Trang chủ » Truyện

NGƯỜI HÈN CỦA CƠ QUAN TÔI

Đoàn Nhất Trí
Thứ ba ngày 11 tháng 8 năm 2009 9:36 PM
  truyện ngắn                                                 
                   
                 Chưa đầy năm mươi, lại có tên rất hay, nhưng nhiều người trong cơ quan tôi vẫn gọi anh ta là người hèn. Cái tên này thường nhật đến mức, dù khen hay chê anh điều gì, người ta cũng chỉ gọi là người hèn. Hôm nay tôi thấy người hèn bê vào phòng giám đốc một bọc gì to lắm. Chiều qua, chị bắt gặp người hèn dùng hai tay đưa chén nước cung kính mời giám đốc. Giám đốc tuổi chỉ em út lão, đón chiếc chén bằng một tay, uống cái ực, chẳng nửa lời cảm ơn. Thế mà lão chẳng lấy làm xỉ nhục, mặt còn tươi roi rói, như vừa lập được một chiến tích. Chiều tối tuần trước, chị ( hoặc anh) thấy ngưòi hèn lách qua cửa nhà trưởng phòng tổ chức ra ngoài, chắc lại một phi vụ gì...Cứ thế, những câu chuyện về anh ta nối dài ngày này sang tháng khác. Không có hồi kết. Có người còn bỗ bã , nửa đùa nửa thật, hỏi đốp vào mặt: " Này người hèn, tối qua tôi thấy ông xách bọc gì to lắm vào nhà xếp phó, lúc ra tay không, thế ông "quên" không mang túi về à?". Anh ta không nói sao, cứ cười cười. Lần khác, sau một ngày góp ý phê bình lãnh đạo thường kỳ hàng năm, có người chỉ thẳng vào mặt anh ta nói: " Ông quá hèn! cả một ngày như thế mà ông không góp một ý kiến nào cả, cứ ngồi ngậm hột thị!". Lại cười không nói gì. Xem ra, đã nhờn thuốc và nhiều người không ưa anh.
                  Tôi thì khác, tôi không gét, nhưng cũng không quí mến anh. Tôi tự nghĩ,cư xử như thế nào là quyền của mỗi người. Tôi không phán xét hay lên án ai cả. Ai sống thế nào sẽ phải tự chịu trách nhiệm về cách sống của mình. Vì thế, anh là người tỏ ra có cảm tình với tôi nhất.
                
                   Có một lần, vào buổi sáng ngày làm việc đầu tuần, gần mười giờ, cứ thấy anh khoanh tay gục mặt xuống bàn làm việc. Không nói ra nhưng ai cũng nghĩ thầm trong bụng, chắc đêm qua người hèn lại đến nhà xếp nào đó xoa xoa tay, khom lưng nhiều quá nên mỏi, sáng nay phải thư giãn một chút. Chẳng ai để ý xem anh thế nào. Mãi sau, tôi gọi, không thấy anh trả lời. Tôi đứng dậy ra tận nơi, anh vẫn rũ người xuống, không nói được gì. Tôi vội xốc anh lên vai giục mọi người gọi taxi đưa đi viện. Hai ngày sau trở về, anh lại đi làm bình thường. Thì ra anh bị bệnh áp huyết thấp. Chiều thứ sáu cùng tuần ấy, đợi mọi người ra về hết, anh mon mem đến cạnh tôi, lúc ấy cũng đang thu xếp, định ra về:
                  - Anh, còn sớm mà! tôi mời anh đi uống rượu?
                  Tôi nhìn anh từ đầu đến chân, ngạc nhiên:
                  - Xưa nay có bao giờ tôi thấy anh uống rượu, sao hôm nay lại...hay anh cũng định đút lót tôi cái gì? Tôi đùa cho bớt sự nghiêm trọng đi. Cũng như mọi lần, anh ta không tự  ái, còn cười:
                  - Chưa uống thì hôm nay uống! Dần sẽ quen!                 
                  
                  Quán nhậu nằm ở góc phố ngã ba đường. Mặt chính trông ra con đường rộng. Qua con đường đến một khu đất trồng cây xanh làm công viên. Qua khu đất là đến một hồ nước mênh mông. Mặt hồ như mặt gương khổng lồ phản chiếu mọi hoạt động xung quanh nó. Mặt phụ nhìn sang dẫy phố bên kia, suốt ngày tấp nập người mua kẻ  bán.  Tửu lượng của anh ta không bằng tôi nên đến chén thứ ba đã ngà ngà và bắt đầu trút bầu tâm sự bằng một câu hỏi chứ không phải bằng một câu cám ơn như tôi  dự đoán:
                  - Đồng nghiệp, anh khinh tôi lắm phải không?... Khinh, sao còn cứu tôi, đưa tôi đi viện?
