Trang chủ » Truyện

HAI TRUYỆN MINI CỦA VÕ TẤN

Truyện mini của Võ Tấn
Thứ hai ngày 3 tháng 8 năm 2009 3:06 PM

XIN… MƯỜI NGÀN!
 
Mỗi chiều tan lễ nhà thờ, có một bà lão ngoài 70 tuổi, khắc khổ mà ngoan đạo, ngoan đời còn quỳ ở hàng ghế đầu, chắp hai tay trước ngực cầu nguyện, phía cung thánh chúa Giê-su và các môn đệ của ngài tĩnh lặng uy nguy.
Đã mấy tuần rồi, Bà lão luôn ở lại cầu nguyện một mình, điều mà Bà lão thỉnh cầu và tin là có thật. Bà lão tin ở Đấng bề trên cứu rỗi, tin tuyệt đối và hy vọng sẽ có linh nghiệm.
Lúc bấy giờ, tình hình an ninh văn hoá vùng nông thôn phức tạp, bọn lợi dụng tôn giáo hay trà trộn vào Nhà thờ để xuyên tạc, nên “cán bộ bảo vệ văn hoá” thường có mặt thực thi nhiệm vụ. Nhìn thấy Bà lão nhiều lần ở lại một mình, cán bộ bảo vệ văn hoá thắc mắc: “Một bà già còn ở lại nơi đây cũng có thể là …?”.
Cán bộ bảo vệ văn hoá tiến gần xem động tĩnh và lắng nghe Bà lão cầu nguyện. Điều gì đến sẽ đến, có thể…???. Bà lão thản nhiên, nhắm mắt say sưa với lời nguyện cầu trước Chúa: “Cầu xin Chúa trời ban phước lành. Cả tháng ròng nhà con hết gạo, hết tiền vì mưa bão... Con chỉ xin… xin 10 ngàn, mười ngàn đồng thôi…để mua 10 kg gạo cho mấy đứa cháu qua cơn đói…Ba mẹ chúng nó đã ra đi không về nữa…” Dứt lời nguyện cầu, Bà lão mở mắt nhìn ngó chung quanh như sợ có người theo dõi và không quên làm dấu thánh!
Cán bộ bảo vệ văn hoá còn trẻ tuổi, nghe được lời cầu xin quá phi lý vì sự mê muội của Bà lão. Nghĩ bụng, mình làm văn hoá thời đại XHCN phải tin vào “chủ nghĩa duy vật”, tin vào khoa học, làm gì có chuyện thần thánh cho tiền. Anh ta móc ví. Anh ta cũng muốn giúp Bà lão bằng một tấm lòng nhân đạo “con người với con người” và cũng muốn chứng minh cho Bà lão thấy không có “thánh thần nào cho tiền trong lúc này!”. Nhưng ví tiền anh chỉ còn lại có bốn ngàn đồng. Lấy đâu cho đủ.? Thôi, của ít lòng nhiều. Anh ta đành gói vào một tờ giấy trắng và ghi lên đó “ Cán bộ nhà nước cho”. Xong, anh ta yên tâm vì mình vừa làm được một viêc tốt vẹn cả đôi bên.
Bà lão mê mải khấn cầu, bỗng nghe một tiếng “xoẹc”, bà mở mắt ra thấy có một xếp giấy nằm ngay trên bàn trước mặt. Bà lão hốt hoảng lập cập chắp tay, run run khấn “Con đội ơn Chúa linh thiêng…Con vô cùng ơn Chúa…!!!” .
Một khoảng thời gian đợi chờ khá lâu, Bà lão mới bình tĩnh trở lại cầm xếp giấy lên, Bà lão mở ra…và Bà lão cũng nhanh tay gấp lại đặt ngay ngắn ở chỗ cũ. Khấn. Bà lão khấn lớn tiếng hơn, có vẻ như người vừa bị mất một thứ gì đó quan trọng:
-Lạy Chúa! Con xin Chúa, ơn Chúa đã cho thì cho trực tiếp sao lại cho qua trung gian “cán bộ nhà nước”. Con bị mất hết sáu ngàn...
*
Hôm ấy không biết Bà lão có nhận số tiền đó hay bỏ lại chỗ nó rơi thì không ai biết. Bà lão giờ chắc đã “lên thiên đàng”.
 1986 -VT


CHƯA ĐỦ “I-ỐT”
 
Đoàn xe con đủ loại đắc tiền, có chiếc bạc tỷ tỷ, đen, xanh, đỏ loét…hùng hồn đưa một vị lãnh đạo Trung ương nữa về tỉnh N làm việc. Vì tỉnh N dân thì nghèo thường bị thiên tai đe doạ, lãnh đạo đia phương không đủ tài cán vực dậy nền kinh tế nên phải cầu cứu Trung ương.
Và lần nào cũng vậy, hễ nghe còi hụ, thấy đoàn xe con vài chục chiếc, lao đi vùn vụt từ thành phố về các huyện, bà con phấn chấn đón mừng, hy vọng sẽ có tin vui.
*
Mấy năm trước, người nông dân bị thiên tai hạn hán, thiếu gạo ăn. Đội ngũ lãnh đạo địa phương tỉnh N không hiểu có “mê tín” hay không?. Vì “người cầm chịch” lúng túng chưa biết phải làm gì để khắc phục nên đề nghị “rước” một vị lãnh đạo cấp cao “thật giàu” từ Trung ương về tỉnh N, hy vọng có thể “thơm lây sự giàu có” với cái tên vị lãnh đạo này.
Khi về tỉnh N, vốn dĩ một nhà kinh tế, xuất thân từ chỗ “tiền bạc”, vị lãnh đạo này không quản ngại, ngày đêm nghiên cứu tìm mọi cách tiếp cận với dân chúng. Để lấy uy, ông ta thường tổ chức các Đoàn về tận cơ sở để làm từ thiện, ông đến tận nơi có gần 1.000 hộ dân đang cần được phát gạo cứu đói do hạn hán.
 Bà con vui lắm. Cứu trợ gạo lúc này như cơn mưa đem nước cho cánh đồng khô khát... Tiếc thay, người dân được phát toàn thứ gạo mục ruỗng, mốc meo, đỏ quạch không thể nào ăn được! Cái sự đời chết tiệc, những “kẻ bất nhân” đem gạo mốc “cho chó ăn còn chê” bắt con người ăn. Vị lãnh đạo đau lòng, chia sẻ cùng người dân, xin lỗi bà con và cũng tự nguyện xin đi về lại Trung ương không mặn mà với các môn đệ ở tỉnh N nữa. Đau đầu !...
*
Lần này đoàn xe bạc tỷ tỷ ấy lại  “hùng dũng” đón một vị lãnh đạo mới, cũng từ Trung ương về tỉnh N với quyết tâm cứu diêm dân làng biển bị mưa bão mất mùa muối.
Đến nơi, ông ta tận mắt thấy trên ruộng muối của diêm dân, thân phận con người diêm dân quá cơ cực, họ gom từng mủng(*) gồng trên vai những quang gánh muối trắng tinh, đi chân trần bước lên “đồi muối” cao ngất, đổ vào xe tải bán cho thương lái.
Vào giờ cơm trưa, nơi một trại nghỉ của diêm dân được che tạm bằng những tấm bạt nhựa rách nát, ông ta chạnh lòng trước bữa cơm đạm bạc, hỏi một diêm dân:
-Muối bà con làm đã mất mùa sao lại bán rẻ đi. Bà con mình không ăn muối này sao?
-Thưa. Chúng tôi phải ăn muối i-ốt?
-Thế hả? Ăn có đủ không?
-Chắc là thiếu. Vì người dân phải đi mua lại. Muối chúng tôi làm họ bảo thiếu hàm lượng i-ốt.(?)
Vị lãnh đạo này phán đoán ngay. Lâu nay bà con diêm dân phải chịu cực khổ và không thể thoát nghèo được là do các nhà…sản xuất làm ăn dối trá…và rất nhiều nguyên nhân, khách quan, chủ quan…
Nhưng một diêm dân khác lại trình bày:
-Dạ…Thưa. Nguyên nhân đơn giản là vì chúng ta chưa có phương pháp nạp đủ chất i-ốt chống đần độn để thông minh ạ (!)
*
Đoàn xe đưa vị lãnh đạo này cùng các quan chức tỳ tùng tức tốc quay ngay về lại Hội trường tỉnh. Họp gấp gấp./.
 2009 - VT