, Sông Cửu Long, Công an nhân dân, Đại biểu nhân dân, Tiền phong, Phong Điệp, Trần Nhương,.. để cập nhật thông tin, định hướng đưa tin, viết bài.
3) Lướt các trang web của Hội Nhà văn Trung Quốc, Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung Quốc, Truyện cực ngắn chọn lọc, Tân Hoa xã, …, xem có tư liệu, bài vở gì cần thiết thì “tải” về máy của mình, để làm món ăn tươi, hay “lương khô” dùng dần.
4) Chia đôi màn hình vi tính ra, chuyển ngữ luôn trên màn hình, và chuyển bài theo tôn chỉ của từng cơ quan báo, tạp chí.
Có thể nói,nhờ thao tác trên mạng internet, mà tôi đã thực hiện được khá tốt ba công việc cần thiết, ba khâu quan trọng của một nhà báo “đi, đọc, viết”! 
Niềm vui do làm báo thời @ có thể nói là như được châm cứu bằng điện (điện châm).
Tôi còn nhớ, có lần vào chiều thứ ba, nhà văn- dịch giả Nguyễn Đăng Bẩy, Thư ký Toà soạn báo Văn Nghệ “già”, điện thoại cho tôi nói, báo đang cần một truyện ngắn khoảng 500 chữ, nếu có thì tôi mail cho anh ngay, anh đang chờ bên máy! Tôi đã mail bài ngay. Sau 15 phút, anh Đăng Bẩy điện thoại lại cho tôi, báo tin rằng: “Báo phát hành buổi sáng mai có bài của anh đấy!”
Đó là truyện mini “Vòng quanh” của tác giả Hắc Mễ, sau này được xếp đầu tiên trong Tập truyện mini-truyện cực ngắn Trung Quốc chọn lọc, mang tiêu đề chung là “Lặng lẽ yêu cô suốt đời” do Vũ Phong Tạo chuyển ngữ toàn bộ, từ Trung văn sang Việt văn, Nhà xuất bản Văn học ấn hành tháng 5 năm 2009, bao gồm 39 truyện đặc sắc, hầu hết là những tác phẩm lọt vào TOP 10 những truyện mini-truyện cực ngắn được người đọc Trung Quốc ưa thích, bỏ phiếu bình chọn hàng năm.
Toàn bộ quá trình chuyển ngữ, gửi bản thảo và trao đổi ý kiến với nữ biên tập viên Phan Thanh Điệp, tôi đều tiến hành qua mạng internet, không phải vất vả đi lại nhiều lần như trước kia.
Đúng là làm báo, làm xuất bản thời đại @ quả là kịp thời, nhanh chóng và thuận tiện vô cùng!
Gần đây, tôi có tham dự và phát biểu tham luận tại cuộc Hội thảo về Văn học Trung Quốc do Hội đồng Văn học dịch Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức vào sáng thứ tư, ngày 23 tháng 9 năm 2009, nhân dịp kỷ niệm 60 năm Quốc khánh nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Ngay buổi chiều hôm ấy, tôi nhận được điện thoại của chị Dương Dương Hảo, Trưởng ban biên tập của báo “Văn Nghệ trẻ” nhắn tôi gửi ngay bài phát biểu trong Hội thảo buổi sáng, để in trên báo “Văn Nghệ trẻ” kịp phát hành sáng thứ năm. Đó là bài tham luận của dịch giả Vũ Phong Tạo với tiêu đề “Tính xã hội của hoạt động văn học Trung Quốc ngày càng rõ nét”, đăng trên trang 10 báo “Văn Nghệ trẻ” số 39 (673), ra ngày 27-9-2009. Chính là nhờ phương tiện kỹ thuật mới mà tôi đã đáp ứng rất kịp thời yêu cầu của toà soạn.
Có lẽ,  đó là một trong những niềm vui lớn của một người làm báo cao tuổi thời đại @!
Thưa các cụ, các bác nhà báo cao tuổi!
Ngay bài viết kỷ niệm về một thời làm báo này, tôi cũng thao tác ngay trên bàn phím vi tính và qua mạng internet.
Viết xong là email thẳng cho các nhà biên tập, những “bà đỡ” mát tay đấy!
 
Quê Tổ Ca Trù Lỗ Khê, chủ nhật 11-10-2009.
VŨ PHONG TẠO