                  Câu hỏi thẳng băng như mực tầu của anh ta đưa tôi vào tình thế bối rối. Nhưng rồi tôi cũng nói thật lòng mình:
                  - Anh đừng nghĩ thế về tôi. Tôi đâu có ghét anh. Tôi tôn trọng cá tính của từng người. Mỗi người một cá tính mới tạo nên xã hội. Anh thử nghĩ xem, cứ là công nhân thì phải quần xanh, áo xanh, đầu đội mũ vải xanh; là nông dân thì phải quần nâu, áo vá, chân đất; còn là trí thức thì quần tây, áo trắng, thắt cà vạt, đeo kính trắng, giận giầy da đen hay sao. Một dân tộc, một đất nước mà chỉ có từng ấy hình hài, màu sắc thì đáng buồn biết chừng nào. Anh cũng có nhiều mặt tốt, tôi và mọi người trong cơ quan không ai ghét anh cả, chỉ thấy cái cách cư xử của anh với cấp trên hơi...
                  - Khúm núm, hèn hạ phải không? Anh ta cướp lời tôi. Vâng, đúng là tôi đã khúm núm, hèn hạ trước cấp trên! Anh ta tợp một ngụm rượu rõ to, nuốt đánh ực, đưa mắt nhìn ra xa, sang bên kia mặt hồ. Nước hồ trong xanh in rõ những dòng người, dong xe hối hả ngược xuôi vô tận, nhưng là những hình người, xe lộn ngược. Tôi nhìn rõ cái cục yết hầu lộ to trên cổ anh đang đưa lên đưa xuống khó nhọc. Cuối cùng, nó như cũng đè được một cái gì đó vô hình xuống ngực. Anh ta nói tiếp, giọng nhỏ lại như tâm sự. Mọi người khinh gét tôi là phải. Tôi đáng được đối xử như thế. Bởi vì, anh biết không, tôi có một bí mật nặng trĩu luôn đè nặng trong lòng từ những năm đầu của thập kỷ tám mươi đến nay, chưa nói với ai được. Nay tôi cũng coi anh như người tri kỉ mà thổ lộ để mong lương tâm nhẹ bớt đi được phần nào.
                 
                 Ngày ấy, sau khi tốt nghiệp trường trung cấp sư phạm tỉnh, tôi được phân công về công tác ở một huyện miền núi một tỉnh sát biên giới Trung Quốc. Tuy là giáo viên, làm nghề dậy học, nhưng từ thuở bé tôi đã mơ ước được làm một nhà báo. Tôi coi việc dậy học như một chỗ trú chân, chờ thời. Và thời cơ đến thật. Tôi chỉ phải dậy học ở miền núi ba năm, sau, nhờ cậy vả, tôi được chuyển về Đài phát thanh Tỉnh làm phóng viên. Ngày ấy, đài tỉnh chưa có truyền hình như bây giờ. Chỗ ở chưa có, tôi xin ở nhờ gia đình ông chú họ trong thị xã. Khỏi phải nói, tôi đã sung sướng đến chừng nào. Ơ với chú thím tôi được già nửa năm thì đột nhiên, gần nửa đêm hôm ấy, chú tôi kêu đau bụng. Tôi và thím đun nước gừng nóng cho ông uống. Vẫn không đỡ, còn đau hơn, gần sáng thì đau quá. Tôi và thím lấy võng làm cáng, khênh chú lên bệnh viện của ngành khai thác mỏ chỉ cách nhà hơn một cây số. Từ trong nhà ra đến đường nhựa phải mất mười lăm phút. Chú tôi kêu trong đau đớn: " Tao nghe như bị bục dạ dày rồi, thím cháu mày đi nhanh lên kẻo không kịp!". Chúng tôi khênh chú vào ngay phòng cấp cứu. Cô y tá tiêm cho chú một mũi. Hình như đấy là thuốc giảm đau. Trước khi bước ra khỏi phòng, cô bảo: bác sĩ trực đang đi giao ban, hãy nằm đấy chờ. Chú tôi đợi mỏi mòn trong đau đớn. Mãi gần mười giờ ông bác sĩ trực mới bước vào. Xem mắt, nhìn lưỡi rồi nắn nắn bụng chú tôi, ông bảo phải chờ hội chuẩn mới biết bệnh gì. Sợ ông lại bỏ đi như cô y tá lúc nẫy, tôi bám lấy ông tự giới thiệu tôi là phóng viên Đài phát thanh của Tỉnh. Mới nghe đến