Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHIẾC GÙI TRÊN LƯNG NGƯỜI ĐÀN BÀ

Đặng Bá Tiến
Chủ nhật ngày 11 tháng 10 năm 2009 12:59 PM
 
     Người đàn bà cúi mặt bước trong sương, trong khói đất quyện mùi phân bò và cỏ rác. Gió lạnh từng cơn dữ dội như muốn đẩy người đàn bà lăn xuống vệ đường. Nhưng chiếc gùi nặng trên lưng đã níu giữ người đàn bà ở lại với con đường. Cuối đông đã lấp ló nụ cười vàng của hoa dã quỳ cho người đàn bà bớt  phần hiu quạnh. Cái bóng đen cứ lầm lũi trên đường, những ngón chân xòe ra như rễ cây bám vào đất đỏ bazan kiên nhẫn. Bình minh đã lên, nhưng ánh sáng bị lấp chìm trong hẻm núi, trong sự thống trị của mây mù. Và người đàn bà mặc kệ mây mù, bước chân theo thói quen, trên con đường  lam lũ như ngàn đời nay tổ tiên của bà đã bước. Không có tiếng chim đ’rao, không có tiếng chim s’tiêng… lảnh lót như ngày xưa. Không có mùi hương của hoa êpang, hoa sơc khọt… bay trong sương như ngày xưa. Không có làn khói mỏng dan díu trên mái tranh như ngày xưa. Chỉ có hoài niệm về rừng xưa, về làng xưa, về tiếng chim xưa và làn hương xưa phảng phất trong đầu để người đàn bà gắng sức bước. Đường đi làm rẫy bây giờ xa tít tắp, một trăm lần hú chuyền nhau chưa đến được chỗ tỉa gieo. Chiếc gùi nặng phân bò, phân heo và những túi hạt giống đã ám màu khói bếp cứ níu hai vai người đàn bà trĩu xuống, cứ đè lên lưng người đàn bà như trái núi, khiến hai chân người đàn bà như đeo hai hòn đá tảng và mồ hôi bết tóc, đẫm lưng, chảy xuống hai bàn chân dính đầm đìa đất đỏ. Tôi biết, người đàn bà đang cõng những lo toan, những niềm tin và những ước mơ trên lưng mình, trên vai mình. Trong đó có ánh mắt long lanh của những đứa con, nụ cười rạng rỡ của những đứa con khi chúng cầm trên tay những bắp ngô tròn mẩy hạt. Có thể ngày xưa trên đường đi rẫy người đàn bà đã hát, đã ngắt lá làm kèn thổi gọi bạn trai, đã nhảy, đã múa như con chim công trong nắng mai…Nhưng bây giờ người đàn bà cứ lầm lũi bước. Tiếng hát có thể giờ đã thành mồ hôi lạnh đầm đìa những ban mai như sáng nay, có thể đã chảy xuống ngón chân để người đàn bà bám chắc hơn vào mặt đường chống gió, có thể đã thành những nốt chai sần trên bàn tay, trên bàn chân và mòn rụng theo thời gian, theo nắng mưa, theo những nỗi nhọc nhằn đã lặn vào thịt da, đã ngâm tẩm số phận người đàn bà thành một thứ rượu đắng như độc dược, đánh chìm cả tiếng hát và điệu nhảy ngày xưa…
     Vẫn chiếc gùi trên lưng. Tôi biết người đàn bà chẳng cần biết đến Mỹ Tâm, Đàm Vĩnh Hưng, chẳng cần biết những ngôi sao nào đang ăn khách, chẳng cần biết nước Mỹ đã có Obama, chẳng cần biết Trung Quốc đang xem biển Đông như ao nhà, chẳng cần biết ai làm tổng bí thư, ai làm thủ tướng…
Chiếc gùi cứ ngày ngày bám vào lưng người đàn bà Ê Đê, bám vào lưng người đàn bà M’nông, bám vào lưng người đàn bà Gia rai… như là một phần thân thể họ.
                                                   *
     Chiếc gùi… Chiếc gùi… Đêm, tôi không thể ngủ. Chiếc gùi trên lưng… chiếc gùi trên lưng… cứ ám ảnh tôi như thần linh, như ma quái. Ánh mắt người đàn bà chỉ nhìn xuống mặt đường mà như nhìn tôi. Chẳng phải cầu xin, chẳng phải van lơn, ánh mắt nói, còn miệng người đàn bà thì ngậm lại. Tôi biết những người đàn bà ấy đang gùi trên lưng số phận của mình, số phận của nhà mình. Và không chỉ vậy, những người đàn bà đang gùi số phận cả dân tộc mình lết trên con đường đầy bùn đất và chông gai để song hành cùng thời đại.
 Buôn Ma Thuột đêm 10.10.2009