Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

QUYỀN ĐƯỢC ĐÍNH CHÍNH

Huy Bom
Thứ tư ngày 7 tháng 10 năm 2009 7:44 AM
TNc: Tôi xin mách các nhà báo để tránh phải sai sót thì cấm ăn thịt chó và năng đi cúng bái. Đó là kinh nghiệm xương máu của nhiều người...
 

Làm báo rất dễ gặp sai sót. Truyền hình trực tiếp chỉ cần MC nói nhịu một câu là bà con đã cười ồ, báo giấy báo mạng mà chỉ cần viết sai một tí là đã chết dở.
Tất nhiên, có những cái sai vô tình,  lại có những cái sai cố tình. Nhưng ở đây chỉ nói chuyện sai vô tình.
Có dạo đọc báo Nhân dân về CMT8, mà lại in thành năm 1946, trong phần chú thích ảnh. Sai mất một năm. Sai vậy thể nào  cả một ê kíp làm cũng bị kỷ luật. Báo nào cũng thấy có lúc sai, không lúc nọ thì lúc kia, nhiều nhất là chính tả và những lỗi lặt vặt. Nghe đồn anh Hữu Thỉnh khi duyệt báo, anh thường chập bản can vào xem ảnh đùi cô diễn viên trang A có đè lên mặt ông nào ở trang B hay không. In lem nhem nó dễ bị hằn mực sang lắm. Anh Thỉnh thật là một người có tinh thần cảnh giác cao độ!
Tuổi Trẻ là một tờ rất hiếm thấy có những lỗi kiểu như thế.
Giang hồ còn đồn là có tờ in tin lãnh đạo ta tiếp nữ trưởng đoàn đại biểu tây, không hiểu thế nào mà “tiếp” lại in thành “hiếp”. Chữ “t” với chữ “h” nó nằm ngay cạnh nhau trên bàn phím. Ông nào gõ cái tin này hẳn mắt toét hoặc ngón tay phải to như  quả chuối.
Hôm trước, báo PN TP.HCM in nhầm ảnh hải quân Tầu trong bài của cô Dạ Ngân. Nhầm thôi mà, ai cố tình mấy chuyện đó làm gì mà bảo người ta “bán nước”? Rồi gần đây là vụ quân của anh Đào Duy Mắng mất cảnh giác với nguồn tin Tầu, dịch như cái máy rồi “nống” luôn lên mạng. Tớ nghĩ cũng là sơ suất thôi, đồng nghiệp với nhau thì có thể thông cảm được.  Khổ nỗi sau đó anh lại còn trả lời phỏng vấn dở. Vụ anh Mắng theo tớ không phải nằm ở cái sai kiểu của “anh đánh máy”, mà sai từ chọn nguồn tin và đưa tin một nguồn, đã thế lại còn để sót những câu từ  làm nhiều người bực mình. Sẽ còn có lúc có tờ bất cẩn nào đó nhầm nữa, chẳng may là lần này rơi vào chỗ anh Mắng thôi. Các đồng nghiệp cần phải luôn nêu cao tinh thần của anh Thỉnh!
Làm báo mà sai thì phải đính chính. Đính chính không thỏa đáng thì có thể phải hầu tòa. Vừa phải đính chính vừa bị xử lý hành chính cũng là thường. Nhưng ngược lại, làm báo nếu sai trước hết họ có quyền được đính chính và xin lỗi. Đính chính, cáo lỗi là một “lối thoát” phần nào giảm bớt áp lực cho báo chí, tất nhiên nó nhỏ bé thôi và phải đính chính thì chẳng hay ho gì. Phải làm việc đó kể ra thì cũng dơ dáy, ngại ghê lắm.
Ngày trước báo chí sai thì bạn đọc thường gửi thư, gọi điện nhắc nhở, thậm chí có người cất công đến tận tòa soạn. Còn bây giờ thì không đâu, có luôn lên mạng.
Sao mọi người không gọi điện, email, nhắn tin… cho các tòa soạn nếu họ có sai lầm? Họ sai mà không sửa, đính chính, cáo lỗi thì tha hồ muốn làm gì họ thì làm. Sự rộng lượng với báo chí hình như  càng ngày càng ít đi?
Cách đây mấy năm hay phải đưa báo đi in. Bao nhiêu người duyệt rồi nhưng vẫn rình từng chữ xem có còn sai loanh quanh ở đâu không. Sai thì cắt dán, cạo can, sửa bản kẽm.v.v. Đi nhà in đêm, mắt càng ngày càng mờ; máy chạy ầm ầm, đau đầu. Có dạo, từ “nỗi buồn” đã bị đánh máy sai thành “nỗi (bờ)… uồi”(khổ thế hihi). Máy chạy rồi mới phát hiện ra, thế là một người trực ca hôm ấy phải quyết định hủy đi một số lượng lớn. Chuyện này có thật, thề! Chữ “n” với chữ “i” nó đâu có giống nhau, và đâu có nằm gần nhau chứ, sao lại có thể nhầm lẫn như vậy được? May mà ko phải ca tớ trực và báo vẫn chưa ra khỏi nhà in!
Những sai sót kiểu đó, thường được gọi là Ma làm! Sờ sờ trước mắt nhưng vẫn sai = Ma làm!
Kể từ khi biết vụ đó, tớ kiêng hẳn việc viết mà phải dùng tới từ “buồn”. Phải lo cho cái thân mình trước, tớ là tớ cứ phải cố gắng chủ động phòng ngự từ rất… rất… xa huhu.