Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN CỦA NHỮNG MẢNH ĐỜI KHUẤT LẤP

Phan Quế
Thứ sáu ngày 9 tháng 10 năm 2009 6:10 AM
Một tập thơ có cái tên nghe chừng khó nhọc: Ngược dốc là của một nhà thơ người Kinh Bắc với bút danh Vũ Từ Trang. Nguyên do tôi đọc lại tập thơ này bởi trước đó đã có cuộc gặp gỡ thú vị với nhà viết kịch Lê Nhị Hà sau bốn mươi năm xa cách mà người khởi xướng chuyện tình nghĩa này là Vũ Từ Trang.
Tôi đã được dự trại sáng tác văn học đầu đời của mình do Bộ Giáo dục tổ chức với người phụ trách trại là nhà viết kịch Lê Nhị Hà. Hồi ấy ông Nhị Hà đã có vở kịch nói Người giám khảo cuối cùng được công diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội (nghệ sĩ Lộng Chương làm đạo diễn). Trong đêm diễn nhớ đời ấy, tác giả và một số bạn bè đã gom tem gạo của mình lại bán lấy tiền làm bữa liên hoan chào mừng sự kiện này. Vũ Từ Trang là người có mặt trong cuộc vui nghèo của những người yêu văn ấy.
Vũ Từ Trang từng công tác trong ngành xây dựng. Rồi làm phóng viên lâu năm của một tờ báo. Tới thời kỳ kinh tế đất nước mở cửa, anh cùng gia đình gây dựng lên doanh nghiệp Mỹ nghệ Bắc Hà. Anh thường nói: Anh là người giúp việc cho vợ con làm kinh tế. Như nhiều nhà văn nhà thơ khác từ nghèo khó đi lên, nay anh đã có một cuộc sống tương đối ổn định. Người và cảnh như vậy mà sao tên tập thơ lại khó nhọc đến vậy!?
Thì ra:
Tôi có riêng thành phố của tôi
Cái thuở đạp xe xe hết hơi
Có người đứng đợi trên đỉnh dốc
Tôi đến nơi người bỏ đi rồi…
Đây là đoạn trích trong bài thơ Lên dốc của Vũ Từ Trang! Phải chăng đấy là nỗi khó nhọc của trái tim, của sự vật vã với cảm xúc và chữ nghĩa. Vẫn biết xưa nay cơm áo không đùa với khách thơ, cơm áo ấy cũng đã có thời khiến Vũ Từ Trang và vợ con anh sống trong nghèo túng, khốn khó. Khi còn phải lo đến miếng cơm manh áo hàng ngày, Vũ Từ Trang vẫn luôn chiêm nghiệm một điều: Làm thơ là một cuộc hành trình đi tìm cái đẹp. Cuộc hành trình ngày càng thăm thẳm và mênh mông. Tôi rất trọng những người khó tính và quyết liệt trên cuộc tìm kiếm này!
Vũ Từ Trang biết làm thơ trước khi biết làm giàu. Anh đã không dám, chưa một lần dám mang chữ nghĩa của mình ra đùa với cơm áo và ngược lại, khi nghèo khó không vì sự cơ cực mà phụ chữ nghĩa. Tôi có cảm giác khi tiếp xúc với dân văn chương, Vũ Từ Trang như muốn giấu đi cái phần vật chất của mình để anh được hòa đồng và góp chuyện, những câu chuyện không ngoài văn chương, không có trong những đồ mộc mướp, những thứ đồ gỗ giả cổ mà nhiều khi nhuận bút một bài thơ không mua nổi một cái chân ghế của nó. Lứa chúng tôi hầu hết sinh ra trong vất vả, lớn lên trong vất vả. Vũ Từ Trang là người có ý tứ trong chuyện này. Trong vai trò giúp việc đắc lực cho gia đình, chàng nhà thơ buộc phải tỉnh táo sớm chiều, xuôi ngược cặm cụi với công việc mưu sinh. Rồi thỉnh thoảng anh lại trốn công việc mưu sinh lao vào các cuộc giang hồ vặt với bạn bè chữ nghĩa và cả ngoài chữ nghĩa nữa…
Tập thơ mang tên Ngược dốc (in năm 1999) nhiều trăn trở về câu chữ này của Vũ Từ Trang đã chạm cửa giải văn học hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam. Lúc nghe tin, tôi mừng cho bạn cho dù kết thúc tập sách chỉ được ở trong diện vào chung khảo. Cũng là chuyện bình thường. Xưa nay vẫn vậy. Chữ nghĩa một đời mới chính là nền móng của tác giả, còn giải thưởng cũng chỉ là áng mây đẹp thoáng qua. Vậy mà áng mây ấy lại một lần nữa hiện ra trước mặt Vũ Từ Trang khi năm ngoái (2008), có tin (in báo hẳn hoi), tập sách chân dung của anh có tựa đề là Phía sau con chữ vào vòng chung khảo. Cũng thật tiếc, Phía sau con chữ chỉ nhận được những khuyến khích vật chất tượng trưng.
Vũ Từ Trang là người có nghĩa với chữ. Trong chuyện này thì tập sách Phía sau con chữ của anh là một đơn cử. Tôi đã đọc tập sách của anh với nhiều chân dung các nhà thơ nhà văn Việt Nam gồm các bậc bề trên, lứa cùng tuổi, người ít tuổi…! Dù dành cho ai, Vũ Từ Trang cũng có một sự trân trọng đầy cảm thông. Văn anh giàu chất sống, nhiều chi tiết. Có cảm giác Vũ Từ Trang viết về các chân dung bằng những kí ức và trải nghiệm của chính bản thân mình. Trong câu chuyện về nhiều nhà văn nhà thơ khi nhắc tới là anh có thể ùa lên, góp vốn của riêng mình. Vũ Từ Trang thường tâm sự với tôi rằng, anh sẽ dành thời gian cho những trang viết về những mảnh đời khuất lấp nơi thế gian này - những con người từng gắn cuộc đời họ với chữ nghĩa hoặc liên quan tới chữ nghĩa. Tập chân dung đầu của anh mới kể được về một số người.
