Trang chủ » Tản văn

ẤM ÁP THÁI BÌNH

Trần Nhương
Thứ sáu ngày 24 tháng 7 năm 2009 2:04 PM
 
Nhà văn đạo diễn Minh Chuyên lại rủ tôi đi Thái Bình. Chuyến đi có hai ngày nhưng đi cả huyện Hưng Hà và thành phố Thái Bình. Bộ phim tài liệu Nhà Trần và Trần Thủ Độ sau khi phát sóng trên VTV đã được bà con Thái Bình nhiệt liệt vui mừng. Chúng tôi mang một số đĩa ghi hình bộ phim về tặng huyện và tỉnh.
  Khác với các chuyến đi trước, lần này chúng tôi đi xe nhà. Minh Chuyên vừa tậu con bốn bánh mới khự, xe nhập khẩu hẳn hoi. Lái xe là chàng rể yêu của Minh Chuyên. Ngồi trên chiếc xe mình bỏ tiền ra mua, mình làm chủ Minh Chuyên có vẻ sung sướng ra mặt.
  Về đến Hưng Hà các anh lãnh đạo huyện và Chi cục thuế đã chờ tại trụ sở huyện. Vừa ăn cơm vừa trao đổi công việc. các anh ở huyện muốn có những tập tiếp theo về Nhà Trần và Trần Thủ Độ. Anh Hồng Chuyên, chủ tịch huyện có ý tưởng dựng một nhóm tượng nhà Trần chiến thắng tại khu lăng mộ nhà Trần tại Long Hưng. Biết chúng tôi chiều nay gặp Bí thư tỉnh ủy, anh Hồng Chuyên nhờ Minh Chuyên nêu ý kiến với Bí thư hộ. Anh Nghị chi cục trưởng cục thuế Hưng Hà quê tại Lưu Xá mời chúng tôi tranh thủ về thăm quê anh. Hôm vừa rồi chúng tôi về đó quay phim trên bến Lưu Gia. Chuyện kể rằng chính bến sông này Trần Thủ Độ đã gặp Trần Thị Dung. Các anh trong ủy ban xã Canh Tân chờ đón chúng tôi. Các anh nhận một số đĩa ghi hình để chiếu cho bà con xem. Xã muốn có dịp sẽ làm phim về hai võ tướng Lưu Ba và Lưu Khánh Đàm. Hai ngôi mộ của hai võ tướng vẫn còn trên cánh đồng Lưu Gia. Hai vị này đã trình lên vua Lý nên chuyển đô về Thăng Long và chính hai ông đã đi tiền trạm. Chúng tôi hứa sẽ nghiên cứu để viết một kịch bản vào năm sau. Chúng tôi ra đền thờ hai vị võ tướng thắp hương. Thời gian không có nhiều nên chúng tôi vội quay về tỉnh cho kịp giờ hẹn với Bí thư tỉnh ủy. Chia tay các anh Lưu Xá thật lưu luyến, trong cốp xe đã có quà quê các anh tặng, đó là nhãn bẻ ngay trong vườn nhà…
  Bốn giờ chiều chúng tôi gặp anh Dũng, Bí thư tỉnh ủy Thái Bình tại trụ sở. Sau khi tặng một số đĩa phim Nhà Trần, Minh Chuyên đề nghị tỉnh nên đưa một số hiện vật thời Trần về với nhưng nơi nó vốn ở đó. Bởi vì khi về các di tích thì hầu như hiện vật quý đã đưa về Bảo tàng tỉnh mà bảo tàng tỉnh không phải ai cũng đến. Chúng tôi còn trao đổi một số nội dung cho dịp lễ hội vào tháng 10 này.
  Qua Đài phát thanh và truyền hình tỉnh tặng đĩa phim cho giám đốc Thao. Minh Chuyên còn tặng băng bộ phim Linh hồn Việt cộng. Bộ phim của anh đã được tặng Giải B báo chí toàn quốc và giải Bạc liên hoan phim truyền hình đầu năm nay. Vừa mấy hôm trước tôi và Minh Chuyên cùng đạo diễn Trần Cẩm được VOV TV mời đến tọa đàm về phim này. Anh Thao nói xem phim Nhà Trần và Trần Thủ Độ nhân dân yêu cầu đài tỉnh phát lại mà không có băng. May quá hôm nay anh mang về sẽ cho lên sóng để bà con thoải mái.
  Buổi tối chúng tôi tụ tập tại quán cá. Thái Bình nổi tiếng với các món cá. Nhà hàng rất đẹp. điệu nghệ không kém đất Hà Thành. Chúng tôi qua nhà Đức Hậu đón đi và gọi điện mời Nguyễn Thế Lịch, một người bạn cùng đơn vị với tôi hồi chông Mỹ. Một lúc, Minh chuyên gọi anh Côi một thương binh nặng hiện là giám đốc một công ty. Anh Côi bị thương tại Bình Long, tưởng đã tàn phế, anh được tiêu chuẩn chăm nuôi tại trại thương binh. Nhưng không chịu được cảnh ngồi một chỗ, anh rèn luyện để có sức khỏe rồi xin ra trại về nhà. Bây giờ ngày nào anh cũng đi đánh tenis. Nhưng điều quan trọng là anh đã làm cho hàng trăm người có công ăn việc làm trong công ty của anh.
  Bữa hội ngộ vui vẻ vì anh em lâu không gặp nhau. Nguyễn Thế Lịch và tôi ở với nhau nhưng năm 1971,1972, cùng làm bản tin Vận Tải thuộc Cục Vận tải TCHC. Lịch chuyển về công an Thái Bình làm trưởng phòng chính trị một thời gian. Bây giờ còn sức khỏe anh làm giám đốc bán hàng cho hãng bia Đại Việt. Tôi không ngờ anh em bạn bè đọc mình nhiều thế, Nguyễn Thế Lịch có thể kể vanh vách từng chi tiết các bài tôi đưa lên trannhuong.com. Kể ra cũng sướng, văn chương mình đã hay hớm gì nhưng bạn bè yêu quý mà đọc cho vui.
Mãi khuya chúng tôi chia tay nhau và hẹn có ngày về Thái Bình lâu hơn. Đúng là mảnh đất này như vỉa quặng còn giấu kín mà chưa khai thác được bao nhiêu.
  Chương trình sáng 21-7 chúng tôi còn thăm Đỗ Trọng Khơi rồi mới về Hà Nội. Đỗ Trọng Khơi một nhà thơ suốt đời nằm viết vì bị tật nguyền. Anh vừa lấy vợ ngày 14-6. Tôi sẽ kể chuyện anh hầu các bạn bằng một bài viết khác.

Ảnh: 1- Trao đĩa hình cho lãnh đạo xã Canh Tân
        2- Phả kí ghi công Lưu Ba và Lưu Khánh Đàm
        3- Chụp ảnh lưu niệm tại đền thờ Lưu Ba, Lưu Khàng Đàm cùng lãnh đạo xã Canh Tân.
        4- Dùng cơm cùng bạn bè nơi quán cá.