thế, ông bác sĩ đã nhìn tôi từ đầu đến chân, không nói. Tôi còn non nớt chẳng hiểu gì về cái nhìn đầy ý nghĩa ấy. Cứ tưởng hai chữ "phóng viên" đã làm cho ông ta nể, sợ và sẽ tận tình cứu chữa cho chú tôi. Thế đấy, ngày ấy mới vào nghề, tuổi còn trẻ, tôi cứ tưởng rằng làm nhà báo là oai lắm, ghê lắm, mọi người, ai cũng vị nể. Làm nhà báo thì nay đi với ông to này, mai đi với bà bự kia, họ đều là những người nổi tiếng, mấy ai được gần. Đặc biệt, tôi còn cho rằng ai cũng phải nể sợ nhà báo. Tôi đâu có biết rằng, cá nhân hay một tập thể nào đó chỉ sợ báo chí khi họ làm điều gì sai trái, khuất tất. Nếu ai đó có "sợ" thật thì đó là "sợ" "báo" chứ đâu có sợ một một con người cụ thể nào của báo. Vả lại, ngành y người ta cũng có những " quyền" của họ. Giả dụ nếu ở đâu đó, hay có ai, y đức không được sáng lắm thì người ta muốn "cho chết" một trường hợp nào đâu có khó gì. Làm được ra nhẽ cũng còn mệt.
                
                   Một tợp rượu to nữa đánh ực, cái cục yết hầu lại chạy lên chạy xuống để đè một cái gì đó cứ chực trồi lên từ ngực, đôi mắt anh ta vẫn chăm chú dõi theo những hình người xe lộn ngược dưới nước, phía bên kia hồ:
                  - Lần ấy sau khi nghe tôi tự giới thiệu là phóng viên đài tỉnh cùng những lời ba hoa, huyên thuyên về sự quen biết của tôi đối với chủ tịch, bí thư tỉnh ủy và những ông nọ bà kia, tay bác sĩ chỉ nhìn tôi bí hiểm, nói: "Anh cứ yên tâm, đau bụng không nguy hiểm ngay đâu, hãy chờ chúng tôi hội chuẩn xem là bệnh gì mới đi đến kết luận phải dùng biện pháp nào điều trị." Mãi sang đầu giờ chiều ông bác sĩ ấy mới dẫn ba người nữa theo. Họ lại xem xét, sờ nắn chú tôi. Cuối cùng, họ quyết định đưa chú sang phòng mổ. Tôi và thím ngồi chờ ngoài hành lang gần hai tiếng đồng hồ để được nghe thông báo một kết quả không thể nào tin được:" Bệnh nhân đã chết do bục dạ dầy, nhiễm trùng!" Thím tôi chết lặng, không sao đứng lên được. Tôi thì bàng hoàng không tin vào tai mình. Tôi cùng thím và họ hàng thu xếp cho chú mồ yên mả đẹp xong tĩnh tâm ngồi nghĩ lại, tôi giật mình nhận ra một điều hệ trọng: chú chết là do tôi, tội ở tôi cả! Tuổi đời mới hăm bốn hăm nhăm lại thêm hiểu quá sai lệch về nghề làm báo cùng thói huênh hoang, tự kỉ, tự đắc đã gây nên tai họa tầy đình là làm thiệt mạng một con người. Con người ấy, ác thay lại chính là người chú thân thiết của tôi. Nếu anh là bác sĩ trong trường hợp ấy, anh có cho tôi một bài học không? Có chứ! Để lần sau tôi biết thế nào là lễ độ. Thế nhưng theo như tôi nghĩ, các ông bác sĩ lần ấy cũng chỉ muốn"dạy" cho tôi một bài học thôi chứ không muốn làm cái việc giết người. Chẳng may họ để quá đi. Ai biết đâu được, ranh giới giữa sự sống và cái chết mong manh chỉ bằng sợi tóc. Quá đi một chút là chết còn non đi một chút là sống. Lần ấy họ đã để quá đi nên không cứu vãn được nữa. Chú tôi chết tức tưởi bởi sự đố kị của con người, trong đó có tôi, một đứa cháu của ông và những thày thuốc làm nghề cứu người là vậy. Họ hàng nhà tôi, nhiều người đã nói ra, nói vào. Họ đều cho rằng, chú tôi chết là do sự vô trách nhiệm của bệnh viện, nhất là của bốn ông bác sĩ đã trực tiếp khám bệnh cho chú tôi. Họ bảo phải kiện cho ra nhẽ. Họ cũng bảo trong họ chỉ có tôi là người nhiều chữ nhất, lại là nhà báo, thông hiểu mọi điều, tôi phải đứng ra chấp bút và theo kiện đến cùng để đem lại sự công bằng cho chú tôi. Thế nhưng, như tôi đã kể ở trên, tôi chỉ huênh hoang chứ thực chất chỉ là một thằng hèn nhát, đại hèn nhát.Trẻ con vắt mũi chưa sạch như tôi, có muốn cũng đâu có đấu được với những ông bác sỹ đã hói đầu trong ngành y. Thêm nữa, trong vụ việc này có cả phần tại tôi. Tại cái sự ngu xuẩn dốt nát của tôi mà mọi người trong dòng họ không ai biết. Vì thế, tôi đâu dám. Để mọi người yên lòng, tôi cứ ậm ừ cho qua. Sự việc cứ thế mà chìm dần đi. Cũng sau lần ấy, tôi tự thấy tội của tôi đối với chú lớn qúa, chỉ có cái chết mới rửa sạch được. Nhưng đã bảo tôi là thằng hèn nhát thì sao tôi dám chết. Thế là từ đấy đến nay tôi luôn sống trong mặc cảm tội lỗi. Tôi không còn hào hứng với nghề làm báo nữa. Chờ thời cơ chuyển sang ngành khác. Thế mà cũng phải chờ đến gần ba năm. Gần ba năm giời với những chuyến đi công tác hời hợt và những bài viết nhạt nhẽo chẳng gây được ấn tượng gì đã làm ông giám đốc nhà đài phát ớn và không ngại ngần độp thẳng vào mặt tôi:" Anh không thể làm nhà báo được, tôi khuyên anh nên chuyển nghề thì hơn!" Tôi biết ông nói thật, cũng chẳng dám nói gì, âm thầm chờ một sự thay đổi tiếp theo. Và rồi, cơ quan này đã nhận tôi về làm công tác hành chính. Ngày tôi mới chuyển về chưa có anh. Cơ quan ta kể cả lãnh đạo mới chỉ có mười lăm người, nay đã gần năm chục. Ngay từ những ngày đầu chuyển công tác về đây, tôi đã trở thành con người khác. Con người như các anh vẫn gọi bây giờ là " người hèn". Tôi nghĩ mãi rồi, trong cuộc sống này, tôi không làm được người hùng thì tôi làm người hèn. Anh có biết tại sao tôi lại nghĩ như vậy không? Các anh không biết đâu. Bởi vì xưa nay các anh vẫn quen với lối nghĩ một chiều. Ai trong cơ quan khảng khái, dám đấu tranh, dám nói thẳng, nói thật, dám đấu lại xếp thì các anh cho họ là người hùng, đáng khen ngợi, học tập. Còn ai như tôi, các anh cho là hèn nhát, nhu nhược, xấu xa, cần phải xa lánh, không đáng làm bạn, nhất là không đáng để tôn trọng. Theo thiển nghĩ của tôi, người hùng là để đấu tranh chống lại cái tiêu cực, Người tiêu cực, người hèn là để làm lộ ra cái mục tiêu tiêu cực vẫn thường được che đậy hay khoác lên nó một cái nhãn mác đẹp đẽ nào đó, để cho mọi người nhắm vào mà đấu tranh chống lại nó. Tất nhiên, không có người hèn, người ta vẫn nhận ra cái xấu và kẻ xấu trong xã hội, nhưng lâu. Đến lúc phát hiện ra thì xã hội đã chịu tổn thất khá nặng nề rồi. Vậy là người hùng và người hèn, về mặt công trạng là bằng nhau. Dĩ nhiên, trong xã hội, chẳng ai muốn và thích làm người hèn cả. Nếu có, đều có nguyên nhân xâu xa cả. Riêng tôi, như anh đã biết, tôi không có gan làm người hùng, thì , ngược lại, tôi dám làm người hèn để trước hết tạ tội với chú tôi, sau nữa, tôi cũng có thể góp phần nhỏ bé công sức của mình vào việc xây dựng một xã hội tốt đẹp mà tôi hằng mong ước.  Mong ước từ khi còn bé, tức là từ khi tôi khao khát được làm nhà báo. Tôi thà làm người hèn còn hơn cứ mũ ni che tai, ai nói gì cũng gật.