Vũ Từ Trang vẫn tiếp tục viết. Các bài viết của anh in đều trên báo Văn nghệ, báo Công an nhân dân, chuyên đề Văn nghệ Công an…và trên mạng! Người đọc gặp lại những con người có khi mình biết tên, mình đã đọc mà giờ mới thấy hoặc không ngờ lại thấy như thế. Văn chân dung của Vũ Từ Trang giàu nỗi niềm. Có những chuyện ngỡ như không ngờ, không tưởng.
Tôi đọc những dòng Vũ Từ Trang viết về những kỷ niệm của anh với nhà thơ Lưu Quang Vũ mà như đọc một tự truyện. Các bài anh viết về các bậc cao niên như các nhà thơ, nhà văn Quang Dũng, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện, Lê Bầu, Hoài Anh, Tạ Vũ, Phạm Ngọc Cảnh, Võ Văn Trực, Mã Giang Lân… đầy sự cảm phục. Tôi xúc động khi đọc bài Thím Phụng của anh. Thím Phụng là vợ của nhà thơ Anh Vũ, em con chú bác ruột với Vũ Từ Trang. Chị là một họa sĩ. Đọc Thím Phụng của Vũ Từ Trang để thấy những người nghệ sĩ đã vất vả như thế nào khi gắn bó với nghề và sống chết với nghề.
Phía sau con chữ của Vũ Từ Trang có 23 chân dung, phần lớn là về các nhà thơ, nhà văn. Bài chân dung đầu tiên của anh là viết về nhà thơ Đào Cảng, khoảng đầu những năm 2000. Có hai phác họa ấn tượng về nhà văn Nghiêm Đa Văn và nhà thơ Trúc Cương. Rồi những ngày gian khó của các anh Tuân Nguyễn và Nguyễn Ngọc Ly. Những bài viết giàu kỷ niệm về các nhà văn, nhà thơ Chu Hồng Hải, Yên Đức, Hoàng Trung Thủy, Nguyễn Ngọc Liễn… Những chân dung ngoài văn chương nhưng đẫm cảm xúc văn chương như các anh Hà Cận, anh Lâm Râu… Sau tập sách này, Vũ Từ Trang vẫn viết đều chân dung về nhiều nhân vật khác!
Có chuyện gần đây thôi: Vũ Từ Trang viết về chân dung ông Nguyễn Hữu Cung, người sửa mo-rát có thâm niên của nhà xuất bản Thanh Niên. Bài được in ở báo Công an nhân dân Cuối tuần. Khi báo phát hành, nhà thơ Nguyễn Thanh Kim là người đầu tiên báo cho anh biết. Anh không ngờ bài viết lại được in nhanh như thế. Anh gọi điện hỏi lại tôi và tôi xác nhận đã đọc bài của anh và đang có tờ báo trong tay. Lập tức giữa nắng hè oi ả, Vũ Từ Trang đã lên nhà tôi chỉ để xin tờ báo và chỉ để làm một việc mang xuống biếu ông Nguyễn Hữu Cung lúc ấy đang lâm bệnh hiểm nghèo.
Ông Cung giờ đã thành người thiên cổ, nhưng tôi tin ông sẽ mát lòng vì trước khi nhắm mắt đã được đọc những dòng viết của Vũ Từ Trang về cuộc đời nhiều gian khó, lắm vui buồn của mình, một người yêu chữ nghĩa qua công việc sửa lỗi cho bản in. Bài viết của Vũ Từ Trang như những dòng viếng sống một người tốt ở thế gian này trước khi ông qua đời!
Tôi biết Vũ Từ Trang từ hồi tôi còn làm việc trên Lạng Sơn. Khi ấy anh làm ở báo Thủ Công nghiệp lên xứ Lạng công tác và tìm đến chỗ tôi. Chưa biết mặt, nhưng quen nhau qua bài vở trên báo chí, chỉ cần vậy thôi đã đủ sự gần gũi thân mật khi tiếp xúc. Sau này lại gần hơn vì tôi với Vũ Từ Trang có chung thơ được in trong một chùm thơ nhiều bài được chọn là thơ hay của báo Nhân Dân năm 1979. Bài thơ của tôi có tên là Thơ mùa thu tiễn bạn và của Vũ Từ Trang là Trăng Phồn Xương. Với Vũ Từ Trang, đằng sau mỗi con chữ là tấm lòng. Từ tình cảm ấy tôi bỗng nhớ tới bài thơ Vân chìm của anh:
Bao năm bạn bầu với gỗ
Bây giờ tôi mới nhận ra
Vẻ đẹp vân gỗ chìm…
Và Vũ Từ Trang ơi, trong sự ẩn chìm của vân gỗ đời mình ấy, ta lại nhớ về nhau, về cái đẹp của Trăng Phồn Xương cách đây ba mươi năm, thời trong vắt của những câu thơ sau chiến trận:
Trăng thì cứ bổng như gió thổi
Mặt trăng như một trái dưa vàng!
 
Những ngày đầu lập Thu 2009
Nguồn: Văn Nghệ Công An