                
                Nghe anh ta nói đến đây, tôi bỗng sôi máu. Thì ra anh ta đang nói tôi, đang chĩa vào tôi, đang mượn rượu để chỉ trích loại người bình quân chủ nghĩa như tôi. Tôi đã chẳng thèm chỉ trích anh ta thì thôi, chứ anh ta dám chỉ trích tôi. Tuy nhiên, tôi đã gìm mình lại được. Tôi muốn nghe nốt câu chuyện của anh và cũng muốn xem kết thúc bữa rượu này, chúng tôi sẽ là gì của nhau. Tôi nói nhẹ nhàng nhưng giọng không kém phần mỉa mai:
               - Nếu ai cũng nghĩ và làm như anh thì xã hội ta chỉ có mà mọc mòi thêm ra không biết bao nhiêu là bọn người tham nhũng. Anh nịnh hót, tâng bốc, người ta thích thú vì nó ngọt ngào, êm tai. Anh quà cáp, biếu xén, càng trúng lòng tham vô đáy về tiền bạc, vật chất của họ. Trên đời, có ai tiền và vàng đem đến tận tay lại không vơ vào mình. Bọn người tham nhũng này một khi đã sinh sôi nẩy nở ra như côn trùng thì người hùng nào đấu tranh cho xuể? Anh ta không tán thành ý kiến của tôi, đấu lại:
                - Anh cứ nói thế chứ con người ta một khi đã làm công bộc của dân thì phải có cái tâm và cái đức đủ tầm để không lóa mắt trước đồng tiền cắc bạc, không vì lợi ích cá nhân mà làm hại đến lợi ích của người khác hay lợi ích cộng đồng. Người ta đưa hối lộ, dù ở chỗ vắng, chỗ kín, không ai biết nhưng anh kiên quyết không cầm thì lần sau ai còn dám đưa cho anh nữa?
                Tôi lại tiếp tục bài bác cái lý lẽ kỳ quặc của anh ta:
                - Như thế là anh cho rằng những người hèn nhát đều là những người tốt, có công với xã hội cả? hãy thử ra mặt trận xem, trước mũi súng đang chĩa vào mình, liệu các anh có còn sống lấy một người!
                - Tôi không nói tất cả mà nói nhiều người. Tôi cũng không nói người hùng và người hèn ở ngoài mặt trận. Ơ đây, trong câu chuyện này, tôi chỉ giới hạn trong phạm vi đấu tranh chống tiêu cực. Trên mặt trận này, kẻ xấu, cái ác về mặt hình thức nó đồng dạng với ta. Khó phân biệt rạch ròi lắm. Suy cho cùng, tôi cũng cho rằng, một xã hội tốt đẹp phải là một xã hội được làm nên bởi những con người có tư tưởng tiến bộ và đạo đức tốt đẹp. Bản lĩnh ấy của con người không tự nhiên mà có. Nó hình thành từ sự kết hợp giáo dục chặt chẽ của ba môi trường: nhà trường gia đình và xã hội. Thêm vào đó, xã hội ấy cũng phải có một nền tảng thiết chế tốt và đủ mạnh để mọi hoạt động của nó đi đúng kỉ cương pháp luật. Tôi ví dụ, tập tục đốt pháo trong ngày tết có từ lâu, nó đã ngấm vào máu thịt cha ông ta từ ngàn đời, thế mà nhà nước ban một lệnh "cấm" là cấm ngay được. Hay đội mũ bảo hiểm trong khi đi xe máy cũng vậy. Thế nhưng, bảo để quan chức có tiêu chuẩn đi xe ô tô, cấp xe ô tô, chuyển sang tự túc phương tiện, và số tiền ấy được trả vào lương thì họ bảo phải chờ có thời gian, có lộ trình mới rời cái sự ưu đãi ấy ra được. Có nghĩa là họ bảo họ đi ô tô đã quen rồi, nay phải từ từ mới có thể chuyển đổi. Thế sao họ không nghĩ, cũng như cái tập tục đốt pháo kia, hàng nghìn năm nay, họ đã quen đi lại bằng đôi chân, may mắn lắm cũng mới chỉ vài chục năm nay họ cưỡi xe đạp, thế mà chỉ sau đổi mới có một hai năm, họ đã quen ngay với cái việc vài bước chân cũng lên xe con, xuống xe con. Hưởng thụ thì nhanh chóng làm quen thế. Từ bỏ nó thì bảo phải từ từ, phải có lộ trình. Tất cả chẳng qua chỉ vì họ muốn kéo dài cái sự hưởng thụ được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Đấy đích thị là những cán bộ không tốt, đầy mình chủ nghĩa cá nhân, vụ lợi. Nếu chúng ta có một nền tảng pháp luật tốt, nghiêm minh và đủ mạnh thì tôi tin rằng việc trả vào tiền lương tiêu chuẩn đi ô tô của cán bộ cấp cao chẳng cần gì đến lộ trình này nọ cũng thực hiện được. Ai cũng phục. Cũng như vậy, người làm ra chính sách tăng lương phải nghĩ được rằng, khi về hưu do chức vụ ngành ngề, cấp bậc khác nhau nên lương từng người đã có sự chênh lệch khá xa nhau rồi. Ngừơi chỉ có bẩy tám trăm. Nhiều người chỉ có một triệu, hơn triệu. Cũng không ít người lương hưu ba bốn triệu. Vậy thì tăng lương để giảm bớt khó khăn cho đội ngũ này không thể tính theo phần trăm được, bởi vì vài phần trăm của người lương cao cũng gấp mấy lần lương chính của người lương thấp rồi. Tôi hỏi anh, chẳng lẽ đã về hưu rồi, không ai cống hiến gì cho nhà nước nữa mà bảo người có công nhiều người có công ít, tuổi tác, sức khỏe mọi thứ đều tương đương nhau, chả lẽ, người nhiều lương hưu ăn nhiều, tiêu nhiều hơn người ít lương hưu hay sao. Vậy số tiền trợ cấp lương mà ta vẫn gọi là tăng lương mỗi năm một lần giữa những người cùng hưởng lương hưu phải bằng nhau mới phải chứ. Chẳng qua, những người làm ra chính sách này cũng chỉ vì họ và vì lớp người như họ mà thôi! Họ vẫn ăn lương cao hơn rất nhiều những cỏn bộ bỡnh thường mà!
                 
                Lại một tợp rượu to nữa trôi qua họng, cái cục yết hầu ở cổ lại một phen đưa lên đưa xuống vất vả. Mặt anh ta tái dại đi, tã tượi không biết vì rượu hay vì bao nhiêu tâm sự giữ kín trong lòng mấy chục năm nay, đã được dịp xổ ra nên nó nhẹ xuống, xẹp đi như quả bóng xì hơi. Mắt anh ta vẫn bám lấy mọi chuyển động ngược của người và xe ở bên kia hồ. Lặng đi một phút, anh hỏi tôi, hỏi mà không cần câu trả lời:
                  - Bây giờ, chắc anh đã hiểu, người hèn như tôi, chí ít cũng có ích đấy chứ. Một là tôi đã làm cho mọi người ghét tôi, cũng chính là gét cái hèn kém ở trên đời nói chung. Tiếp theo là tỏ thái độ đấu tranh với nó để không còn ai hèn nhát nữa. Thứ hai, tôi đã góp phần nhanh chóng làm lộ diện bọn người tham nhũng trong cơ quan để tập thể đấu tranh, lên án, loại bỏ bọn người này trong danh sách những cán bộ viên chức, thực sự là công bộc của dân...Đã bao giờ anh thấy ban thanh ta, kiểm tra phát hiện ra những vụ tiêu cực của cơ quan mình chưa? Chưa! Chỉ có quần chúng, những người hùng và những người hèn và báo chí là phát hiện ra mà thôi. 
                 Theo ánh mắt anh ta, tôi cũng nhìn sang bờ hồ bên kia và nhận ra rằng, cái lí của anh ta có phần nào đúng. Rằng ai cũng biết, mọi việc trên đời này, cái gì cũng có hai mặt của nó, song đã mấy ai hiểu đến tận cùng và hành động đến tận cùng? 
                  Người hốn vẫn đăm đắm nhỡn sang phớa bờ hồ bờn kia, nơi mặt nước hồ in rất rừ hỡnh người và xe qua lại nhưng nhưng tất cả đều ở dạng lộn ngược!                                                               
                                                                
  Hà Nội, tháng 3 năm 2008
    Đoàn Nhất Trí